Tôi chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng, trong Năm Thánh kỷ niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Một Ngài, đã cho phép tôi bước theo những dấu vết của Chúa Kitô trên trần gian, đi qua những con đường Người đã đi, từ khi sinh ra cho đến lúc chịu chết trên đồi Golgotha. Hôm qua, Tôi đã dừng lại tại Bêlem, nơi hang đá Chúa sinh ra. Những ngày sắp tới, tôi sẽ đến kính viếng nhiều nơi khác nữa của cuộc đời và tác vụ của Ðấng cứu thế, từ ngôi nhà Truyền Tin cho đến Núi Bát Phúc và Vườn Cây Dầu. Cuối cùng, Chúa Nhật, tôi sẽ đến đồi Golgotha và Mộ Thánh.
Cuộc viếng thăm tại Căn Phòng Tiệc Ly cho Tôi dịp nhìn chung về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Chính tại nơi đây mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta hồng ân vô giá Bí Tích Thánh Thể. Chính tại nơi đây, cũng được phát sinh chức linh mục của chúng ta.
2. Bức Thơ từ Căn Phòng Tiệc Ly.
Chính từ nơi đây mà Tôi vui mừng gởi đến anh em bức thơ mà nhờ đó từ hai mươi năm qua Tôi đến gặp anh em nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Bí Tích Thánh Thể và là ngày của chúng ta một cách tốt đẹp nhất.
Phải, tôi viết thơ nầy cho anh em từ Căn Phòng Tiệc Ly, vừa suy nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra bên trong căn phòng nầy, vào buổi chiều tối đầy nhiệm mầu kia. Chúa Giêsu đến hiện diện trong tâm trí Tôi, có các tông đồ quanh bàn ăn với Người. Tôi đặc biệt nhìn thánh Phêrô: tôi xem ra như nhìn thấy tông đồ Phêrô trong lúc ngài cùng với các môn đệ khác, đang kinh ngạc quan sát những cử chỉ của Chúa Giêsu; tông đồ Phêrô hết sức cảm động lắng nghe những lời của Chúa Giêsu; và, mặc dù mang lấy gánh nặng của sự mỏng dòn, ngài mở rộng tâm hồn đón nhận mầu nhiệm được mạc khải tại Phòng Tiệc và là mầu nhiệm sắp được hoàn tất. Ðó là những giờ phút của cuộc chiến đấu quan trọng giữa một bên là tình yêu thương cho đi không dè giữ và bên kia là mầu nhiệm tội lỗi (mysterium iniquitatis) đóng kín trong sự thù nghịch. Sự phản bội của Giuđa được nhìn thấy như là một thứ biểu hiệu cho tội lỗi của nhân loại. Thánh Sử Gioan ghi nhận: "Lúc đó trời tối" (Gn 13, 30), giờ của những bóng tối, giờ của phân ly và đau buồn vô cùng tận. Nhưng trong những lời ưu buồn của Chúa Kitô, đã có lóe lên ánh sáng của bình minh: "Thầy sẽ còn gặp anh em lại, và tâm hồn anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai có thể lấy đi được" (Gn 16, 22).
3. Chúng ta cần không ngừng suy niệm lại Mầu Nhiệm của đêm Tiệc Ly. Chúng ta cần thường trở lại trong tinh thần nơi Căn Phòng Tiệc Ly, nơi mà chúng ta có thể, nhất là chúng ta, những linh mục, (chúng ta có thể) cảm thấy một cách nào đó dường như mình đang sống tại chính nhà của mình. Người ta có thể nói về chúng ta, trong tương quan với Căn Phòng Tiệc Ly, điều mà tác giả thánh vịnh nói về các dân tộc trong tương quan với Giêrusalem, rằng: "Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân nước: Một Ðấng đã giáng sinh nơi đây" (TV 87 ( 86), 6).
