CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU NĂM 2000

24 bài suy niệm để theo Chúa trọn vẹn hơn…………

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bài Suy Niệm Thứ I

Hãy nhìn lên Thánh Giá

Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuẩn bị đón chào Ngàn Năm Thứ Ba sau Chúa Kitô. Ðây là Mùa Vọng mới của Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra khi chúng ta bước vào năm 2000. Nhưng, như lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thời gian trước năm 2000 mà chúng ta đang sống đây, là "thời gian chờ đợi, đồng thời cũng là thời gian thử lửa… Ðây là thời gian thử thách lớn lao, nhưng đồng thời cũng là thời gian chứa chan hy vọng" (Card. Karol Wotyla, Vita e Pensiero, Milano, 1077, p.224). Trước những gian nan thử thách, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: các môn đệ của Chúa cần phải sống như thế nào, để có thể đem ánh sáng và hy vọng cho nhân loại? Giáo Hội của Chúa, hay đúng hơn mọi thành phần của Giáo Hội Chúa phải chú tâm làm gì? Nhiều câu trả lời mâu thuẫn nhau làm chúng ta hoang mang. Có thể chúng ta sẽ lạc đường, sẽ chán nản, nếu không nhìn lên Chúa Kitô, để lặp lại với tất cả lòng xác tín trong tâm hồn như thánh Phêrô ngày xưa: "Thưa Thầy, chúng con biết theo ai? Chỉ Thầy mới có lời hằng sống" (Gn 6,68). Cần phải nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, dấu chỉ đặc biệt Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta, để chiến thắng những thử thách. Thánh Giá Chúa Kitô không phải là một hiện tượng trong quá khứ, nhưng là một thực trạng của hiện tại, một biểu tượng cho đau khổ của nhân loại và là dấu chỉ tỏ tường của tình yêu Thiên Chúa.

Nhìn lên Thánh Giá Chúa, biểu tượng của sự đau khổ, chúng ta thấy được sự độc ác của con người, hiểu được sức tàn phá của bạo lực và thù ghét. Mỗi vết thương, mỗi giọt máu trên thân thể Chúa Kitô là một hậu quả của sức mạnh sự dữ cũng như của sức bạo động trong con tim con người. Ông Jean Vanier kể lại trong cuốn sách nhỏ có tựa đề: Nghèo giữa người nghèo, là trong một cuộc nói chuyện tại một trại tù ở Kingston, khi ông còn đang nói, một bạn tù la lối đầy căm phẫn rằng: Anh lấy danh nghĩa gì đến đây nói chuyện? Ðối với anh, cái gì cũng dễ hết. Khi tôi lên bốn, lên năm, mẹ tôi bị hiếp ngay trước mắt tôi. Khi tôi lên bảy tuổi, cha tôi bán tôi cho tụi đồng tính luyến ái, để lấy tiền mua rượu. Khi được 13 tuổi, tôi bị cảnh sát bắt. Tôi muốn giết tất cả những người nào nói về tình yêu" (Jean Vanier, Povero tra i poveri, EDB, 1981, p.8). Lời la lối của người tù này nói lên sự bạo động, thù hằn và khước từ tất cả, đã chồng chất trong tim.

Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến một khía cạnh hiển nhiên trong thế giới hôm nay, một khía cạnh nhiều khi chúng ta muốn làm ngơ và bịt mắt trốn tránh; khía cạnh đó là thế giới hôm nay đang bị dằn vật bởi cơn lốc bạo động, thù hằn và ganh tị. Các cuộc chiến tranh, tra tấn và đàn áp dã man giữa các quốc gia, chủng tộc, tầng lớp xã hội, là những dấu hiệu hiển nhiên. Trong tim nhiều người, có khi cả những trẻ nhỏ, cũng có chất chứa đầy thù hằn và bạo động. Tệ hơn nữa, trong nhiều môi trường, thù hằn và bạo động còn được ca ngợi như anh hùng, như lý tưởng của cuộc sống. Vì thế mà nhiều nước, nhiều thành thị không còn là nơi yên ổn, nhiều gia đình không còn phải là tổ ấm; thế giới không còn là vườn cây tươi tốt để mời gọi chim chóc đến ca hót, vì con tim nhiều người đã bị nhiễm trùng bạo động và thù ghét.

Tuy nhiên, cần phải nhớ là bạo động, hậu quả của thù ghét, đồng thời cũng là tiếng kêu cầu cứu muốn được giải thoát khỏi sức mạnh của thù ghét. Những người đang sống trong cơn hấp hối của thù ghét và bạo động kêu cứu sự giúp đỡ của những chứng nhân tình yêu, có khả năng đem lại an bình, và chỉ đường đến sự tha thứ và hoà bình. Cần nhìn lên thập giá Chúa để thấy và hiểu sự hận thù đã tàn phá con người đến mức độ nào. Cần nhìn lên thập giá Chúa để lắng nghe lời kêu cứu của con người cần được giải thoát khỏi áp lực của hận thù. Và cần nhìn lên thập giá Chúa để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, Ðấng duy nhất có thể cứu rỗi con người và dạy con người sống yêu thương. Thập giá Chúa là dấu chỉ tỏ tường của Tình Yêu Thiên Chúa, Tình yêu chung thủy, cứ tiếp tục yêu thương, cả khi không được đáp trả và bị từ khước. Chỉ Tình Yêu này mới có thể hoá giải và biến cải sức mạnh bạo động, thù ghét trong con tim của con người.

Nhìn lên Thánh Giá Chúa và suy ngắm, chúng ta có thể khám phá ra được đâu là trận chiến căn bản, trận chiến giữa hận thù và yêu thương, và khám phá ra đâu là con đường duy nhất mà nhân loại nói chung, và mỗi một người nói riêng, phải đi qua, để chiến thắng những thử thách của thời đại. Ðó là con đường của Thập giá Chúa, con đường của hy sinh, tha thứ và yêu thương như Con Thiên Chúa đã nêu gương. Nhìn lên Thánh Giá Chúa và suy niệm, người môn đệ của Chúa được mời gọi đón nhận và thông truyền sự an bình, yêu thương, tế nhị và kính trọng. Lời nói của người đồ đệ Chúa phải có sức gây thêm thông cảm và xây dựng, khích lệ anh chị em chung quanh. Thiên Chúa yêu thương nhân loại, bằng tình yêu muôn thuở, để giải thoát nhân loại khỏi ách nặng của thù ghét. Thánh Giá Chúa Kitô là một bằng chứng. Phúc Âm theo thánh Matthêu đã thuật lại như sau:

"Chúa Giêsu rảo khắp các thành thị và vùng phụ cận, dạy dỗ trong các hội đường, công bố tin mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành mọi bịnh tật và mối thương đau. Thấy đám đông dân chúng Ngài chạnh lòng thương, vì họ bị áp bức và mệt nhọc như đoàn chiên không có chủ chăn. Vì vậy Ngài nói với các môn đệ: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thêm thợ gặt". (Mt 9, 35-38). Và sau đó, nơi chương 16, câu 24, Phúc Âm theo thánh Matthêu ghi lại lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu cho các môn đệ đang theo Ngài như sau: Ai muốn đến với Ta, thì phải từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Ta."


Back to Radio Veritas Asia Home Page