Tông Sắc (Bulla apostolica)
"Mầu Nhiệm Nhập Thể"
của ÐTC Gioan Phaolô II
về việc triệu tập Năm Thánh 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tông Sắc "Mầu Nhiệm Nhập Thể" của ÐTC Gioan Phaolô II nói về việc Triệu Tập Năm Thánh 2000.

Tông sắc được mở đầu với công thức như sau:

Gioan Phaolô Giám Mục, Tôi Tớ của các Tôi Tớ của Thiên Chúa, gởi đến tất cả các tín hữu, đang tiến đến Ngàn Năm thứ ba, lời chào và phép lành Tòa Thánh.

1. Chiêm ngắm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, Giáo Hội chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba. Không bao giờ hơn lúc nầy, chúng ta cảm thấy cần phải lấy những lời chúc tụng và tạ ơn của Thánh Phaolô tông đồ làm như của mình. Ðó là những lời sau đây: "Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Từ Trời cao, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho ta được hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta cả trước khi tạo thành vũ trụ, ngõ hầu chúng ta sống thánh thiện trước nhan Ngài, nhờ tình thương yêu của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Thiên Chúa Cha đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô... theo lượng ân sủng phong phú của Ngài. Ngài cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu, thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa Cha đã định từ trước trong Chúa Kitô. Ðó là đưa thời gian đến hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô." (Thơ Eâphêsô 1,3-5.9-10).

Những lời trên chỉ rõ ràng cho chúng ta biết rằng trong Chúa Giêsu Kitô, lịch sử cứu rỗi đạt đến chóp đỉnh và ý nghĩa cuối cùng. Trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta đã lãnh nhận "hết ơn nầy đến ơn khác" (Jn 1,16), và được giao hòa lại với Thiên Chúa Cha (x. Rom 5,10; 2 Co 5,18).

Cuộc Giáng Sinh của Chúa Giêsu tại Bêlem không phải là một biến cố đã đi vào trong quá khứ. Thực ra, toàn thể lịch sử nhân loại đều có liên hệ quy hướng về Người: thời đại chúng ta và tương lai của thế giới đều được soi sáng bởi sự hiện diện của Người. Người là Ðấng hằng sống (Kh 1,18), "Ðấng hiện hữu, đã có và đang đến" ( KH 1,4). Trước nhan Người, mọi gối phải bái quỳ, trên trời cao, trên mặt đất nầy và dưới mặt đất nầy, và mọi miệng lưỡi tuyên xưng Người là Chúa (x. Phil 2,10-11). Trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, mọi người khám phá ra được mầu nhiệm của chính cuộc sống mình (1).

Chúa Giêsu là SỰ MỚI MẼ ÐÍCH THỰC, vựơt quá mọi chờ đợi của con người, và Người luôn là như vậy mãi mãi, từ đời nầy sang đời khác. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và ơn Cứu Rỗi mà Người đã thực hiện qua cái Chết và Sống Lại của Người, đó là tiêu chuẩn đích thật để đánh giá mọi biến cố xảy ra trong thời gian và thẩm định mọi cố gắng để làm cho đời sống trở thành nhân bản hơn.

2. Ðại Toàn Xá của năm 2000 đang gần kề bên chúng ta. Ngay từ thông điệp đầu tiên của tôi về Ðấng Cứu Chuộc con người (Redemptor Hominis), tôi đã nhìn về biến cố nầy với ý định duy nhất là chuẩn bị mọi người sống vâng phục tác động của Chúa Thánh Thần (2). Biến cố sẽ được cử hành đồng thời tại Roma và tại tất cả các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới; và biến cố sẽ có, như đã có, hai điểm trung tâm: một là Thành Roma nơi mà Chúa Quan Phòng chọn để đặt Ngai Tòa của Ðấng Kế Vị Thánh Tông Ðồ Phêrô, và hai là Thánh Ðịa, nơi Con Thiên Chúa đã Giáng Sinh làm người, nhận lấy xác thể con người chúng ta từ Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria (x. Lc 1,27). Năm Toàn Xá do đó sẽ được cử hành, với phẩm vị và ý nghĩa bằng nhau, không những tại Roma nhưng còn tại phần Ðất, có quyền được gọi là Thánh, bởi vì chính tại nơi đó Chúa Giêsu đã sinh ra và chịu chết. Phần Ðất nầy, nơi phát sinh cộng đoàn Kitô đầu tiên, là nơi mà Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho nhân loại. Ðây là Ðất Hứa đã ghi dấu sâu đậm trên lịch sử của dân Do Thái, và cũng được kính trọng bởi những anh chị em tín đồ Hồi Giáo. Ước chi Năm Toàn Xá giúp cho công cuộc đối thoại hỗ tương được tiến bộ, cho đến ngày mà tất cả mọi người chúng ta chung với nhau - người Do Thái, người Kitô và người Hồi Giáo - chúng ta trao đổi với nhau lời chúc hòa bình tại Giêrusalem (3).

