Tài liệu của
Ủy Ban Trung Ương
Năm Thánh 2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bài Gợi Ý Suy Tư số 1 cho năm 1997: Suy Tư Thần Học về Chúa Kitô

BIẾN CỐ CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ
LÀ TRUNG TÂM VÀ LÀ SỰ VIÊN MÃN
CỦA THỜI GIAN VÀ CỦA LỊCH SỬ

1. Lời rao giảng "Năm Hồng Ân".

Niềm Vui, sự an ủi và niềm hy vọng bao la, ngày hôm nay, vào cuối ngàn năm thứ hai, vẫn còn phát sinh từ những lời mà Chúa Giêsu đã công bố tại Nazareth, vào khởi đầu tác vụ của Ngài.

Tiên tri Isaia (x. Is 61,1-2) đã nói về Ðấng Thiên Sai. Tại Nazareth, Chúa Giêsu giải thích đoạn sách Tiên Tri Isaia và quả quyết rằng Lời của Tiên Tri Isaia được nên trọn nơi chính mình Ngài. Chính Ngài là Ðấng Thiên Sai đã được hứa trước, được Thánh Thần Chúa thánh hiến và được sai đi loan báo một tin vui mừng: đó là Tin Mừng về những người bị giam cầm được giải phóng, những người mù được nhìn thấy, những kẻ bị áp bức được tự do, và tin mừng về Năm Hồng Ân của Chúa.

Năm thánh 2000 nhằm nhắc nhớ và sống lại năm Hồng Ân đã được Chúa Kitô bắt đầu và thực hiện nơi chính con người Ngài và nơi những việc Ngài thực hiện, và là năm được kéo dài trong lịch sử do bởi chứng tá của Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ không những đã không dập tắt được tiếng vang của lời rao giảng nầy. Ngược lại, hai mươi thế kỷ qua, đã gia tăng sức thu hút và tính cách đòi buộc của Năm Hồng Ân đó. Những đôi mắt của nhân loại ngày nay, một lần nữa, huớng nhìn chăm chú vào dung mạo của Chúa Giêsu, vừa kính phục những Lời Chúa giảng dạy, những Lời mà ngày nay vẫn còn trao ban ánh sáng, sức mạnh và can đảm sống.

Năm Thánh là sự nhắc nhớ đến biến cố đã xảy ra liên quan đến cuộc sống con người. Năm Thánh không phải chỉ là sự nhớ lại một biến cố của ngày tháng. Nó nhất là một gợi lại đầy vui mừng và long trọng về thực tại của sự hiện diện liên lỉ, có sức canh tân và cứu rỗi của Chúa Giêsu trong thời gian và không gian: đây là việc hoàn tất và thực hiện sứ điệp vui mừng của Thiên Chúa cho những người nghèo thuộc mọi thời đại và mọi quốc gia.

Trong năm 1997, những người Kitô được Giáo Hội mời gọi hãy diễn dịch lại hành động tiên tri của Chúa. Việc cử hành Năm Thánh 2000 quả thật là lời mời gọi con người hãy đứng lên, hãy cầm lấy trong tay quyển Phúc Âm, hãy đọc trước tất cả mọi người sứđiệp vui mừng của Chúa Giêsu và hãy sống thực nội dung vui mừng, giải phóng và đầy ân lành của Năm Thánh, với tâm hồn sốt mến, khiêm tốn, can đảm và đầy sáng kiến.

2. Năm Thánh là Năm Cử Hành Mầu Nhiệm Nhập Thể

Mỗi năm trong lịch phụng vụ của mình, Giáo Hội tập trung trong hai ngày lễ lớn những mầu nhiệm trung tâm của đức tin: Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Thật ra, đây là biến cố cứu rỗi duy nhất, biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa, được bắt đầu với việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem và được hoàn tất trong sự thương khó của Chúa, trong cái chết và sống lại của Chúa tại Giêrusalem. Ðó là đức tin của Giáo Hội từ hai ngàn năm qua, đức tin mà các tín hữu xác nhận lại trong phụng vụ Chúa Nhật với những lời đáng kính của Kinh Tin Kính như sau:

Ðức Tin vào sự nhập thể của Con Thiên Chúa không phải là kết quả của suy tư con người, ít nhiều sau nầy, và cũng không gặp thấy trường hợp song song như vậy nơi các tôn giáo khác. Ðức Tin là sự thật đã được Thiên Chúa mạc khải và đã được làm chứng trong Thánh Kinh Tân Ước.