Từ Căn Phòng thánh thiện nầy, Tôi tưởng tượng như nhìn thấy anh em từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, với muôn ngàn gương mặt, những người trẻ tuổi nhất cũng như những kẻ lớn nhất, với những tình trạng tâm thần khác nhau, nhưng nhờ ơn Chúa, còn nhiều tâm trạng phản chiếu niềm vui và sự hăng say; nơi nhiều anh em khác, có thể là đang phản chiếu sự đau khổ, sự mệt mỏi, sự chán ngán. Trong tất cả anh em, Tôi đến tôn vinh hình ảnh của Chúa Kitô mà anh em đã lảnh nhận lúc được thánh hiến trong chức tư tế, (tôn vinh) ấn tích đã khắc ghi vào trong từng người anh em một cách vĩnh viễn không thể xóa bỏ đi được. Ðó là dấu chỉ của tình thương ưu tuyển tác động nơi từng linh mục; và mọi linh mục đều có thể tín thác vào dấu ấn nầy, để luôn luôn tiến tới với niềm vui trong lòng, hoặc để bắt đầu lại với niềm hăng say mới, trong viễn tượng của lòng trung thành luôn luôn lớn hơn.
Ðược sinh ra từ tình yêu thương.
4. "Vì đã yêu thương các môn đệ của mình còn sống trong trần gian, nên Người yêu thương họ cho đến cùng". Người ta biết rằng, khác với những phúc âm khác, phúc âm của Thánh Gioan không kể lại việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, bí tích đã được Chúa nhắc đến trong bài giảng dài gần bên Capharnaum (x. Gn 6, 26- 65), nhưng tác giả Phúc âm theo thánh Gioan lại mô tả chi tiết biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hơn là một mẫu gương sống khiêm nhượng cho chúng ta bắt chước, sáng kiến của Chúa Giêsu, một sáng kiến làm cho thánh Phêrô bở ngở, trước hết là một mạc khải về tính cách tuyệt đối hạ mình của Thiên Chúa đến với chúng ta. Thật vậy, trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa là Ðấng "tự rời bỏ mình" và đã mặc lấy "hình thể người tôi tớ", cho đến sự hạ mình cao cả nhất chịu chết trên Thập Giá (x. Phil 2, 7), để làm cho nhân loại được bước vào trong thân tình chia sẽ sự sống thần linh: những bài diễn văn dài trong phúc âm theo thánh Gioan tiếp sau biến cố Rửa Chân và giải thích cho biến cố nầy, được ta hiểu như là một nhập đề dẫn vào mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta đến tham dự, bằng cách ghép chúng ta vào Chúa Kitô nhờ bởi hồng ân Chúa Thánh Thần.
Sự hiệp thông nầy phải được chúng ta sống thật, một cách phù hợp với mệnh lệnh mới: "Như Thầy đã yêu thương chúng con, thì chúng con cũng phải yêu thương nhau" (Gn 13, 34). Không phải là tình cờ mà lời "cầu nguyện tư tế" của Chúa Giêsu nói lên trọn vẹn "Mầu Nhiệm",vừa chỉ cho chúng ta thấy Chúa Kitô hiệp nhất với Chúa Cha, sẵn sàng trở về cùng Cha qua hy tế chính mình và không muốn gì khác hơn là làm cho các môn đệ của Người được tham dự vào trong sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha: "Như Cha ở trong Con và con trong Cha, ước chi họ được nên Một trong chúng ta" (Gn 17, 21).
5. Từ "nhóm nhỏ" các môn đệ lắng nghe những lời trên, chính trọn cả Giáo Hội được thiết lập, trải dài qua trong thời gian và không gian, như "một dân tộc được quy tụ lại trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (trích thánh Cyprianô, Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, 23). Sự hiệp nhất sâu xa của dân mới nầy không loại trừ sự hiện diện giữa lòng cộng đoàn những vai trò khác biệt và bổ túc cho nhau. Như thế, được liên kết một cách đặc biệt với các vị tông đồ đầu tiên nầy, tất cả những ai đã được trao phó cho trách vụ "đích thân thay thế Chúa Kitô" (in persona Christi) mà làm lại cữ chỉ mà Chúa Giêsu đã hoàn thành trong bửa Tiệc Ly khi Chúa thiết lập hy tế Thánh Thể, "nguồn mạch và là chóp đỉnh của mọi đời sống Kitô" (Lumen gentium, số 11). Tính cách bí tích ghi dấu đặc biệt các ngài, do chức Thánh đã lãnh nhận, làm cho sự hiện diện và tác vụ của các ngài mang tính cách duy nhất, cần thiết và không thể thay thế được.