Thời gian Năm Toàn Xá dẫn đưa chúng ta đến (việc xử dụng) ngôn ngữ nghiêm chỉnh mà khoa sư phạm của Thiên Chúa cứu rỗi dùng để hướng dẫn con người đến việc ăn năn trở lại và đền tội. Hai việc nầy là khởi đầu và là con đường để chữa lành con người, và là điều kiện cần thiết để con người đạt đến điều mà con người không bao giờ có thể làm được với sức riêng mình: đó là tình bạn hữu với Thiên Chúa và ân sũng, là đời sống thiêng liêng; và chỉ có đời sống thiêng liêng nầy mới có thể làm cho những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người được thành toàn. Biến cố Ngàn Năm Thứ Ba sắp đến thôi thúc cộng đoàn Kitô đưa cái nhìn đức tin lên để ôm lấy những chân trời mới trong công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa. Như thế thật là điều khẩn thiết bắt buộc, trong thời gian nầy hơn bao giờ hết, (bắt buộc) mọi người trở về lại một cách trung thành hơn với giáo huấn của Công Ðồng Vatican II; giáo huấn nầy đã chiếu ánh sáng mới trên bổn phận truyền giáo của Giáo Hội trước những đòi hỏi của công cuộc rao giảng Phúc Âm ngày nay. Tại Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội đã trở nên ý thức sâu xa hơn về mầu nhiệm chính thực thể mình và về sứ mạng tông đồ được Chúa trao phó cho. Ý thức nầy thôi thúc cộng đoàn những kẻ tin Chúa hãy sống trong thế gian với ý thức rõ ràng mình là "men và, như xưa đã là như vậy, là linh hồn của xã hội con người, được trợ giúp để canh tân trong Chúa Kitô và được biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa" (4). Ðể thực hiện sự dấn thân nầy một cách hữu hiệu, Giáo Hội phải kiên trì sống hiệp nhất và lớn lên trong sự hiệp thông (5). Năm Ðại Toàn Xá sắp đến cung cấp cho chúng ta sức thôi thúc mạnh mẽ để tiến theo chiều hướng nầy.

Cuộc hành trình của những người tin Chúa tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba không thể nào bị ngăn chận bởi sự mệt mõi mà gánh nặng của hai ngàn năm lịch sử có thể mang đến. Ðúng hơn, những người Kitô cảm thấy trẻ trung lại, vì biết rằng mình mang đến cho thế giới ánh sáng thật, là Chúa Kitô. Khi rao giảng Chúa Giêsu thành Nazareth, Thiên Chúa thật và là con người trọn hảo, Giáo Hội mở ra cho mọi người khả thể được "thần thiêng hóa" và do đó được trở thành nhân bản hơn (6). Ðây là con đường có khả năng hướng thế giới đến việc khám phá ra ơn gọi cao cả của mình và chu toàn trọn vẹn ơn gọi đó trong ơn cứu rỗi do Thiên Chúa thực hiện.

3. Ðáp lại tông thư của tôi về Ngàn Năm Thứ Ba (7), những Giáo Hội địa phương, trong những năm chuẩn bị liền ngay cho Năm Toàn Xá, nhờ qua việc cầu nguyện, việc giảng dạy giáo lý và nhiều công tác mục vụ khác nhau, mà chuẩn bị mình sẵn sàng cho việc cử hành Ðại Toàn Xá; việc cử hành nầy sẽ hướng dẫn toàn thể Giáo Hội bước vào trong thời đại mới của ân sũng và sứ mạng.

