Miền Nam Việt Nam chính thức bước vào chế độ Cộng Sản ngày 30-04-1975. Cũng chính ngày 30-04-1975 đó, tôi được thụ phong giám mục để cộng tác vào việc phụ trách giáo phận Long Xuyên.
Thế là tôi được sai vào một thời điểm và một địa điểm có những nét đặc biệt. Thời điểm là những tháng năm khẳng định sức mạnh chiến thắng của Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Ðịa điểm là một địa phương mà đa số dân là những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo trung kiên. Những hoàn cảnh như thế có những thách đố nhất định cho việc tồn tại và phát triển Tin Mừng.
Tuy nhiên, sau 23 năm, thực tế cho thấy Tin Mừng không những đã tồn tại rất vững, mà còn đã phát triển một cách lạ lùng. Chỉ xin nêu lên đây vài minh chứng cụ thể:
1. Thêm 16 giáo điểm
mới
2. Thêm 98 linh mục mới.
3. Thêm nhiều tân tòng.
4. Thêm nhiều người, nhiều nhóm
dấn thân làm các việc từ
thiện xã hội.
5. Thêm nhiều người, nhiều nhóm
cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa.
6. Tỷ số người đi lễ Chúa
Nhật là rất cao, khoảng 95% ở
vùng quê, và 85% ở thành thị.
7. Bầu khí giữa Công Giáo và
các tôn giáo bạn cũng như với
Cách Mạng nay được thông cảm
hài hòa.
8. Tinh thần hiệp thông trong giáo phận
được nảy nở dưới
nhiều hình thức.
Nếu tìm hiểu nguyên nhân của sự phát triển Tin Mừng, thì tôi xin khẳng định: tác nhân chính là Ðức Kitô. Tôi cảm nghiệm điều đó từ thâm tâm. Tôi nhận thấy sự thực đó như một sự hiển nhiên. Không do lý luận, nhưng do kinh nghiệm. Chính Ðức Kitô qua Thánh Linh của Ngài đã là nguồn mạch của sự phát triển Tin Mừng. Các cộng đoàn đức tin và các vị chủ chăn chúng tôi chỉ là những dụng cụ cộng tác. Nếu cần xác định những cách chúng tôi cộng tác với Ðức Kitô, thì xin nêu lên mấy việc chính yếu sau đây:
1. Khiêm hạ nhận thức nhân loại, Hội Thánh cần được cứu độ, nhất là chính bản thân mình khao khát được cứu độ hơn ai hết. Ðấng Cứu Ðộ duy nhất là Ðức Kitô. Tập trung vào Ðức Kitô. Ðấng Cứu Ðộ là điểm được thực hiện trong kiến trúc nhà thờ, trong nghi thức phụng vụ, trong giáo lý, trong giảng giải.
2. Ðơn sơ góp phần vào chương trình cứu độ của Ðức Kitô bằng tình yêu. Một tình yêu hết sức chân thành vừa là cho đi, vừa là lãnh nhận từ Chúa Thánh Linh. Riêng tôi, tôi chọn khẩu hiệu cho đời giám mục của tôi là: "Mandatum novum".
Tình yêu góp phần như thế được đốt nóng bằng cầu nguyện chiêm niệm, được thanh luyện bằng tu đức khắc kỷ, được phiên dịch ra bằng những giá trị nhân bản. Tình yêu này không phải chỉ là sự gắn bó với học thuyết Phúc Âm, mà chủ yếu là kết hợp với Ðức Kitô. Trong mọi trường hợp, tình yêu cộng tác này luôn tìm ý Chúa, tỉnh thức phân định, sẵn sàng thực thi ý Chúa trong việc cụ thể hóa yêu thương và phục vụ. "Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha". (Lc. 22,42).
3. Chân thành mến yêu những thánh giá vốn thường đi theo tình yêu cứu độ. Chấp nhận vác thánh giá và sự khôn ngoan của thánh giá, nhất là trong sự từ bỏ mình khi yêu thương và phục vụ, đó là ơn gọi hằng ngày.