Trên bình diện ngôn ngữ, công thức rõ ràng hơn về mầu nhiệm nhập thể được gặp thấy nơi đọan mở đầu của phúc âm theo thánh Gioan: Và Ngôi Lời trở thành xác thể. Từ ngữ tiếng hy lạp SARX (thịt): từ rất gần với tiếngDo Thái là Basar, từ ngữ đó diễn tả con người trong đặc tính dòn mỏng và qua mau của thực tại hay chết. Ngôi Lời, Ðấng ở nơi Thiên Chúa, và là Thiên Chúa, Ngài trở nên con người thật, trở nên một hữu thể trong không gian và thời gian, hữu hình, sờ đến được, và hay chết.

Và những thơ của thánh Phaolô xử dụng ngôn ngữ nầy, để chỉ cho thấy rằng biến cố nhập thể đã được nghĩ đến liền ngay và được sống bởi những cộng đoàn Kitô đầu tiên, như là một chân lý trung tâm của đức tin. Thật vậy, đối với thánh Phaolô, Con Thiên Chúa đã được sinh ra bởi dòng họ Ðavít theo xác thể (Rom 1,3); Chúa Kitô theo xác thể đến từ dân tộc do thái (Roma 9,5). Mầu nhiệm cao cả của lòng đạo là sự kiện Chúa Kitô biểu lộ chính mình nơi xác thể (1 Tim 3,16). Tuy nhiên, chính trong Chúa Kitô mà trọn cả thần tính ngự trị trong xác thể (Col 2,9). Trong một thánh ca nổi tiếng trong thơ Phaolô, và nhiều người thì cho rằng bài thánh ca đó thuộc về thời kỳ trước Phaolô, và do đó trước năm 50 sau Chúa Kitô — Biến cố Nhập Thể được cử hành như là một diễn tiến thật sự và riêng biệt của việc tự hạ và khiêm tốn cho đến việc tự hủy của cái chết trên thập giá:

Chúa Kitô Giêsu, dù là vì Thiên Chúa có bản tính Thiên Chúa, nhưng không muốn giữ sự ngang hàng của mình với Thiên Chúa; Ngài đã lột bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ, trở nên giống như con người, xuất hiện trong hình hài con người, hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. (Phil 2,6-8).

Ðối với thánh Phaolô, biến cố nhập thể là mầu nhiệm cao cả nhất, mầu nhiệm được dấu ẩn từ bao thế kỷ, từ bao thế hệ, nhưng giờ đây được biểu lộ cho các thánh (Col 1,26) (x. Epheso 1,9;3,3-5;6,9). Các vị thánh nầy, một khi đã được ăn rễ sâu và được xây dựng trong tình bác ái, cuối cùng có thể hiểu được, thế nào là chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của ý định cứu rỗi và của tình yêu thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Thánh Phaolô còn nói thêm rằng:

Khi đến giờ viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một Mình xuống, sinh bởi người nữ, sinh ra dưới lề luật, để cứu chuộïc tất cả những ai sống dưới lề luật, ngỏ hầu họ mặc lấy việc được làm con cái Thiên Chúa (Gal 4,4).

Nhập thể là mầu nhiệm mà Thiên Chúa Cha, trong sự tốt lành của Ngài, đã thiết lập mọi sự trong Ngài, để thực hiện mầu nhiệm đó trong thời viên mãn: đó là ý định quy về Chúa Kitô tất cả mọi sự, trên trời cũng như dưới đấr. (Eph 1,9-10).

