Theo thánh Augustin, thì tội là yêu mình đến khinh Chúa, còn đức thì ngược lại.
Cho phù hợp hơn với thời đại suy tôn con người hôm nay, chúng ta có thể nói cách khác: Làm ác, đó là khẳng định mình đến phủ định người.
Người đây là Kẻ khác (l'autre). Nếu coi họ là cái Mình khác, Mình như tôi nhưng lại khác tôi, thì tôi sẽ coi Kẻ khác là "siêu việt" (transcendant). Họ vuột khỏi tôi ở chỗ họ là chính mình họ, mà tôi không thể đạt tới. Thiết nghĩ, chữ Siêu việt này, ở chỗ nhắm bề sâu (Mình), phải được hiểu cách nào đó theo Augustin (khi định nghĩa về Thiên Chúa): "Sâu hơn là chỗ sâu thẳm của tôi" (interior intimo meo). Và khi ấy, Thiên Chúa sẽ là KẺ KHÁC hay cái MÌNH KHÁC viết hoa, cái CHIỀU SÂU tuyệt đối.
Thiên Chúa không phải chỉ là cái Mình khác của tôi, mà của mọi cái Tôi. Không phải của từng cái Tôi thôi, mà của cả Chúng tôi nữa. Vâng, Ngài vô cùng mật thiết, phải nói Siêu mật thiết, đối với từng người và với toàn cộng đồng loài người. Bởi thế, mỗi khi tôi yêu thật sự một ai, yêu đến nỗi coi họ như cái Mình khác của tôi, tôi đã yêu họ và khẳng định họ ở chân trời Thiên Chúa, cái MÌNH KHÁC viết hoa của tôi và của họ.
Vì thế, phủ nhận kẻ khác là phủ định họ ở chân trời Thiên Chúa, cách nào đó đã là phủ định Ngài. Và một phủ định Thiên Chúa thật sự không thể không bao gồm trong đó sự phủ nhận loài người nữa (Nghĩa là, nếu thật sự chống Thiên Chúa, thì rồi sớm muộn cũng ghẻ lạnh với con người. Trái lại, nếu thật thương người, thì dù miệng chống Thiên Chúa, lòng vẫn gần Ngài ở bề sâu vô thức). Trái lại, ta cũng không thể nhìn nhận Thiên Chúa nếu từ bỏ anh em:
- "Kẻ không yêu nổi người anh chị em mà nó thấy, làm sao có thể yêu được Thiên Chúa mà nó không thấy" (1Yo.4.20).
Yêu, đó là mở ra (ouverture). Mở ra là nền của đạo đức, cũng như khép kín là nền của sự tội. Vâng, chẳng có tội lỗi nào mà không do vị kỷ, tìm mình. Thế mà, để làm người, sống xứng như một con người, phải và chỉ cần có đạo đức thôi. Ðúng thế, biết bao cái trong tôi, như thông minh, giỏi nhạc, quyết đáp, có tài chỉ huy, v.v. đều không cần để tôi làm người. Cần để làm người, duy chỉ có đạo đức. Mà đạo đức là Mở ra, Mở sang và Mở rộng.
Ðã Mở ra, sao còn Mở sang và Mở rộng?
Mở ra chỉ đối nghịch với Ðóng kín thôi. Thế mà Mở ra trong Ấn, Phật, Lão, Khổng là hướng về toàn khối sinh linh và toàn khối thiên nhiên, trong khi Mở ra của Phương tây là mở tới những con người, cũng không nhất định mọi người, mà chỉ mấy người cũng đủ. Cho nên, Mở theo Phương đông là Mở theo chiều rộng, mở đến toàn khối hiện hữu, mà trong đó loài người chỉ là thành phần. Trái lại, Mở theo Phương tây là mở theo chiều sâu, nhắm con người như bản vị, chủ thể, nên đây là Mở sang.
Vì lý do trên, chúng tôi phân biệt ba cách mở: (1) Mở ra như một thái độ cởi mở nói chung, không nhắm hẳn một cái gì, nên nghịch với Khép kín, thế thôi; (2) Mở sang, khi lòng chạm tới lòng người, một cởi mở liên bản vị (interpersonnelle); (3) Mở rộng, nó nói lên tầm vô biên của độ mở.
