Phiên họp khoáng đại thứ 7
Chiều thứ Năm 23/04/98
Kinh nghiệm của giáo dân Kitô tại Á Châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường Thuật Tiếp về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Phiên họp Khoáng Ðại lần thứ 7 chiều thứ Năm 23/04/98: Các giáo dân dự thính viên đã được mời gọi phát biểu ý kiến.

Trong phiên họp khoáng đại lần thứ 7 vào chiều thứ Năm 23/04/98, các vị dự thính viên nam nữ, phần lớn là giáo dân, bắt đầu được mời lên phát biểu ý kiến. Cách chung, các bài phát biểu nói lên chứng tá và những kinh nghiệm của đời sống đức tin trong Giáo hội. Có ý kiến xin "tăng cường và đánh giá vai trò tích cực của hàng giáo dân trong các môi trường của việc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu". Ðã có 12 trong số 40 dự thính viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã trình bày những kinh nghiệm trong các lãnh vực chuyên môn của mình. Giáo hội tương lai tại Á Châu tùy thuộc vào khả năng dấn thân của người giáo dân và của các nam nữ tu sĩ. Luồng gió của Chúa Thánh Thần thổi mạnh trong Thượng Hội Ðồng này, và mời gọi các tín hữu Kitô tại Á Châu vượt qua khỏi kiểu mẫu một Giáo Hội quá nặng về tính cách giáo sĩ, để đi đến một giáo hội có sự dấn thân nhiều hơn của người giáo dân; những anh chị em giáo dân cần được huấn luyện và hướng dẫn, trong công việc rao giảng Tin Mừng và trong việc bảo tồn các giá trị cao quí thiêng liêng và để trở nên men trong các lãnh vực hoạt động xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật...

Trong môi trường giáo dân, người ta cần khám phá sự quan trọng của người phụ nữ. Tại các nước Á Châu, số phụ nữ và trẻ nữ chiếm đến 70-80% dân số. Tại đây phụ nữ và trẻ nữ thường bị khai thác, bị đối xử như một đồ vật và là mồi cho ngành du lịch mãi dâm. Vì thế, cần phải có lập trường và khi cần, cũng phải xin tha thứ, nhân danh Giáo Hội, về sự không nhậy cảm đối với người phụ nữ tại Á Châu. Một sự lưu ý hơn đối với giới nữ, có thể đem đến một sự đóng góp lớn lao cho việc hội nhập đức tin công giáo tại Á Châu.

Một vài ý kiến khác trong phiên họp khoáng đại lần thứ 7 vào chiều thứ Năm 23/04/98 , đã yêu cầu hãy kiểm điểm lương tâm đối với sự thiếu sót trong việc áp dụng giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Giữa cơn khủng hoảng thiên về luân lý hơn là kinh tế, việc huấn luyện thường không được thể hiện sau đó bằng thực hành. Nhưng để canh tân sự hiện diện của Chúa Kitô và Giáo Hội tại Á Châu trước thềm của Ngàn Năm thứ ba, cần phải có can đảm chữa lành các vết thương của quá khứ, cả trong nội bộ Giáo Hội, lẫn trong mối quan hệ với các tôn giáo khác. Phương dược để chữa lành các vết thương này là việc đối thoại với nhau. Ðối thoại như cuộc gặp gỡ và xóa bỏ mọi thành kiến lịch sử. Và đối thoại còn như việc "thanh tẩy" trí nhớ. Ðối thoại như khả năng tỏ cho thấy công việc do Chúa Thánh Thần làm, cả trong các tôn giáo khác nữa. Ðối thoại như cùng nhau đọc lại lịch sử, để cùng nhau tìm con đường tốt đẹp hơn cho tương lai. Thực sự người dân Á Châu được biết đến trên thế giới vì nhân đức khôn ngoan, nhân đức khoan dung và nhân đức không bạo động: Ðây là những giá trị cần lấy lại trong các chương trình của việc huấn luyện Kitô và thực hành trong nội bộ hàng giáo phẩm, giáo sĩ công giáo.

Vài nghị phụ khác đã lên tiếng báo động về sự đe đọa của nạn Tục Hóa; và vì thế, cần đến việc tăng cường mạnh mẽ cho những khóa chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm Kitô (rửa tội, thêm sức và thánh thể) và chuẩn bị các tân tòng, trong trường hợp những người ngoài công giáo xin trở lại.

Ðức CHA Valerian d' SOUZA, người Ấn Ðộ đã xin các nghị phụ hãy suy nghĩ vể bổn phận của những vị chủ chăn công giáo đối vời những anh chị em tín đồ Ấn Ðộ Giáo hay Hồi Giáo, đã tin nhận Chúa Giêsu Kitô, nhung không dám xin chịu Phép Rửa Tội, bởi vì nếu một người Ấn Giáo mà trở lại theo đạo Công Giáo, thì sẽ mất quyền hưởng gia tài. Nếu là con gái chưa lập gia đình, thì sẽ không bao giờ lập gia đình được, và các chị em trong gia đình cũng phải chịu số phận tương tự. Còn một người Hồi Giáo mà theo đạo Công Giáo, thì liều mình bị bách hại bởi những tín đồ hồi giáo khác, và cả phải bị giết chết nữa. Vậy Giáo Hội Công Giáo, gặp hoàn cảnh như vậy, thì phải hành xử như thế nào bảo vệ và nâng đỡ những anh chị em tòng giáo nầy?

Các nghị phụ khác nữa đã phát biểu ý kiến mong ước Giáo Hội ít lo lắng hơn về việc bảo vệ chính mình, trái lại hãy hướng về việc bênh vực công bình, về việc hòa giải và về việc xây dựng hòa bình. Ðó cũng là những giá trị mà cộng đoàn Giáo hội ở Giêrusalem chờ đợi: với giáo hội Giêrusalem này nhiều Giáo Hội tại Á Châu đã bày tỏ những dấu hiệu cụ thể về liên đới và về giúp đỡ, để nhằm đi đến một sự hiệp thông cụ thể hơn với nhau. Sự hiệp thông này là một trong các mục tiêu ưu tiên khác của Thượng Hội Ðồng này, nhằm để tiến đến một sự tiếp xúc nhiều hơn và cộng tác chặt chẽ hơn với các Giáo Hội tại Á Châu trong dấn thân minh chứng Phúc Âm.


Back to Radio Veritas Asia Home Page