Tường thuật về khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.
Với phiên họp chung sáng thứ Hai 07.12.98, Khóa họp của Thượng Hội Ðồng về Châu Ðại Dương bước vào giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn kết thúc. Trong phiên họp chung này các Nghị Phụ nghe trình bày 48 đề nghị đã được thống nhất. Việc đi đến thống nhất các đề nghị do các Nghị Phụ nêu lên trong các cuộc thảo luận của sáu nhóm là công việc khá vất vả. Cũng trong phiên họp chung sáng thứ Hai vừa qua 7.12.98, các Nghị phụ nghe trình bày bản thảo thứ nhất của sứ điệp. Bản thảo này cần sửa chữa, được bỏ phiếu chấp thuận và sẽ được công bố vào ngày sau cùng của Khóa Họp, tức thứ Sáu 11.12.98. Sáng thứ Bẩy (12.12.98) các Nghị Phụ sẽ dâng thánh lễ đồng tế với ÐTC trong Ðền Thờ Thánh Phêrô để bế mạc Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.
Như chúng tôi đã có dịp nói đến trong bài trước đây, vấn đề được thảo luận sôi nổi hơn cả trong Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng về Châu Ðại Dương cũng như Khóa trước đây về Châu Á, tức là vấn đề hội nhập văn hóa: làm thế nào để Tin Mừng hội nhập vào đời sống người dân tại Châu Ðại Dương. Làm thế nào để giúp các dân tộc địa phương, với các nền văn hóa rất khác nhau, có thể chấp nhận Tin Mừng, để Tin Mừng trở nên như men trong bột, biến đổi đời sống con người về "ethos " (phong tục, tập tục) và biến đổi cái nhìn sai lầm về chân lý tự nhiên và mạc khải? về cuộc sống và cùng đích của con người? Tại Châu Á, vấn đề hội nhập văn hóa rất phức tạp vì có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc rất khác nhau: từ Trung Ðông, sang Trung Á đến Ðông Nam Á - Ngoài những khác nhau về chủng tộc và địa dư, còn có những khác biệt về tôn giáo: các tôn giáo lớn ăn rễ sâu từ nhiều thế kỷ nơi các dân tộc miền này: Do Thái Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo... Kitô Giáo phát xuất từ Châu Á, nhưng vẫn bị nhiều dân tộc của lục địa này coi là tôn giáo "ngoại quốc". Rồi đến những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ , về phong tục... Tại Châu Ðại Dương, vấn đề các tôn giáo lớn như tại Châu Á không có, nhưng các tôn giáo địa phương cũng rất nhiều. Các vấn đề khác về địa dư, về văn hóa, về ngôn ngữ, về phong tục cũng rắc rối như tại Châu Á. Vấn đề hội nhập văn hóa không thể áp dụng một tiêu chuẩn chung được. Australia và New Zealand là những quốc gia hoàn toàn theo nền văn hóa Tây Phương. Dân tộc thổ cư tại đây hầu như bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. Tại các đảo lớn của Thái Bình Dương và Châu Ðại Dương, như Polinesia, Melanesia và Macronesia..., đại đa số là dân thổ cư, nhưng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Tây Phương. Như vậy có thể nói tại miền Châu Ðại Dương có nhiều tiến trình về hội nhập văn hóa cho các dân tộc và các lịch sử khác nhau. Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục của Châu Ðại Dương và Thái Bình Dương cần thành lập một ủy ban các nhà chuyên môn để nghiên cứu thêm những sự tốt lành khác nhau của các nền văn hóa liên quan đến đức tin, để bảo tồn được sự hiệp nhất về đức tin trong tính cách đa hình thức của các Giáo Hội địa phương. Tôi tin Giáo Hội Công Giáo (có tính cách hoàn cầu), nhưng tôi tin một Giáo Hội duy nhất (Giáo Hội của Chúa luôn luôn là một, dưới quyền hướng dẫn của Ðấng Kế Vị Phêrô); Tôi tin Giáo Hội thánh thiện (vì do Thiên Chúa mà ra, tuy Giáo Hội gồm các phần tử tội lỗi) - Tôi tin Giáo Hội Tông truyền, (Giáo Hội do các Tông Ðồ đã lãnh nhận bởi Chúa Giêsu, Ðấng sáng lập Giáo Hội và do các ngài truyền lại, có phẩm trật và có sự kế tiếp tông đồ (successio apostolica). Bất cứ việc hội nhập văn hóa nào phải giữ được bốn đặc tính bất di dịch này của Giáo Hội. Một thí dụ cụ thể: Các Giáo Hội thuộc lễ nghi Ðông Phương Công Giáo, dù theo các lễ nghi khác nhau, nhưng vẫn giữ được sự hiệp nhất với Giáo Hội Roma, dưới quyền hướng dẫn của Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô.