Ðược khai triển từ sự hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi, biến cố nhập thể là một hồng ân từ trên cao. Thánh Gioan đã quả quyết như sau: "Thiên Chúa đã yêu thuơng thế gian đến đổi trao ban Con Một mình cho thế gian, ngỏ hầu bất cứ ai tin vào Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời" (Gv 3,16; x. Gn 3, 17; 10,36;17,18;1 Gn 4,9) Vào khởi đầu và kết thúc của tân ước, những chứng tá của Gioan và của Thánh Phaolô là những tiếng nói khác nhau của một bản Hoà Âm cùng quy về một bài ca duy nhất chúc tụng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể.

Sự Nhập Thể không chỉ là một chân lý cao cả trừu tượng của Kitô giáo. Trong quả quyết về Chúa Giêsu, Thiên Chúa Thật và Con Nguời Thật, có bao gồm nguồn mạch của sự hữu hiệu cứu rỗi trong lịch sử. Ðó là lý do nói được là cứu rỗi của sự nhập thể, được nói lên cách rõ ràng trong kinh Tin Kính Nicêo như sau: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Nguời đã từ trời xuống thế, Người Nhập Thể làm Nguời, chịu chết và sống lại ngày thứ ba và lên trời. Người lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết" (DS 125).

Trong dòng lịch sử, giáo lý nầy luôn luôn bị chống đối. Cả vào thời đại chúng ta, giáo lý nầy bị coi như là một huyền thọai: huyền thoại của con người Giêsu, trong đó Thiên Chúa có lẽ cho biết là Ngài hiện diện một cách đặc biệt hữu hiệu để cứu rỗi. Trong cách thức giải thích như thế, người ta chối bỏ thực thể đích thực Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Thật và Con Nguời thật.

Ngược lại, mầu nhiệm Nhập Thể là sự kiện trung tâm của chứng từ Kinh Thánh và của lời tuyên xưng đức tin Kitô, luôn luôn được bênh vực và giải thích bởi truyền thống hai ngàn năm giáo hội. Những vị tử đạo của ngày hôm qua và ngày nay đã làm chứng cho đến chết lời tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô, đấng cứu thế.

Vì thế, mầu nhiệm nhập thể là chóp đỉnh không thể vượt qua được và là sự hoàn thành tuyệt đối của lịch sử cứu rỗi. Chúa Giêsu Kitô là Lời Nói cuối cùng và vĩnh viển của Thiên Chúa Cha cho nhân loại (Dt 1,2) Ngài là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (I tim 2,5; cf. Dt 8,6; 9,15; 12,24), ngài là nguồn mạch của mọi ơn cứu rỗi hiện tại và tương lai (x. TÐCV 4,12).

Sự nhập thể mạc khải mầu nhiệm sự sống nội tại giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, mầu nhiệm của sự tham dự của con người và của vũ trụ vào vinh quang Thiên Chúa, và mầu nhiệm của Giáo Hội, như là một kéo dài trong lịch sử của việc Nuớc Chúa ngự đến (x. Mt 13,38; 16,18-19; 21,43; 22,1-14; Dt 12,28): "Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời có sức mạnh của tất cả mọi bí mật và hình ảnh của Kinh Thánh và là sự hiểu biết của tất cả mọi tạo vật hữu hình và có thể hiểu được" (Massimo il Confessore, Capita theologica et oecumenica,66). Vì thế, chỉ có Ngôi Lời nhập thể có thể dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa" (Massimo il Confessore, Orationis dominicae expositio).

3. Sự Nhập Thể như là sự sung mãn của thời gian

Trên sân khấu của lịch sử thế giới, đã có xuất hiện trong thời gian và tại nhiều nơi, những vị vua khôn ngoan, những nhà hướng dẫn can đảm, những triết gia sâu xa và có thiên tài đặc biệt trong nhiều lãnh vực khác nhau của sự hiểu biết con người. Trong mỗi dân tộc, đều có xuất hiện những dung mạo làm cho đất nuớc đó cũng như trọn cả nhân loại được danh thơm tiếng tốt. Nhưng không một ai đã ghi dấu lịch sử toàn thể vũ trụ như Chúa Giêsu thành Nazareth. Công việc rao giảng của Ngài chỉ kéo dài trong vòng ba năm. Nhưng Ngài đã thức tỉnh toàn thế giới. Mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài đã đưa vào trong lịch sử niềm hy vọng sự sống đời đời vô cùng tận.