Kể từ giây phút đó, gần hai ngàn năm đã qua rồi. Biết bao linh mục đã lặp lại cử chỉ nầy! Rất thường các ngài là những đồ đệ gương mẩu, thánh thiện, chịu chết tử đạo. Làm sao trong Năm Thánh nầy ta có thể bỏ quên biết bao linh mục đã làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính đời sống mình, cả cho đến việc đổ máu đào mình ra hy sinh! Cuộc tử đạo của các ngài đồng hành với lịch sử của Giáo Hội; và cuộc tử đạo nầy cũng ghi dấu thế kỷ 20 mà chúng ta vừa vượt qua,một thế kỷ bị ghi dấu bởi những chế độ độc tài và thù nghịch với Giáo Hội. Từ Căn Phòng Tiệc Ly, Tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì lòng can đảm của những anh em linh mục nầy. Chúng ta hãy nhìn lên mẫu gương của các vị, để học noi gương các vị theo con đường của Ðấng chăn chiên nhân lành, hiến "mạng sống mình cho đoàn chiên" (Gn 10, 11).
Kho tàng được tích chứa trong những bình sành.
6. Quả đúng thật rằng trong lịch sử chức tư tế cũng như trong lịch sử của toàn thể Dân Chúa, người ta cảm nghiệm được sự hiện diện mờ tối của tội lỗi. Nhiều khi, sự mỏng dòn con người của các tác viên đã làm mờ đi trong họ dung mạo của Chúa Kitô. Làm sao chúng ta lấy làm lạ về điều đó cho được, tại nơi đây, trong Căn Phòng Tiệc Ly nầy? Tại đây, không những đã được quyết định sự phản bội của Giuđa, mà chính thánh Phêrô cũng đã được ý thức về sự yếu đuối của mình, khi ngài nghe lời tiên báo đau đớn về việc chối Chúa. Chắc rằng, khi chọn những con người như Mười Hai Tông Ðồ, Chúa Kitô đã không kỳ vọng hảo huyền: nhưng chính trên sự yếu đuối con người của các ngài mà Chúa ghi vào dấu ấn bí tích của sự hiện diện của Chúa. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết lý do như sau: "Kho tàng đó, chúng ta mang lấy trong những bình sành, ngõ hầu quyền năng đến từ Thiên Chúa, chớ không phải từ chúng ta" (2 Co 4, 7).
Bởi thế cho nên, mặc cho tất cả những sự yếu đuối của các linh mục của Chúa, Dân Chúa vẫn tiếp tục tin vào sức mạnh của Chúa Kitô tác động nhờ qua tác vụ của các ngài. Làm sao chúng ta không nhớ lại lời chứng tuyệt hảo của vị Thánh Nghèo của thành Assisi về vấn đề nầy? Do lòng khiêm nhượng, thánh nhân đã không muốn làm linh mục; trong chúc thư để lại, thánh nhân đã nói lên đức tin của mình vào mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện trong các linh mục, đến độ quả quyết rằng mình sẵn sàng chạy đến với các linh mục, cả khi các linh mục bách hại ngài, và ngài không chấp những tội lỗi của họ. Thánh Nhân giải thích như sau: "Tôi làm như vậy, bởi vì tôi không nhìn thấy điều gì khác của Người Con Tối Cao của Thiên Chúa hiện diện trong thế gian nầy, ngoại trừ chính Mình Thánh và Máu Thánh của Người mà các linh mục truyền phép và phân phối cho kẻ khác" (trích Fonti Francescane, số 113).
7. Từ nơi mà Chúa Kitô đã nói lên những lời thánh để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Tôi mời gọi anh em, hỡi các linh mục thân mến, hãy khám phá lại "hồng ân", hãy khám phá lại "mầu nhiệm" mà chúng ta đã lãnh nhận. Ðể đón nhận hồng ân nầy từ nơi gốc rễ, chúng ta phải suy nghĩ về chức tư tế của Chúa Kitô. Quả thật, toàn thể dân Chúa đều tham dự vào chức tư tế của Chúa, do bởi bí tích Rửa Tội. Nhưng Công Ðồng Vatican II nhắc chúng ta nhớ lại rằng, ngoài việc tham dự vào chức tư tế chung của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội, còn có một chức tư tế khác, riêng biệt, chức tư tế thừa tác, khác biệt một cách thiết yếu với chức tư tế chung, mặc dù được liên kết chặt chẽ với chức tư tế chung nầy (x. Lumen gentium, só 10).
