Phiên họp khoáng đại thứ 9
Chiều thứ Sáu 24/04/98
sự hiệp thông giáo hội,
những nghi lễ khác nhau ở Trung Ðông;
việc tôn kính tổ tiên

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Phiên họp khoáng đại thứ 9 vào chiều thứ Sáu 24/04/98: sự hiệp thông giáo hội, nhất là giữa các cộng đồng công giáo thuộc những nghi lễ khác nhau ở Trung Ðông; việc tôn kính tổ tiên.

Trong phiên họp khoáng đại vào chiều thứ Sáu 24/04/98, có 14 nghị phụ lên tiếng phát biểu ý kiến.

Trước sự hiện diện của ÐTC, các nghị phụ đã đặt câu hỏi này: Tại Á Châu có sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương với nhau và với Giáo hội hoàn vũ hay không?

Sự hiệp thông giữa các người công giáo, nhất là giữa những người công giáo thuộc về các nghi thức khác nhau tại miền Trung Ðông, là một thách đố lớn trước mắt. Các người công giáo hãy trở nên như men trong bột, vừa nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong đặc tính phổ quát của nó, nghĩa là những người công giáo hiệp nhất với nhau một cách cụ thể "trong Một Giáo Hội Phổ Quát", chớ không phải là trong "những giáo hội nhỏ được đặt nằm bên cạnh nhau". Nói cách khác, những người công giáo, dù thuộc về những nghi lễ đông phương khác nhau, nhưng vẫn là Một Giáo Hội Công Giáo Phổ Quát của Chúa, chớ không phải là những giáo hội song song bên cạnh nhau.

Hơn nữa, việc hiệp nhất không chỉ liên hệ đến các Giáo Hội Công Giáo của Miền Trung Ðông Á Châu mà thôi, nhưng còn cả với các Giáo Hội Kitô khác nữa. Vì thế, cần cổ võ một phong trào đại kết, để đồng hành với các giáo hội chính thống anh em, trong sự phối hiệp với Tòa Thánh và với các giáo hội công giáo Á Châu. Ngàn Năm Mới tại Á Châu phải làm mọi cố gắng có thể tiến đến hiệp nhất, vừa tránh lặp lại những thất bại do sự không quan tâm, do ù lì hoặc tự mãn, và vừa mời gọi các anh em của các Giáo hội Kitô khác cùng nhau tìm những cơ hội để tổ chức các cơ cấu mới và các hội đoàn đại kết mới, nhằm cổ võ nhiều hơn nữa việc hiệp nhất mà mọi người ước mong. Sự hiệp nhất cũng cần được tìm kiếm cả trong việc đối thoại với các tôn giáo khác không phải là Kitô giáo.

Giáo hội công giáo tại Trung Ðông xin các nghị phụ chỉ vẽ một con đường xứng hợp hơn cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho anh chị em Hồi Giáo. Các ngài nhận định rằng: việc rao giảng Tin Mừng cho các anh chị em Hồi Giáo là một bổn phận rất khó khăn, bởi vì Hồi Giáo không đòi hỏi như đạo công giáo; Ðối với các người Hồi Giáo, đạo công giáo xem ra cứng rắn và nặng nề. Trong trường hợp này, việc hiệp nhất, ngoài việc đối thoại, cũng còn là một vấn đề giáo lý và vấn đề hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa nữa.

Hội nhập Phúc Âm vào các nền văn hóa tại Á Châu đòi một sự phân biệt tế nhị, nhiều khi cả trong mối quan hệ theo kiểu mẫu Tây Phương được áp dụng trong đời sống Kitô. Chính vì điểm này, mà tại một số quốc gia Á Châu, đạo công giáo bị coi là tôn giáo ngoại quốc, nghĩa là không có khả năng hội nhập một số yếu tố văn hóa thuộc truyền thống của các dân tộc Ðông Phương.

Một thí dụ có giá trị được một nghị phụ đề xướng và tượng trưng cho vấn đề nêu trên, và là một vấn đề mục vụ nghiêm trọng cho việc rao giảng Tin Mừng tại Lục Ðịa Á Châu: đó là vấn đề liên quan đến việc tôn kính tổ tiên tại Việt Nam. Dù là một thiểu số, nhưng sự hiện diện của người công giáo tại Việt Nam rất quan trọng trong việc thăng tiến con người. Nhưng chính vì tính cách thiểu số này, mà người ta cần phải có can đảm để đề nghị và củng cố tại Á Châu một "Giáo Hội như một Gia Ðình" dấn thân rao giảng Tin Mừng, mà đặc điểm là tình yêu thương, chớ không phải là một tính toán hoặc trục lợi. Và tiểu chuẩn duy nhất để đo lường việc rao giảng này là chính tình yêu đối với Chúa Kitô và tính cách nhưng không của các ơn Chúa ban.


Back to Radio Veritas Asia Home Page