Phương đông không những Mở ra, hướng lớn của nó còn là Mở rộng. Không phải chỉ mở về phía loài người, nó còn mở đến toàn sự sống, đến cõi bao la của trời đất và muôn vật.
Theo Khổng tử, con người không tách khỏi thiên nhiên, nhưng trong thiên nhiên nó là một cái gì trung tâm và ưu việt. Vâng, con người là chỗ gặp nhau của trời đất, nơi kết tinh của mọi luồng khí thiêng trời đất:
- "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí." (Lễ ký: Lễ vận)
Nên hướng cơ bản của người là mở đến tất cả. Có mở về tất cả để hòa với tất cả (chứ không khép kín nơi mình), con người mới hiểu được mệnh trời, đường đi của hoàn vũ, hướng tới của bản thân. Vì trong tất cả, chỉ có một cái Lý chí ư linh diệu, nó thể hiện ở vật chất trong quy luật dịch biến, và phản chiếu ở lương tri thành cái đạo làm người:
- "Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, tất cả quy về một mối." (Kinh dịch: Hệ từ hạ)
Sự biến hóa trong trời đất có nguyên ủy là Sinh, cứu cánh là Sinh, và sức để đổi mới luôn luôn cũng là Sinh. Sinh, đó là sự thịnh lên không ngưng của trời đất vậy:
- "Nhật tân chi vị thịnh đức." (Hệ từ thượng)
- "Thiên địa chi đại đức, viết Sinh." (Hệ từ hạ)
Cho nên, đứng giữa trời đất, con người phải lấy đức Sinh làm trọng, phải lấy Hiếu sinh làm đường. Hiếu sinh là thuận theo trời đất mà bồi đắp cho sự sống. Và đây là chủ trương LỠI VẬT của Khổng tử (Kinh Dịch: Văn ngôn truyện). Lợi vật, đó là đường lối sống đức Nhân, sống đạo làm người. Và đức Nhân, đó là nguyên nhân duy nhất của sự Trưởng nhân (trưởng thành xứng như một con người):
- "Quân tử tức dĩ trưởng nhân, quân tử lấy việc thành trưởng nhân làm đủ" (Văn ngôn truyện).
Nhân, đó là Cung kính, khoan hòa, rộng rãi (cung, khoan, huệ...), là "Ái nhân" và "Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân". Nhân, đó là cái nền vững lặng như núi (Nhân giả nhạo sơn - người nhân thì thích núi. Nhân giả tĩnh, người nhân thì tĩnh - Luận ngữ), trên đó các đức khác mọc lên như cây cối vậy. Nhân, hơn thế, đó là thiện cảm đối với muôn vật, đặc biệt đối với loài người.
Có điều Khổng tử vẫn còn chút phân biệt giữa thù và bạn: "Dĩ đức báo ân, dĩ trực báo oán". Chứ Mặc tử thì chủ trương Kiêm ái, giống như Trời "gồm tất cả vào mà sáng soi cho".
Nói chung, thì hướng đi chính yếu của Khổng giáo vẫn là Mở rộng, mở đến bao la:
- Tứ hải chi nội giai huynh đệ.
- Vua nước Sở mất cung, thì người khác được, thế thôi (can chi phải giới hạn: người nước Sở được, vì thế là hẹp hòi).
Cũng như Mặc tử, Lão tử chủ trương một Mở rộng đến tất cả, trong đó bạn thù không phân biệt nữa. Ở đây, ông đã tiến xa hơn Khổng tử khi đề nghị: Báo oán dĩ đức!
Cũng như Khổng tử, Lão tử cho rằng có một cái Ðạo trời vĩnh cửu với những thể hiện khác nhau trong thời gian tùy theo giống loại. Vì thế, người ta phải ngắm trời để nhìn ra con đường của mình. Thế mà trời thì sống cho người, chứ không sống cho mình: "Thiên địa kỳ bất tự sinh" (Ðạo đức kinh, VIII). Vậy người cũng phải bắt chước trời mà "làm lợi, chứ không làm hại, Lợi nhi bất hại" (LXXXI). Cũng là bắt chước nước, không tranh với bất cứ gì, mà cho bất cứ gì cũng chỉ làm ích thôi (VIII). Tóm lại, đây là chủ trương VỊ NHÂN (LXXXI) hay VI THIÊN HẠ (XIII). Ðây là nguyên lý TỪ (LXVIII), tức thương người. Sống vì người, còn mình thì quên đi, coi như không có nữa: "Vô thân". Vô thân là để mình sang một bên: "Ngoại kỳ thân", để mình ra đằng sau: "Hậu kỳ thân".
