Những Ðiều Trông Thấy Mà Ðau Ðớn Lòng...

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

9 lần liên tiếp, gã Jean Pierre Ley Marie, nông dân 44 tuổi, ở Saint-Bonnet-la-Rivìere, vùng Corrèze nước Pháp, đã đỡ đẻ cho vợ gã là Rolande. Sau khi cắt cuống rốn, cũng 9 lần liên tiếp, gã đã giết 9 đứa con của gã. 9 lần, tuần tự, có phương pháp, thản nhiên như không, gã đã khử 9 mạng người rồi chôn vùi các tử thi dưới nửa thước đất ngay đàng sau kho thóc nhà mình.

Ai lại không cảm thấy phẫn nộ, ghê tởm trước một hành động tàn nhẫn rùng rợn như thế? Tuy nhiên, nếu gã sát nhân miền Corrèze ấy là cư dân quốc tịch Mỹ, đã cẩn thận bóp cỏ chết 9 đứa con của gã trước khi cắt dây rốn của chúng, thì theo Tòa Thượng Thẩm Hoa-kỳ, công dân ấy đã làm một chuyện hoàn toàn hợp pháp, bởi vì họ cho rằng: Một đứa trẻ sơ sinh chỉ thật sự là người sau khi đã cắt... dây rốn!

Bằng chứng là một bác sĩ giải phẫu đã có thể bóp chết một thai nhi 6 sáu tháng đẻ non mà cô y tá đã đặt vào lồng ấp mà vẫn không hề vi phạm Pháp Luật (xin xem bài Tin Vui Giữa Thế Giới Sự Sống), bởi vì chính khoản luật ấy cho phép phá thai vào thời hạn 6 tháng như người mẹ đã đăng ký phá thai.

Tại nước Anh, người ta cho phép được phá thai cho đến lúc thai nhi được 28 tuần lễ, tức là 6 tháng rưỡi. Ở Hoa-kỳ, trước năm 1973, tại Maryland, người ta chỉ được phá thai tối đa lúc 26 tuần tuổi. Tại New York là 24 tuần. Tại Washington thì ít hơn, chỉ được đến 12 tuần Ở Thụy-điển và Ðan-mạch cũng là 12 tuần. Còn ở Pháp, giới hạn chỉ cho 10 tuần, tức 2 tháng rưỡi tuổi.

Trong cái xã hội điên rồ (société schizophrène) ngày nay, một câu hỏi cứ luôn được đặt ra: lúc nào thì biết được phái tính trai hay gái của một thai nhi người? Các nhà khoa học đã trả lời nhất trí một cách chính xác: đó là khi 23 nhiễm sắc thể (chromosomes) của một tinh trùng (sperme) phối hợp với 23 nhiễm sắc thể của một noãn (ovule), thì một mạng sống con người đã được cấu tạo.

Khi một đứa trẻ bị bắt cóc, bị hành hạ hay bị giết hại, người ta huy động tất cả cảnh sát, mọi phương tiện thông tin và tư pháp của cả nước để truy tìm nạn nhân cũng như thủ phạm. Ðiều ấy là lẽ đương nhiên. Mọi người đều nhất trí đồng thanh bênh vực kẻ yếu hèn nhất để lên án, hạch tội những tên đao hu, nhất là khi đứa trẻ nan nhân lại là con cái của mình. Vậy mà, đối với thai nhi...

Một số người ngụy biện: Sinh chúng ra chào đời mà làm gì? Rồi phải để cho chúng chịu khổ chịu sở, bị hành hạ, cũng có thể bị giết hại cách này cách kia. Nhẹ nhất là khi lớn lên, chúng cũng có cơ nguy bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm... Tốt hơn hết là cho phá thai, đỡ rách việc!

Ðôi vợ chồng Leymarie đã nêu ở đầu bài đã nghĩ rằng bọn họ đã có được 2 mặt con, một trai là Vincent và một gái là Ghislaine. Do vậy, 9 đứa con liên tiếp sau đó chẳng còn cần thiết nữa, giết đi cho nhẹ nợ! Lại có lắm kẻ nhiễu sự còn tỏ ra thắc mắc: Thế tại sao lại chừa riêng 2 đứa đầu tiên làm gì? Ở Pháp, có người đã viện cớ là hàng năm có đến 350.000 trẻ em đã chết yểu vì bị cha mẹ chúng ngược đãi, vậy thà giết chúng đi ngay khi còn trong bụng mẹ thì có hơn không? Trước sau gì chúng cũng bị giết hại cơ mà? Lập luận như thế thật là hèn mạt và mâu thuẫn!

Sau đây là những con số đập vào mắt, vì chúng nhuốm máu: Nếu để cho các trẻ em ấy sống, chúng có được ít nhất là 99% cơ may không bị giết và tồn tại, không sướng không khổ hơn tôi. Trong trường hợp ngược lại, chúng bị giết ngay từ lúc còn là bào thai, chúng chẳng có một chút xíu cơ may nào hết!