Mở ra, đó là điều kiện để trưởng thành, chẳng những về mặt luân lý, mà còn về mặt tâm lý nữa. Quả thật, không thể có trưởng thành và quân bình tâm lý nếu không ngỏ cửa đón nhận kẻ khác. Ngày nay, mọi thức giả đều biết như vậy. Dù sao cũng nên chứng minh để giúp ý thức và thâm tín hơn. Khi đã thâm tín về sự song hành của hai đường phát triển, thì tôi sẽ được thôi thúc để quên mình và yêu thương. Thôi thúc đến nỗi, dù không ham đạo đức, vẫn phải sống đạo đức nếu không muốn sa vào nguy cơ tâm bệnh. Thôi thúc đến nỗi kẻ đang tiến đức phải đổi hướng đi, hiểu rằng, nếu chỉ nhắm nên thánh thôi thì không tài nào nên thánh nổi (Vì sự thánh thiện là ở chỗ yêu Chúa (và yêu người) đến quên mình, quên ngay cả sự hoàn thiện và thiên đường của mình).
Ðứa bé sinh ra giữa một hỗn mang, và bản thân nó cũng chìm trong khối hỗn mang ấy. Giống như ông Bàn cổ, nó phải đội trời lên và tách đất ra (Trung quốc có hai huyền thoại về ông Bàn cổ, một do nguồn gốc Ðạo, một do nguồn gốc Phật. Theo huyền thoại trời đất lúc đầu là hồng hoang, và ông Bàn cổ đã hy sinh mạng sống để nâng Trời lên khỏi đất). Nghĩa là khám phá mình và khám phá người. Không phải vấn đề thuần nhận thức, mà cảm tính nữa, và cảm tính trước tiên, nó mang tính quyết định đối với sự hội nhất (intégration) tâm lý.
Trước hết, đứa bé phải khám phá thân thể mình. Thân của nó hồi đầu tưởng như một khối với thân của mẹ nó. Thực ra, phải nói ngược lại mới đúng: Thân của mẹ nó được nó coi như sự nối dài của chính mình. Mẹ đúng là Mẹ-Sữa của bé. Bé nuốt dần mẹ, nên bé sán mẹ. Mẹ trông thực "ngon lành". Mẹ còn là chỗ dựa êm cho bé nữa. Mẹ bồng bé, nựng bé, cho bé bú nè. Mẹ còn mơn trớn bằng tay, bằng môi, bằng mặt nữa. Nhột nhột đấy, nhưng khoái biết bao nhiêu! Và tia nhìn thật dịu hiền, nụ cười thật tươi nồng. Hạnh phúc thật bao la, tất cả là hạnh phúc cho bé.
Nếu mẹ đứa bé là sự nối dài thêm của nó, thì những gì khác bao quanh cũng là sự nối dài thêm của mẹ. Phải, đứa bé tưởng tất cả là của mình, thuộc về mình. Tất cả là "sự vật" (chose) mà nó phải nắm, phải nuốt đi.
Thế nhưng nhờ các thân thể xung quanh, nó lại nhận ra thân thể mình. Cũng thì mũi miệng và chân tay đấy, nhưng của mình khác với của cha mẹ, của các chị các anh. Thế là nó vui sướng đi từ khám phá này sang khám phá khác, nhất là ở những chỗ hay hay, mà chạm vào thì nhột nhột. Giống như chú mèo con chơi với cái đuôi của nó.
Lớn một tí, đứa bé bắt đầu thám hiểm ở chiều sâu, vào giang sơn của cái Tôi, thiết lập dần chủ quyền ở khu vực ấy. Và nó trở nên ương bướng. Ương bởi khẳng định mình. Tự khẳng định cũng là tự tách ra khỏi sự "bao cấp" của phụ huynh. Một "rắn mắc" cần thiết và bình thường. Không thế, thì sau đây tự lập sao nổi?
* * *
Tách mình ra khỏi người cũng là phân người ra khỏi mình.