* * *
Nói đến Vô thân, Vô ngã, thì không giáo thuyết nào nhấn mạnh (như điều kiện tiên quyết cho tu thân và giải thoát) cho bằng Ấn giáo, nhất là Phật giáo.
Ấn giáo thật ra chỉ phủ nhận cái tiểu ngã, cái Tôi khi nó được đồng hóa với xác thân.
Theo Ấn độ, có hai thứ xác thân: thô thân gồm mình và các cơ quan, và vi thân gồm ngũ năng hành động và lục căn: lý trí, thị giác, thính giác, v.v...
Do tự đồng hóa với xác thân, nên cái Tôi mới dùng xác thân làm "trường" (champ) hưởng thụ, giống như con bò giữa đồng cỏ của nó. Ðể hưởng thụ, tiểu ngã còn phải vươn xa, nới rộng đến những sự vật khác. Do đó mà có phân biệt Của anh với Của tôi, cũng như có phân biệt giữa tôi với những tiểu ngã khác.
Theo Ấn giáo, con người chỉ là tinh thần thôi, và tinh thần ấy là vô hạn ở nền tảng. Tinh thần ấy là cái Ngã siêu việt, là Con chim không ăn (tức không hưởng thụ vật chất), bàng quan đứng nhìn con chim ăn. Vì bị lầm là một với xác thân, nên Ngã biến thành tiểu ngã, xem như đang hưởng thụ bằng lục căn và thể xác của mình. Phải giải thoát tôi khỏi sự u mê này, và do u mê, ham muốn. Phải xác tín rằng, Tôi chẳng phải cái này cũng chẳng phải cái kia, chẳng phải tay chân mình mẩy, cũng chẳng phải thính thị hay lý trí nào cả.
Thoát ra khỏi nhà tù tiểu ngã cũng là thoát khỏi những giới hạn và phân biệt, phân giữa Tôi và anh, biệt giữa Của tôi với Của anh, do đó sinh bao ghét ghen và ham muốn. Người thức giả thì phải mở tới bao la và coi tất cả là "bình đẳng" (theo ý nghĩa: Không gì khinh trọng hơn gì cả).
Ðối với Phật giáo, cái Tôi chẳng qua là chuỗi dài bất tận của những hiện tượng tâm giới, cái nọ sinh cái kia, và tất cả do sự gặp gỡ giữa lục căn (thính giác...) với lục trần (thanh sắc tố...). Cho nên, không những Diệt dục, Phật giáo còn chủ trương Diệt ngã, Vong ngã nữa.
Ðã không còn Ngã thì không còn giới hạn và phân biệt. Và Phật giáo dậy Từ bi vô lượng, một thiện ý hướng về toàn thể chúng sinh. Phải, toàn chúng sinh, chứ không chỉ toàn chúng nhân. Ðức hiếu sinh, đó là tập tục ngàn đời của Phật giáo, và cũng là của dân Ấn nói chung. Hiếu sinh Ấn có tên là Ahimsâ (Mà ta quen dịch là Bất bạo động). Ahimsâ, theo nghĩa đen, là Không (a) giết (han,hanti): tránh hại sự sống, hại đến sinh vật. Chính vì Ahimsâ mà cả xứ Ấn trường trai.
Hiếu sinh và từ bi, đó là thiện cảm và mở rộng. Phương châm của nó, như một tổ sư Phật giáo Tây tạng nói, là Thiệt mình nhường người. Và nguyên tắc là Bình đẳng, tức coi mọi người như nhau, không phân thân sơ hay thù bạn.
