Suy Niệm
về Chúa Thánh Thần

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


I. Ðừng lãng quên
Chúa Thánh Thần

Trong tương giao giữa người với người, khi nhận quà thì người nhận nên làm ba việc sau đây: chứng tỏ cho người tặng quà biết là mình quý trọng món quà, nói lên lòng biết ơn và xử dụng món quà đúng theo chức năng của nó. Ðiều nầy cũng rất đúng trên bình diện thiêng liêng, khi Thiên Chúa trao ban cho chúng ta hồng ân nào đó. Thật vậy, trong đời sống đức tin, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hồng ân, mỗi ngày. Bất cứ điều gì chúng ta là, bất cứ điều gì chúng ta có, xét cho cùng, đều đến từ Thiên Chúa.

Và một trong những Hồng Ân cao cả nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta, được Chúa Giêsu Kitô, Con Một Ngài gọi là "Hồng Ân Cao Cả Nhất của Thiên Chúa", trong cuộc đối thoại với người nữ xứ Samaria bên giếng nước Giacóp, như được kể lại nơi chương 4 của Phúc Âm theo thánh Gioan (x. Gn 4,10). "Hồng Ân Cao Cả Nhất của Thiên Chúa" trong ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng và muốn nói lên ở đây, là Chúa Thánh Thần, là Ðấng mà Chúa Giêsu đã hứa ban xuống cho các môn đệ, khi nói lời từ giả trong bửa Tiệc Ly, và là Ðấng mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã thật sự trao ban cho các môn đệ, khi hiện ra cho các ông: Bình an cho anh em. Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần…

Không phải chỉ các môn đệ ngày xưa lãnh nhận Chúa Thánh Thần, nhưng còn mọi người Kitô qua mọi thời đại, mọi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Và như là kẻ lãnh nhận Hồng Ân Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy quý trọng Hồng Ân Chúa Thánh Thần, cảm tạ Thiên Chúa và xử dụng tốt Hồng Ân nầy, nghĩa là sống đời sống Ðức Tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhưng, buồn thay, trong thực tế, nhiều người đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô ngày nay, không biết gì về Chúa Thánh Thần, không quý trọng hồng ân Chúa Thánh Thần, và không dùng tốt sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đến độ chúng ta có thể nói: Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa bị bỏ quên nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Việc lãng quên Chúa Thánh Thần trong đời sống của người đồ đệ Chúa không phải là điều gì mới mẽ. Trong Tân Ước, chúng ta có thể ghi nhận hai trường hợp nói về việc con người không biết gì đến Chúa Thánh Thần. Trường hợp thứ nhất xẩy ra đối với người nữ xứ Samaria, như được kể lại nơi chương 4 của Phúc Âm theo thánh Gioan. Và trường hợp thứ hai đã xảy ra cho thánh tông đồ Phaolô tại Eâphêsô khi thánh nhân gặp một cộng đoàn những người Kitô "chưa biết gì về Chúa Thánh Thần" (TÐCV, 19,1-7).

Chúng ta hãy ôn lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người nữ xứ Samaria. Vào một bửa trưa nọ, Chúa và các môn đệ đi qua xứ Samaria, đến một thành tên là Xy-Kha, gần thửa đất Ông Giacóp đã cho con là Giuse. Ở đấy có giếng nước của Giacóp. Chúa Giêsu mệt mỏi ngồi bên bờ giếng, và gặp một người nữ đến lấy nước. Chúa Giêsu bắt đầu trao đổi với người nữ. Người nữ nầy đang sống trong tình trạng tội lỗi; chị đã trải qua năm đời chồng, và hiện đang sống với một người không phải là chồng mình. Chị không hiểu gì về những mạc khải của Chúa Giêsu về chính Ngài, và về ân sũng Ngài ban cho, về Nước hằng sống. Và Chúa Giêsu nhận định về tình trạnh của chị như sau:

"Nếu chị nhận ra Hồng Ân Thiên Chúa ban, và ai là Người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẵn chị đã xin, và Người sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống." (Gn 4,10).

