ÐTC chủ tọa Hội Ðồng Hồng Y
chuẩn bị Phong Hiển Thánh và Chân Phước
trong Năm Ðại Toàn Xá

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC chủ tọa Hội Ðồng Hồng Y để chuẩn bị Phong Hiển Thánh và Chân Phước trong Năm Ðại Toàn Xá.

 Vatican - 20.12.99 - Sáng thứ Hai 20 tháng 12/1999, ÐTC chủ tọa Hội Ðồng Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục thuộc Bộ Phong Thánh, để công bố 18 Sắc Lệnh công nhận phép lạ do lời bầu cử của các Vị sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh và Chân Phước, trong Năm Ðại Toàn Xá, và một số Sắc Lệnh khác công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của một số Ðầy Tớ Chúa, được gọi là "Vị Ðáng Kính", bậc đầu tiên trước khi được phong Chân Phước và sau đó Hiển Thánh.

 Ðể được tôn phong lên bậc Chân Phước, nếu không phải là tử đạo, thì cần phải có một phép lạ. Trong các Vị sẽ được tôn phong lên bậc Chân Phước, hình ảnh nổi bật hơn cả là Ðức Pio IX (1846-1878) và Ðức Gioan XXIII (1958-1963). Ðức Pio IX là Vị Giáo Hoàng quản trị Giáo Hội lâu hơn cả trong lịch sử: 32 năm, hơn cả chính Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Ngài thời danh vì chịu đau khổ nhiều trong thời kỳ Nước Tòa Thánh và Thành Roma bị chiếm và nhiều biến cố chính trị tại nước Ý. Ngài đã can đảm đối phó với tình hình mới và nhiệt thành trong chức vụ một Vị Chủ Chăn toàn thể Giáo Hội, bằng việc đẩy mạnh đà truyền giáo tại các lục địa, bằng việc phổ biến lòng sùng kính Thánh Thể và lòng kính mến đối với Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, bằng việc nêu gương sáng về đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện. Lòng đạo đức sâu xa của Ngài đã thúc đẩy Ngài sống mỗi ngày mỗi thêm mãi Mầu nhiệm Chúa Kitô và Mầu nhiệm Giáo Hội. Ngài đã tuyên bố Tín điều Ðức Maria vô nhiễm (08.12.1854); ngài đã triệu tập Công Ðồng Vatican I (bị gián đoạn do những biến cố chính trị tại Ý năm 1870). Ngài tái xác nhận Quyền Tối Cao của Phêrô. Trọn cả Triều Giáo Hoàng lâu dài của Ngài chỉ nhằm phục vụ Giáo Hội và xây dựng Nước Chúa trên thế gian này.

 Hình ảnh nổi bật thứ hai là Ðức Gioan XXIII. Công nhận các nhân đức anh hùng của Ngài, người ta liên tưởng ngay đến Công Ðồng Chung Vatican II và tất cả những gì đang thực hiện trong Giáo Hội vào thời đại chúng ta. Ðức Gioan XXIII là vị Giáo Hoàng của Phong trào Ðại Kết. Từ lúc làm đại diện Tòa Thánh ở miền Ðông Âu, ngài đã tiếp xúc với các anh em Chính Thống tại Bulgaria, tại Thổ Nhĩ Kỳ; ngài đã tiếp xúc nhiều lần với các vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo và Tin Lành tại nhiều nơi khác nhau. Ngài tìm mọi cách để đặt nền tảng cho một thái dộ mới của Giáo Hội đối với thế giới Do Thái, bằng việc mở các cuộc đối thoại và cộng tác. Ngài viếng thăm các bệnh viện, nhà giam và những người đau khổ, những người nghèo nàn trong Giáo Hội và trên thế giới. Thực sự trong lúc sinh thời, và nhất là sau khi qua đời, người dân Công Giáo đã coi Ðức Gioan XXIII là Vị Thánh. Việc tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước là một niềm vui lớn lao cho toàn Giáo Hội, cách riêng cho Quê Hương của ngài, là Giáo Phận Bergamo (miền bắc Ý). Vụ án phong Chân Phước cho Ðức Gioan 23 còn chờ quyết định chính thức chấp nhận phép lạ đã xảy ra do lời cầu khẩn của Ngài, để có quyết định phong Chân Phước cho Ðức Gioan 23.

 Ngoài hai vị Giáo Hoàng, chúng ta nhìn vào các Sắc Lệnh khác được công bố hôm 20.12.99. Trong các Vị Chân Phước sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh có: Chân Phước José Maria Yermo y Parres, linh mục người Mexico, qua đời đầu thế kỷ 20, sáng lập Dòng các Nữ Tu Ðầy Tớ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Ðầy Tớ các người nghèo - Nữ Chân Phước Maria Faustina, người Ba Lan, tên đời là Elena Kowalska, thuộc Tu Hội các Nữ Tu Ðức Maria Trinh Nữ của lòng thương xót. Ðây là Chân Phước rất nổi tiếng trên cả thế giới vì đã phổ biến lòng sùng kính Tình Yêu Thương Xót của Chúa Giêsu.