Bắt đầu, ý thức về kẻ khác đầy tính chiếm hữu, vị ngã (với ý nghĩa vị kỷ). Ðứa bé nhìn cha mẹ và xung quanh như những nguồn thỏa mãn, những sở hữu, sở vật (chose). Thế rồi, mặc cảm Oedipe khiến nảy sinh lòng ghen đối với đấng sinh thành cùng phái tính. Ðứa bé phải vượt thắng sự tập trung vào mình để chấp nhận cho ba má có những tương quan riêng, và đây là bắt đầu cho chấp nhận Kẻ khác. Cố nhiên, một chấp nhận "Ðành vậy, biết sao", tiêu cực quá, chưa phải là khẳng định người, coi người đúng là người khác mình, có quyền lợi và cuộc sống riêng tư như mình.
Dù sao, nếu khéo được động viên, một em bé vài ba tuổi có thể nhường nửa tấm bánh ngọt cho bạn, cho em. Một bắt đầu của Hướng tha: quên mình và quan tâm đến người: -Thì ra cũng có người khác thiếu, cần, thích bánh ngọt như bé!
Suốt cho đến tuổi đi học, đứa trẻ rất vị ngã, và phải khó khăn lắm mới xếp được chỗ đứng cho những cái tôi khác bên cái tôi của mình. Nhưng rồi nó sẽ tập yêu ba má vì đó là ba má: tình yêu trở nên vị tha hơn và vững chắc hơn. Tiếp theo ba má, nó cũng ưa làm quen với một hai người lớn khác, kẻ có gì khơi động được trong nó niềm thán phục do tài khéo, kiến thức hoặc kinh nghiệm.
Vòng mở ngày càng dãn nở, trượt xa hơn thế giới của ba má, anh em khi đứa bé đến trường. Ở đấy, nó không còn là trung tâm của mọi quan tâm nữa. Nó thành đồng đẳng với những bạn bè đồng đẳng. Thầy cô chẳng phải là thầy cô riêng của nó. Và giữa chúng bạn, nó phải vừa chia sẻ, vừa đấu tranh cho chỗ đứng của mình. Nó có thể thu mình lại trong vỏ sò cô độc nếu lép vế, bị tránh né, hay không cố gắng tương giao. Nhưng bình thường, nó sẽ thấy cái Mình mở sang một Chúng mình thoải mái hơn. Và đó cũng là điều kiện để có an toàn. Nó không nhận suông nữa, mà thấy rằng, để nhận của người thì phải cho của mình. Ðó là tương giao bè bạn, và đó cũng là nhập đề vào cuộc sống xã hội.
Sự xã hội hóa con người cũng là sự "người lớn hóa" nó. Người lớn về mặt tâm lý, tôi muốn nói.
Thời mạnh (temps fort) của việc này diễn ra ở tuổi dậy thì. Thế giới của người lớn trở nên hấp dẫn vô song. Một thế giới lớn với toàn những vấn đề lớn. Nó mở về phía những chân trời xa xôi, đầy hứa hẹn, ngạc nhiên. Trước ngưỡng cửa của thế giới ấy, cậu hay cô thiếu niên, giầu tham vọng và nhiều hoang tưởng, thấy mình quảng đại lên và rất táo gan, dù trong thực tế vẫn rụt rè thế nào ấy. Ðể bước vào thế giới mới, y phải giành quyền tự quyết. Muốn chống ba má, nhưng y bắt chước cung cách người lớn của ba má, cả trong điệu bộ lẫn suy nghĩ. Tình yêu và lòng tôn sùng của y chuyển hướng về phía những thần tượng như anh hùng chiến tranh, minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá, v.v.
Bằng tâm tưởng, y lao mình vào những thế giới huy hoàng của mộng mơ, mong giành lấy cho mình ở đấy một tương lai, một chỗ đứng. Thế nhưng, thế giới ấy cũng là thế giới của nhiều và mọi người. Y có thể nhận ra rằng, chỗ cao nhất trong đó là của những ai biết quên mình vì đồng loại. Và y thấy nổi lên lòng quảng đại, vị tha khi nghe kể về những tấm gương hy sinh của những anh hùng tuẫn quốc, tuẫn đạo hay tuẫn vì bênh vực những kẻ khốn cùng. Ðây cũng là lúc y cảm thấy có trách nhiệm trong việc cải tạo xã hội và kiến thiết đất nước. Y sẽ thấy tự tin khi được người tin, thấy như đủ khả năng làm những việc mà trước đây y tưởng không phải của y. Ðây là lúc từ cô, cậu, y đã chuyển thành chàng, nàng. Tuổi của Mở ra đúng cỡ trùng với tuổi lập gia đình. Tiến hóa tính dục đã tới giai đoạn chót: sinh dục. Như thế có nghĩa: tận đích của phân giới tính là Mở sang toàn vẹn trong tình yêu.