Lịch sử đã nhận được sự viên mãn trọn đầy đích thật của nó. "Sự viên mãn của thời gian được đồng hoá với Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Con Một Ðồng Bản Thể với Thiên Chúa Cha, và với mầu nhiệm cứu chuộc thế giới" (Ngàn Năm Thứ Ba, số 1). Cả Luthêrô, khi giải thích thơ Galata chương 4 câu 4: "Khi đến thời viên mãn Thiên Chúa Cha sai xuống Con Một Ngài", đã quả quyết đúng như sau: Không phải thời gian khơi lên sứ mạng của Chúa Con, cho bằng ngược lại sứ mạng của Chúa Con làm cho thời gian được viên mãn" (WA 57,30.15).

Khi nhìn vào lịch sử nhân lọai vào lúc Chúa Giáng Sinh, người ta có thể nhận thấy rằng thế giới thời cổ đã nhận được một sự chuẩn bị tôn giáo rộng rải và đa diện: tại Viễn Ðông, từ nhiều thế kỷ trước đã được thành hình những truyền thống to lớn của Ấn Ðộ giáo và Phật giáo, và các truyền thống tôn giáo nầy cũng đã được biết đến trong vùng địa trung hải thời đó; tại Trung Ðông và tại Tây Phương, ngoài những thể hiện truyền thống tôn giáo của từng dân tộc, còn có sự phát triển rộng lớn của những tôn giáo có nguồn gốc Hy lạp Roma, là những tôn giáo thường được áp đặt cho những dân tộc bị xâm chiếm bằng sức mạnh của vũ khí. Tại một vùng đất không nổi tiếng gì, nằm ở ngoài rià của đế quốc Roma, có tôn giáo do thái, cũng sống động và lâu đời như truyền thống Ấn độ giáo; tôn giáo của dân do thái nầy là một chuẩn gị gần cho việc Chúa Giêsu đến: "Nhiệm cuộc cứu rỗi của Cựu Ước được định hướng đến việc chuẩn bị và loan báo biến cố Chúa Kitô ngự đến Ngài là Ðấng cứu chuộc vũ trụ, và loan báo Nuớc thiên sai của Chúa. (NNBa số 6).

Tuy nhiên cần phải xác định rằng sức tác động của mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc hiện diện trong suốt thời Cựu Ước trong lịch sử của Dân riêng cũng như trong những dung mạo của các vị trung gian loan báo cho đấng thiên sai như các vua, các tư tế và các ngôn sứ, sức tác động đó đã bước vào trong một giai đoạn bị xao động. Sau thời gian khởi đầu rõ ràng, của ơn gọi của Abraham ( thế kỷ 19 trước Chúa Kitô), của cuộc xuất hành và giao ước của Thiên Chúa với dân Israel (thế kỷ 13 trước Chúa Kitô), và sau giai đọan ngắn của triều đại Vua Ðavit và Salomon (thế kỷ 11 và 10 trước Chúa Kitô), với cuộc phân chia vương quốc do thái thế kỷ 10 và cuộc lưu đày sang babylon, thế kỷ 6, thì đã bắt đầu lịch sử của những thất bại, được thể hiện qua việc bị lệ thuộc chính trị và tôn giáo, trước hết là với người Persiani, vào năm 538 cho đến 333, rồi với người Hy lạp (333-63) và cuối cùng với việc chiếm đóng của người Roma bắt đầu với Pompei vào năm 63, tất cả những trung gian cứu rỗi của dân được tuyển chọn đã bị thất bại trước nhan Thiên Chúa và trước lịch sử.

Sự suy vong của những truyền thống và những cơ chế của dân Israel đã cỗ võ cho cái mới Novum của niềm hy vọng thiên sai vào lúc cuối cùng. Tiên tri Isaia đã nói như sau: "Thiên Chúa phán như thế nầy: Các người đừng nhớ đến những gì đã qua, đừng nghĩ đến những chuyện củ. Ðây Ta sẽ làm điều mới" (Is 43,16.18-19). Sự thay đổi giữa tai ương suy sụp của thời củ và niềm hy vọng điều mới là "một cuộc đi qua mà không qua" (passaggio senza passaggio). Nghĩa là nó không xảy đến do bởi sự thôi thúc của hoàn cảnh tột cùng, mà là do sự can thiệp của Thiên Chúa, Ðấng bước vào một cách mới mẽ tuyệt đối, vào thời điểm ZêRô của lịch sử, để đặt vào trong đó ơn cứu rỗi quyết định, được mở ra cho toàn thể nhân lọai.