Con đường Phương đông đúng là Mở rộng, mở đến tận cùng của sự mở. Vì đây không phải chỉ là non sông, chủng tộc, mà toàn loài người: Tứ hải chi nội giai huynh đệ. Không phải chỉ loài người, mà mọi sinh linh: Ahimsâ, Hiếu sinh. Không phải chỉ sinh linh, mà cả đất trời. Và cái nhìn của sự mở: "Bình". Coi hết thảy bằng nhau, dù thù hay bạn (Mặc, Lão, Phật), dù thân hay sơ (Phật).
Mở không chỉ bằng ý thức, mà còn bằng thái độ tâm hồn, thái độ của TỪ, TỪ BI, tức thiện cảm, kể cả xót thương nữa. Nên đây cũng là Mở sang, giữa những tâm hồn với nhau, một cảm thông.
Nhưng xem ra Phương đông mới biết đến Từ, chứ chưa hiểu đến Tình; mới nhìn thấy chúng sinh, trong đó loài người chưa nổi hẳn; mới nhìn thấy con người nói chung, hơn là từng người riêng biệt, với cái độc đáo tự căn khiến nó thành bản vị, chủ thể. Ðể khám phá cái chỗ sâu kín mờ mịt này, bác ái không xong, phải có tình ái. Phải, chỉ có mũi khoan sắc của tình yêu mới xói được tới độ sâu của cái Chính mình em, Chính mình anh trong sự phong phú tột đỉnh của cái Chúng mình.
Mà độc đáo Kytô-giáo lại là ở Tình yêu, ở cái Tận kỳ yêu ấy.
Kytô-giáo cũng là Kiêm ái, gồm hết lại mà yêu, như Cha trên Trời mưa cả trên người lành lẫn kẻ ác, như Thầy chí thánh còn cả cánh đồng mênh mông phải gặt, còn toàn thế giới phải đưa về một bầy chiên. Nhưng yêu đúng Kytô-giáo không phải là nửa chừng yêu. Ðức Kytô, người mở đường và là chính Con đường, "yêu thương đệ tử, Ngài đã yêu đến cùng tận". Mà yêu đến cùng tận, thì "chẳng có tình nào lớn hơn tình của kẻ thí mạng vì người mình yêu". Thế mà Thầy dậy ta: "Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em". Và Thầy đã yêu đến chết treo trên thập tự.
Vậy yêu theo Kytô-giáo là Tận kỳ yêu, yêu đến tận kỳ quên mình để chết cho nhau được sống. Ðúng là Vô thân, Ngoại kỳ thân, cốt cho người còn, chứ không phải thân tồn. Ðúng là Mở sang, và Mở hết sang. Như Thầy đã chết để thành thức ăn cho tôi: mầu nhiệm Thánh Thể!
Ðức Ái Chúa Kytô có đủ những nét đặc trưng vừa của bác ái, vừa của tình ái, nên phải gọi nó bằng Erôs (tình ái) hay Agapê (tình yêu vị tha) đây? Ðệ tử Ngài đã tránh từ Erôs, bởi tình yêu gái trai thời ấy đậm mầu chiếm hữu, vị kỷ, được coi là đam mê hơn là một giá trị. Sau này, nhiều thần học gia cũng không ưa dùng thứ ngôn ngữ lứa đôi chuyên biệt để nói lên sự thân mật Chúa - hồn. Trái lại, Cựu ước thời tiên tri không có những e ngại ấy. Và cũng không gặp ta-bu này trong ngôn ngữ các huyền nghiệm nhân (mystiques). Trước mắt các vị này, Chúa Yêsu đúng thật là Người tình thiêng liêng và lý tưởng của hồn. Họ không thể không dùng ngôn ngữ và hình ảnh của ái tình, vì không một ngôn ngữ và hình ảnh nào khác diễn tả nổi kinh nghiệm ấy.
Chính vì Kytô-giáo cốt yếu là đạo của tình yêu, nên bản vị tính được khám phá sâu xa trong đó. Cùng với bản vị tính, được đề cao cộng đồng tính và tương quan liên bản vị.
Tương quan liên bản vị ngay cả trong đạo đức và tội lỗi. Người thật thánh không phải là người muốn thánh cho mình, mà người yêu Chúa hết mình, cũng như muốn cho Ngài được tất cả mến yêu. Còn tội thì nó không phải là vết nhơ cho tôi cho bằng xúc phạm cho Chúa đã yêu thương tôi. Nên sám hối cũng không vì phạm luật cho bằng vì bội bạc với Ðấng bởi yêu tôi đã cho tôi thành người và chịu chết vì tội tôi.
