Phiên họp khoáng đại thứ 4
Chiều thứ Ba 21/04/98
những phát biểu ý kiến của các nghị phụ

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường Thuật về Khóa Họp Ðặc Biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á Châu. Phiên Họp khoáng đại chiều thứ Ba 21/04/98: 14 nghị phụ đã phát biểu ý kiến. Phiên họp khoáng đại sáng thứ Tư 22/04/98 không có, vì ÐTC có buổi tiếp kiến chung các tín hữu và khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Các nghị phụ dùng thời gian sáng thứ Tư 22/04/98 để chia các nhóm nhỏ, theo tiêu chuẩn văn hóa.

Sáng thứ Tư 22/04/98, các Nghi phụ không họp chung, vì ÐTC bận tiếp kiến chung các đoàn hành hương, theo thông lệ tại Vatican mỗi sáng thứ Tư hằng tuần. Như thế, sáng thứ Tư 22/04/98, thay vì họp chung, các Nghị phụ chia nhóm nhỏ theo tiêu chuẩn văn hóa để thào luận (circuli minores); và điểm bất ngờ, khác với những khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục trước, là việc chia nhóm nhỏ không căn cứ vào tiếng nói, nhưng căn cứ trên nền văn hóa. Và dĩ nhiên, nền văn hóa miền Trung Ðông và Viễn Ðông khác nhau, miền Bắc Á và miền Nam Á cũng khác nhau. Ai cũng thấy rằng: Cháu Á là một lục địa rất phức tạp về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, truyền thống, tiếng nói...

Trong bài tường thuật nầy, chúng ta hãy nhìn tổng quát về những phát biểu ý kiến của các nghị phụ trong phiên họp khoáng đại lần thứ 4 vào chiều thứ Ba 21/04/98. Có tất cả 14 nghị phụ phát biểu ý kiến và cuộc tranh luận rất hào hứng trước sự hiện diện của ÐTC.

Một cách tổng quát, các bài phát biểu nói lên những ý chính sau đây:

1. Vấn đề Gia Ðình tại Á Châu

Tại Châu Á, gia đình, tuy còn có một nền tảng vững chắc, nhưng đang bị đe dọa trầm trọng bởi các trào lưu mới: nền văn hóa sự chết, nạn phá thai được hợp thức hóa theo đường lối chính trị kiểm soát sinh sản, kiểm soát dân số. Tại Ðại Hàn mà thôi, cứ 5 đôi bạn thì có một đôi ly dị. Ðây là một trong các dữ kiện trái nghịch với nền văn hóa đông phương, vì trong nền văn hóa đông phương, sự sống có một giá trị lớn lao và được kể như là bắt đầu ngay từ lúc thụ thai trong lòng mẹ, đến nổi trẻ em vừa sinh ra đã tính được một tuổi rồi. Vì thế, cần phải cộng tác vối các tôn giáo khác vốn tôn trọng sự sống và gia đình, và cùng nhau hoạt động để bảo tồn truyền thống của chế độ gia đình Ðông Phương. Ðây là điều có thể tạo nên cơ hội để biến các gia đình công giáo trở nên những tông đồ đầy khả năng và nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng cho các gia đình khác.

2. Ðối thoại liên tôn

Ngoài gia đình, một yếu tố quan trọng khác được các nghị phụ đề cập đến, là việc đối thoại với các tôn giáo và với các nền văn hóa khác tại Á Châu; việc đối thoại nầy cũng có liên hệ đến các biểu lộ khác nhau về nghệ thuật. Nghệ thuật là dụng cụ đặc biệt của cuộc gặp gỡ và của đối chiếu. Nghệ thuật là một biểu lộ lớn lao của tiếng nói chung về vẻ xinh đẹp đưa đến quan niệm thánh thiêng, nói lên kho tàng thiêng liêng của mỗi một dân tộc và của mỗi một nền văn hóa: kho tàng này có thể được phong phú hóa bằng việc rao giảng Tin Mừng.

3. Hội Nhập Văn Hóa

Sau đó các nghị phụ nói về đề tài hội nhập Phúc Âm và đức tin vào nền văn hóa tại Á Châu. Có thể nói là sự tiếp xúc hiện nay còn có tính cách quá Tây Phương trong việc rao giảng Tin Mừng và cả trong việc huấn luyện và giáo dục nữa. Các cộng đồng Á Châu, như người ta thường nói, không được để mất hình dạng riêng của mình, do bởi kiểu mẫu Roma, nhưng phải đem các dân tộc của lục địa này đón nhận Chúa Kitô với những đặc tính văn hóa, chủng tộc và mầu sắc của họ. Cần phải gặp gỡ nhiều hơn với sự nhậy cảm Á châu; Tại Á Châu việc chiêm niệm được coi là một trong các ưu tiên.