* * *
Nếu Mở ra là bước tiến tự nhiên về phía trưởng thành tâm lý, thì Khép lại thường là triệu chứng của thoái lui (régression), mà hậu quả là một vị kỷ ấu nguyên (égocentrisme infantile), sự ấu trĩ bệnh hoạn.
Theo Freud, sự tiến hóa dục tình (érotique), khởi sự từ ấu thời, chỉ tới đích ở tuổi cập kê, và đây cũng là tiến từ tự dục (auto-érotique) sang tha dục. Giai đoạn tự dục đi từ miệng đến hạ bộ qua bước giữa ở hậu môn. Sự tiến hóa này, như chúng ta thấy, nó sóng đôi với tiến hóa tâm lý từ vị ngã đến mở cửa chấp nhận người khác.
Hơn thế, tiến hóa dục tình cũng có mặt tâm lý của nó, và đây là điều mà Freud quên (Coi I. LEPP, The psychology of loving, bản dịch Anh văn của B.B. Gilligan, USA, 1965, tr. 93). Nghĩa là dục tình (libido) khi tới đích của nó nơi sinh dục, thì về mặt cảm tính, cũng tới đích khi hướng về người khác phái và tình yêu. Chính cái vế thiêng liêng này mới nâng dục tình lên đúng tầm người của nó. Sự tiết chế một phần ở khoái lạc thể xác là rất cần theo Freud để đầu tư cho tình yêu. Và đây là công việc mà Freud gọi là Thăng hoa (sublimation) đó. Bớt một phần sức nặng (thể xác) thì mới có chiều cao (bề sâu cảm tính và thiêng liêng). Và nếu tăng độ sâu cho tình cảm, thì đòi hỏi nhục dục cũng bớt gay gắt, đồng thời nhục dục được nâng cao dưới bóng của tâm tình.
Hướng đi lên của thăng hoa cũng là hướng mở ra về phía người khác. Vâng, nếu nhục dục lấn át, thì người ta hướng về cái khoái của bản thân, nên đây là tự dục (narcissisme). Chỉ trong tình yêu thật sự, người ta mới hướng về hạnh phúc của cái Chúng mình, nên đây là Mở sang, một hiệp thông liên bản vị.
Tình yêu (tình yêu khác phái hay tình yêu mẹ con) có khuynh hướng thu hẹp (giữa mấy người với nhau thôi). Nhưng chỉ tình yêu (chứ không phải tình bạn) mới đủ sâu để chạm tới những chủ thể và làm thức tỉnh những gì thâm u và phong phú nhất. Vâng, chỉ trong tình yêu mới có Mở hết, Mở hoàn toàn, nhờ đó dám quên mình vì người mình yêu.
Có người sẽ bảo: Người ta chẳng hy sinh vì tổ quốc, lý tưởng, bè bạn, con cái đó ư? Hy sinh vì tổ quốc, lý tưởng hay bác ái là hy sinh vì bổn phận hay do một cái lý nào đó thúc đẩy, chứ không thật sự do độ nồng cảm tính. Còn con cái lại là cái gì CỦA MÌNH, nên bảo vệ con cái phần nào cũng là bảo vệ chính mình đó. Vả nữa, tương quan phụ mẫu-tử cũng nằm trong phân cực (polarisation) và hấp dẫn âm dương, nếu hiểu âm dương là ở cương-nhu, sáng-tối, cho-nhận, v.v... Người mẹ, đó là kẻ có nhu cầu Cho hết, và đứa con có nhu cầu Nhận hết, nên bù trừ vừa đúng cho nhau. Nhất là khi đứa con kia lại khác giới phái. Theo Freud, thì trong mỗi người nam có tiềm phục Ước muốn Người mẹ, và trong mỗi người nữ có Ước muốn Người cha.
