Tin Vui Giữa Thế Giới Sự Sống

Tôi Sinh Ra Có Mặt Giữa Vũ Trụ Càn Khôn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðúng vào ngày Lễ Truyền Tin, 25.3.1995, Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II gửi đi bức thông điệp EVANGELIUM VITAE (Tin Mừng Sự Sống), bao hàm cả 2 nghĩa:

Nghĩa thứ nhất: Ðức Giê-su, Ngôi Lời của Sự Sống xuống nhập thể và xuất hiện giữa trần thế. Ðó là một Tin Vui trọng đại (Magnum Gaudium).

Nghĩa thứ hai: Mỗi mạng sống con người khi xuất hiện giữa trần gian, cũng là một Tin Vui của thế giới sự sống.

 

A. Mạng Sống Con Người Bắt Ðầu Từ Lúc Nào?

Mạng sống con người là tặng phẩm trời ban, quý giá và kỳ diệu. Ðó là nội dung một tài liệu đăng như một tạp chí độc lập ở Pháp, vừa thời sự, vừa phong phú về kiến thức khoa học, vừa mang tính chất chuyên môn, được phổ biến công khai, mà chúng tôi xin phỏng dịch với cố gắng sao cho sát nghĩa tối đa, và trích đăng ở đây.

Tựa đề của bài báo: "Cơ may của tôi được hiện hữu và được sống", có thể diễn tả nôm na là "Tôi thật có duyên, vì được hiện hữu và được sống!" Cũng có nghĩa là bao nhiêu mạng sống con người trên thế giới đã, đang và sẽ bị tiêu diệt đi một cách oan uổng!

Mở đầu bài báo đăng ảnh em bé Séverine trong tay bà mẹ trẻ của em đang rạng rỡ nụ cười. Dưới tấm hình có câu chú thích: "Bé séverine có thể đã không bao giờ biết được cuộc phiêu lưu kỳ thú của cuộc sống, nếu mẹ em, bà Marie Christine, chỉ vài tháng trước đó, lúc đang mang thai, đã quyết định là phải giết em! Bởi vì ngày nay, một bà mẹ có thể loại bỏ đứa con của mình, và được pháp luật che chở cho bà được phép làm việc ấy!

Cũng như ông gia trưởng ngày xưa, có quyền sinh và tử trên con cái, ông ta có thể vất con mình vào thùng rác công cộng, nhất là khi nó là con gái, thì cũng vậy, một bà mẹ ngày nay, có quyền lên án tử cho đứa con đang sống trong bụng mình, mà ngay cả cha nó cũng không được quyền can thiệp. Hơn nữa, việc giết người ấy sẽ được bảo hiểm xã hội hoàn lại mọi chi phí. Như thế nghĩa là toàn thể cộng đồng đều tham gia vào điều phải được gọi là "Tội Diệt Chủng" của những năm 80.

Thế nhưng, điều 3 bản Tuyên Ngôn Nhân quyền có ghi: "Mọi cá nhân đều có quyền sống". Cũng vậy, điều 6 Công Ước quốc tế về Luật Dân Sự và Chính Trị có quy định: "Quyền sống gắn liền với nhân vị con người. Quyền ấy phải được Pháp Luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mất quyền sống một cách độc đoán". Còn bản Hiến Chương Quyền của Trẻ Em được Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc nhất trí biểu quyết ngày 20.11.1959, điều 6, tuyên bố: "Trẻ Em, vì chưa trưởng thành về thể chất và trí tuệ, cho nên cần được đặc biệt bảo vệ, nhất là về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi chào đời." Trong thực tế, điều 17 bộ Hình Luật nước Pháp quy định: "Khi một phụ nữ đang mang thai bị kêu án tử hình, bản án chỉ được thi hành sau khi người ấy sinh nở..."

Như thế, đứa con có thể cứu người đang mang nó trong dạ, nhưng người mẹ thì lại có thể loại bỏ nó. Hành động này cứ sự thường thì sẽ bị cho là một tội ác ghê tởm, vậy mà trong khoảng mười năm nay, lại được hóa giải thành vô tội, miễn trừ mọi hình phạt, còn được hợp pháp hóa, được bồi hoàn mọi phí khoản. Tuy nhiên, tội ác vẫn là tội ác!