Ba việc cộng tác trên đây đã giúp chúng tôi đón nhận cho mình ơn cứu độ, và chia sẻ ơn ấy cho những người Chúa muốn. Ơn cứu độ được cảm nghiệm như đã vững tin vào Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót, gây nên thao thức thường xuyên để về với Ðức Kitô, để đổi mới chính mình và cùng với Ðức Kitô ra đi yêu thương và phục vụ những người khác, theo ý Chúa Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Kinh nghiệm cho thấy, những việc cộng tác trên đây với ơn Chúa Cứu Ðộ cũng đã dọn đường để Tin Mừng đi vào nhiều lãnh vực như:
a) Ðối thoại với các tôn giáo tại địa phương. Bổi vì các tôn giáo này đều nhấn mạnh đến sự cứu độ, lòng nhân ái, việc tu thân khắc kỷ, việc cầu nguyện và công tác từ thiện. Khi Công Giáo cũng nhấn mạnh đến những điểm đó trong lý thuyết và trong thực hành, thì hai bên sẽ dễ gần lại nhau, dễ thông cảm với nhau.
b) Hội nhập vào nền văn hóa dân tộc. Bởi vì nền văn hóa dân tộc là một nền văn hóa tâm linh, chú trọng nhiều đến nhân ái và xây dựng các dây liên đới. Khi Công Giáo đề cao tâm linh, bác ái và phát triển tình liên đới, thì Công Giáo sẽ không xa lạ gì với văn hóa dân tộc, hơn nữa sẽ có thể tăng thêm những giá trị mới.
c) Ðồng hành với các người không tin trên bình diện những giá trị nhân bản. Những giá trị nhân bản là rất dễ nhận thấy, như tình người, tính lương thiện, sự chân thành, tinh thần trách nhiệm. Khi người Công Giáo và người không tín ngưỡng cùng dựa trên những tiêu chuẩn đó, để đồng hành trong cuộc sống, thì sẽ thấy có nhiều lãnh vực có thể cộng tác với nhau.
Qua kinh nghiệm, tôi xác tín rằng: Dù trong những hoàn cảnh rất khó khăn, người của Hội Thánh vẫn có thể cộng tác với Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ.
Bằng sự lựa chọn đức ái vào vị trí ưu tiên, cùng với thánh giá đi kèm, nhất là bằng sự kết hợp với chính Ðức Kitô. Bất cứ người môn đệ nào của Ðức Kitô, dù yếu đuối và bất toàn, đều có thể công bố Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng, không cách này thì cách khác. Những cách bé nhỏ, khiêm nhường thường thích hợp cho tình thế chúng tôi. Ðiều quan trọng là phải có lửa mến trong lòng và tỉnh thức. Tôi thấy Chúa đang đến với những sáng tạo mới mẻ bất ngờ, như những phục sinh mới và như những lễ Ngũ Tuần mới.
Qua kinh nghiệm, tôi cũng xác tín rằng: Sự cộng tác như thế của các môn đệ Chúa bao giờ cũng hữu hiệu, khi các môn đệ Chúa thực hành nhiệm vụ cộng tác nhân danh kẻ được Hội Thánh sai đi chỉ nhắm vào Nước Trời. Kết quả có thể là một mùa lúa chín, và cũng có thể là những hạt lúa bé nhỏ được gieo vào lòng người. Dù kết quả mặc hình thức nào, sự cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ bằng yêu thương và phục vụ đã thực sự đem lại cho tôi và cho những người của tôi một sự sống mới, và sự sống ấy là rất dồi dào.
Qua kinh nghiệm, tôi cũng xác tín rằng: Ðể việc cộng tác với Ðức Kitô cứu độ được chuẩn bị tốt, các môn đệ Ðức Kitô cần quan tâm nhiều đến một nền tu đức chiêm niệm, khắc kỷ, khiêm nhường và bác ái, tập trung vào gương sáng và Lời Ðức Kitô, nhất là phải có một sự tỉnh thức tìm tòi và biết đón nhận những cái mới mẻ của Tin Mừng, mà Chúa Thánh Thần đang giới thiệu qua lịch sử Hội Thánh và các dấu chỉ của thời đại. Trong những mới mẻ đó có việc sửa lại một cách khiêm nhường những lỗi lầm của chúng ta trong lãnh vực truyền giáo và trong bổn phận liên đới của chúng ta đối với những người nghèo.
Phải chăng những chứng từ trên đây của tôi không những đã nói lên những gì rất riêng của địa phận tôi, mà còn có thể cũng đã phản ánh một số đặc điểm chung của Hội Thánh tại Việt Nam và tại Á Châu.
Với những chứng từ này, tôi cho là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển Tin Mừng chính là sự gặp gỡ Ðức Kitô. Phải là một sự gặp gỡ sống động, bản thân và đón nhận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
DEO GRATIAS
G.B. Bùi Tuần
Giám Mục
Giáo phận Long Xuyên
Việt Nam