Thủ dâm ở tuổi dậy thì chưa hẳn là tự dục (auto-érotique). Sự nổi dậy lần đầu của những xung động sinh dục sẽ khêu gợi những ước ao khám phá. Có điều nếu không được kiềm chế, thì chính tình yêu sau này sẽ ảnh hưởng. Sự thanh lọc của tình yêu nằm ở thăng hoa mà. Sự thủ dâm, khi thành thói quen hưởng lạc một mình, sẽ dẫn đến thoái hóa thành duy tự dục (auto-érotic-isme) (Theo Lepp, thì có những trường hợp duy tự dâm, mà trong đời sống xã hội, đương sự vẫn sống cởi mở được - op.c. tr.95).
Tự dục hoàn toàn, đó là một căn bệnh. Còn tự dục tương đối thì phần đông mắc phải. Tự dục tương đối là của những ai yêu bằng một tình yêu chiếm hữu, yêu vì mình hơn là vì người, "những cặn bã của ấu trĩ cảm tính còn lại, mà không vượt thắng nổi" (Lepp. op c. tr.94-95). Nếu giao hợp, thì người khác khi ấy chỉ là công cụ cho y hưởng lạc thôi (Lepp. op. c. tr.96).
* * *
Nói chung, thì tâm bệnh, dù ngoại tiếp (psychose) hay nội xử (névrose) đều là thu mình kiểu Narcisse (repli Narcisse) cả.
Trong những nét chính của nó, tâm bệnh nội xử xuất hiện như một thứ xung đột nội tâm, đầy lo hoảng (angoisse), thiếu cảm giác an toàn và khả năng thích nghi, do đó bệnh nhân không cách gì tương giao bình thường với người xung quanh được. Những trói buộc vô thức làm y không cởi mở nổi. Những then máy tự vệ cản ngăn sự chấp nhận kẻ khác, sự trao phó mình cho bất kỳ ai. Và như thế, khả năng tương giao suy giảm nặng, do một yên trí, một cấm cản và một thoái lui. Không phải là đời sống tâm lý chỉ dừng ngưng lại, mà còn thoái hóa thành một thứ vị ngã ấu trĩ, mà hậu quả là bệnh nhân phải trốn ẩn nơi mình trong cô đơn, hoặc lệ thuộc quá đáng vào sự yêu thương kiểu bao bọc của một người, hoặc lao mình vào những bù trừ nào khác.
Tâm bệnh ngoại tiếp (psychose) khác nội xử ở chỗ đó là hoàn tất của thoái lui. Mọi ăng ten hướng về thế giới đều bị đứt (nên điên loạn hẳn). Không còn nối tiếp được với ai, và sự cô lập là hoàn toàn. Vì mọi cửa khẩu vít rồi, nên cũng vô phương bắc cầu liên lạc cho một trị liệu phân tâm học.
Xem như thế, mọi tổn thương tâm lý đều mang ý nghĩa của Khép kín, cũng như mọi trưởng thành cảm tính đều nằm trong hướng Mở ra, Mở rộng, Mở sang. Trị liệu phân tâm học sẽ không thực hiện được nếu không tạo nổi một bầu khí cảm thông giữa bệnh nhân và y sỹ. Và sự thành công của trị liệu là đưa được đương sự trở về với cuộc sống của những tương giao.
* * *
Mỗi người thành người trong cuộc sống của mình thế nào, thì loài người thành người trong lịch sử cũng thế.
Nếu đứa bé sơ sinh chưa phân nổi thân mình với ngực mẹ, thì người nguyên thủy cũng chưa tách được thân ra khỏi bầy đàn (horde), kế đó bộ lạc, rồi gia tộc, gia đình... Tiến trình ý thức cá thể chỉ thực sự bắt đầu từ giữa thời phong kiến và hoàn tất dưới chế độ dân chủ. Tách ra khỏi bày và khẳng định mình giữa tập thể, con người đòi hỏi sự an toàn bản thân và những quyền riêng tư. Nhưng hồi đầu, nghĩ đến quyền lợi, nó mới nghĩ cho bản thân thôi. Nó vị ngã và vị kỷ. Và đây là lúc cá nhân chủ nghĩa ngự trị, lúc bình minh của chế độ dân quyền (démocratie do dêmos-kratos, dân quyền).