Quả là thời buổi kỳ quặc! Thời buổi mà người ta dùng luật pháp để bắt buộc người mẹ phải thắt sợi giây an toàn cho đứa con vào chiếc ghế sau xe hơi để phòng lúc gặp tai nạn bất trắc. Thế mà cũng chính luật pháp ấy lại cho phép người mẹ được hoàn toàn tự do, một mình quyết định về sự sống còn của đứa con trong bụng mình, đứa con được gắn liền với mẹ nó bằng sợi giây rốn!

 

B. Lịch Sử Buổi Ðầu Ðời Tôi:

Tinh trùng của người cha đo từ đầu đến đuôi dài 1 / 20 mm. Riêng cái đầu thôi thì chỉ dài có 1 / 200 mm, nó chứa những nhiễm sắc thể (chromosomes) của nhân tế bào, chứa đựng tất cả những tính di truyền mà người cha truyền cho đứa con. Chính tinh trùng quyết định giới tính trai hay gái của em bé. Dung tích tinh dịch phát ra từ mỗi lần xuất tinh được từ 3 đến 5 cm3, và mỗi cm3 chất lỏng đó có từ 60 đến 200 triệu tinh trùng. Vậy mà chỉ cần 1 tinh trùng vào được trong một trứng là đủ để thụ thai, số còn lại sẽ bị thải đi. Quả là một sự hoang phí vô cùng lớn của thiên nhiên. Và cũng thật lạ lùng kỳ diệu thay cái may mắn được hiện hữu!

Trứng còn gọi là noãn, tế bào sinh sản của người mẹ, mang các tính di truyền mà người mẹ sẽ trao cho con. Noãn có kích thước lớn gấp 80.000 lần so với tinh trùng, bên trong chứa những chất dinh dưỡng mà trứng sẽ sử dụng trong trường hợp được thụ tinh.

Sau khi cha mẹ gặp gỡ nhau, rất nhiều tinh trùng sẽ tập họp chung quanh noãn, trông giống như một cái cuộn len. Vào khoảnh khắc thụ tinh, sau khi một tinh trùng lọt vào, noãn sẽ đóng lại kín mít. Từ lúc ấy, một em bé đã bắt đầu hiện hữu thật sự. Và kể từ giai đoạn đó, như lời giáo sư Jérôme Lejeune viết: "Một sinh viên ngành Y mà không phân biệt được một con người với một con khỉ tinh tinh (chimpanzé) thì chắc chắn sẽ bị đánh rớt trong kỳ thi..."

Từ lúc có sự phối hợp của một tinh trùng (trong số 300.000.000 tinh trùng mỗi lần xuất tinh) với một noãn (trong số 400.000 trứng mà bất cứ người con gái nào cũng có ngay khi vừa sinh ra đời), sẽ là cả một chương trình đã được ấn định và an bài, gồm có các yếu tố sau đây:

- Phái tính của đứa bé;

- Màu mắt, tóc và làn da của em;

- Nhóm máu của em (không nhất thiết phải giống nhóm máu của mẹ em)

Tế bào độc nhất ấy, kết quả của việc thụ tinh của noãn bởi tinh trùng, đã tích chứa toàn bộ mật mã di truyền. 30 giờ sau khi thụ thai, bộ máy ấy, gói hành trang kỳ diệu của con người ấy bắt đầu cuộc hành trình. Tế bào này khởi đầu phân hai, rồi chia làm bốn, rồi làm tám, mười sáu, ba mươi hai... cho đến con số sáu mươi ngàn tỷ (60.000.000.000.000) để cấu tạo nên con người khi sinh ra.

Ðược 6, 7 ngày, thân hình em bé đo được 1,5 mm. Lúc ấy em đã có đủ khả năng làm chủ vận mệnh của mình, bởi vì, bằng một tín hiệu hóa học được gửi đi, em sẽ làm ngưng kinh kỳ của mẹ em, để mẹ em chỉ còn tập trung tất cả cho việc bảo vệ em. Cuộn tròn lại như một cuộn băng cassette tý hon, những sợi giây vi ti chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi, chính là những phân tử ADN chứa đựng một tổng lượng thông tin khổng lồ. Nhờ một cơ cấu tinh xảo và bí ẩn điều động, các tế bào dần dần trở nên chuyên biệt:

- Toán một: lo cấu tạo hệ thống thần kinh và da.

