Trong những giây phút suy niệm này, chúng ta hãy xin Chúa soi sáng để tìm gặp câu trả lời cho câu hỏi căn bản sau đây: Ðiều gì hay ai đang hướng dẫn các tâm tình, tư tưởng và cuộc đời của tôi, người tông đồ của Chúa giữa anh chị em? Hay nói cách khác: Tại sao tôi quyết định hướng trọn cuộc sống của mình làm chứng cho Chúa? Nhiều lần, tôi có thể xưng mình một cách máy móc là tông đồ của Chúa. Nhưng thật sự, tôi đã hiểu và sống thực tại đó như thế nào?
Tất cả mọi công tác phục vụ anh chị em trong những hoàn cảnh khác nhau, trong những môi trường khác nhau, là điều rất quan trọng và đáng khuyến khích; nhưng những công tác, những việc làm đó không phải là yếu tố căn bản xác định cho thực thể của người tông đồ Chúa. Cốt tuỷ của ơn gọi Kitô, của ơn gọi làm chứng nhân cho Chúa, không hệ tại ở công việc ta làm, vì có nhiều việc khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng hệ tại ở một cái gì hết sức căn bản có mặt trong mọi ơn gọi Kitô. Và điều căn bản đó là việc được tình yêu Chúa chinh phục. Mọi tông đồ của Chúa, mọi chứng nhân của Chúa, bất luận trong cảnh sống hay bậc sống nào đi nữa, tông đồ tu sĩ, tông đồ giáo dân, đều phải là kẻ đã thật sự gặp Chúa, được tình yêu Chúa chinh phục. Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, đã từ bỏ tất cả để theo Chúa, vì họ đã gặp được Chúa, đã để cho tình yêu Chúa chinh phục họ. Ðây là yếu tố căn bản nhất. Những lời khấn của những tông đồ tu sĩ, dù rất quan trọng, nhưng cũng vẫn là phương tiện, để sống tình yêu Chúa mà thôi. Những công tác, những việc phục vụ, cũng rất quan trọng, nhưng cũng vẫn là những phương thế để chứng tỏ tình yêu Chúa mà thôi. Những công tác, những việc phục vụ, có thể được thay đổi, theo hoàn cảnh, nhưng tình yêu Chúa nơi người tông đồ, không thể nào để cho bị vơi đi, bị thay đổi, hay bị khô héo đi.
Hoàn cảnh và thời điểm có thể thay đổi, nhưng tựu trung cốt tuỷ của mọi ơn gọi vẫn là một, không bao giờ thay đổi; đó là việc Chúa Giêsu đến với con người và yêu thương mời gọi họ hãy để cho tình yêu Ngài chinh phục: Con là con yêu quý của Ta. Hãy đến theo Ta. Mỗi người Kitô chúng ta được giả thiết là đã lắng nghe lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa, đã cảm nghiệm tình yêu Chúa trong đời sống mình, và đã thành tâm thiện chí đáp lại tình yêu đó. Nhưng có thể, với thời gian, lòng nhiệt thành của chúng ta bị nguội lại. Hoặc có những cản trở nghiêm trọng xen vào giữa, hay cắt đứt mối liên lạc thân tình giữa ta với Chúa. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần trở về với nội tâm mình để ôn lại cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Chúa, và làm cho cuộc gặp gỡ đó được luôn luôn sống động. Nếu chúng ta để mất kinh nghiệm sống đức tin này, để mất mối liên lạc thân tình giữa ta và Chúa, thì cuộc đời chứng nhân của chúng ta sẽ mất sức mạnh, mất niềm hy vọng. Chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo các trào lưu và sự quyến rũ của thế gian.
Dụ ngôn con chó và con chồn, được các thánh ẩn tu trong sa mạc dùng để giải thích một cách ví von về thực tại thiêng liêng, có thể giúp chúng ta hiểu thêm những gì vừa được trình bày. Dụ ngôn như sau:
Một ngày kia, một người đến gặp một trong các vị tu sa mạc và hỏi: Thưa Thầy, Thầy có nhiều kinh nghiệm. Vậy xin Thầy cắt nghĩa cho con biết, vì lý do gì nhiều thanh niên vào tu trong sa mạc, nhưng sau đó nhiều người bỏ ra về và chỉ ít người kiên trì đến chết? Nhà tu hành suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: Cuộc đời tu trì cũng giống như khi một con chó chạy đuổi theo con chồn. Nhiều con chó khác thấy con chó đó chạy và sủa, thì cũng chạy theo và sủa vang, nhưng chúng không thấy con chồn. Tất cả những con chó chạy chỉ vì thấy con chó thứ nhất chạy và sủa, thì không lâu sau sẽ thấy mệt mỏi và ngừng chân, đôi khi còn sủa nhưng sủa vu vơ, rời rạc. Chỉ có con chó thứ nhất, vì nhìn thấy con chồn trước mắt, nên cứ tiếp tục chạy cho đến khi bắt được con chồn. Sau cùng vị tu hành kết luận: Chỉ ai gặp được Chúa Giêsu và là Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì mới hiểu được Ngài và thấy quả thật đáng công theo Ngài.
Dụ ngôn dùng hình ảnh hơi khó nghe về con chó đuổi con chồn để so sánh sự kiên trì trong cuộc đời theo Chúa. Nhưng chúng ta không thể nào coi nhẹ nội dung sự thật của lối so sánh này. Nếu chúng ta không gặp Chúa Giêsu thật sự, không để cho mình được chinh phục bởi tình yêu Chúa, thì cuộc đời chứng nhân của chúng ta khó tránh những giây phút sống giả dối, mà thánh Phaolô gọi là sống như chiếc phèng la, kêu vang, nhưng trống rỗng trong ruột.
Lạy Chúa, xin cho con gặp được Chúa và duy trì trọn vẹn lòng nhiệt thành tông đồ nơi con trong mọi hoàn cảnh. Amen.