Tôn thờ cá nhân chủ nghĩa, con người đóng kín trong cái vỏ sò cá nhân; và trong pháo đài bất khả xâm phạm ấy, nó cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Thiếu hơi ấm Kẻ khác, người Phương tây hôm nay, nhất là trong giới Kytô-hữu, mong muốn được cảm thông, mong muốn sống cộng đồng. Họ gắng mở rộng cửa và lập thành nhiều hình thức cộng đồng cơ sở (communauté de base). Chỉ trong sự thông hiệp ấy, con người mới vượt được ý thức cá nhân sang ý thức bản vị, vừa cảm thấy mình là Chính mình (soi-même), vừa cảm nhận kẻ xung quanh là những Mình khác và Khác với mình, khiến tạo nên một cuộc sống phong phú, một bầu khí thoải mái và ấm áp.
Xem như thế, sự tiến hóa, trưởng thành hóa của con người, về mặt nào cũng vậy, luôn luôn là ở hướng Mở ra. Không phải một đồng hóa với thiên nhiên cho bằng một cảm thông với loài người (Xét bề bản tính, con người có gì thuộc thiên nhiên - do tính vật chất của cơ thể. Nhưng xét về bản vị, thì nó lại đứng riêng ra, tách khỏi thiên nhiên. Là bản tính lưỡng diện - vật, linh - và bản vị một lượt, đáng lẽ con người vừa phải đắm mình vào thiên nhiên vừa phải vượt trên vũ trụ. Thế nhưng Phương tây đã nghiên cứu về vế dưới, khi mà Phương đông lại nghiêng về vế trên. Cùng là nghiêng lệch cả).
Có điều ở đây, xem như chỉ cần một chấp nhận Kẻ khác (l'autre) và tương giao xã hội bình thường, chứ chưa cần độ sâu của yêu thương. Nhưng chấp nhận phải chăng là thái độ của tâm hồn, do đó có gì của tâm tình, chứ không phải của ý thức hay ý chí suông? Nếu đã là tâm tình, thì dù mờ nhạt đến đâu, ít nhiều phải có thiện cảm (sym-pathie). Thiện cảm, đó là ngưỡng cửa của yêu thương. Và yêu thương, đó là độ cao của thiện cảm. Nếu hiếu nhân (thiện cảm với con người) là điều kiện để có trưởng thành tâm lý, thì một tình yêu đủ rộng và đủ sâu hẳn hoàn tất sự trưởng thành này.
Như ta thấy rất rõ, những kẻ không được ấp ủ trong yêu thương lúc ấu thời, mà lớn lên cũng chẳng có tình yêu tưới gội, những kẻ ấy thường có gì cứng ngắc trong tương giao và khô cằn ở tâm hồn. Thật đúng như một khúc cây biết đi và biết nói. Người như thế dễ sinh tàn nhẫn và cảm thấy cô đơn.
Vậy để trưởng thành và hoàn thiện bản thân, ta phải gắng Mở sang và Rộng mở. Thông thường, hễ Mở sang khá sâu, thì giảm quên Mở rộng. Trái lại, hễ Mở rộng nhiều, thì khó Mở sâu đủ. Thật ra, có Mở sâu, mới mong phát hiện cái Mình khác, và cùng với cái Mình khác cũng nhìn rõ cái Chính mình tôi, tất cả trong một Chúng mình tuyệt vời. Và có vậy mới phát triển và hội nhất tới mức. Thế nhưng, thêm vào đấy, nếu không có những cố gắng Mở rộng cho cả cái Mình và cái Chúng mình, thì xem như vẫn còn một vướng mắc, một tắc nghẽn nào đó cho cả cuộc sống bên ngoài lẫn sự thoải mái bên trong.
Bước tiến luân lý phải chăng cùng chiều đi với trưởng thành tâm lý? Kẻ mà vị kỷ thì nhất định tham lam và tàn nhẫn rồi, còn người vị tha tuyệt mức cũng không thể không là thánh nhân. Nhưng thử hỏi, nếu đảo ngược, liệu còn đúng nữa hay không? Ðảo ngược, nghĩa là hoán vị thuộc cách và chủ từ: Cái gì xấu cũng vị kỷ hết, và hễ lành thánh thì phải có lòng nhân.