"Hồng Ân Thiên Chúa ban", hay "Nước Hằng sống" ở đây được các nhà chú giải hiểu là "Chúa Thánh Thần". Chúa Giêsu có thể nói với mỗi người chúng ta hôm nay những lời trên. Trong cuộc gặp gỡ và trao đổi, Chúa Giêsu đã bắt đầu mạc khải thực thể ẩn khuất của Chúa, và mạc khải cho biết việc Chúa muốn thực hiện, ngày xưa cho người nữ, và cho chúng ta ngày nay. Nguời nữ Samaria không biết Chúa, và do đó không quý trọng "Hồng Ân Thiên Chúa Ban", là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tác động của Chúa không dừng lại trước sự không hiểu, không quý trọng của người nữ. Vào cuối cuộc đối thoại, Chúa Thánh Thần đã bắt đầu tác động, và nguời nữ đã bắt đầu thoát ra khỏi những tội lỗi của mình, và trở thành "nhà truyền giáo đầu tiên", kêu gọi và thôi thúc gần như cả thành đến với Chúa Giêsu.

"Ước chi hôm nay, con biết được Hồng Ân Thiên Chúa". Nếu chúng ta biết được và quý trọng Chúa Thánh Thần trong đời sống mình, thì cuộc đời chúng ta và của anh chị em xung quanh, chắc chắn sẽ trở nên khác, tốt đẹp hơn.

Sách Tông Ðồ Công Vụ, nơi chương thứ 19, có mô tả một biến cố xảy ra cho tông đồ Phaolô tại Eâphêsô trong chuyến đi truyền giáo lần thứ ba của ngài như sau:

Trong khi Ông Apôlô ở Côrintô, thì Ông Phaolô đi qua miền thượng du đến Eâphêsô. Ông Phaolô gặp một số tín hữu tin theo Chúa Giêsu, và hỏi họ: Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? Họ trả lời: Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói. Ông hỏi tiếp: Vậy anh em đã được chịu phép Rửa nào? Họ đáp: Phép Rửa của Ông Gioan. Ông Phaolô nói: Ông Gioan đã làm phép Rửa tỏ lòng sám hối, và bảo dân tin vào Ðấng đến sau, tức là Chúa Giêsu Kitô. Nghe nói thế, họ chịu phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ. Họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người." (TÐCV 19,1-7)

Ðoạn Sách trên nhằc chúng ta một điểm quan trọng: không thể nào là người đồ đệ trọn vẹn đích thực của Chúa Kitô, nếu không lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho những kẻ tin Chúa, khi lảnh nhận bí tích Rửa Tội "Nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần", và sau đó Bí Tích Thêm Sức. Tuy nhiên, người Kitô chúng ta có thể bỏ quên mất Hồng Ân Chúa Thánh Thần, và có thể nói như những tín hữu mà thánh Phaolô Tông đồ đã gặp tại Eâphêsô: Ngay cả việc có Chúa Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa được nghe nói đến.

Hay có thể là chúng ta đã nghe nói đến lúc học giáo lý, nhưng rồi sau đó, trong đời sống hằng ngày, chúng ta hoàn toàn quên mất. Chúng ta dễ dàng và thường nhớ đến Thiên Chúa Cha, và Chúa Giêsu Kitô, có lẽ vì hai quan niệm cha và con hiện diện trong tâm lý thông thường. Mọi người đã trải qua kinh nghiệm làm con, có cha có mẹ. Từ kinh nghiện nhân sinh nầy, chúng ta dễ dàng tiếp nhận kinh nghiệm thiêng liêng về Thiên Chúa như người Cha, và về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Hơn nữa, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đã sống trên trần gian nầy, đã được các tông đồ nhìn thấy, tiếp xúc, nghe nói một cách cụ thể. Thánh Gioan Tông Ðồ, nơi thơ I thánh Gioan đã ghi lại một cách hết sức xác tín kinh nghiệm đặc biệt cụ thể đó như sau:

Ðiều vẫn có ngay từ đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan bào cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha, và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Nguời. Những điều nầy, chúng tôi viết ra, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (I Gn 1,1-4).