Năm Ðại Toàn Xá đến gần cũng đang khơi dậy mối quan tâm càng ngày càng nhiều hơn của những ai đang đi tìm một dấu chỉ thuận lợi để giúp họ nhìn thấy những dấu vết về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta.

Những năm tháng chuẩn bị cho Năm Toàn Xá đã được đặt dưới dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh: nhờ qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, mà tiến đến cùng Thiên Chúa Cha. Trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cuộc hành hương của đức tin bắt đầu và kết thúc, khi đôi mắt chúng ta cuối cùng được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa đời đời. Khi cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu thành Nazareth, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha, ngài đã thỏa mãn ước nguyện thầm kín của mọi tâm hồn con người muốn biết được Thiên Chúa. Ðiều mà tạo vật lưu giữ như là dấu ấn được đóng vào đó do bởi bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, và điều mà các Tiên Tri của Cựu Ứơc đã loan báo như là lời hứa, thì nay được giải bày trong mạc khải của Chúa Kitô(8).

Chúa Giêsu mạc khải dung nhan Thiên Chúa Cha "nhân từ và hay thương xót" (Jas 5,11); và qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, Ngài làm cho con người biết được mầu nhiệm của tình yêu thương là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Thánh Thần của Chúa Kitô đang hoạt động trong Giáo Hội và trong lịch sử: chúng ta cần phải lắng nghe Người, để có thể nhìn thấy được những dấu chỉ của thời đại mới và có thể làm cho việc chờ đợi Chúa Hiển Vinh ngự đến trong vinh quang, được trở thành sống động trong tâm hồn các tín hữu. Do đó Năm Thánh phải là bài Ca không ngừng chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa cao cả nhất. Ðến đây, những lời đầy thi vị của Thánh Grêgôriô thành Nazianzus, nhà thần học nổi tiếng, đến giúp chúng ta dâng lời chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa như sau:

Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con, Vua của VŨ TRỤ. Sáng danh Chúa Thánh Thần, đấng đáng được chúc tụng và thánh thiện tuyệt vời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một Chúa duy nhất, Ðấng đã tạo dựng và làm đầy tất cả mọi sự: làm đầy trời cao với những sự trên trời, làm đầy mặt đất với những tạo vật trên mặt đất, làm đầy biển cả, sông ngòi và các nguồn suối với những tạo vật trong nước; Ngài làm sinh động mọi tạo vật nhờ bởi Thánh Thần của Ngài, ngõ hầu mọi tạo vật có thể hát lên chúc tụng Ðấng Tạo Hóa đầy khôn ngoan, là Ðấng ban sự sống và nâng đỡ mọi tạo vật trong hiện hữu.

Trên tất cả mọi sự, hãy để cho tạo vật có lý trí luôn dâng lời chúc tụng Thiên Chúa như là Ðức Vua cao cả và là Người Cha tốt lành." (9).

4. Ước chi Bài Ca chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi vì Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể được đồng thanh vang lên từ môi miệng của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và chia sẻ cùng một Ðức Tin vào Chúa Giêsu. Ước gì đặc tính đại kết của Năm Toàn Xá trở thành dấu chỉ cụ thể của cuộc hành trình mà trong những thập niên nầy các tín hữu của những Giáo Hội cũng như của những cộng đồng giáo hội khác nhau, đang thực hiện. Chỉ nhờ lắng nghe Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể có khả năng chứng tỏ một cách hữu hình trong sự hiệp thông trọn vẹn, cho mọi người nhìn thấy ân sủng được nhận làm con cái Thiên Chúa, ân sủng phát sinh từ bí tích rửa tội: tất cả chúng ta đều là con cái của cùng một Thiên Chúa Cha. Lời mời gọi đầy thách thức của Thánh Phaolô tông đồ một lần nữa vang lên cho chúng ta ngày hôm nay. Ðó là: "Chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần, như anh chị em đã được gọi sống cùng một niềm hy vọng của ơn gọi mà anh chị em lãnh nhận; một Thiên Chúa, một Ðức Tin, một bí tích Rửa Tội, một Thiên Chúa và là Cha của tất cả chúng ta, Ngài là Ðấng ngự trên tất cả, qua tất cả và trong tất cả" (Eph 4,4-6). Dùng những lời của Thánh Irênêô, chúng ta có thể nói: sau khi đã lãnh nhận Lời Chúa như mưa từ trời rơi xuống, chúng ta không thể nào cho phép mình trình bày cho thế giới thấy mình như là một mảnh đất khô được nữa; chúng ta cũng không thể nào cho mình là một tấm bánh, nếu chúng ta ngăn cản không cho những hạt bột trở thành một nhờ qua tác động của nước đã được đổ xuống trên chúng ta. (10)