Chúng ta chỉ biết: Nhiều người có tiếng đức hạnh, nhưng lòng cứng lạnh như sắt đá và sắc diện giống vỏ cây khô. Trái lại, cũng có kẻ tuy ăn chơi phóng túng, nhưng tính lại thương người. Quả có nhiều tính xấu xem ra chỉ liên quan đến ăn uống, tham vọng hay biếng lười thôi.
Thật ra, khi còn loay hoay cố nên thánh, người ta có thể luyện được nhiều đức, nhưng vẫn để lọt nhiều đức khác. Và kẻ dù xấu, trong mình có thể còn vài ba cái tốt tự nhiên, do bản chất hoặc truyền thống gia đình. Có điều hẳn ai cũng phải nhận rằng, không thể có thánh thiện như một con người hội nhất (intégralement) thánh nếu không có dạ từ bi. Và kẻ đã xấu tự căn, thế nào cũng tàn ác và hiểm độc.
Theo thánh Phaolô, "các luật như: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp đều gồm thâu trong nguyên tắc sau đây: Hãy yêu người (cận nhân) như chính mình. Ðức Ái không làm hại ai, đức Ái là Luật ở chỗ tròn đầy của nó" (Rom.13.9-10). Vì thật ra, đức Ái tàng chứa mọi đức:
- "Ðức Ái khoan dung, hay giúp đỡ; đức Ái chẳng ghen tị, tự mãn, khoa trương; đức Ái không làm phiền, trục lợi; đức Ái không nổi giận, chấp nhất; đức Ái không vui trước cảnh bất công, nhưng sung sướng trong sự thật; đức Ái thứ tha hết, tin hết, hy vọng hết, nhẫn chịu hết." (1 Cor.13.4-7)
Tuy Phaolô nói về đức Ái siêu nhiên, nhưng điều mà ngài nói cũng hiểu được về lòng nhân nói chung.
Tại sao đức Ái lại là sự tròn đầy của mọi đức và gồm bao mọi đức? Phải chăng vì nó sinh ra những thái độ và tâm tình của các đức khác? Phải chăng vì ở mức hoàn thiện của chúng, các đức này lấn nhiễm sang nhau và gặp gỡ nhau trong đức Nhân? Phải chăng vì chỉ tình yêu mới động viên được toàn con người, tận nền sâu thẳm của nó, để từ chỗ ấy đứng dựng lên cái Chính mình, tức bản vị?
Nói cho đúng, người ta chỉ Làm người, duy nhất bằng đạo đức mà thôi. Nhưng để hoàn thành con người ở đỉnh cao và tận gốc, thì phải có một lòng nhân tế nhị và sâu, yêu người đến chết được vì người, và đây là sự hoàn tất của Vị tha. Nếu nhìn đạo đức và sự thực hiện bản thân từ cao đỉnh ấy, ta sẽ thấy các năng đức làm nên như những bậc thang, từ bốn bên cao dần về phía đỉnh, ở đó chúng sẽ gặp nhau, sẽ hòa hợp với nhau, sẽ được thấm nhiễm bởi tình thương để nên như ngàn vạn cách diễn đạt khác nhau của tình thương này, đúng như Phaolô nói trong 1 Cor. 13.4-7. Bao lâu còn xa đỉnh, thì chúng còn xa cách nhau, xa cách chính đức Ái. Bởi thế, một người có thể ngay thẳng nhưng lại sắt đá con tim. Hay tuy khiết tịnh đấy mà vẫn tham lam được. Người ta thắng vị kỷ và ham muốn ở một vài mặt, nhưng ở mọi mặt khác thì không. Người ta luyện đức thẳng ngay vì yêu đức ấy, chứ chưa vì yêu cái KẺ KHÁC viết hoa, Thiên Chúa. Người ta tránh dâm ô vì giữ luật, chứ chưa vì yêu Ðấng làm luật. Vả lại, chỉ nhắm sao cho mình lành thánh thôi thì chưa lành thánh thật, bởi chưa quên mình đủ. Và một đạo đức kiểu giữ luật sẽ khô khẳng như cái xác khô queo của luật. Ðúng thế, bao lâu trái tim chưa mở hết cho tình yêu, thì trái tim ấy còn ràng buộc nhiều, không thể thoát bay lên và bay xa giữa bầu trời thanh thoáng.