Trong khung cảnh của Năm Thánh mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể, việc chúng ta đến với chức tư tế của Chúa Kitô, được thể hiện trong một viễn tượng riêng biệt. Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm nơi Chúa Kitô, mối giây liên kết sâu xa giữa chức tư tế và mầu nhiệm chính con người Chúa. Chức tư tế của Chúa Kitô không phải là một chức tư tế "tạm thời". Ðây không phải là một trách vụ mà Chúa có thể không lảnh nhận, nhưng đây là điều đã được khắc ghi vào trong căn cước của Chúa như là Con Thiên Chúa Nhập Thể, như là Con Người-Thiên Chúa. Trong những tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa, từ nay tất cả đều đi qua Chúa Kitô: "Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy" (Gn 14, 6). Vì thế, Chúa Kitô là linh mục có chức tư tế đời đời và phổ quát; và chức tư tế của Giao Ước thứ nhất chỉ là hình bóng và chuẩn bị (x. Thơ DT 9,9). Chúa Kitô thi hành trọn vẹn chúc tư tế, kể từ khi Chúa lên ngự, như vị linh mục thượng phẩm, "bên hữu Thiên Chúa Cha trên trời" (Dt 8, 1). Từ đó, bản chất của chức tư tế trong nhân loại được thay đổi: chỉ có chức tư tế duy nhất, là chức tư tế của Chúa Kitô, mà chúng ta có thể tham dự vào, và là chức tư tế có thể được thi hành bằng nhiều cách khác nhau.
Linh Mục và Của Lễ (Sacerdos et Hostia)
8. Ðồng thời, hy tế, một hành động tư tế tốt đẹp nhất, đã được "thực hiện cách trọn vẹn". Trên đồi Golgotha, Chúa Kitô đã dâng hiến đời sống mình làm lễ vật có giá trị đời đời, một lễ vật "có giá trị cứu rỗi", có sức mở lại cách vĩnh viễn con đường hiệp thông với Thiên Chúa; con đường nầy đã bị đóng lại vì tội lỗi.
Mầu nhiệm nầy đã được thơ Do Thái làm sáng tỏ; bức thơ đã đặt vào môi miệng Chúa vài lời trích từ thánh vịnh 40 như sau: "Ôi lạy Chúa, Ngài đã không muốn lễ vật cũng không muốn lễ toàn thiêu; nhưng Cha đã tạo cho con một thân xác.. Nầy đây, con xin đến để làm theo thánh ý Cha" (Dt 10, 5- 7; x. TV 40, (39), 7- 9). Theo tác giả bức thơ, những lời tiên tri trên đã được Chúa Kitô đọc lên vào lúc Người bước vào trong trần gian. Những lời nầy nói lên Mầu Nhiệm và sứ mạng của Chúa. Chúng bắt đầu được thực hiện ngay từ giây phút Nhập Thể, mặc dù chúng đạt đến chóp đỉnh trong hy tế trên đồi Golgotha. Từ đó, mọi lễ vật của linh mục chỉ là sự dâng lên Chúa Cha lễ vật duy nhất của Chúa Kitô, được thực hiện một lần vĩnh viễn cho mọi lần.
Linh mục và của lễ, sacerdos et hostia! Khía cạnh hy tế nầy ghi dấu sâu xa bí tích Thánh Thể; đồng thời, đây cũng là chiều kích kết thành chức tư tế của Chúa Kitô, và do đó chức tư tế của chúng ta. Chúng ta hãy đọc lại dưới ánh sáng nầy những lời mà chúng ta đọc hằng ngày, và là những lời đã được nói lên lần đầu tiên tại nơi đây, nơi Căn Phòng Tiệc Ly. Ðó là những lời sau đây: "Tất cả chúng con hãy cầm lấy mà ăn: Nầy là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con... Tất cả chúng con hãy cầm lấy mà uống, vì đây là chén Máu Ta, Máu của giao ước mới và đời đời, sẽ đổ ra cho chúng con và nhiều người được tha tội".
Ðó là những lời mà các thánh sử và thánh Phaolô tông đồ đã làm chứng cho, với những bản văn tự căn bản nói lên cùng một điều như nhau. Những lời đó đã được nói lên tại nơi Căn Phòng Tiệc Ly, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Khi trao ban cho các tông đồ Thịt Ngài để ăn và Máu Ngài để uống, Chúa Giêsu nói lên sự thật sâu xa của cử chỉ mà Chúa sẽ phải chu toàn tiếp theo đó trên đồi Golgotha. Quả thật, trong Bánh Thánh Thể, có hiện diện thật sự Thân Thể được sinh ra bởi Mẹ Maria và đã được hiến dâng trên Thập Giá:
Kính Chào Thân Thể đã được sinh ra bởi Mẹ Maria Ðồng Trinh, đã chịu khổ hình, chịu hiến tế trên Thập Giá vì loài người. (Ave verum Corpus natum de Maria virgine, vere passum, immolatum in cruce pro homine.)