- Toán hai: phụ trách hệ thống tiêu hóa, gan và lá lách.

- Toán ba: đảm nhận bộ xương, quả tim, động mạch và các cơ bắp.

Ngày thứ 17 sau khi thụ thai, em bé chỉ mới đo được 2 mm, chưa bằng một hạt lúa mì. Vậy mà tim em đã bắt đầu đập, và sẽ còn đập mãi mãi cho đến khi chết. Mẹ em chỉ mới trễ kinh khoảng 2 hoặc 3 ngày và chưa biết là em đang sống bụng mình. Em đã có hai thùy não bộ, có khoang tim, có tủy sống, và đã hình thành những nét tổng quát của hai chân và hai tay...

Khoảng ngày thứ 26, hai cánh tay của em xuất hiện. Ðến ngày thứ 28 thì đến phiên hai chân. Tròn một tháng, thân mình em đo được 1 cm, nhưng như vậy là em đã lớn gấp 10.000 lần cái trứng thụ tinh đầu tiên. Tim em đập 65 nhịp trong 1 phút, và máu của em, hoàn toàn khác biệt máu mẹ em, đã truyền đi khắp cơ thể của em.

Ðến tuần thứ tư, em bé giống như một cái chồi nụ. Ðôi tay em tiến hóa rất nhanh.

Ðược 5 tuần, lòng bàn tay của em đã tượng hình và 5 cái chồi nhón tay bắt đầu nhú ra.

Ðược 6 tuần, ngón tay cái của em đã tự lập, đứng riêng ra, còn các ngón tay còn lại thì ngày càng hình thành rõ rệt.

Ðược 7 tuần, các ngón tay em bé ngày một lớn dần ra, và càng luc càng thêm cứng cáp trong những tháng sắp tới. Mỗi ngón tay đã có những đường vân rõ ràng mạch lạc, và chẳng một ai trên đời lại có những đường vân tay giống nhau.

Ðúng 8 tuần, thân hình em bé dài 3 cm. Cánh tay và bàn tay hình thành rất rõ nét, hai chân và bàn chân phát triển đâu ra đó. Bộ xương của em được cấu tạo với các tế bào xương dần dần thay thế sụn. Mẹ em vậy là đã tắt kinh được một tháng rưỡi rồi. Qua ống nghe, bác sĩ có thể đếm được nhịp tim của em. Ông đã có thể làm điện tâm đồ (électrocardiogramme) cho em.

Ðúng 10 tuần lễ, người ta có thể thấy được đôi bàn chân nhỏ xíu của em. Sau này, đến tuần thứ 14, dùng một kính lúp loại tốt, có thể phát hiện rõ ràng những đường chấm chấm của mạng lưới dấu ở đầu các ngón chân tí hon của em.

Cũng ở tuần thứ 10, các mí mắt che cặp mắt em hiện rõ. Các mí mắt này vẫn còn khép chặt cho đến lúc em được 6 tháng tuổi. Hai phần của vòm miệng vẫn còn dính nhau ở khoảng giữa: phần trên cấu tạo ra giải hố mũi để thở, còn phần dưới sẽ cấu tạo ra cái miệng để nuốt. Cơ quan sinh dục phía ngoài cũng đã hoàn tất: buồng trứng và tinh hoàn đã tích trữ các noãn và tế bào gốc của tinh dịch. Thế là các thế mai sau đã được lập trình sẵn ngay từ lúc này.

Ðược 11 tuần lễ, khi mẹ em ngủ, em cũng ngủ. Nhưng em lại có thể đánh thức mẹ em dậy. Các tiếng động ồn ào bên ngoài có thể làm em giật mình tỉnh giấc. Em uống nhiều ngụm nước màng ối nếu như nó ngòn ngọt, nhưng em sẽ không thèm uống nữa nếu thấy nó có vị đắng. Em mới chỉ đo được có 6 cm, vậy mà em đã gần như được hoàn thành một cách mỹ miều!