Sự di chuyển từ Cựu sang Tân Ước không được đặt nằm trên chiều ngang của một sự phát triển đồng nhất, nhưng kết thành một bước nhảy vọt phẩm chất từ cao. Buớc nhảy vọt phẩm chất từ cao nầy là cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu Kitô: nguồn gốc thật của Chúa Giêsu không thể nào được tìm trong thế gian; nó được ẩn giấu trong cỏi đời đời" (Thánh Agustino, De Trinitate,4,20,29).

Và đọan mở đầu của thơ Do Thái đã quả quyết như sau: "Thiên Chúa, Ðấng đã nói trong thời củ nhiều lần và nhiều cách khác nhau cho tổ phụ chúng ta qua các tiên tri, cuối cùng, trong những ngày cuối cùng, Ngài đã nói với chúng ta qua Con Một Ngài, mà Ngài đã thiết lập làm thừa tự tất cả mọi sự, và qua Nguời Con đó, Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ." (Dt 1,1-2). Biến cố của Chúa Giêsu Kitô đã không phải là kết quả của thời gian và của sự khẩn thiết đợi chờ Ðấng thiên sai. Nguợc lại, đó là sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, như một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi, để trao cho thời gian sự trọn đầy đích thực ơn cứu rỗi.

Chỉ với sự nhập thể của Con Thiên Chúa, mà lịch sử bước vào trong giai đọan cứu rỗi toàn diện và tất cả mọi người đã bị phân tán nơi tháp Babel, đều được gọi đến tham dự vào Thánh Thần của Chúa Kitô phục sinh trong ngày lễ Ngủ Tuần. Chính sự nhập thể là điều mới mẽ của Kitô giáo. Thật vậy, Chúa Kitô không phải là một tiên tri nói nhân danh Thiên Chúa, nhưng Ngài là Thiên Chúa, để nói và cứu rỗi: Chính Thiên Chúa đích thân đến nói về mình cho con người biết, và để chỉ cho con người biết con đường, trên đó có thể đi đến gặp Ngài" (Ngàn năm Ba, sô 6).

4. Việc Nhập Thể xét như là việc Thiên Chúa biến đổi.

Thật là hợp lúc chúng ta suy niệm thêm nữa về sự kiện đầy mâu thuẫn của việc Thiên Chúa biến đổi: "Trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, thời gian trở thành một chiều kích của Thiên Chúa, Ðấng là đời đời nơi chính mình ngài." (Tông thơ NNB, 10). Ðây là một quả quyết riêng biệt của Kitô giáo. Nhờ qua việc Con Thiên Chúa Nhập Thể, thời gian được tiếp nhận bởi Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðấng, dù là Thiên Chúa, nay trở thành con người hoàn toàn, như Công Ðồng Calcedonia đã dạy như sau: Chúa Giêsu Kitô là hoàn toàn trong thần tính và hoàn toàn trong nhân tính, Thiên Chúa thật và con người thật..., đồngbản thể với Ðức Chúa Cha xét theo thần tính vừa đồng bản thể với chúng ta xét theo nhân tính, sinh ra bởi Thiên Chúa Cha truớc mọi thế kỷ, xét theo thần tính, và trong thời gian nầy, vì chúng tôi và vì sự cứu rỗi chúng tôi, sinh ra bởi Mẹ Maria Ðồng Trinh và là mẹ Thiên Chúa theo nhân tính, (DS số 301).

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa hằng sống siêu việt trên thời gain vá các sự vật: Truớc khi núi đồi sinh ra, và truớc khi trái đất và thế gian được tạo dựng, thì từ muôn thuở và mãi mãi, Ngài vẫn là Thiên Chúa (TV 90,2).