Người ta hoan nghênh sự sống của đứa trẻ sau khi đã sinh ra, là bởi vì người ta nhìn thấy em, nghe tiếng em khóc chào đời, bởi khi ấy, em được luật pháp bảo vệ. Thế nhưng, người ta lại ra án tử trước cho em, bởi vì em còn chưa thấy mặt mũi như thế nào, chưa thể nói gì, và em cũng không có bất cứ một luật sư nào để bênh vực cho em!

Trong hai trường hợp nêu trên, em nào là kẻ yếu hơn và đáng được xã hội bảo vệ hơn?

Trao cho một bà mẹ bình thường một khoản luật để bà ta có thể loại bỏ đứa con trong bụng mình, chẳng phải đó là khiêu khích, là xúi giục bà ta giết con mình đó sao? Người ta thống kê được là: từ sau khi luật pháp cho phép phá thai, những vụ âm mưu giết trẻ em đã tăng vọt lên gấp đôi!

Bác sĩ nổi tiếng Albert Schweitzer đã nhận định: "Kẻ nào đã đánh mất lòng tôn trọng một phần nào đó nhỏ nhất của sự sống, kẻ ấy sẽ hoàn toàn mất hết lòng tôn trọng mọi mạng sống con người" (L'homme qui perd le respect de la moindre parcelle de vie, perdra le respect de toute vie)

Cặp vợ chồng Leymarie cứ tưởng rằng mình có thể thanh toán hết 9 đứa trẻ bất đắc dĩ đã đậu thai, đã viện lẽ không thể nào nuôi chúng nổi với số tài sản là một trang trại rộng... 8 hecta! Thử hỏi, có bao nhiêu người cho rằng có thể loại bỏ đứa con để giải quyết các khó khăn của cha mẹ như nghèo đói, vô trách nhiệm, xung đột lủng củng trong đời sống vợ chồng... Chẳng lẽ lại có thể đặt lên bàn cân, một bên là một mạng sống con người, một bên là một vấn đề của xã hội hay sao?

Xin hỏi là: có thể hy sinh một em bé non nớt vô tội để tìm được sự thoải mái trong đời sống bình thường của cha mẹ em bé ấy, vốn dĩ phải là những kẻ có nghĩa vụ trên hết là bảo vệ em bé ấy chăng? Qua giòng lịch sử nhân loại, người ta luôn luôn nhận thấy có 3 loại con cái sau đây:

- Loại con cái được cầu mong tha thiết (Les enfants intensément voulus - con cầu tự)

Các nghiên cứu xã hội học chứng minh là những đứa trẻ bị cha mẹ hành hạ nhiều nhất lại chiếm một phần khá đông trong số loại con cầu tự này, bởi cha mẹ đã quá ích kỷ hẹp hòi, chỉ mong chúng ra đời là vì chính họ mà thôi, để rồi qua chúng, họ thực hiện được điều mà chính họ đã từng thất bại trong đời họ.

- Loại con cái bất đắc dĩ (Les enfants non-voulus)

Ðây là những đứa bé thường bị giết chết ngay lúc chưa sinh ra hoặc bị loại bỏ ngay khi mới chào đời, chiếm đa số là con gái, chỉ bởi vì thông thường người ta cho con gái là vô tích sự, không bằng con trai. Thời cổ Roma, ông bố là gia trưởng, có toàn quyền sinh sát trên đứa con. Ông ta có thể vứt đứa con gái vào thùng rác công cộng. Ngày nay thì chính bà mẹ lại được cho phép có cái thứ quyền dã man ấy trước sự che chở của luật pháp.

- Loại con cái được đón nhận (Les enfants acceptés)

Ðây sẽ là những đứa con được cha mẹ yêu thương chiều chuộng hơn hết. Qua kinh nghiệm nhiều năm qua, Hội Cứu Giúp Các Bà Mẹ Mang Thai (SOS Futures Mères) đã chứng minh là: Phá thai không bao giờ là một giải pháp tốt, nó chỉ đưa tới thêm một rắc rối nữa cho thảm cảnh đã có. Người ta có thể bảo đảm rằng: một đứa trẻ lúc đầu đã không được cầu mong, thì không ngờ sau đó lại là niềm vui lớn cho gia đình của em. Như thể để bù lại sự do dự của cha mẹ lúc em mới hoài thai, em được yêu thương chiều chuộng hết mực. Một sự kiện được ghi nhận là: trong số 100 đứa bé được cứu thoát kịp thời khỏi những nơi phá thai ở miền Amonay nước Pháp, thì không có một em nào lại thiếu tình thương, hơn nữa, chẳng có em nào bị cha mẹ ngược đãi!

 

Trích POURQUOI LES METTRE AU MONDE?

Lm. BÙI QUANG DIỆM, DCCT lược dịch

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 15, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page