Ðược 12 tuần lễ, em cân nặng 35 g và cao 10 cm. Nếu bị cù nhẹ vào trán, em quay đầu lại và cau mày. Nếu ai đụng nhẹ vào môi em, em có phản xạ mút và nuốt ngay. Tay em thỉnh thoảng lại đưa lên gần miệng để tìm cách mút. Em có thể xếp khuỷu tay và cổ tay lại được, hơn thế, còn có thể víu lấy một vật be bé. Toàn thân em đã có cảm giác khi bị ai sờ vào, trừ phía sau lưng và hai bên đầu (có thể để đề phòng khỏi bị đau khi sinh ra qua cửa mình người mẹ). Em uống nước màng ối và tiêu hóa các chất dinh dưỡng nhờ các tuyến nước bọt và hệ tiêu hóa. Em thở nhờ giây rốn chuyển dưỡng khí từ mẹ qua em. Thỉnh thoảng em cũng biết xả ra bớt những thứ cặn bã.

Ðược 14 tuần tuổi đời, em bé đo được 12 - 13 cm. Các đường nét trên cơ thể em ngày một thêm tinh tế sắc xảo. Từ tuần lễ thứ 15, 16 trở đi, thân mình em sẽ phát triển với nhịp độ chậm lại, vì nếu cứ như những tuần đầu tiên thì em sẽ phải cân nặng hơn 80 kg lúc chào đời!

17 tuần tuổi, em đã cao được 20 cm và cân nặng khoảng 140 - 150 g. Mẹ em cảm nhận rất rõ khi em quay cuồng nhào lộn trong các "buồng phi hành vũ trụ" của em. Ðối với mẹ em, đây là thời kỳ an nhàn và hạnh phúc nhất trong toàn bộ giai đoạn thai nghén...

18 tuần lễ, tức là 4 tháng rưỡi tuổi đời, em bé đã có thể chào đời rồi đấy, nhưng đó là "sinh non" (Em bé da đen Marcus Richardson, đạt chức vô địch đẻ non năm 1972. ngày nay, Marcus đã là một thanh niên hoạt bát và vạm vỡ khỏe mạnh. Còn bé Carry Thermann thì lọt lòng mẹ lúc mới được 19 tuần tuổi. Chiếc nhẫn của cô y tá đeo lọt vào cổ tay của em. Em chỉ cân nặng có 500g, bằng nửa ký đường!).

Bây giờ thì em đã tròn 5 tháng. Kích thước của em là 30 cm và 500 g. Tóc em bắt đầu mọc, lông mi xuất hiện, và em hình thành cả các tuyến vú. Ðến lúc này thì bác sĩ có thể làm điện não đồ (électro-encéphalogramme) cho em. Mẹ em biết rõ được chính xác vị trí của em trong bụng mình. Em cũng có thể bị những cơn nấc cụt kéo dài từ 15 đến 30 phút!

Một bi kịch khủng khiếp đã xảy ra tại California, Hoa-kỳ. Một bà mẹ đã ra án tử cho con mình bằng cách hẹn trước ngày giờ để đến bác sĩ phá thai. Thế nhưng em bé đã kịp chào đời trước khi tội ác được thi hành. Cô y tá có mặt lúc ấy đã đặt em vào một lồng ấp như cô thường làm cho các trẻ sinh non khác. Ông bác sĩ phẫu thuật đã nhận phụ trách dịch vụ phá thai cho mẹ em, bước vào, thấy vậy thì giận dữ lôi em bé ra khỏi chiếc lồng ấp rồi... bóp cổ em cho đến khi ngạt thở! Luật pháp Hoa-kỳ vốn đã cho phép phá thai vào một thời điểm nào đó của thai nhi, nên tòa đã xử trắng án cho kẻ sát nhân ấy!

Về thủ thuật để phá thai, người ta có thể áp dụng một trong nhiều phương pháp sau đây:

- Phương pháp Hút Thai, còn gọi là pphap Karman (gọi theo tên của kẻ đã phát minh ra phương pháp đáng buồn này)

- Phương pháp đưa dao kéo vào bên trong ổ bụng người mẹ, cắt vụn thai nhi, lôi từng mảnh ra khỏi âm đạo, ráp lại cho đầy đủ như trong một trò chơi ghép hình để tránh không bỏ sót lại bất cứ một mẩu nào trong tử cung có thể gây ra nhiễm trùng.