9. Thử hỏi làm sao chúng ta không trở lại luôn với mầu nhiệm nầy, mầu nhiệm ôm trọn đời sống của Giáo Hội? Bí Tích nầy đã nuôi dưỡng vô số tín hữu trong suốt hai ngàn năm qua. Từ bí tích nầy chảy vọt ra dòng sông ân sũng. Thử hỏi biết bao vị thánh đã gặp được nơi bí tích Thánh Thể, không những bảo chứng, mà còn sự tiền hưởng Thiên Ðàng!
Chúng ta hãy để
mình được lôi cuốn vào
trong sự chiêm ngắm, đầy thi vị
và thần học, một sự chiêm
ngắm đã thôi thúc thánh Tomasô
thành Aquinô hát mừng Mầu Nhiệm
với những lời ca "Hỡi
Lưỡi, hãy ngợi khen!" (Pange Lingua!).
Tiếng vọng của những lời
ca vang đến tai tôi ngày hôm nay,
tại nơi đây, nơi Căn Phòng
Tiệc Ly, như tiếng nói của vô
số cộng đoàn kitô rải rác
khắp nơi trên thế giới, của
nhiều linh mục, của những người
tận hiến, của các tín hữu
mỗi ngày đến tôn thờ
mầu nhiệm Thánh Thể:
Verbum Caro, panem verum verbo carnem
efficit,
fitque sanguis Christi merum, et, si sensus
deficit,
ad firmandam cor sincerum sola fides sufficit.
10. Mầu Nhiệm Thánh Thể loan báo và cử hành cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, trong khi chờ đợi ngày Chúa ngự đến; (bí tích Thánh Thể nầy) là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Ðối với chúng ta, mầu nhiệm Thánh Thể còn có một ý nghĩa đặc biệt: thật vậy bí tích Thánh Thể là trung tâm của thừa tác vụ chúng ta. Chắc hẳn, tác vụ của chúng ta không phải chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể, bởi vì tác vụ nầy bao gồm công việc phục vụ, từ việc rao giảng Lời Chúa cho đến việc thánh hóa con người qua các bí tích, và đến việc hướng dẫn Dân Chúa trong sự hiệp thông và trong công tác phục vụ. Nhưng bí tích Thánh Thể còn là điểm mà từ đó mọi sự phát sinh và hướng về. Chức tư tế của chúng ta được sinh ra với bí tích Thánh Thể, nơi Căn Phòng Tiệc Ly.
"Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19): cho dù những lời của Chúa Kitô có liên quan trực tiếp đến toàn thể giáo hội, nhưng những lời đó được trao cho những ai sẽ tiếp tục tác vụ của những tông đồ đầu tiên, như là một trách vụ đặc biệt. Chính cho những kẻ đó mà Chúa Giêsu trao gởi chính hành động mà Ngài vừa hoàn thành: đó là biến đổi bánh thành Mình Chúa, và rượu trở thành Máu Thánh Người; đây là hành động mà qua đó Chúa Kitô thể hiện chính ngài như là Linh Mục và Lễ Vật. Chúa Kitô muốn rằng, từ nay về sau, hành động nầy của Người, cũng trở thành, một cách bí tích, hành động của Giáo Hội, qua đôi tay các linh mục. Khi nói: "Chúng con hãy làm việc nầy", Chúa Kitô không phải chỉ nói đến hành động, nhưng còn nói đến chủ thể được mời gọi thực hiện hành động đó; nói cách khác, Chúa Kitô thiết lập chức tư tế thừa tác; và chức tư tế thừa tác nầy trở thành một trong những yếu tố cấu thành chính Giáo Hội.