Mở sang Chúa thì đồng thời cũng phải mở rộng với Chúa. Chúa là "Tất cả cho mỗi người", mà cũng là "Tất cả cho mọi người" (Một câu trong bài thánh ca cổ rất quen thuộc: "Totum omnibus, Totum singulis"). Nên Mở ra đúng Kytô-hữu sẽ là "Bổ túc nơi thân tôi vào những gì còn thiếu cho những đau khổ Chúa Kytô" với đích nhắm "Vì thân mình Ngài là Giáo hội" (Col.1.24 - Thánh Phaolô có ý nói đến những chịu đựng trong đời sống sứ đồ, nhưng thánh Augustin khi giải thích đã mở rộng đến các hi sinh trong đời sống Kitô-hữu).
Kytô-giáo vừa là tổng hợp, vừa là cao đỉnh và siêu đỉnh của cả Mở ra, Mở rộng lẫn Mở sang. Mở ra nói đến quên mình và vị tha. Mở rộng nhấn vào tầm bao la của Mở. Còn Mở sang nhắm chiều sâu và tính liên bản vị của thông hiệp.
Thế nhưng cho đến nay, Kytô-hữu chưa mấy chú ý đến điểm Hai, chưa hiểu hết ý nghĩa Catholique, Katha holon, tức Về-Mọi mặt (quant à l'universel), Hết thảy.
Trước hết, Nước Chúa không phải chỉ một phần của loài người, mà bao trọn loài người, với thiên nhiên kèm theo. Thế mà đệ tử Chúa thường chỉ quan tâm đến bên trong Hội thánh (tôi nói đến Hội thánh ở mặt hình thức và cơ chế của nó), và nếu có vươn ra ngoài, thì cũng chỉ để kéo vào cho tập thể của mình thôi. Ngày nay, đã có nhiều tổ chức lo cứu tế, giúp phát triển các nước mà không mưu đồ truyền đạo, nhưng lại chưa hiểu nổi đó là truyền đạo rồi. Nghĩa là, bao lâu chúng ta khiến xung quanh nên tốt, sống xứng với con người, và lối sống, cảm, nghĩ phù hợp hơn với lý tưởng Tin mừng, thì đó đã là Phúc âm hóa, chứ không luôn cần sổ Phép rửa phải thêm trang. Phải, chúng ta mới chú ý đến con người, chứ chưa quan tâm đến loài người. Chú ý đến bản tính họ, chứ chưa thiết đến văn hóa, đến Mọi-Mặt, Katha holon, của họ. Chúng ta chiêu người vào đạo, mà chưa mở đạo ra. Chúng ta hãy can đảm và khiêm tốn để dám nghe Phương đông "kẻ ngoại" dậy dỗ về mặt này. Lão tử nói: "Ngoại kỳ thân nhi thân tồn, Ðể thân ra ngoài mới còn thân". Phật giáo cũng khuyên: Bỏ cái Tôi đi. Vì Phật giáo không có cơ chế chặt chẽ như ta, nên họ không có sức mạnh trần thế. Họ không có sổ Phép rửa để tra xem ai là Phật tử, ai không. Nhưng dù mai sau nếu chùa chiền không còn, người Việt khi nghĩ suy và đánh giá, vẫn ngầm quy chiếu về Phật thuyết, như thấy rõ trong Truyện Kiều, các câu truyện của người thường trên xe hay giữa chợ.
* * *
Sự Mở rộng của Phương đông làm nên một tiền kiện (antécédent) tốt nhứt cho tầm nhìn Kytô-giáo. Mahâtma Gandhi, con người vốn là sự kết hợp của Ấn giáo với giáo thuyết Tin mừng, đã sáng tạo một Bất bạo động kiểu ấy. Bất bạo động, thành tình yêu trong tư tưởng Gandhi, là thiện cảm đối với toàn giống người. Nó hướng về một thế giới không biên giới, dù đây là biên giới chủng tộc hay quốc gia, dù đây là sự phân biệt giữa người thân với kẻ thù.