Mỗi Năm Toàn Xá là như một lời mời gọi đến dự tiệc cưới. Từ những Giáo Hội và những cộng đoàn giáo hội khác nhau trên khắp thế giới, chúng ta hãy mau mắn đến dự tiệc đang được dọn ra cho chúng ta. Chúng ta hãy mang đến tất cả những gì đã hiệp nhất chúng ta với nhau rồi và, nhờ việc cùng nhìn lên Chúa Kitô, chúng ta hãy lớn lên trong sự hiệp nhất, hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trách vụ hiện nay của Vị Giám Mục Roma, như là Nguời Kế Vị Thánh Tông Ðồ Phêrô, là làm cho lời mời gọi đến cử hành Năm Toàn Xá trở thành khẩn thiết hơn, sao cho lễ kỷ niệm 2,000 năm của Mầu Nhiệm Trung Tâm của Ðức Tin Kitô, có thể được cảm nghiệm như là cuộc hành trình tiến đến sự hòa giải và như là dấu chỉ của niềm hy vọng đích thực cho tất cả những ai nhìn về Chúa Kitô và nhìn về Giáo Hội của Chúa, bí tích "của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể gia đình nhân loại" (11).

5. Biết bao là kỷ niệm lịch sử được Năm Toàn Xá gợi lên! Chúng ta có thể nhắc lại năm 1300, khi Ðức Giáo Hoàng Bonifaxiô VIII long trọng khai mạc Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử, đáp lại ước muốn của dân thành Roma. Lấy lại truyền thống cổ xưa "ban tràn đầy ơn tha thứ những tội lỗi" cho những ai đến kính viếng Ðền Thờ Thánh Phêrô tại Kinh Thành Muôn Thuở Roma, Ðức Bonifaxiô muốn trong dịp năm Thánh 1300 ban ơn tha thứ những tội lỗi, "không phải chỉ ban nhiều ơn tha thứ mà còn ban trọn vẹn ơn tha thứ nữa" (12). Kể từ đó về sau, Giáo Hội đã luôn luôn cử hành Năm Toàn Xá như là những bước có ý nghĩa trên con đường tiến đến sự viên mãn của Chúa Kitô.

Lịch sử cho thấy Dân Chúa bước vào trong những Năm Thánh đã qua với lòng hăng say biết là chừng nào. Dân Chúa nhìn thấy trong những Năm Thánh như là thời gian để cho lời mời gọi ăn năn hoán cải của Chúa Giêsu được cảm nghiệm sâu xa hơn. Trong kinh nghiệm sống Năm Thánh trong dòng lịch sử, đã có những lạm dụng và hiểu lầm, nhưng những chứng tá của đức tin chân thật và của lòng bác ái chân thành thì quả thật nhiều hơn rất nhiều. Một chứng nhân gương mẫu cho điều vừa nói là Thánh Philip Nêri; vào Năm Thánh 1550, thánh nhân đã thiết lập "Hội Bác Ái Roma" như là một dấu hiệu hữu hình tiếp đón những tín hữu hành hương. Một lịch sử dài về sự thánh thiện cũng có thể được trình bày, dựa trên kinh nghiệm sống Năm Thánh và trên những hoa trái của sự ăn năn trở lại mà ơn tha thứ tội lỗi đã làm trổ sinh nơi biết bao những kẻ tin Chúa.

(Còn tiếp)

UNDER CONSTRUCTION
(Ðang trong thời gian chuyển dịch)


Back to Radio Veritas Asia Home Page