Sau ngày nghỉ hôm thứ Ba, mùng 8 tháng 12, Lễ Ðức Mẹ vô nhiễm, các nghị phụ trở lại họp nhóm cả ngày thứ Tư 9/12/98. Từ thứ Năm 10/12/98 và thứ Sáu 11/12/98, các nghị phụ họp chung để kết thúc công việc làm trong ba tuần lễ. Trước hết, duyệt lại các đề nghị, tất cả là 48 đề nghị đã được thống nhất, như bản tổng hợp về tất cả những gì đã thảo luận. ÐTC sẽ căn cứ vào các đề nghị để soạn thảo Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng - Sau đó, chấp thuận Sứ Ðiệp để gửi cho Dân Chúa tại Châu Ðại Dương, nhưng cũng cho toàn Giáo Hội nữa. Sau cùng các Nghị Phụ bầu Hội Ðồng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, như vẫn thường làm sau các Khóa Họp. Hội Ðồng này có nhiệm vụ cùng với Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng soạn thảo văn kiện sau Khóa Họp về Châu Ðại Dương.
Trong phiên họp chung sáng thứ Năm 10.12.98, các Nghị phụ đã chấp thuận dứt khoát bằng việc giơ tay chấp nhận Sứ diệp gửi cho Dân Chúa. Sứ điệp này sẽ được công bố sáng thứ Sáu lúc 12:45, trong một cuộc họp báo sau cùng, về công việc của Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.
Cũng trong phiên họp chung sáng thứ Năm 10/12/98, các Nghị Phụ bỏ phiếu bầu Hội Ðồng hậu Thượng Hội Ðồng. Sáng thứ Sáu 11/12/98, các ngài sẽ bỏ phiều lần thứ hai bầu Hội Ðồng. Hội Ðồng này gồm 10 Nghị Phụ, trong số có 8 vị do các Nghị Phụ bỏ phiếu bầu - 2 vị do ÐTC bổ nhiệm. Cũng trong phiên họp chung sáng thứ Năm 10/12/98, Ðức Hồng Y Jan Schotte loan báo: Theo những cuộc tham dò ý kiến giữa các Nghị Phụ về lựa chọn thành phố nào để ÐTC viếng thăm và công bố Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng, các thành phố sau đây nhận được nhiều phiếu hơn cả: Nouméa (Nouvelle Calédonie) - Sidney và Brisbane (Australia) - Suva (trong quần đảo Fiji). Vào cuối phiên hội chung, mỗi Nghị Phụ nhận được một món quà của ÐTC: đó là chiếc nhẫn Giám Mục bằng bạc, tác phẩm của nghệ sĩ Mandrini. Các vị tham dự khác thì nhận một ảnh kỷ niệm năm thứ 20 của Triều Giáo Hoàng. Ngày thứ Sáu 11/12/98, ngày cuối cùng, các nghị phụ họp chung để bỏ phiếu dứt khoát các đề nghị được đệ lên ÐTC.