Thiên Chúa là Ðấng không bao giờ thay đổi, bất biến. Thánh Vịnh 102,26-28 nói như sau: Ngay từ đầu, Ngài đã thiết lập trái đất. Trời cao là công cuộc của tay ngài. Tất cả trời đất sẽ qua đi, nhưng Ngài vẫn tồn tại; tất cả như manh áo, và ngài thay đổi chúng và chúng sẽ qua đi. Ngài vẫn luôn như vậy và những năm tháng của ngày không bao giờ cùng, (TV 102,26-28). Lời sấm của tiên tri Malakia nói rằng: Ta là Chúa, ta không thay đổi (Ml 3,6).

Và Tân Uớc nói về "Thiên Chúa Cha của ánh sáng, trong đó không có thay đổi, cũng không có bóng dáng của sự thay đổi" (Gn 1,17). Chúa Giêsu quả quyết về chính mình như sau: Truớc khi có Abraham, thì đã có Ta (Gn 8,58; 13,19). Thật vậy, ngay từ đầu Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa ( Gn 1,2).

Sự tiền hữu của Thiên Chúa, sự đời đời và không thay đổi của Thiên Chúa là những sự kiện không thay đổi do Kinh Thánh mạc Khải, hơn là do triết lý suy luận ra. Từ Kinh Thánh, vài quả quyết xác định cho Ðức Tin của Giáo Hội vào Thiên Chúa duy nhất hằng hữu và không thay đổi (x. Confes. Di fede del concilio Laterano IV vào năm 1215: DS 800).

Sự thật về tính cách đời đời và không thay đổi của Thiên Chúa, đạt đến chóp đỉnh mâu thuẫn của nó trong việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Ðoạn mở đầu Phúc âm theo thánh Gioan đã thành công làm nổi bật sự mâu thuẫn nầy: Ngôi Lời từ đời đời và có trước mọi sự của con Thiên Chúa (Gn 1,1-3), Ngài trở thành xác thể (Gn 1,14), sinh ra bởi người nữ (gal, 4,4), vừa trở thành như thể khoảng rộng thời gian và không gian lớn lên, và hay chết. Nếu quả thật sự đời đời của Thiên Chúa là thật, thì sự trở thành người của Ngài cũng thật luôn, nghĩa là khoảng rộng, không gian và lịch sử. Vì thế lịch sử con người cũng trở thành lịch sử của Thiên Chúa và cái chết của con người được đưa vào trong kinh nghiệm của con thiên Chúa nhập thể.

Dễ hiểu rõ hơn sự biến đổi của Thiên Chúa, chúng ta cần làm sáng tỏ ý nghĩa của sự biến đổi nầy. Thiên Chúa, Ðấng hằng sống trọn đầy nhất, thể hiện một cách tự do sự sống sung mãn của chính Ngài hoặc nơi các tạo vật, hoặc trong việc cứu chuộc, mà không vì đó mà bị giảm bớt đi sự trọn đầy của mình. Trong sự tràn đầy vô cùng của Ngài, Thiên Chúa có thể "bước vào" một cách tự do trong không gian và thời gian của tạo vật. Trong thể thức làm như vậy, Thiên Chúa khác với tạo vật, vì đối với các tạo vật, sự biến đổi là một nhu cầu, một đòi hỏi nội tại của hữu thể tạo vật. Các tạo vật không thể nào không biến đổi. Ðiều kiện đầu tiên của sự phát triển và của hữu thể của tạo vật là phải biến đổi, không thể nào tránh đi được. Những tạo vật hiện hữu trong sự biến đổi, bởi vì tự bản tính của chúng là biến đổi. Nguợc lại, sự biến đổi nơi Thiên Chúa là tự do và nhưng không tuyệt đối, và phát xuất từ sự chọn lựa tự do do tình thương của Ngài. Vì thế, biến đổi nơi Thiên Chúa không nói lên khuyết điểm của Thiên Chúa, nhưng ngược lại trở thành nguyên tắc tột cùng của sự mới mẻ và của sự tái tạo lại nhân lọai.

