Tài liệu của
Ủy Ban Trung Ương
Năm Thánh 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bài Gợi Ý Suy Tư số 2 cho năm 1997: Suy Tư Thần Học về Chúa Kitô

Khám phá lại việc giảng dạy giáo lý
như là lời loan báo về Chúa Giêsu Kitô
và về tác vụ cứu rỗi của Ngài

1. Việc giảng dạy giáo lý của Chúa Giêsu; Ngài là Nhà Rao Giảng Phúc Âm đầu tiên và hoàn hảo nhất.

Chúa Giêsu là một nhà rao giảng phúc âm đại tài. Ngài đã loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa ngự đến trong chính con người Ngài, với sự hăng say, niềm xác tín và uy quyền của một vị thầy không ai vượt qua được. Phúc âm theo thánh Mathêu, chuơng 9, câu 35, đã ghi lại như sau: "Chúa Giêsu rảo qua tất cả những thành phố và làng mạc, vừa giảng dạy trong các hội đường, công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh họan tật nguyền." (cf. 4,33 và Mc 6,34).

Phúc âm theo thánh Luca trình bày cho chúng ta biết một ngày làm việc tông đồ của Chúa, nơi thành Capharnaum, xứ Giuđêa (x. Lc 4,31-44). Ðó là một chuổi tiếp nối những lời giảng dạy, những phép lạ, những di chuyển và những thái độ tiếp đóùn. Thật vậy, sau khi đã dạy dỗ dân chúng, Chúa Giêsu chữa lành một người bị thần ô uế ám ảnh làm hại. Khi đến nhà của Phêrô, ngài chữa lành bà mẹ vợ của Phêrô, lúc đó đang nằm liệt giừơng vì bị sốt. Buổi chiều Chúa chữa lành nhiều người bệnh tật, những kẻ phải gánh chịu đủ loại điều xấu. Sáng sớm ngày hôm sau, khi ngài còn đang ở tại một nơi thanh vắng,thì đám đông dân chúng đến với Ngài và mong ngài ở lại với họ. Nhưng Chúa Giêsu rồi Capharnaum, để đi đến các làng khác, và giảng dạy trong hội trường của xứ Giuđêa" (x. Lc 4,44). Hai lần, tác giả Phúc âm Luca đã nhấn mạnh đến sự kinh ngạc của dân chúng vì uy tính và quyền hành phát sinh từ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu như sau: Dân chúng khâm phục trước lời giảng dạy của Chúa, vì Chúa giảng dạy như đấng có quyền (c. Lc 4,32.35).

Nhìn cách toàn bộ, việc rao giảng phúc âm mà Chúa Giêsu thực hiện, có mang tính cách như một sự thông truyền "toàn diện". Thật vậy, Chúa Giêsu đã giảng dạy bằng lời nói, xử dụng nhiều loại văn chương khác nhau, như loại những bài diễn văn ngắn, những dụ ngôn, những câu châm ngôn, những so sánh, những lời nói đi kèm với sự kiện. Vài trang phúc âm có giá trị muôn thuở trong lối giáo huấn của Chúa như: bài diễn văn trên núi (Mt 5-7) bắt đầu với những lời mở đầu nói về các mối phúc thật (Mt 5,3-12); những dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành (Lc 10,30-37) về đứa con đi hoang (Lc 15,11-32); bài diễn văn về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25, 31-46); những lời giảng dạy trong bửa tiệc ly cuối cùng với các môn đệ (Gn 13-17).

Cả nếp sống của Chúa Giêsu cũng là một phương thế thông truyền hữu hiệu. Thật vậy, Chúa Giêsu đã rao giảng phúc âm với thái độ sống "không theo truyền thống của cha ông", khi phải đối diện với người nghèo, những kẻ bị loại ra bên lề. Chúa Giêsu có một thái độ hoàn toàn mới mẽ đối với những kẻ thù, những người ngọai quốc, những phụ nử, các trẻ nhỏ, lề luật Môi sen, và đền thờ Giêrusalem. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn thông truyền nhờ qua biết bao phép lạ thuộc đủ loại; những phép lạ nầy trở thành những dấu chỉ cho quyền năng thần linh của Chúa, hoặc dấu chỉ cho sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử. Những phép lạ khơi dậy sự kinh ngạc và tiếp nhận, nhưng đồng thời cũng khơi dậy sự ganh tị và thù ghét. Ðối với kẻ thù cũng như đối với những đồ đệ của Chúa, những phép lạ là dịp để hiểu về Chúa Giêsu và để đi từ thái độ chấp nhận quyền thiên sai của Chúa (exousia) đến thái độ chất vấn về thực thể thẩn linh của Ngài (ousía), từ quyền năng lạ thường của Chúa đến thực thể lạ lùng của ngài.