Cái tầm nhìn rất Kytô-giáo, mà cũng rất đông phương ấy, còn mở tới toàn sự sống và thiên nhiên. Vì thật ra, Ahimsâ, Vô sát, đó là Hiếu sinh. Mà hiếu sinh, thì ngay từ Cựu ước, đã thấy dấu vết rồi. Dấu vết ấy là tục cấm ăn thịt, rồi cấm ăn "tiết canh", khi mà máu xưa kia được coi là chứa sự sống (St.9,3-4).
Ấy thế mà nhiều Kytô-hữu chỉ coi lục súc như công cụ, thậm chí còn chơi ác với chúng mà không chút áy náy lương tâm. Họ chưa nhận ra như Phaolô rằng, dù trời đất cũng có phần ở số phận con người: số phận xưa bị ruồng rẫy và số phận sau này trong vinh quang. Họ chưa nhìn ra như Teilhard de Chardin rằng, chính con người đã chồi lên từ và trong vật chất, từ và giữa hàng sinh vật, để rồi nhờ thân mình của Con người Yêsu, thiên nhiên đã thành Môi trường thần thánh (Milieu divin). Quả thật, kẻ tàn nhẫn với con chó cũng dễ độc ác với con người, vì họ chưa thật có đức nhân, cái đức thể hiện ra ở thái độ Từ và lòng Hiếu sinh. Luyện đức hiếu sinh, thương quý loài vật, đó là cách học nhập môn để trân quý con người, khiến dễ động lòng trước những cảnh thương tâm, dễ đồng cảm với các tâm hồn, và lòng rộng mở đến khoảng trời mênh mông bát ngát.
Dĩ nhiên, không phải cứ yêu thương con mèo của mình, rồi hết tàn nhẫn với người đầy tớ đâu. Yêu mà chiếm hữu, thì chưa phải Mở ra. Cũng như một kẻ chay trường do tập quán không nhất thiết sẽ có thái độ hiếu sinh, nếu không nhắm tinh thần hiếu sinh trong chay trường.
Ðể luyện đức hiếu sinh, hãy tránh phim bạo lực, quan tâm đến kẻ khác, lại dùng suy tư, suy niệm để dưỡng nuôi các tâm tình từ ái và bao dung.
* * *
Trong suy chiêm, hãy năng dùng các phương pháp gợi ý, ám thị vốn là điểm mạnh của Phương đông. Suy tư thì vận dụng ý tưởng, mà ý tưởng thường khô khan, nên khó sản sinh một tình cảm, điều mà với gợi ý thì lại dễ. Phương pháp gợi ý dùng cái khả giác để hướng lòng về cái siêu giác, nên nhờ khả giác làm bật lên một trực giác và khơi dậy một thái độ tâm hồn.
Vậy khi có thể, hãy lợi dụng những buổi mai trong mát, những buổi chiều êm ả, những cảnh trí bao la, giúp cho hồn lắng đọng và tầm nhìn mở rộng. Lòng khi ấy tự nó sẽ dãn nở với tầm nhìn. Khi trước mắt không có một cảnh trí như thế, ta có thể dùng trí tưởng để vẽ nên (trong tâm) sự mênh mông của biển, của cánh đồng thẳng cánh cò bay, của bình nguyên trải dài trong ánh tuyết.
Tầm nhìn rộng mở cũng phải là cái nhìn thiện cảm. Chỉ cách nhìn thiện cảm mới khám phá chiều sâu, mới đạt tới linh hồn của tất cả. Tất cả khi ấy sẽ đỏ thắm một dòng sự sống, sẽ ấm bằng hơi nóng của con tim. Nhất là khi trong Chúa, hết thảy được nhìn. Vạn vật khi ấy không còn ngoài tôi nữa, mà trở nên vô cùng thần thánh và đáng yêu. Nói chi đến con người.
Không những từng con người, chúng ta còn thấy cộng đồng người, trong đó có mình đây. Sự Mở sang những cái Tôi trong một Chúng tôi ấm cúng.
