ÐTC tiếp chung
các Giám Mục Papua New Guinea
đến Roma viếng Tòa Thánh
và tham dự Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục
về Châu Ðại Dương

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp chung các Giám Mục Papua New Guinea đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina) và để tham dự Khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.

Vatican - 01.12.98 - Chuyến viếng thăm Tòa Thánh của các Giám Mục Papua New Guinea và Ðảo Salomon kết thúc sáng thứ Ba 01.12.98, bằng Thánh Lễ đồng tế với ÐTC trong nhà nguyện riêng của ngài và bằng buổi tiếp kiến chung với bài diễn văn thường lệ. Thực sự các Giám Mục Papua New Guinea và Ðảo Salomon cũng đến Roma để tham dự Khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương. Các vị chủ chăn của Papua Tân Guinea và Ðảo Salomon hợp thành một Hội Ðồng Giám Mục, gồm 21 vị (18 vị Papua Tân Guinea và 3 vị Ðảo Salomon ) do Ðức Cha Raymond Philip Kalisz, Dòng Ngôi Lời (S.V.D.), giám mục giáo phận Wewak (Papua Tân Guinea) , chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, hướng dẫn.

Trong diễn văn , ÐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết cổ võ sự hòa hợp và một nền văn hóa hướng về công ích, sự liên kết chặt chẽ với chân lý Phúc Âm và đòi hỏi nơi các Giám Mục "một sự lãnh đạo thiêng liêng khôn ngoan và cương quyết". Việc tìm kiếm công ích được nhắc đến nhiều lần trong bài diễn văn, và ÐTC cũng gợi lại những mối liên quan được biệu lộ bởi chính việc các giám mục hiện diện ở Roma để tham dự Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về tình hình của các giáo phận của các ngài, một tình hình được ghi dấu bởi "việc tăng trưởng thiêng liêng mới", nhưng đồng thời cũng bởi "những đau khổ nữa". ÐTC phân tích làn sóng gia tăng về bạo động dưới những hình thức khác nhau trong miền này, gây nguy hiểm cho công ích xã hội của toàn quần đảo Melanesia. Ngài nhắc đến cách riêng chiến tranh trong đảo Bougainville, nơi đây còn biết bao vết thương cần chữa lành; rồi những đe dọa của "nạn cướp bóc - băng đảng - nạn đàng điếm", cách riêng tại các thành phố - chế độ chủng tộc, gây nên những thù ghét, báo oán, tham nhũng, nhiều lúc ngấm ngầm, được che đậy, nhưng không kém phần phá hoại - những chia rẽ phát sinh bởi việc lan tràn các giáo phái, được nuôi sống bằng những chờ đợi và những sợ hãi của người dân chất phác. Những tình trạng như vậy phản chiếu một sự sụp đổ nào đó của các nền văn hóa và của giá trị truyền thống.

Trong các dấu hiệu nặng nề hơn của việc bất ổn xã hội, ÐTC nhắc đến những áp lực mạnh mẽ đè nặng trên gia đình và nạn thất nghiệp lan rộng, nạn thất nghiệp này gây nên nhiều khai thác nơi thanh niên và không hứa hẹn nhiều hy vọng cho tương lai. Trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng tại Quần Ðảo, đang trải qua bởi những bạo động và chia rẽ, các giám mục cần phải lưu ý rất nhiều đến việc giảng dạy giáo lý và giáo dục, cách riêng trong ba lãnh vực: gia đình, giới trẻ, và những ai có trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn.

Một điểm khác được ÐTC nhấn mạnh cách riêng là cần phải tổ chức "một sự cố gắng lớn lao về giáo dục, để nâng đỡ gia đình và các trường Công Giáo. Ðể giới trẻ có được ý nghĩa về "công ích", trước hết cần phải giáo huấn cho họ biết "giá trị tối cao của sự sống con người và phẩm giá tuyệt đối của con nguời". Ðể có những vị thầy dạy tốt lành, cần phải huấn luyện các nhà giáo dục, vừa nhờ vào gia tài giáo huấn của Giáo Hội hoàn cầu vừa nhờ vào sự phong phú của các nền văn hóa địa phương.

Với Thông Ðiệp sau cùng của ngài "Fides et Ratio" (những mối liên quan giữa đức tin và lý trí), ÐTC nhắc lại rằng "không có một việc huấn luyện vững chắc về trí tuệ, đức tin chóng trở thành một "lý tưởng trừu tượng" và liều đi đến "một dị đoan", dễ dàng dẫn đến bạo động và chia rẽ. Ðức tin cần đến lý trí, để sản xuất một nền văn hóa biết tôn trọng đối với sự sống và phẩm giá con người, nền văn hóa của công bình và của tình liên đới, của dấn thân cho công ích. Trong bối cảnh phức tạp và khó khăn này, ÐTC chỉ vẽ cho các giám mục và cho tất cả các nhà giáo dục Công Giáo giá trị "quyết định" của chứng tá Phúc Âm.

Sau cùng, trong diễn văn, ÐTC còn nhắc đến dấn thân liên đới của Giáo Hội Công Giáo và đồng thời kêu gọi một lần nữa cộng đồng quốc tế về việc cứu trợ các dân tộc Papua Tân Guinea, mùa hè vừa qua bị tàn phá bởi vụ động biển, gây nên từng ngàn nạn nhân, ngày nay cần đến một cố gắng lớn lao để tái thiết về phương diện con người, cũng như về phương diện vật chất.


ÐTC tiếp
các giám mục Papua Tân Guinea và Ðảo Salomon
viếng Tòa Thánh (Ad Limina) theo luật định
và tham dự Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục
về Châu Ðại Dương

.

Vatican - 23.11.98 - Trong giờ nghỉ của phiên họp chung sáng thứ Hai, 23/11/98, ÐTC tiếp riêng hai Ðức Tổng Giám Mục Karl Gesse và Benedict To Varpro, cả hai thuộc Papua Tân Guinea, hiện đang dự Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương, đồng thời cũng đến Roma "Ad Limina", viếng Tòa Thánh theo luật định.

Trước đó, vào ngày thứ Bẩy 21/11/98, ÐTC đã tiếp chung các Giám Mục New Zealand đến Roma "Ad Limina" và tham dự Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.

ÐTC đã viếng thăm mục vụ Papua Tân Guinea và Ðảo Salomon lần thứ nhất năm 1984 và lần thứ hai vào tháng Giêng năm 1995, sau Ngày thế giới Thanh Niên tại Manila. Cũng trong dịp này, ÐTC đã viếng thăm Australia và trên đường trở về Roma, ngài viếng thăm Sri Lanka.

Tại Papua Tân Guinea có 18 giáo phận. Người Công Giáo chiếm 34% trong số 4 triệu rưởi dân cư; 56% theo các Giáo Hội Tin Lành.


Back to Radio Veritas Asia Home Page