Cuộc họp báo
trình bày Tông Sắc (Bulla apostolica)
của ÐTC Gioan Phaolô II
về việc triệu tập Năm Thánh 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc họp báo trình bày Tông Sắc (Bulla apostolica) của ÐTC Gioan Phaolô II về việc triệu tập Năm Thánh 2000.

Sáng thú Sáu 27.11.98, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, kế bên đường Hòa Giải, Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000, cùng với Ðức Tổng Giám Mục Crescenzo Sepe, Tổng Thư Ký Ủy Ban và Ðức Giám Mục Piero Marini, Trưởng Ban Lễ nghi Phụng Vụ Phủ Giáo Hoàng, trình bày với giới báo chí Tông Sắc (Bulla Apostolica) có tựa đề là "Incarnationis Mysterium" (Mầu Nhiệm Nhập Thể) của ÐTC Gioan Phaolô II về việc triệu tập Năm Thánh 2000.

Sau khi mở đầu cuộc họp báo bằng những lời của Tông Sắc "Với cái nhìn hướng về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa", Ðức Hồng Y chủ tịch nói: Những lời đầu tiên của Tông Sắc triệu tập Năm Ðại Toàn Xá nhắc nhở cho những ai hồ nghi hoặc quên đi ý nghĩa của con đường của Giáo Hội tiến về Năm 2000. Ðây là chặng cuối cùng kể từ khi công bố Tông Thư Tertio Millennio Adveniente (1994) (Ngàn năm thứ ba sắp đến) về việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá vào năm 2000. Hướng về một chân trời nay đã gần kề, ÐTC tập trung trong Tông Sắc tất cả nghị lực thiêng liêng mà ngài đã nói lên trong Tông Thư ấn định mở Năm Thánh. Tông Sắc là văn kiện vắn tắt và linh động nói lên tất cả niềm vui của ơn cứu chuộc. ÐTC quả quyết: "Việc nhập thể của Con Thiên Chúa và ơn cứu rỗi mà Người đã thực hiện với sự chết và sự sống lại của Người, là tiêu chuẩn thực để phê phán mọi chương trình nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân đạo hơn (số 14).

Ðức Hồng Y Etchegaray nói tiếp: "Tông Sắc gợi lại rõ ràng những địa điểm của Năm Ðại Toàn Xá sẽ được cử hành cùng một lúc: tất cả các Giáo Hội địa phương, Roma và Thánh Ðịa. Riêng tại Roma và Thánh Ðịa. "sẽ được cử hành trên cấp bậc và với sự quan trọng như nhau". Với việc cử hành này, ÐTC hy vọng "một bước tiến mới có thể thực hiện trong việc đối thoại giữa các tín hữu Do Thái, Hồi Giáo và Kitô, để, sau cùng, tại chính Giêrusalem có thể trao đổi lời chào bình an" (số 2).

Tính cách khẩn cấp của sự hiệp nhất Kitô, đã được ÐTC nhấn mạnh trong Tông Thư chuẩn bị Ðại Toàn Xá, nay lại được lặp lại với hình thức của "một lời mời cùng nhau cử hành Tiệc Cưới", lời mời tham dự Lễ Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. ÐTC viết: "Tất cả chúng ta hãy tới... hãy đem đến những gì đã liên kết chúng ta và cái nhìn chỉ nhằm vào Chúa Kitô sẽ làm cho chúng ta lớn mạnh trong sự hiệp nhất, thành quả của Chúa Thánh Thần" (số 4). Vai trò của Vị Giám mục Roma, người Kế Vị Phêrô, chỉ là vai trò "củng cố lời mời về Ðại Toàn Xá, gửi tới tất cả các môn đệ của Chúa Kitô. Giáo Hội đã luôn luôn cử hành Toàn Xá như một chặng của con đường tiến đến sự thánh thiện trong Chúa Kitô... (số 5).

ÐTC đi xa hơn nữa, "các tín hữu của các tôn giáo khác, cũng như tất cả những ai xa đức tin nơi Thiên Chúa, cũng được ngài mời gọi chung hưởng, cả họ nữa, niềm vui của chúng ta. Như anh chị em của gia đình nhân loại duy nhất, chúng ta cùng nhau vượt qua ngưỡng cửa của một ngàn năm mới, ngàn năm sẽ đòi hỏi chúng ta dấn thân và trách nhiệm về mọi người" (số 6).

Sang đến phần thực hành, Tông Sắc ấn định thể thức cụ thể cử hành Ðại Toàn Xá. Trước hết ÐTC ấn định khai mạc Năm Thánh vào Ðêm Lễ Giáng Sinh năm 1999 và bế mạc vào ngày Lễ Hiển Linh (Ba Vua) năm 2001. Năm Thánh sẽ là một kinh nghiệm đặc biệt sâu xa của ơn thánh và của lòng thương xót Thiên Chúa (số 6). Rồi ngài nêu lên những dấu hiệu truyền thống của thể chế Năm Toàn Xá "biểu lộ đức tin và gia tăng lòng sốt sắng của dân Công Giáo, như : Cuộc hành hương, Cửa Thánh và Ân Xá... Về dấu hiệu cuộc hành hương: "lịch sử Giáo Hội là một nhật ký sống động của một cuộc hành hương vô tận" (số 7). Với cuộc hành hương, Ðại Toàn Xá nhằm tiến đến "một tình trạng của Con Người hoàn thiện, tiến đến sự trọn vẹn của hình ảnh Chúa Kitô" (xem Ep 4, 13).