Hơn nữa, việc tạo dựng con người đã là một tiền đề cho sự biến đổi tự do của Thiên Chúa vào trong lịch sử. Nơi con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa đã chuẩn bị một cái gì đó để sẵn sàng đón nhận sự tự mạc khải của Ngài trong lịch sử, chuẩn bị một con đường, nhờ việc Ngài tự do can thiệp vào trong không gian và thời gian. Việc nhập thể của Ngôi Lời là sự hoàn thành cao nhất của nhân loại. Nhân tính của Ngôi Lời trong bản tính tạo vật đạt đến sự trọn đầy của nó trong sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Vì sự sống thần linh là sự nâng đỡ nội tại cho mọi thời gian và sự hiện tại đời đời của nó, Chúa Kitô phục sinh không những có thể đi vào trong thời gian nhưng đồng thời biểu lộ từ từ và được hiểu từ từ, nhờ vào sự phục sinh, lên trời, chúa Thánh Thần hiện xuống và đời sống của Giáo Hội. "Với việc Chúa Kitô đến, thời gian bắt đầu giai đoạn cuối cùng (x, DT 1,2) Giờ cuối cùng (x. 1Gv 2,18) khai sinh thời giờ của Giáo Hội, và kéo dài cho đến lúc quang lâm. Giáo Hội tiếp tục trong thời gian, khoa sư phạm của sự mạc khải và hiệp thông của sự "hiện hữu cho kẻ khác" của Chúa Giêsu.

5. Chúa Kitô là Trung Tâm của Thời Gian

Trong Tân Ước, thời gian luôn được nhìn trong tương quan với Chúa Kitô, trung tâm của thời gian. Vì thế, lịch sử được phân chia ra làm hai phần: trước và sau Chúa Kitô. Niên Lịch Kitô không đếm những năm tháng từ một điểm khởi đầu — chẳng hạn như từ việc tạo dựng, như niên lịch Do thái, nhưng từ điểm trung tâm là biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Chính sự kiện lịch sử của mầu nhiệm nhập thể là biến cố kết thành trung tâm của lịch sử: từ biến cố nầy, người ta hoặc đi về quá khứ, hoặc huớng đến tương lai. Việc Chúa Kitô giáng sinh là trung tâm của tất cả mọi biến cố trong thời gian.

Ðó là quan niệm Kitô về thời gian. Ðây không phải là một quy ước đơn thuần của lịch sử, nhưng là một tiêu chuẩn thần học: việc Chúa Kitô đến là trung tâm của lịch sử, bởi vì biến cố đó mang đến cho lịch sử ý nghĩa và giá trị cứu rỗi của nó. Tất cả mọi biến cố của lịch sử, trước hoặc sau Chúa Kitô, đều được quy chiếu về Chúa Kitô và được đánh giá theo ánh sáng của con người và công việc của Chúa Kitô, Ðấng đặt vào trong lịch sử ân sũng của Ngài. Như thế, thời gian trở thành điều kiện để thực hiện sự cứu rỗi cho nhân lọai và cho vũ trụ. Ðược nhận định trong tương quan với mầu nhiệm Nhập Thể, lịch sử phổ quát không còn là lịch sử trần tục nữa, nhưng trở thành lịch sử thánh. Viễn tượng Kitô học nầy đặt trên cùng một bình diện thời gian, biến cố tạo dựng được Thiên Chúa thực hiện lúc khởi đầu cũng như biến cố kết thúc (approdo) của lịch sử nhân loại và của tất cả mọi biến cố của thiên nhiên trong Thiên Chúa vào lúc cuối cùng thời gian; những biến cố lịch sử của dân Israel, những hành động của Chúa Giêsu, cũng như những hành động của các tông đồ và của giáo hội, tất cả đều được đặt trong dòng thời gian theo viển tượng Kitô học.