Khi hai người yêu nhau, họ thích tách ra khỏi tập thể. Không thể có thân mật sâu xa, nếu không có riêng tư của thân mật. Ðây là cái yếu của con người bị phân chia và hạn chế bởi thể xác. Nên đi đôi với sự riêng tây, phải có cố gắng mở rộng. Sự Mở ra của gia đình hay nhóm đến toàn Giáo hội và thế giới.
* * *
Thông thường, chúng ta chỉ nghĩ đến những gì liên can đến mình. Vòng suy nghĩ thật hẹp do một hướng nhắm quá hẹp. Từ nay, mỗi lần sực tỉnh, ta hãy đảo ngược đích nhắm ấy. Hãy thay mình bằng người khác, những vấn đề của mình bằng vấn đề của người khác, hay của cả tập thể trong đó có ta. Nên nghĩ đến cái lý của đối phương hơn là cái lý của tôi. Hãy đặt tôi vào hoàn cảnh của họ, thay vì đứng ở vị trí tôi mà đánh giá về họ. Và hãy nhích gần thay vì đứng xa, khiến sinh đố kỵ, nghi ngờ. Thêm vào đấy, thỉnh thoảng phải dành một thời gian nhất định để chuyên nghĩ về một số người, nhất là người mà ta có trách nhiệm chăm lo đến.
Cách sống bên ngoài thường âm hưởng đến bên trong, nhất là khi ta có ý nhắm như thế. Vậy hãy tập cho quen với thái độ cởi mở và cử chỉ ân cần. Nhất là khi gặp người lạ trong buổi hội hay tiếp tân. Trong những dịp ấy, người Á châu thường đứng riêng một xó hay trò truyện mãi với một hai người. Phải cưỡng lại thói quen lười làm quen ấy. Hãy niềm nở đến với người khác, nhất là với những kẻ lẻ loi.
Khi đối xử với người như thế, hãy nhắm cái ích của họ hơn là cái đức của mình. Trên con đường nên thánh, ý tưởng nên thánh giúp ta rất nhiều. Nhưng dù sao, quan tâm đến cái thánh của mình vẫn là chưa đủ quên mình. Nên đến một giai đoạn nào đó, chính ý hướng ấy sẽ cản ta không thánh được. Theo Upanisïad thì: phải trên cả thánh (muni) và không thánh, thì mới tri brahman (nên thập toàn).
Cho nên, để nên thánh, phải bắt đầu ngay cuộc cách mạng lật đổ cái Tôi, từng phần và từng bước. Có thể quên mình khá dễ bằng cách quan tâm đến người. Nói theo ngôn ngữ hôm nay, là nghĩ đến Kẻ khác (l'Autre). Và sâu xa hơn, cái Mình khác (l'autre Soi-même). Nghĩ đến người như cái Mình khác của tôi, Mình nên thân thiết với tôi, Khác nên lại không thể như tôi. Thêm một bước nữa, hãy nhìn họ trong Chúa, nhìn những cái Mình khác ấy ở chân trời của MÌNH KHÁC viết hoa, đấng mà tôi chỉ gặp ở bề sâu, nhưng lại vượt hẳn bề sâu ấy. Ở chân trời của Thiên Chúa, đấng MÌNH KHÁC viết hoa này, mỗi người sẽ càng xuất hiện trước tôi như một cái Mình khác chí thân, nhưng lại vượt cao thành đáng kính đáng yêu trong Chúa.
Nên thánh thì phải yêu thương và chấp nhận người khác. Và đó là Mở ra. Mở ra không phải chỉ là điều kiện để nên thánh, mà còn là đòi hỏi cho trưởng thành cảm tính nữa. Ðứa bé mới sinh chỉ tập trung vào mình. Nó phải bớt dần cái Tôi để chấp nhận người khác và hòa hợp với xung quanh nếu không muốn đi vào thoái hóa, và đây là vị kỷ ấu nguyên.
Mở ra Tân ước hướng về cả bề rộng lẫn bề sâu. Nhưng Kytô-hữu xưa nay chưa mấy quan tâm đến bề rộng. Truyền thống Phương đông, với nguyên tắc Vô thân và Vị nhân, với hướng Vô phân và tôn trọng sự sống, sẽ giúp Kytô-hữu tái khám phá chiều kích Mở hết (katha holon) của Ðạo và "chuyển giao" kỹ thuật để trau dồi đức tính ấy.