 Trong các Chân Phước mới, ngoài Ðức Pio IX và Gioan XXIII, có Ðức Giám Mục Emanuel Gonzales Garcia, người Tây Ban Nha - một Linh mục người Pháp, Cha Guillaume Joseph Chaminade, sáng lập Dòng các Sư Huynh Marianistes - Hai Nữ Tu người Ý: Caterina Cittadini và Anna Eugenia Picco - một giáo dân người Portorico: anh Carlo Emanuel Rodriguez Santiago. Tất cả các vị này sẽ được tôn phong lên bậc Chân Phước, vì một phép lạ do lời bầu cử của mỗi vị đã được chính thức công nhận.

 Ngoài các Vị Hiển Thánh và Chân Phước trên đây, còn có một Sắc Lệnh công nhận việc tử đạo của 116 vị: Linh Mục, Tu Sĩ Nam, Nữ ... bị sát hại vì đức tin năm 1936, trong thời kỳ bách hại đạo tại Tây Ban Nha. Nên nhớ rằng: Với việc công nhận việc Tử Ðạo, không cần một phép lạ để được tôn phong lên bậc Chân Phước.

 Cũng sáng thứ Hai 20.12.99 , các sắc lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của một số Ðầy Tớ Chúa cũng đã được công bố, trong số này có: một linh mục giáo phận, người Ba Lan, Cha Sigismod Gorazdowski - một Nữ Tu người Ý, Elena Silvestri - một nữ giáo dân mẹ gia đình, người Mexico, Maria Concetta Cabrera, hiến thân cho Chúa sau khi người chồng qua đời, sáng lập 5 Dòng Nữ, tất cả hiến thân cho công việc tông đồ và có nhiều công nghiệp trong đời sống Giáo Hội. Tất các vị này được tước hiệu "Ðáng Kính" (Venerabilis). Ðọc qua 18 Sắc Lệnh được công bố sáng thứ Hai 20.12.99, chúng ta thấy có đại diện đủ cấp bậc trong Giáo Hội: Giáo Hoàng - Giám Mục - Linh Mục - Tu Sĩ nam, nữ - Giáo Dân ... thuộc mọi bậc sống và ơn gọi khác nhau, thuộc các quốc tịch khác nhau; nhưng tất cả cùng chung một lý tưởng: Phục vụ Chúa và Giáo hội.

 Trong diễn văn đọc trước ÐTC, Ðức Tổng Giám Mục José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, nói như sau: Kính thưa Ðức Thanh Cha, Bộ Phong Thánh vui mừng đặt trước sự chú ý của toàn Giáo Hội một số đông như vậy các anh chị em, nêu gương những nhân đức đến mức độ anh hùng,và đã hiến dâng sự sống cách vui mừng vì tình yêu mến Chúa Kitô. Kính thưa ÐTC, trước ngày vọng của lễ nghi mở Cửa Thánh để khai mạc Ðại Toàn Xá của năm 2000, rất nhiều tâm tình dồn dập đến trong tâm hồn chúng con, các con cái của Giáo Hội. Trong Tông Thư "Tertio Millennio Adveniente", ÐTC đã muốn nhắc lại rằng: "Việc phong Hiển Thánh và Chân Phước biểu lộ tính cách linh hoạt, sức sống mạnh mẽ của các Giáo Hội địa phương, ngày nay nhiều hơn trong các thế kỷ trước và trong ngàn năm thứ nhất. Việc tỏ lòng tôn trọng lớn hơn cả mà tất cả các Giáo Hội sẽ dâng lên Chúa Kitô trước thềm của Ngàn Năm thứ ba sẽ là việc biểu lộ của sự hiện diện quyền phép của Chúa Cứu Thế, qua thành quả của đức tin, đức cậy và đức mến nơi các người nam, nữ thuộc các tiếng nói, các mầu da, đã theo Chúa Kitô trong các hình thức khác nhau của ơn gọi Kitô".

 Ðức Tổng Giám Mục kết thúc: "Xin Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, Nữ Vương các Thánh, Người phụ nữ của lắng nghe và của yên lặng, ngoan ngoãn trong bàn tay của Chúa Cha, giúp các tín hữu Kitô, để theo gương Các Thánh, biết đáp lại "thách đố hấp dẫn" mà họ được mời gọi trong việc chuyển từ một ngàn năm này sang ngàn năm khác: thách đố về "việc xây dựng một thế giới được linh hoạt bởi mệnh lệnh sống Tình Thương Yêu."
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page