Tường Thuật Tiếp về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Phiên họp khoáng đại lần thứ 8 vào sáng thứ Sáu 24/04/98: các nghị phụ phát biểu ý kiến nhắc đến vấn đề mà Giáo Hội Công Giáo gặp phải tại Trung Ðông, và tại Trung Quốc.
Phiên họp chung lần thứ 8 vào sáng thứ Sáu 24/04/98, được bắt đầu bằng lời khôi hài vắn tắt của ÐTC, nhưng làm các Nghị phụ giải trí nhiều, vì ÐTC đã đến trễ, sau giờ giờ họp ít phút. ÐTC nói tiếng Anh, pha tiếng Ý như sau: "Yesterday in anticipo; today in ritarđo: Hôm qua đến sớm, hôm nay đến trễ". Các nghị phụ đã cười vui vẻ với câu nói khôi hài nầy.
Rồi trong phiên họp, vài nghị phụ còn trở lại vấn đề Trung Quốc một lần nữa. Các ngài nhận định rằng Giáo Hội tại Trung Quốc trung thành với quyền bính của ÐTC, và hiện nay vẫn còn bị bách hại bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh. Các ngài xin cả các nghị phụ hãy đưa ra những sáng kiến giúp cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Ðức Cha phụ tá giáo phận Hồng Kông, Ðức Cha John Tong HON đã phát biểu ý kiến nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự hòa giải giữa những nguời công giáo tại Trung Quốc. Theo Ðức Cha, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc rất sống động. Vào năm 1949, Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc chỉ có khoảng 3 triệu người, nhưng nay thì đã tăng lên đến 10 triệu, sau 30 năm bị bách hại.
Cũng trong phiên họp khoáng đại lần thứ 8 vào sáng thứ Sáu 24/04/98, đã có ba vị trong số sáu vị đại diện các Giáo Hội Kitô anh em, được mời phát biểu ý kiến. Và các vị nghị phụ đến từ các giáo phận ở Trung Ðông, một miền có nhiều vấn đề gây nên do Hồi Giáo chiếm đại đa số trong vùng. Các vị nghị phụ miền Trung Ðông đã đặt câu hỏi như sau: "Liệu sẽ còn có các tín hữu Kitô tại Trung Ðông trong Ngàn Năm thứ ba nữa không?" Ðây là câu hỏi rất quan trọng, một câu hỏi gây nên nhiều lo lắng cụ thể, vì các tín hữu Kitô di cư ra nước ngoài. Các nghị phụ và các đại diện của miền Trung Ðông còn quả quyết như sau: Chúng tôi đã trải qua những thử thách tệ hại nhất . Việc Các cộng đoàn Giáo hội tại đây sống sót dưới sự thống trị của Hồi Giáo cho tới lúc này, là như một phép lạ. Giáo Hội có thể mọc lên và sinh hoa trái như hạt giống được gieo trong lòng đất, nhưng để làm cho nó sinh hoa trái phong phú cần phải tiếp tục sứ vụ đối thoại với thế giới Hồi Giáo. Ðiều này có nghĩa trước hết là cần hội nhập văn hóa; nhưng hội nhập văn hóa không có nghĩa là đồng ý theo Thuyết Tương Ðối hay sự hòa đồng các tôn giáo. Kitô giáo không lẫn lộn với các tôn giáo và các nền văn hóa khác được. Kitô giáo tôn trọng , thích nghi tiếng nói của mình với các môi trường mà trong đó Kitô giáo hoạt động, nhưng Kitô giáo gìn giữ toàn vẹn sự thật, đức tin riêng của mình với niềm hy vọng không thể lay chuyển được, là ngày nào đó, tất cả các tôn giáo đạt tới sự sung mãn của chân lý do Chúa Kitô mạc khải.
Trong số các nghị phụ lên phát biểu, cũng còn có những nghị phụ trở lại đề tài rao giảng Tin Mừng. Theo các ngài, việc rao giảng Tin Mừng để thành công, thì phải được thực hiện "theo kiểu Á Châu". Một nghị phụ đã nói như sau: "Trong lục địa chúng tôi người dân tin vào cái họ thấy, trước khi nghe giảng về những gì phải tin. Họ đánh giá con người và mối giao hảo giữa người với người, nhất là khi được biểu lộ việc tôn trọng, sự lo lắng và cảm thông". Ðiều này có nghĩa là dấn thân rao giảng Tin Mừng không được bắt đầu bằng một cái gì thuộc Giáo hội cơ cấu, nhiều lúc bị hiểu lầm, nhưng từ "việc đối thoại đời sống"; việc đối thoại đời sống này thông truyền Chúa Kitô trong sự tôn trọng và trong sự hiểu biết nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa.
Ðể kết thúc bài tường thuật nầy, chúng tôi xin nhắc lại lời Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, tuyên bố trên Ðài Phát Thanh Vatican, hôm qua thứ Sáu 24/04/98 như sau:
"Khi Tin Mừng đi vào tâm hồn con người, thì cùng một lúc đó, Tin Mừng cũng đi vào tâm hồn các nền văn hóa và các tôn giáo, bởi vì con người luôn luôn ở trung tâm của các nền văn hóa; và trong trung tâm của các nền văn hóa có hạt nhân tôn giáo. Ðiều này đưa Giáo hội đến việc phát triển càng ngày càng nhiều việc đối thoại giữa con người với nhau, ngoài việc đối thoại liên tôn và việc đối thoại văn hóa: hai việc đối thoại này có giá trị của chúng, nhưng chúng phải gặp được thực sự điểm thiết yếu của chúng trong việc đối thoại giữa con người với nhau; cái thiết yếu này luôn luôn là sự tham dự và sự minh chứng về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Con Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Lúc đó sẽ có lễ Hiện Xuống mới dưới sức thổi của Chúa Thánh Thần; như vậy mỗi dân tộc có thể diễn tả các sự kỳ diệu của Thiên Chúa trong văn hóa, trong phụng vụ và trong tôn giáo bình dân, trong nghệ thuật và thơ phú, trong văn chương và triết học, thần học, ca nhạc của mình. Và như vậy chúng ta có thể kết luận với của ÐTC rằng: Chúa Kitô sinh ra tại Á Châu, sau khi được nhập thể vào nền văn hóa Âu Châu, rồi Mỹ Châu, Phi Châu, nay Chúa Giêsu trở về nhà mình là Á Châu. Tại Á Châu giờ đây, lịch sử cứu rỗi mở ra giai đoạn mới. Ðó là Tin Vui Mừng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu cho Ngàn Năm Thứ Ba của Kỷ nguyên cứu chuộc.