- Phương pháp chích thuốc độc vào thai nhi qua một cây kim dài xuyên qua tử cung người mẹ.

- Phương pháp mổ tử cung người mẹ để lấy nguyên thai nhi ra, vứt vào thùng rác trong khi có thể đứa bé vẫn còn đang sống. Loại rác đặc biệt này có thể được đưa đến máy đốt rác, cũng có thể được đem bán cho các trang trại chăn nuôi muốn vỗ béo súc vật bằng các bào thai vốn có rất nhiều chất dinh dưỡng (ở Việt-nam đã có thời bán cho các nhà giàu để lấy thai nhi nấu nướng thành món ăn tuyệt bổ nuôi chó Berger)

Ở Pháp, trong những năm 80, hằng năm có 350.000 trẻ em nam và nữ đã bị các bà mẹ kết án tử tại 1.122 trung tâm phá thai được cấp giấy phép để xử lý từ 1.000 đến 1.500 vụ phá thai mỗi ngày.

Ở Hoa-kỳ, con số phá thai ngày một tăng vọt. Năm 1973: hàng năm có 750.000 vụ phá thai, trong đó có 245.000 ca người mẹ còn vị thành niên. Ðến năm 1982, tăng lên 1.500.000 vụ phá thai, trong đó có 474.000 ca vị thành niên!

Trước thảm họa quốc gia đó, việc phá thai miễn phí bị bãi bỏ. Người ta đặt ra giá biểu cao với hy vọng vì thế mà giảm bớt lượng người phá thai. Dù vậy, chỉ trong 11 năm, Mỹ đã mất đi 15 triệu trẻ em! Ngày 23.4.1981, Thượng Viện Mỹ đã mời những nhà nghiên cứu, các chuyên gia sinh học, di truyền học quốc tế cùng ngồi lại để xác định: khi nào thì mạng sống con người bắt đầu? Câu trả lời khách quan được nhất trí ngay và không úp mở, đó là: "Ngay từ khi mới thụ thai!"

 

C. Câu Trả Lời Của Lương Tâm Con Người:

Dưới đây là chứng từ của giáo sư bác sĩ Jérôme Lejeune, người đã từng đạt giải Kennedy, thành viên Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các môn khoa học khác nhau, thành viên Học Viện Quốc Gia Pháp (Institut de France), là người bạn tâm giao hết sức thân thiết với Ðức Gio-an Phao-lô II. Ngay khi Ðức Giáo Hoàng vừa đặt chân đến Paris để khai mạc Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 15, ngài đã đi bộ cùng với bà quả phụ Lejeune đến viếng khu mộ của ông.

Chứng từ này được giáo sư Lejeune đệ trình tại khóa họp ngày 23.4.1981 của Ủy Ban Thượng Viện Hoa-kỳ về Dự Án Luật tuyên bố: "Mạng Sống Con Người Phải Ðược Công Nhận Ngay Từ Khi Mới Thụ Thai". Nội dung chứng từ như sau:

"Khi nào thì khởi sự một sinh mạng con người?

(Quand commence un être humain?)

Tôi muốn nỗ lực đem đến một giải đáp chính xác nhất cho câu hỏi đó, căn cứ vào nền khoa học ngày nay đã cung ứng cho chúng ta. Ngành sinh học hiện đại cho chúng ta biết là các tổ tiên liên kết với con cháu mình bằng một mối liên hệ vật chất liên tục, bởi vì chính sự thụ tinh của tế bào nữ (noãn) với tế bào nam (tinh trùng) mà nẩy sinh ra một thành viên mới của chủng tộc.

Sự sống có một chiều dài lịch sử, nhưng mỗi đơn vị có một khởi đầu rất chính xác, đó là lúc thụ thai. Mối liên hệ vật chất là một sợi phân tử ADN. Trong mỗi tế bào sinh sản, giải băng dài cỡ 1 m đó, chia cắt thành từng mảnh (đối với loài người là 23 mảnh). Mỗi mảnh được cuộn lại cẩn thận và đóng gói (như một cuộn băng cassette tí hon) thật khéo léo, đến độ nhìn qua kính hiển vi, nó giống như một cái que, được gọi tên là một nhiễm sắc thể.