Chúa Giêsu đã thông truyền bằng những hành động, bằng sự thinh lặng, bằng cái nhìn. Cả sự di chuyển của Chúa trong không gian (khoảng cách, từ nơi nầy đến nơi khác), cũng trở thành sự thông truyền cứu rỗi. Cuộc hành trình của Chúa lên Giêrusalem có một ý định rõ ràng để mạc khải về sứ mạng cứu rỗi của Chúa vừa đồng thời cho thấy thái độ sống của Chúa đối với sứ mạng cứu rỗi nầy. "Ðây,chúng ta hãy lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị trao nộp cho các thượng tế và các luật sĩ; họ sẽ kết án tử cho Ngài, sẽ nộp Ngài cho dân ngọai; Ngài phải chịu sĩ nhục và bị đánh đòn, rồi chịu đóng đinh; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại"(Mt 20,19).

Lời mời gọi sống như Ngài được gởi đến cho các đồ đệ(x. Mc 1,16-20 và song song). Lời mời gọi nầy là sự thông truyền những sự thật tôn giáo đặc biệt và là kinh nghiệm chia sẽ đời sống và tham dự vào những lý tưởng tông đồ như ngài. Thật vậy, cuộc sống theo ngài đòi hỏi các đồ đệ phải sống hiệp thông hằng ngày với ngài (Mc 3,14); "họ ở lại với Ngài" (Gn 1,39), trong khi rao giảng, trong lúc cầu nguyện, trong niềm vui về những phép lạ lạ lùng, như phép lạ làm cho nước hoá thành rượu trong tiệc cưới tại Cana (Gn 2, 2.11), trong bửa tiệc ly (Gn 13-17), trong đau khổ vì người bạn Lazarô bị chết (Gn 11), trong khichờ đợi khổ nạn đến tại vườn cây dầu (Gn 18), nơi biến cố Chúa chịu đóng đinh (Gn 19,26-27). Ðời sống và sứ mạng của Chúa Giêsu trở thành đời sống và sứ mạng của các tông đồ.

Mầu nhiệm Vượt Qua, Chết và Sống Lại, kết thành dấu ấn cao nhất của việc thông truyền toàn diện nầy. Việc thông truyền nầy được liên tục hoá trong lịch sử, không những trong sự rao giảng của các đồ đệ Chúa, nhưng nhất là trong bí tích Thánh Thể, bí tích thực hiện trong thời gian và không gian cuộc gặp gỡ liên vị của mọi tín hữu với Chúa Giêsu, Ðấng rao giảng Phúc âm và cứu chuộc.

Trong ba năm cuộc đời công khai của Ngài, Chúa Giêsu thực hiện một việc giáo dục đức tin có tính cách bao gồm tất cả mọi sự, một cuộc huấn luyện trở thành như là một sự đồng hóa sống động và thật sự (osmosi vitale). Nhờ qua phương pháp giáo dục hữu hiệu nầy, một phương pháp đạt đến chóp đỉnh trưởng thành tại biến cố Vượt Qua, Chúa Giêsu thông truyền và hướng dẫn hai điểm trung tâm thiết yếu của đức tin Kitô. Ðó là: (1) Ơn cứu rỗi được đạt đến không chỉ bằng việc áp dụng Lề Luật, mà qua đức tin vào con người Chúa và biến cố thật sự đã xảy ra. Biến cố thật xảy ra ở đây là chính Chúa Kitô làm đối tượng trực tiếp cho đức tin Kitô. (2) Ơn cứu rỗi Kitô đạt đến chóp đỉnh của nó khi nó trở thành kinh nghiệm sống mối tương quan với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Sự hiệp thông Ba Ngôi là đối tượng trọn vẹn của cuộc sống Kitô.