Một cách khác với quan niệm về thời gian của các tôn giáo khác, trong đó thời gian là một cái gì đối nghịch với Thiên Chúa và ơn cứu rỗi, trong Kitô giáo, thời gian là phuơng thế mà Thiên Chúa dùng để nhập thể, để mạc khải và trao ban ân sũng của Ngài. Thay vì được quan niệm theo phạm trù vòng tròn và lặp đi lặp lại, trong đó ơn cứu rỗi là cái gì vượt thoát ra vòng thời gian, trong Kitô giáo, thời gian được diễn tả theo đường thẳng, để nói lên rằng thời gian và ơn cứu rỗi được an bài để gặp nhau trong lịch sử; và nhờ cuộc gặp gỡ nầy mà lịch sử trở thành lịch sử cứu rỗi.

Trong đường thẳng thời gian nầy, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là biến cố cứu chuộc trổi vượt nhất. Biến cố Vượt Qua là như trận đánh quyết định của một cuộc chiến chưa kết thúc nhưng sẽ phải kết thúc. Dù cho trong lịch sử còn tiếp tục những đối nghịch, và tất cả chưa nhìn nhận tính cách quyết định của trận đánh quyết định đó, nhưng trận đánh quyết định đó đã được kể như là một chiến thắng rồi. Thập giá và sự Phục Sinh kết thành trận đánh quyết định, và cuộc chiến đã đoạt được thắng lợi rồi. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là chung cuộc vinh quang của lịch sử rồi. Việc trao ban ân sũng của Chúa Kitô được thực hiện trong lịch sử nhưng với sức năng động hướng về lúc kết thúc thời gian. Vì thế, niềm hy vọng vào tương lai còn trở nên mãnh liệt hơn nữa, bởi vì được xây trên niềm xác tín rằng chiến thắng quyết định cuối cùng đã được loan báo chính thức rồi; chiến thắng đó là tiền đề và là hoa trái đầu mùa của ơn cứu rỗi phổ quát.

Thời gian được sinh động nhờ vào sức năng động hướng về Chúa Kitô như trung tâm thời gian. Thời gian trở thành dòng liên tục từ Chúa Kitô, Ðấng hiện hữu trước mọi thời gian, nhưng đã chết tại Palestina trong quá khứ, và vẫn còn sống ngày hôm nay như Ðấng Phục Sinh, và sẽ trở lại như vị Thẩm Phán vào lúc cuối lịch sử. Những giai đọan thời gian của lịch sử — quá khứ, hiện tại, tương lai — là những thời gian được quy hướng về Chúa Giêsu: "Chúa là Ðấng mãi mãi như vậy không thay đổi, hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (x. Dt 13,8).

Bối cảnh diễn tiến lịch sử của Tân Ước mang tính cách hết sức Kitô học. Thật vậy, Mathêu trình bày cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian như là một hoàn thành của lịch sử dân Israel. Ðối với thánh sử Luca, Chúa Giêsu là trung tâm của thời gian và của lịch sử cứu rỗi. Trong sách khải huyền, Chúa Giêsu là nguyên lý khởi đầu và là cùng đích kết thúc, là Alpha và Ômêga (x. Kh 21,6).

Trong thực hành cụ thể, lịch sử trong Tân Ước được quan niệm như có hai chiều quyện chặt vào nhau. Chiều thứ nhất đi từ việc tạo dựng nhân loại và đạt đến, nhờ qua dân Chúa chọn, đạt đến Chúa Kitô, Ðấng cứu rỗi duy nhất. Chiều thứ hai khởi sự từ Chúa Kitô và qua trung gian Giáo Hội, trải rộng ra đến toàn thể nhân loại. Lịch sử chúng ta được sinh động trong chiều đi ra nầy, chiều mở rộng đến tất cả mọi dân tộc được cứu chuộc bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Ðây là thời gian của Giáo Hội, đi từ biến cố phục sinh cho đến biến cố Chúa quang lâm. Giáo Hội, như là trung tâm của thế giới, làm cho mọi người nhìn thấy được tính cách trổi vượt trên tất cả của Chúa Kitô trong lịch sử nhân lọai. Với việc cử hành bí tích Thánh Thể, tổng hợp và chóp đỉnh của hành động bí tích của Giáo Hội, và với việc rao giảng Phúc âm, Giáo Hội mang đến cho thời hiện tại trọn cả ý nghĩa lịch sử cứu rỗi của thời gian.


Back to Radio Veritas Asia Home Page