Ngay khi 23 nhiễm sắc thể phía người cha đã phối hợp với 23 nhiễm sắc thể phía người mẹ, thì toàn bộ thông tin di truyền cần và đủ để biểu thị mọi phẩm tính bẩm sinh của một đơn vị con người mới, đã được tập họp lại tại đó một cách trọn vẹn. Cũng như việc đút cuộn băng cassette nhỏ vào máy cho phép ta phát lại khúc nhạc giao hưởng thế nào, thì cũng vậy, một sinh mạng mới khởi sự cũng sẽ biểu dương chính mình ngay từ lúc vừa được thụ thai y như thế.

Các khoa học tự nhiên và khoa luật học cũng có cùng một tiếng nói phát biểu như nhau. Về một cá nhân được hưởng một sức khỏe tráng kiện thì nhà sinh học bảo là anh chàng có thể tạng tốt. Còn về một xã hội phát triển hài hòa, có lợi cho mọi thành viên, thì nhà lập pháp khẳng định xã hội ấy có một hiến pháp công minh. Nhà lập pháp không thể dự kiến một khoản luật riêng biệt trước khi những ngôn từ và văn tự chưa được minh định hoàn chỉnh. Nhưng khi dự luật đã được thẩm xét xong xuôi và đã được biểu quyết, thì chính đạo luật ấy sẽ giúp minh định các văn tự của hiến pháp.

Thiên nhiên cũng tiến hành theo kiểu đó. Các nhiễm sắc thể là bảng định luật của sự sống, và khi các nhiễm sắc thể được tụ hội lại trong con người mới (thủ tục biểu quyết luật là sự thụ thai), chính các nhiễm sắc thể sẽ miêu tả cơ cấu của con người mới ấy một cách trọn vẹn.

Ðiều làm chúng ta sửng sốt là việc các bản văn tự này được vi ti hóa! Dù không còn nghi ngờ gì nữa, cũng thật khó mà tin được rằng: toàn bộ thông tin di truyền cần và đủ để có thể cấu tạo nên thân thể con người của chúng ta, cấu tạo nên bộ não vốn là một bộ máy cực mạnh có khả năng phân tích cả đến các định luật của vũ trụ, tất cả cái tổng cục thông tin di truyền khổng lồ và tinh vi ấy lại được tóm gọn chỉ bằng đầu của một mũi kim! Và còn đáng kinh ngạc hơn nữa, là khi các tế bào sinh sản đã đến mức thành thục, thì một cuộc điều hợp phức tạp tinh tế do tổng cục thông tin di truyền điều động, làm cho mỗi phôi thai nhận được một kiểu phối hợp hoàn toàn độc đáo, chưa từng bao giờ xảy ra, và cũng không bao giờ xảy ra lại. Mỗi phôi thai là độc nhất, và vì thế, không thể thay thế được... (lược bớt 1 đoạn)

Cái trứng thụ tinh sẽ tách ra làm hai tế bào, và một trong hai tức khắc lại chia làm hai nữa, và như vậy là đã hình thành con số lẻ kỳ diệu là 3 tế bào. Chúng được bao bọc lại trong một cái vỏ bảo vệ, một khu vực trong suốt. Việc cá thể hóa với 3 tế bào cơ bản này diễn ra chỉ sau khi thụ thai có mấy phút. (lược bớt 1 đoạn) Khả năng sống của phôi thai quả là lạ thường. Việc sinh trưởng của phôi thai là nhờ vào chất dinh dưỡng từ màng nhầy của dạ con dẫn vào nhau thai. Bên trong cái túi bào tử là cái túi màng ối, thai nhi có thể sống được y như nhà du hành vũ trụ sống được trong chiếc phi thuyền con, các đồ tiếp tế đều do phi thuyền mẹ cung ứng. Thực phẩm này cần thiết để sống còn, nhưng nó không "tạo ra" đứa con giống như chiếc phi thuyền không gian có hoàn hảo đến đâu cũng chẳng thể tạo ra một phi hành gia.