Như thế giáo huấn của Chúa Giêsu có sự quy hướng mạnh mẽ về đặc tính Kitô học và ba ngôi. Chúa Giêsu đã chỉ cho ta thấy rằng ơn cứu rỗi Kitô là chính sự sống cụ thể mối tương quan trực tiếp với Ba Ngôi. Phúc âm theo thánh Gioan có tích chứa một cách đặc biệt rõ ràng con đường giáo lý nầy của sự trưởng thành đức tin, khởi sự từ đức tin vào Chúa Kitô và dẫn đến cuộc sống trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và sẽ ỡ lại trong nguời đó" (Gn 14,23).

2. Lời rao giảng Kitô đầu tiên: Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Trước biến cố Vượt qua, Chúa Giêsu đã hứa ban cho Phêrô "chìa khoá quyền hành" "Thầy sẽ ban cho con chìa khoá Nuớc Trời"(Mt 16,19). Quyền chìa khoá nầy bao gồm trách vụ giảng dạy với uy quyền. Tuy nhiên, sau biến cố Vượt Qua (Chết, Sống Lại, Lên Lrời, Hiện Xuống), các tông đồ và các đồ đệ mới bắt đầu nói vang lên lời rao giảng cứu rỗi của Thầy mình một cách mạnh mẽ phi thường và với sự dấn thân hữu hiệu.(Từ ngữ "giảng dạy giáo lý" trong tiếng Hy Lạp là Katechéo, có nghĩa là làm cho vang lên, giảng dạy bằng miệng). Chẳng hạn như thánh Phaolô, quả quyết rằng: Ai được rao giảng giáo lý cho, thì kết làm thành phần được chia sẻ của cải với người rao giảng giáo lý (Gal 6,6)(Nguời được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình). Giáo huấn của Chúa Giêsu và biến cố Chết đi và Sống Lại của Người, trở thành nội dung của lời rao giảng truyền giáo đầu tiên cũng như nội dung của những tác phẩm đầu tiên. Vì thế, những sách Phúc âm không phải là gì khác hơn là những bài giáo lý cao cả đầu tiên cho cộng đoàn Kitô lúc khởi đầu (x.Lc 1,4). Trong thơ gời cho cộng đoàn Roma, thánh Phaolô quả quyết rằng: Nếu con tuyên xưng trên môi miệng rằng Chúa Giêsu là Chúa, thì con sẽ được cứu rỗi" (I co 13,3-5; x. I co 12,3; Phil 2,11).

Vài tác giả xem như là bản tổng kết đầu tiên của bài giáo lý sau Phục Sinh, đọan thơ I Co 15,3-5, trong đó Thánh Phaolô nhắc cho những anh chị em tín hũu Corintô nhớ lại cốt tuỷ thiết yếu của kho tàng đức tin, mà họ đã lãnh nhận từ ngài và do chính ngài thông truyền. Ðó là: Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: rằng Chúa Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, theo như lời Kinh Thánh; Ngài được an táng trong mồ và ngày thứ ba thì sống lại như lời Kinh Thánh; Chúa đã hiện ra với Cêpha và sau đó với nhóm 12. Giáo huấn căn bản cho người Kitô là lời loan báo về cái chết, an táng, sống lại của Chúa Giêsu và về những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh.

Ngoài hai thái độ rao giảng và tin nhận, thì sau biến cố Phục Sinh, việc theo Chúa trở thành việc làm chứng cho Chúa Giêsu cho đến hy sinh mạng sống mình và việc sống hiệp thông với Thiên Chúa Cha, với Chúa Con Ðấng Phục Sinh và với Chúa Thánh Thần trong một nếp sống đầy tình huynh đệ trong giáo hội. Trong những thơ của Thánh Phaolô và các thơ của thánh Gioan, người ta lưu ý đến sự chú ý nhiều đến khía cạnh Kitô và ba ngôi của đức tin nơi những cộng đoàn Kitô đầu tiên: "Thật vậy, chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống"(2Co 6,16), bởi vì được kêu gọi sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần (x. 2 Co 13,13; Phil 2,1) và với Thiên Chúa Cha và với Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô (1 Gio 1,3.6-7; 1 Co1,9;6.15.19). Ðó là điểm trung tâm của giáo lý của Chúa Giêsu Kitô và về Chúa Giêsu Kitô: giáo dục đức tin và làm cho đức tin vào Chúa Kitô được trưởng thành; đó là một cuộc sống đã được cứu rỗi trong sự hiệp thông ba ngôi.