Chính vì thế, Giáo Hội tại Á Châu được mời gọi trở nên một Giáo Hội cầu nguyện hơn, vừa gắn bó với linh hồn, với tinh thần của nền văn hóa Á Châu. Việc ra đi, việc tách mình ra khỏi nền văn hóa Châu Âu cần được xúc tiến một cách bình tỉnh, không sợ hãi gì cả, miễn là sự toàn vẹn đức tin vẫn được bảo tồn. Vì thế, đối với các tín hữu Á Châu, cần phải trình bày Chúa Kitô không những như "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi", nhưng còn như là " Thiên Chúa cho chúng tôi", nghĩa là một vì Thiên Chúa thông cảm, có khả năng đi quá việc chịu đau khổ với con người, mà còn chịu đau khổ vì con người, cho con người. Thực ra, việc nhận lấy bản tính loài người của chúng ta, tứ phía Con Thiên Chúa, đã là một hành động cảm thông trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Ðối với người không phải tín hữu Kitô, thì cần phải trình bày Chúa Kitô trước hết như một người thật, rồi như một vị tiên tri thật, như vị Thầy, rồi như Vị Cứu Thế và sau cùng như Con Thiên Chúa.

4. Làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới Á Rập Hồi Giáo

Về việc minh chứng Chúa Kitô trong thế giới Á- Rập-Hồi Giáo, các nghị phụ chủ trương cần phải chấp nhận mình ở trong môi trường Hồi Giáo, nghĩa là tín hữu Kitô sống trong nền văn hóa Hồi Giáo, trở nên thành phần của xã hội Hồi Giáo, bằng việc nhận cho mình nền văn hóa Ả Rập và Hồi Giáo, mà không tự ti mặc cảm, vừa tìm trở nên chứng nhân của sự tự do của Phúc Âm. Chính trong nội bộ xã hội Ả Rập Hồi Giáo này, các tín hữu Kitô có thể minh chứng một niềm hy vọng nhìn về tương lai với thực tế, mà không liều đi đến cám dỗ sống cuồng tín, bằng việc trở nên những nguời tạo nên phong trào liên đới cụ thể đối với các người nghèo nàn và yếu hèn trong xã hội, bằng việc giải phóng mình khỏi những tự mãn tự kiêu về chủng tộc, về bộ lạc. Chủng tộc, bộ lạc hướng về việc đóng kín cá nhân trong nhóm riêng của mình, trong khung cảnh được che chở khỏi những cái bên ngoài, trong khi tình liên đới Kitô thì được xây dựng trên thành tín này là mỗi một con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.

5. Vài vấn đề cụ thể trong cộng đoàn Kitô và giữa những cộng đoàn Kitô với nhau

Phát biểu hôm chiều thứ Ba 21/04/98, một nghị phụ đã nói rằng: tinh thần hiệp thông giũa các Giáo Hội địa phương ngay trong một nước cũng gặp khó khăn và hầu như không thể thực hiện được đầy đủ. Ðây là một sự kiện đáng tiếc và cần sửa lại, để công việc rao giảng Tin Mừng trở nên hiệu nghiệm hơn. Cũng trong bối cảnh này, một nghị phụ khác ước mong hàng giáo sĩ nhất là tại một vài nơi, hãy bỏ những thái độ "hách dịch, cha chú", để đi đến sự cộng tác chặt chẽ giữa các thành phần trong Giáo Phận và trong Giáo Hội, cách riêng giữa hàng giáo sĩ giáo phận và giáo sĩ dòng, giữa các linh mục với các nam, nữ tu sĩ và với giáo dân.

Nói đến các nam, nữ tu sĩ, các nghị phụ công nhận rằng đời sống tận hiến tại Á Châu, với các đặc sủng và ơn riêng của mỗi cộng đoàn tận hiến khác nhau, (đời sống tận hiến đó) có thể là một trợ giúp lớn lao, trong lãnh vực giáo dục. Ðây là con đường đặc biệt hữu hiệu cho việc rao giảng Tin Mừng và truyền bá đức tin, cho việc hội nhập đức tin vào văn hóa và cho việc đối thoại liên tôn. Chỉ như vậy, Giáo Hội tại Á Châu sẽ có thể trình bày rõ ràng và nhiều hơn một khuôn mặt của một Giáo Hội dấn thân rao giảng Tin Mừng trong Ngàn Năm Thứ Ba của Kỷ Nguyên Cứu Chuộc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page