Là tinh thần nhập thể, con người cần nhìn thấy "Thiên Chúa vô hình" một cách hữu hình. Vì thế, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, sống giữa con người, trở thành Thiên Chúa Con Nguời hữu hình, cho các tông đồ nhìn thấy, chạm đến, tiếp xúc hằng ngày. "Thiên Chúa vô hình không ai nhìn thấy bao giờ. Chỉ Con Một Ngài đến mạc khải cho chúng ta biết." Và Chúa Giêsu xác nhận điều nầy cho tông đồ Philip khi ông nầy xin Chúa Giêsu chỉ cho thấy Chúa Cha: Philip, ai thấy Thầy là Thấy Cha. Thầy đã ở giữa con tứ lâu mà con không biết sao? Khi phải mạc khải về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu dùng hình ảnh "gió thổi". Con người cảm nghiệm được gió thổi, nhưng không thể nhìn thấy nó được. Trong lần gặp gỡ với nhà thông thái Nicôdêmô, Chúa Giêsu đã nói: Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu, Ai bởi Thánh Thần mà sinh ra, thì cũng như vậy. (Gn 3,8). Cựu Ước thì dùng từ ngữ "hơi thở", "Thần Khí", để nói về Chúa Thánh Thần. Nơi Tân Ước, thì có hai hình ảnh được xử dụng, để chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu, khi Chúa lành nhận Phép Rửa của Gioan nơi sông Giordan (Luca 3,22); và hình ảnh "lưởi lửa" ngự xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống (TÐCV 2,3).

Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần có đặc tính một sự hiện diện vô hình, và người đồ đệ của Chúa, để trở thành đồ đệ trọn vẹn và đích thực,thì phải có thái độ được thánh Phaolô gọi là "như thể nhìn thấy Ðấng Vô Hình". Vì sự hiện diện vô hình nấy, mà Chúa Thánh Thần dễ bị lãng quên, không được biết đến. Nhưng không vì thế mà không cần thiết. Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ biết là thời gian tiếp liền sau sứ mạng của Chúa trên trần gian, là thời gian của Chúa Thánh Thần. Và người đồ đệ của Chúa không thể lả đồ đệ, không làm chứng cho Chúa được, nếu không có Chúa Thánh Thần:

Thầy nói thật với chúng con: Thầy ra đi là tốt cho chúng con. Vì nếu Thầy không ra đI thì Ðấng an ủi sẽ không đến với chúng con. Nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai ngài đến với chúng con. Khi ngài đến, vì là Thánh Thần Chân Lý, Ngài sẽ hướng dẫn chúng con đến chân lý trọn vẹn" (Gn 16,7.13).

Chính vì thế, mà Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ, hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi mới ra đi làm chứng cho Chúa, tiếp tục sứ mạng cứu rỗi của Chúa. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu cho các tông đồ trước khi lên trời là: "Và đây, chính Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống" (luca 24,49).

Nơi Phúc âm theo Thánh Gioan, thì Chúa Giêsu nói rõ ràng hơn trong bửa tiệc ly, như sau:

Khi Ðấng bảo trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai xuống với anh em từ nơi Chúa Cha, Nguời là Thánh Thần Sự Thật, phát xuất từ Chúa Cha, Nguời sẽ õlàm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Gn 16,26).

Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Chúa thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần (Gn 20,21).

Chúng ta hãy làm sống lại Ơn Chúa trong chúng ta. Hãy ý thức và công tác với Chúa Thánh Thần tác động nơi chúng ta, để làm chứng cho Chúa.


Back to Radio Veritas Asia Home Page