Tường thuật về khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương. Giai Ðoạn III: Các nghị phụ trở lại họp chung, đúc kết các vấn đề đã được thảo luận trong các nhóm nhỏ.
Chiều thứ Tư mùng 2 tháng 12/1998, sau những buổi họp nhóm, các nghị phụ trở lại phiên họp chung, với sự hiện diện của ÐTC, để nghe bản tường trình của các nhóm. Và sau đây là một số điểm quan trọng được lưu ý cách riêng.
1. Về Giáo Hội - Giáo Hội cần nhìn về quá khứ và cần nhận ra nhữngsự thiếu sót trong việc rao giảng Tin Mừng. Việc trở lại của Giáo Hội (tức việc trở lại của các con cái Giáo Hội) và việc sống phù hợp với Tin Mừng là điều rất cần thiết, để Giáo Hội thực sự là Giáo Hội của các môn đệ Chúa Giêsu, trở nên Giáo Hội hiệp nhất và hiệp thông chặt chẽ. Các Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục giúp cho các Giám Mục có cơ hội gia tăng sự hiệp nhất và hiệp thông với Vị Kế Nghiệp Phêrô và giữa các giám mục với nhau, với các giáo hội địa phương và nhờ đó công việc rao giảng Tin Mừng mang lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn.
2. Vấn đề hội nhập văn hóa - Cũng như Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Á, vấn đề hội nhập văn hóa cũng được thảo luận sôi nổi trong Khóa họp về Châu Ðại Dương. Chúa Giêsu Kitô phải được rao giảng cho mọi dân tộc không trừ một ai, bất cứ thuộc nền văn hóa nào. Các nghị phụ thuộc nhóm A tiếng Anh quả quyết rằng: tiêu chuẩn nền tảng của việc hội nhập văn hóa là trung thành với Truyền Thống Tông Ðồ và với mạc khải Thánh Kinh. Các ngài xác nhận rằng: việc hội nhập văn hóa không có nghĩa là một việc rao giảng giới hạn về Tin Mừng, nhưng là một việc rao giảng hoàn toàn đầy đủ trong một bối cảnh văn hóa nhất định. Các ngài nhấn mạnh rằng các người Công Giáo có bổn phận chống lại những nền văn hóa trái nghịch Phúc Âm. Tin Mừng thay đổi nền văn hóa, và nền văn hóa giúp hiểu biết Tin Mừng. Trong việc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nền văn hóa của con người không phải là điều quan trọng lắm; việc gặp gỡ này thay đổi cuộc đời của con người (thí dụ cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu, người thu thuế, công chức của Ðế Quốc Roma).
Các nghị phụ thuộc nhóm B nói tiếng Anh nhấn mạnh rằng: Tiến trình hội nhập văn hóa bao gồm việc đối thoại để nhận ra những gì không thuộc về Tin Mừng. Việc hội nhập văn hóa liên kết cách không thể tách lìa được với Mầu Nhiệm nhập thể. Chúa Giêsu là người Do Thái. Người tôn trọng mỗi nền văn hóa trong đó Người sống, và hoạt động, nếu nền văn hóa đó phù hợp với luật thiên nhiên, luật Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta phải theo con đường của Chúa Giêsu, trong việc giữ toàn vẹn "căn cước của mình". Việc rao giảng Tin Mừng, việc hội nhập văn hóa và những nỗ lực để xây dựng các cộng đồng Kitô được thiết lập trên mối quan hệ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dù các nền văn hóa có nhiều và khác nhau đi nữa, thì vẫn có Thiên Chúa làm nền tảng của sự hiệp nhất và tính cách duy nhất. Ðây là một vấn đề rất tế nhị và khó khăn. Cần hiểu rõ ràng: hội nhập văn hóa là gì. Vì thế, các nghị phụ nhóm B nói tiếng Anh xác định rằng: Nhà truyền giáo, vị rao giảng Tin Mừng không phải là người thứ nhất gợi nên việc hội nhập văn hóa. Ðây là bổn phận thuộc nguời lãnh nhận sứ điệp, thuộc cấp bậc cơ bản. Tin Mừng biến đổi con người, thay đổi cách sống của con người, một khi được hấp thụ sâu xa, như "Men trong bột".
3. Các vấn đề khác - Các nghị phụ cũng đã trao đổi về những vấn đề khác nữa, như vấn đề đề cao vai trò người giáo dân (các giáo lý viên, các vị lãnh đạo các cộng đồng Công Giáo, vai trò người phụ nữ trong Giáo Hội; các phong trào và hội đoàn giáo hội cần được hướng dẫn và tùng phục quyền giám mục, để tránh những chia rẽ trong giáo phận, giáo xứ); trường học Công Giáo tại nhiều nơi của Châu Ðại Dương là phương thế duy nhất và hữu hiệu của việc rao giảng Tin Mừng -- đây là những dụng cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự lan tràn của các giáo phái. Vấn đề giới trẻ rất quan trọng, vì họ chiếm tới hơn 50% dân số Châu Ðại Dương. Các giám mục phải là người gần gũi giáo dân, cách riêng giới trẻ, theo gương ÐTC và hãy nhìn vào các Ngày thế giới Thanh Niên được tổ chức cho tới lúc này. Cần phải tổ chức những ngày giới trẻ từng miền, từng giáo phận, giáo xứ... --- Do việc khan hiếm linh mục, các cộng đồng Công Giáo xa xôi không tham dự được Thánh Lễ và lãnh các bí tích, hay chỉ được vài lần trong năm. Ðể đối phó, có nghị phụ đề nghị phong chức cho các người đã lập gia đình (viri probati), có đủ tư cách. Giáo Hội Ðông Phương cũng đã làm như vậy. Ðề nghị này xem ra không được lắng nghe. Trong Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Á cũng có những đề nghị tương tự như vậy. Ðức Cha Hubert Coppenrath (Polinésie) đã nhận định như sau: Truyền thống Ðông Phương đáng tôn trọng; nhưng nếu đem áp dụng vào các cộng đồng xa xôi lẻ loi của Châu Ðại Dương, thì sẽ gây thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Nên tìm giải pháp khác: cổ võ tính cách lưu động hơn, và phân phối đồng đều hơn các linh mục, đừng thụ động cam chịu sự khan hiếm này. Thí dụ cụ thể của Châu Mỹ Latinh cho thấy các ơn kêu gọi có thể phát sinh tại những nơi vẫn coi như thất vọng. Hơn nữa các cộng đồng phải sống trong hoàn cảnh lẻ loi này vẫn không bị phá tán, dù chỉ được tham dự Thánh Lễ và lãnh Bí Tích vài lần trong năm. Họ quen sống kết hợp với Chúa Giêsu bằng cách khác như : lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện chung, giữ Thánh Thể trong nhà thờ và năng đến viếng Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong những hoàn cảnh này... Con người chỉ là dụng cụ mà thôi.