11. Hành Ðộng đó cần phải được thực hiện "để nhớ đến Người"; chi tiết nầy thật quan trọng. Việc cử hành Thánh Thể do các linh mục thực hiện, sẽ làm hiện diện, cho tất cả mọi thế hệ kitô, và ở khắp mọi nơi trên mặt đất, (làm hiện diện) công việc đã được Chúa Kitô hoàn tất. Bất cứ nơi nào Bí Tích Thánh Thể được cử hành, thì ở đó, một cách không đổ máu, sẽ được hiện diện hy tế đẩm máu trên đồi Calvariô, sẽ được hiện diện chính Chúa Kitô, Ðấng Cứu Rỗi thế gian.
"Chúng con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy". Khi nghe lại những lời trên, tại nơi đây, giữa những bức tường của Căn Phòng Tiệc Ly, người ta tự nhiên muốn nghĩ đến những tâm tình của Chúa Kitô. Ðó là vào những giờ phút bi thảm trước cuộc Thương Khó. Thánh Sử Gioan gợi lên những sắc thái ưu buồn của Thầy, đang chuẩn bị cho các Tông Ðồ biết cách đối phó với các chết của Người. Thật là ưu buồn biết bao nơi ánh mắt của các tông đồ: "Vì Thầy đã nói với chúng con điều nầy, nên tâm hồn chúng con đầy ưu buồn" (Gn 16, 6). Nhưng Chúa Giêsu trấn an các ông như sau: "Thầy sẽ không để chúng con mồ côi, Thầy sẽ trở lại với chúng con" (Gn 14,18). Nếu Mầu Nhiệm Phục Sinh làm cho các tông đồ không còn nhìn thấy Chúa (cách hữu hình) nữa, thì Chúa sẽ còn hiện diện hơn bao giờ hết trong đời sống của họ, và Chúa hiện diện với họ "tất cả mọi ngày cho đến tận cùng" (Mt 28, 20).
Kỷ Vật làm cho hiện diện.
12. Sự hiện diện của Chúa được thể hiện bằng nhiều cách. Nhưng cách quan trọng nhất là sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể: đây không phải chỉ là một kỷ niệm đơn thuần, nhưng là một "Kỷ Vật làm cho hiện diện"; đây không phải là một sự tưởng nhớ quá khứ một cách tượng trưng, nhưng là sự hiện diện sống động của Chúa giữa những kẻ thuộc về Người. Chúa Thánh Thần sẽ luôn luôn là Ðấng bảo đảm cho sự hiện diện nầy; Chúa Thánh Thần luôn luôn được đổ tràn xuống trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, ngõ hầu bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô: chính cùng một Chúa Thánh Thần nầy, vào chiều ngày Vượt Qua (Phục Sinh), tại Căn Phòng Tiệc Ly, đã được "thổi" trên các Tông đồ (x. Gn 20, 22) và còn gặp lại các tông đồ ở tại đây, cùng với Mẹ Maria, vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ, giống như ngọn gió mạnh và như ngọn lửa (x. TÐCV 2, 1- 4); Chúa Thánh Thần thôi thúc các tông đồ đi khắp nơi trên thế giới, để rao giảng Lời Chúa và quy tụ dân Chúa lại trong "việc bẻ bánh" (TÐCV 2, 42).
13. Hai ngàn năm sau khi Chúa giáng sinh, trong Năm Thánh nầy, một cách đặc biệt, chúng ta phải nhớ lại và suy niệm sự thật về điều mà chúng ta có thể gọi là việc Chúa "giáng sinh trong bí tích Thánh Thể". Căn Phòng Tiệc Ly là nơi dành cho việc "giáng sinh" nầy. Nơi đây đã bắt đầu cho thế giới một sự hiện diện mới của Chúa Kitô, một sự hiện diện được thực hiện không ngừng tại bất cứ nơi nào Thánh Thể được cử hành và có linh mục cho Chúa Kitô mượn lời để nói lại những lời thánh của bí tích Thánh Thể.
Sự hiện diện Thánh Thể nầy đã đi qua hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội và sự hiện diện nầy sẽ còn đồng hành với Giáo Hội cho đến tận cùng lịch sử. Như thế, việc được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm nầy là một niềm vui lớn cho chúng ta, vừa đồng thời là nguồn mạch phát sinh trách nhiệm. Ngày hôm nay, chúng ta muốn ý thức về điều nầy, với tâm hồn tràn đầy khâm phục và biết ơn; và với những tâm tình nầy, chúng ta muốn bước vào trong ba Ngày Thánh cử hành cuộc thương khó, chết và sống lại của Chúa kitô.