Việc giảng dạy giáo lý sau biến cố Phục Sinh được hiểu và sống như là một sự làm cho trưởng thành và sự thông truyền toàn diện của đức tin, nhờ qua lời Rao Giảng của Chúa Giêsu Kitô (Kerygma), kinh nguyện và sinh hoạt bí tích của Giáo Hội (leiturgia, eucharistia), việc phục vụ cho những kẻ túng thiếu (diakonia),sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em (koinonia ,ekklesia). Việc giảng dạy giáo lý sau biến cố Phục Sinh, với những đặc tính như vừa nói trên, là một việc giảng dạy giáo lý toàn diện, giống như việc giảng dạy giáo lý của Chúa Giêsu. Ngoài ra, việc giảng dạy giáo lý nầy còn có tính cách thiết yếu, nghĩa là tập trung hướng về Ðức Tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi; và có tính cách toàn bộ(integrale) nghĩa là đặt toàn bộ cuộc sống của các cá nhân cũng như của cộng đoàn trong sinh hoạt lịch sử cũng như trong viễn tượng cánh chung. Cơ cấu của việc dạy gíao lý nầy, tựu trung là cơ cấu được gặp thấy nơi Sách Giáo Lý Mới của Giáo Hội Công Giáo(1992), gồm có bốn phần. Trước hết,có việc trình bày và đào sâu về Ðức Tin Kitô, (Kinh Tin Kính, Credo). Phần thứ hai huấn luyện cho việc cử hành mầu nhiệm Kitô trong phụng vụ và trong các bí tích. Phần thứ ba tích chứa giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội về đời sống luân lý và về những giới răn. Phần cuối cùng hướng dẫn vào đời sống cầu nguyện, với một sự giải thích rộng rải về Kinh lạy Cha. Chính Chúa Giêsu Kitô là vị thầy soi sáng và nâng đỡ bốn chiều kích vừa nói của cuộc sống Kitô thống nhất. Thật vậy, Chúa Giêsu là đối tượng của đức tin chân thật; Chúa hiện diện bằng hành động cứu rỗi trong Giáo Hội và trong các bí tích; Chúa là kiểu mẫu, là nguồn mạch và là sự nâng đỡ cho hành động của người Kitô bằng ân sủng của Người; Chúa là vị thầy và là đấng soi sáng cho lời cầu nguyện của chúng ta cùng với Thiên Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần.

3. Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của việc giảng dạy giáo lý của Giáo Hội.

Việc nhắc lại Chúa Giêsu Kitô như là trung tâm đích thực và nguồn mạch của lời rao giảng Kitô, được nổi bật rõ ràng nơi giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô, được Ðức Phaolô VI định nghĩa như là "bài giáo lý lớn cho thời đại mới" (AAS 58,1966, trg 575). Trong bài diễn văn khai mạc Công Ðồng vào ngày 11 tháng 11 năm 1962, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã đặt Chúa Giêsu vào trung tâm của lịch sử và cuộc sống; con người hoặc là chấp nhận Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, và do đó sẽ hưởng được ánh sáng, sự tốt lành, trật tự và hoà bình; hoặc là sống không cần Chúa "(EV 1,31).