Sự so sánh này lại càng rõ ràng hơn khi cái phôi thai chuyển động. Nhờ kỹ thuật ghi hình siêu âm, giáo sư Jan Donald người Anh, đã thực hiện thành công một cuốn phim với một diễn viên minh tinh điện ảnh trẻ tuổi nhất thế giới, một em bé 11 tuần tuổi đang khiêu vũ trong tử cung. Có thể nói là em đang chơi nhún ván. Em xếp đầu gối lại, đạp vào thành tử cung, tung người lên rồi rơi xuống. Vì tỷ trọng thân thể của em cũng ngang với tỷ trọng chất lỏng màng ối, em không cảm thấy có trọng lượng, em nhảy múa rất chậm với một vẻ duyên dáng và thanh nhã mà chỉ riêng các phi hành gia trong tình trạng vô trọng lực mới đạt được mức dịu dàng như thế khi vận động... (bỏ bớt một đoạn ngắn)

Tôi xin mạn phép gợi lại câu chuyện thần tiên nổi tiếng cả thế giới về một con người nhỏ hơn ngón tay cái, chuyện "Om Pouce - Le Petit Poucet". Lúc được 2 tháng, em bé chưa lớn bằng một ngón tay cái, tính từ đầu cho đến mông, nằm gọn thoải mái trong vỏ một quả hồ đào. Thế nhưng mọi bộ phận đều đã có đầy đủ tề chỉnh đâu vào đó: tay, chân, các cơ quan bên trong, bộ óc... Trái tim em đã đập từ một tháng trước. Nhìn gần hơn, chúng ta thấy các nếp của lòng bàn tay, và bất cứ ông thầy bói nào cũng có thể đoán được số mệnh con người tý hon ấy. Sử dụng một kính hiển vi khuyếch đại, có thể thấy các dấu tay hiện lên rõ ràng, tất cả mọi tư liệu cần thiết đều sẵn sàng để lập thẻ căn cước công dân cho em.

Bằng kỹ thuật hiện đại nhất, chúng tôi đã dò xét đời tư của em bé ngay trong bụng mẹ. Máy dò âm dưới nước (hydrophone) có thể ghi lại được "điệu nhạc sơ khai nhất", đó là tiếng đập rất trầm và an bình, với 60 - 70 nhịp mỗi phút của nhịp tim người mẹ, và tiếng đập thanh và cao hơn, nhanh hơn, chồng lên trên với khoảng 150 - 170 nhịp mỗi phút của nhịp tim phôi thai em bé. Tất cả làm nên một giai điệu rất sơ khai, giống như tiếng đàn đại hồ cầm (contre-basse) với những lúc ngắt nhịp. Rất sơ khai, vâng, bởi vì đó là khúc nhạc đầu tiên mà tai con người đã được nghe ngay trong bụng mẹ.

Chúng ta đã nghiệm thấy rõ ràng điều em bé cảm thấy, nghe được điều em lắng tai nghe, nếm cái mà em nhấm nháp, và chúng ta cũng đã ngắm nhìn em nhảy múa đầy duyên dáng và hồn nhiên tươi tắn. Khoa học đã biến đổi truyện thần tiên Tom Pouce thành chuyện xác thực, đó là chính câu chuyện của mỗi người chúng ta từng trải trong bụng mẹ mình... (lược bớt một đoạn ngắn).

Như vậy, ngay sau khi vừa thụ thai, một mạng sống con người đã bắt đầu hiện hữu. Ðó là một sự kiện được khẳng định, chứ không còn là chuyện tùy ý thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, hay là còn để tùy dư luận bàn tán nữa. Nhân tính con người, từ khi được thụ thai cho đến lúc về già, không còn là một giả thuyết siêu hình, mà thật sự là một sự kiện hiển nhiên đã được thực nghiệm!"

 

Ký tên, Giáo sư JÉRÔME LEJEUNE

Học Viện Quốc Gia Pháp - Institut de France

Trích "MA CHANCE D' EXISTER ET DE VIVRE LE DON MERVEILLEUX DE LA VIE"

Lm. Bùi Quang Diệm, DCCT, lược dịch.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 14, năm 2001)


Back To Vietnamese Missionaries In Asia Home Page