Dấu hiệu Cửa Thánh "gợi lại việc vượt qua mà mỗi một tín hữu Kitô được mời gọi thực hiện từ tội lỗi tiến sang ơn thánh" (số 8). Cửa Thánh là biểu hiệu của một Cửa thực sự và duy nhất là chính Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế nhân loại: Chính Người đã nói: "Ta là cửa". Bất cứ ai muốn đến với Chúa Cha, phải qua Cửa này.

Về dầu hiệu Ân Xá: Có những người tỏ ra chống đối yếu tố cấu tạo này của biến cố toàn xá (số 9). Tông Sắc giúp chúng ta đào sâu giáo lý và giúp chúng ta lành mạnh hóa việc thực hành, như Ðức Phaolô VI đã cập nhật hóa, do lời yêu cầu của Công Ðồng Chung Vatican II. Việc ban Ân Xá "Indulgentia" (ân xá, ở đây thuộc số ít), không phải như một hành động rút tiền từ chương mục ngân hàng, mà do bởi Chúa Kitô mà thôi. Ân Xá được đón nhận như một ơn, nói lên "mầu nhiệm vô tận của sự hiệp thông Các Thánh" (Các Thánh cùng thông công và thúc đẩy đi đến một sự trở lại bên trong; việc trở lại này được biểu lộ trong dấn thân tái lập cơ cấu xã hội, bị tan rã bởi tội lỗi. Giáo Hội của Toàn Xá là chứng nhân và là nơi của việc canh tân, qua việc thống hối, về các mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và với anh chị em mình.

Sau cùng, Tông Sắc yêu cầu Dân Chúa "bảo tồn tinh thần cởi mở để công nhận những dấu hiệu khác có thể có về sự hiện diện Thiên Chúa hoạt độïng trong Năm Toàn Xá" (số 11), và cũng đã được nêu lên trong Tông Thư "Tertio Millennio Adveniente" (Ngàn Năm thứ ba sắp đến). Trước hết, ÐTC tả lại "dấu hiệu của việc lành mạnh hóa ký ức" và ngài viết dài về điểm này. Lành mạnh hóa ký ức (tẩy não) nghĩa là đòi hỏi mọi người có một hành động can đảm và khiêm tốn, để nhận biết những sai lầm đã phạm bởi những người đã mang và còn mang tên tín hữu Kitô (số 11).

Với giọng mạnh mẽ, ÐTC khuyên: "Với tư cách là Vị Kế Nghiệp Phêrô, tôi nài xin, trong năm của lòng thương xót, với sức mạnh của sự thánh thiện nhận lãnh nơi Chúa, (tôi nài xin) toàn thể Giáo Hội hãy quì gối trước Thiên Chúa và khẩn cầu ơn tha thứ các tội quá khứ và hiện tại của các con cái mình". Rồi ngài thêm: "Ước gì không có một người nào trong Năm Toàn Xá này tự loại mình ra khỏi cái ôm hôn của Người Cha". Một sự nhấn mạnh đến tình thương âu yếm giữa Người Cha và các con cái được tả lại trong đoạn 11, dài và rất hay. ÐTC nhắc lại dụ ngôn người con phung phá trở về nhà cha và được tiếp đón nồng hậu như thế nào. Ngài khuyên đừng bắt chước thái độ ích kỷ của người con cả, không muốn thông công niềm vui của gia đình.

Hai dấu hiệu khác được nhắc đến trong Tông Sắc, vắn hơn, nhưng không kém mạnh mẽ: Dấu hiệu Ðức Ái: "Hãy mở mắt nhìn vào những thiếu thốn của tất cả những ai đang sống trong cảnh nghèo nàn và bị loại ngoài lề xã hội" (số 12). Dấn thân của mọi người, cách riêng của những ai nắm trong tay số phận các dân tộc" là một yêu cầu khẩn cấp của Năm Toàn Xá; lời yêu cầu này bắt nguồn từ truyền thống nguyên tuyền nhất của Thánh Kinh. Dấu hiệu thứ hai là việc Kính Nhớ các Vị Tử Ðạo: "dấu hiệu nầy liên lỉ có mặt trong Giáo Hội, nhưng ngày nay là dấu hiệu hùng hồn cách riêng, để làm chứng cho chân lý của tình yêu Kitô. Từ đầu Giáo Hội cho tới nay, nhất là trong thế kỷ này, dưới chế độ Phát Xít, Ðức Quốc Xã, Cộng Sản, tranh chấp chủng tộc... biết bao tín hữu Kitô đã bị sát hại vì trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với đức tin (số 12).

Tông Sắc kết thúc như sau: "Niềm vui của Năm Toàn Xá không đầy đủ, nếu cái nhìn của chúng ta không hướng về Mẹ Maria, Ðấng trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Chúa Cha, đã sinh ra cho chúng ta Con Một Thiên Chúa, Ðấng đã nhập thể trong lòng cực sạch của Người" (số 14). "Xin Ðức Trinh Nữ thành Nagiaret và của Việc Thăm Viếng đồng hành với chúng ta trên con đường của biến cố Toàn Xá nay đã gần kề!


Back to Radio Veritas Asia Home Page