Những thách đố của
THÐGM thế giới về Á châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Hồng Y Paul Poupard nói về những thách đố của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Á châu trên phương diện văn hóa.

Vatican - 16.04.98 - Á châu là lục địa đông dân cư hơn cả, nhưng cũng là lục địa có con số công giáo thấp hơn cả: khoảng 2,6%. Ðây là một thách đố thứ nhất. Thách đố thứ hai là một tương phản vô cùng lớn lao, bởi vì Giáo hội công giáo tại Á châu đau khổ nhiều vì bị coi là ngoại quốc, trong khi đó thì chúng ta lại nhớ rằng: Chúa Giesu Kitô sinh ra tại Palestina thuộc Á châu. Giáo hội phải đưa Chúa Kitô trở về Quê hương của mình, tức Á châu, nơi Người sinh ra. Thách đố thứ ba liên kết với thách đố thứ hai là sự cần thiết phải hội nhập Tin Mừng vào đời sống Á châu.

Về những thách đố trên đây, Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội dồng Tòa Thánh phụ trách Văn hóa, tuyên bố trên Ðài Phát Thanh Vatican như sau: "Trong nhiều hội nghị khác nhau tại Bangalore, Hông kông, Tokyo, Manila... tôi đã công nhận rằng nhiều việc đã thực hiện, nhưng chúng ta phải luôn luôn minh chứng về Chúa Kitô, nguồn mạch của đời sống mới, qua trung gian các Ðại Học công giáo, các Học viện công giáo mà chúng ta hiện có tại Ấn độ, và qua trung gian các bệnh viện, các nhà thương tư, các nhà dưỡng lão, các viện mồ côi". Ðức Hồng Y nói tiếp: "Về những gì liên hệ đến các trung tâm văn hóa công giáo, sáng nay, thứ Năm 16.04.98, trong buổi tiếp kiến một vị Ðại sứ của Á châu, tôi đã có trong tay danh sách các trung tâm văn hóa tại Lục địa này; một danh sách dài 10 trang. Ðiều này có nghĩa là Giáo hội có rất nhiều khả năng cần được cổ võ từ Thái Lan, Trung Quốc đến Nhật Bản".

Về một thách đố có lẽ lớn hơn cả, Ðức Hồng Y Poupard nói : "Tôi nghĩ Thượng Hội Ðồng này sẽ là cơ hội Chúa Quan Phòng ban cho để khám phá ra điều này là chúng ta phải luôn luôn trở về nguồn, về cầu nguyện và về phụng vụ: đây là các nguồn mạch của văn hóa. Nền văn hóa Kitô phát sinh bởi việc suy tư và việc nội tâm hóa sứ điệp Phúc âm và tôi có thể nói: đây là điều thiết yếu. Chúng ta phải trở về nguồn và phải nhìn ngắm xem Chúa Kitô, Ðấng sinh ra tại Á châu. Biết bao sự phong phú về văn hóa đang chờ đợi Chúa Kitô; tôi không chỉ nói đến những nền văn hóa từ ngàn năm, với những diễn tả của các nền văn hóa này về hội họa, về điêu khắc, về ca vũ v.v.., nhưng về cái là tâm hồn của người dân, các giá trị về con người và về thiêng liêng, về ý nghĩa của sự sống trong gia đình, việc tôn trọng sự sống, tinh thần hiếu khách, ưa chuộng lớn lao về hòa bình, về khoan dung và về bất bạo động".

ÐHY kết thúc như sau: Cổ võ nền văn minh tình yêu là một cuộc cách mạng lớn lao mà Chúa Kitô đã đem đến, không phải cuộc cách mạng ý thức hệ, nhưng là một cuộc cách mạng có tính cách nhân đạo sâu xa, bởi vì chạm thẳng vào đời sống của người dân. Chúa Kitô đã đến để đem sự sống cho mỗi một con người nam, người nữ của Á châu, cũng như của cả thế giới, trước thềm của Ngàn Năm Thứ Ba; vì thế, nói tóm lại, đây là một thách đố lớn hơn cả của Thượng Hội Ðồng riêng về Á châu, sắp được khai mạc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page