Chủ hướng Kitô học là một trong những chìa khoá giải thích giáo huấn của công đồng. Từ văn kiện đầu tiên của Công Ðồng,tức văn kiện về Phụng Vụ, Công Ðồng đã quả quyết như sau: "Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Người, một cách đặc biệt trong những sinh họat phụng vụ"(SC số 7). Nơi hiến chế về Mạc Khải, Công Ðồng viết như sau: "Chúa Kitô là Ðấng mà nơi Ngài trọn cả mạc khải về Thiên Chúa Cha được nên trọn"(DV 7). Nơi Văn Kiện cuối cùng, tức là Văn Kiện mục vụ về Giáo Hội, Niềm Vui và Hy Vọng, số 22, ÐTC đã viết như sau: "Thực vậy, chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người gặp được ánh sáng đích thực. Adam là con người đầu tiên, là hình ảnh cho đấng sắp đến sau là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Adam mới, khi mạc khải Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha và tình yêu thương của Ngài, thì Chúa cũng sẽ mạc khải trọn vẹn con người cho con người và làm cho con người ý thức về ơn gọi cao cả của họ. Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, con người nhận được ánh sáng cho bí ẩn về đau khổ và sự chết; bên ngoài phúc âm Chúa, cái chết và sự đau khổ đè bẹp chúng ta. Chúa Kitô đã sống lại, Người huỷ diệt sự chết bằng cái chết của Ngài, và đã trao ban cho chúng ta sự sống, ngõ hầu, trong phận làm con cái Thiên Chúa trong Chúa Con,chúng ta tuyên xưng nhờ Thánh Thần soi sáng rằng:Lạy Cha,Abba" (GS số 22).

Việc lấy lại chủ hướng Kitô học trong việc rao giảng Phúc âm và trong việc giảng dạy giáo lý, nói lên lời xác nhận tính cách trung tâm của Chúa Giêsu Kitô, trong việc rao giảng đức tin,như là con đường để trưởng thành,để giáo dục và huấn luyện về cuộc sống Kitô trong đặc tính cụ thể và toàn diện của nó. Và đây là định nghĩa của việc giảng dạy giáo lý: "Với danh gọi là "dạy giáo lý", người ta muốn chỉ đến tất cả những cố gắng được thực hiện trong Giáo Hội, để làm cho con người trở thành đồ đệ, để giúp con người tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, ngõ hầu, nhờ đức tin, con người có sự sống nhân danh Ngài, để giáo dục và huấn luyện con người trong cuộc sống nầy và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô"(CT, số 1).

Chủ hướng Kitô học trong việc giảng dạy giáo lý có hai ý nghĩa. Trước hết, nó muốn nêu chỉ rằng Chúa Giêsu Kitô là vị Thầy duy nhất và chân thật, nhờ đó, trong việc giảng đạy giáo lý, cần phải giảng dạy duy chỉ giáo lý và đời sống của Chúa Giêsu mà thôi" (CT, 6-8). Kế đến, việc giảng dạy giáo lý cần hướng về trung tâm là chính Chúa Giêsu Kitô,Ðấng cứu thế, hướng về mầu nhiệm nhập thể của Chúa, sự thuơng khó, cái chết và sống lại, để ban ơn cứu rỗi. Thật vậy, mục tiêu cuối cùng của việc giảng dạy giáo lý là đặt con người không những trong sự tiếp xúc với Chúa,mà còn làm cho người đó được kết hiệp thân thiết với Chúa Giêsu Kitô; chỉ mình Chúa mới hướng dẫn chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và có thể làm cho chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh (CT,5).

4. Nguồn Hứng khởi Kitô học của Năm Thánh 2000.

Việc trở về với chủ huớng Kitô học không phải là gì khác hơn là một sự trở về với chiều kích đích thực của lời rao giảng Kitô. Thật vậy,chính trong biến cố Chúa Kitô, trong việc thông hiểu mầu Nhiệm Chúa, và trong sự chia sẻ cuộc sống theo Chúa, mà được mạc khải danh thánh đích thực của Thiên Chúa, và được mạc khải ý nghĩa và giá trị của cuộc sống được cứu rỗi của từng người.

Việc nhấn mạnh đến Lời Rao Giảng của Chúa Giêsu Kitô là chủ đề trung tâm của thông điệp Sứ Mạng của Ðấng Cứu Thế của ÐTC Gioan Phaolô II (1990), cũng như của văn kiện Ðối Thọai Và Rao Giảng (1991) của Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách về đối thọai liên tôn và của Bộ Truyền Giáo.

Cả văn kiện cuối cùng của khoá họp khoáng đại lần thứ IV của Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, tại Santo Domingo (1992) có một cơ cấu nội tại quy hướng về Chúa Kitô. Các giám mục quả quyết rằng: Chúng tôi tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Kitô và tuyên xưng tình yêu đối với Chúa. Ngài luôn luôn như vậy, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 13,8). Cả ba phần của Văn Kiện đều có tính cách Kitô học: (1) Chúa Giêsu Kitô, Tin Muừng của Thiên Chúa Cha; (2) Chúa Giêsu Kitô, nhà rao giảng phúc âm sống động của Giáo Hội; (3) Chúa Giêsu Kitô, sự sống và niềm hy vọng của Châu Mỹ Latinh.

Thông điệp của ÐTC Gioan Phalô II về luân lý "Sự sáng ngời của chân lý"(1993) cũng có một cơ cấu Kitô học. Chính Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật chiếu soi cho tất cả mọi người (x. intr nn1-4). Và chính Chúa là bậc thầy giảng dạy về hành động luân lý cho toàn thể nhân lọại. Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cũng có thể hỏi Chúa như chàng thanh niên giàu có ngày xưa rằng: Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt lành, để được sống đời đời.(x. chg1, nn6-27). Cùng một điều như vậy cững được áp dụng cho thông điệp luân lý thứ hai của ÐTC Gioan Phaolô II, Tin Mừng Sự sống (1995); thông điệp hoàn toàn tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, sự sống và là Ðấng ban sự sống cho nhân loại và vũ trụ. Chủ hướng Kitô học của Ðức Gioan Phaolô II, dẫn đưa nền luân lý Kitô trở về với nguồn mạch nguyên thuỷ của nó, vừa làm nổi bật sức linh động con thảo của một cuộc sống đồng hoá với Chúa Kitô trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha. Chiều kích hữu thể và chiều kích hành động, là chính thực tại của việc nhập thể của Con Thiên Chúa.

Việc nhắc đến Chúa Giêsu Kitô còn được ÐTC Gioan Phaolô II đưa ra, trong tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về đời tận hiến (1996). Ðời tận hiến là cuộc sống quy hướng về giá trị duy nhất, là chính Chúa Giêsu Kitô. Ðời tận hiến là sự thể hiện cho người ta nhìn thấy thực tại trần gian của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử nhân loại: "Với việc tuyên khấn những lời khuyên phúc âm, những đường nét đặc biệt của Chúa Giêsu - trinh khiết, khó nghèo, vâng lời - được nhìn thấy thường xuyên và như là một mẫu gương giữa thế gian (VC, n.1).

Tông thư "Ngàn năm Thứ Ba" (1994) phản ánh đặc tính trung tâm của Chúa Giêsu Kitô trong việc giảng dạy giáo lý và rao giảng phúc âm. Chúa Kitô là Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.(NNB số 4). Ngài là Chúa của vũ trụ và lịch sử (x. NNB số 5). Ngài là Chúa của thời gian, nguyên lý khởi đầu và kết thúc viên mãn của thời gian (NNB số 10).

Như là thời gian thuận tiện để rao giảng phúc âm lại và để trưởng thành trong Ðức Tin, Năm Thánh cần phải được sống với sức linh động nội tại nầy hướng về Chúa Giêsu Kitô, vừa đồng thời cũng hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi: "Cơ cấu lý tưởng của tam niên chuẩn bị 97-98-99 được hướng về trung tâm là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người;và cơ cấu nầy cũng đồng thời mang tính cách ba ngôi."(NNB số 39). Trung tâm của dòng suy tư là việc đào sâu về Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Rỗi duy nhất của thế giới,hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau" (NNB số 40).

Năm 1997, năm khởi đầu của tam niên chuẩn bị cho năm 2000, được dành để suy niệm về Chúa Giêsu Kitô, NgôiLời Thiên Chúa Cha, Ðấng đã làm người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Cần phải làm sáng tỏ đặc tính đặc biệt Kitô học của Năm Thánh, Năm cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mầu nhiệm cứu rỗi cho toàn thể nhân loại"(NNB số 40).


Back to Radio Veritas Asia Home Page