Hồng Ân của Căn Phòng Tiệc Ly.
14. Thưa các anh em linh mục thân mến của tôi, những anh em họp nhau ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong các nhà thờ chính tòa, vây quanh các vị chủ chăn của anh em, cũng như những linh mục của Giáo Hội tại Roma họp nhau quanh người kế vị thánh Phêrô, xin tất cả anh em hãy lãnh nhận những suy tư nầy, đã được suy niệm trong bầu khí đầy ý nghĩa của Căn Phòng Tiệc Ly! Thật là khó mà tìm ra một nơi có thể gợi lại một cách tốt đẹp hơn Mầu Nhiệm Thánh Thể và vừa đồng thời gợi lại mầu nhiệm chức tư tế của chúng ta.
Chúng ta hãy sống trung thành với "hồng ân" của Căn Phòng Tiệc Ly, với hồng ân cao cả của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Chúng ta hãy luôn luôn cử hành sốt sắng bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy ở lại thường xuyên và lâu giờ tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể. Cách nào đó, chúng ta hãy đặt mình vào "trường học" của Bí Tích Thánh Thể. Qua các thế kỷ, có nhiều linh mục đã gặp được nơi bí tích Thánh Thể sự an ủi mà Chúa Giêsu đã hứa vào buổi chiều Tiệc Ly; các ngài đã gặp được bí quyết để chiến thắng sự cô đơn, gặp được sự nâng đỡ để gánh lấy những đau khổ, gặp được của ăn để bắt đầu lại con đường, sau mỗi lần thất vọng ngã lòng, gặp được năng lực nội tâm để xác nhận sự quyết chọn sống trung thành. Chứng tá mà chúng ta có thể cung cấp cho Dân Chúa trong việc cử hành bí tích Thánh Thể tùy thuộc nhiều vào mối tương quan cá nhân của chúng ta với bí tích Thánh Thể.
15. Chúng ta hãy khám phá lại chức tư tế của mình theo ánh sáng của bí tích Thánh Thể! Chúng ta hãy làm cho những cộng đoàn chúng ta chăm sóc, biết khám phá ra lại kho tàng quý báu nầy, trong việc cử hành hằng ngày Thánnh Lễ và, một cách đặc biệt, trong việc cử hành, cách long trọng hơn, Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật. Ước chi nhờ công việc tông đồ của anh em, mà tình yêu đối với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, được lớn lên. Ðây là một bổn phận có tầm quan trọng đặc biệt trong Năm Thánh nầy.
Tâm tư Tôi hướng đến Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế sẽ được tổ chức tại Roma, từ ngày 18 đến 25 tháng 6/2000 tới đây, với chủ đề là: "Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu thế duy nhất của thế gian; Ngài là bánh nuôi sống chúng ta". Ðây là biến cố trung tâm của Năm Thánh, một Năm hết sức đặc biệt có tính cách Thánh Thể (TT ngàn năm thứ ba, số 55). Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế nầy sẽ làm nổi bậc mối tương quan chặt chẽ giữa Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô.
Từ Căn Phòng Tiệc Ly, tôi xin gởi đến anh em cái hôn Thánh Thể. Ước gì hình ảnh Chúa Kitô có các môn đệ vây quanh trong bửa tiệc ly, ban cho mỗi người chúng ta sức mạnh sống tình huynh đệ và hiệp thông. Những nhà họa sĩ nổi tiếng, đã cố gắng vẽ ra dung mạo của Chúa Kitô giữa các môn đệ trong giây phút cử hành tiệc ly: thử hỏi làm sao chúng ta có thể quên tuyệt tác của Ông Leonardo de Vinci? Nhưng chỉ có những vị thánh, do tình yêu thương nồng nàn của họ, mới có thể tiến sâu vào trong chiều sâu của mầu nhiệm: như tông đồ Gioan, các ngài nghiên mình tựa vào ngực Chúa (Gn 13, 35). Và chúng ta hiện diện nơi đó, nơi chóp đỉnh của tình yêu: "Vì yêu thương các môn đệ mình còn sống trên trần gian, nên Người yêu thương họ cho đến tận cùng."
16. Tôi muốn kết
thúc những dòng suy tư trên, mà
tôi chân thành trao gởi đến
tâm hồn anh em, bằng lời kinh đã
có từ lâu đời, như
sau:
Chính Cha, là Chủ
Tể toàn năng,
Cha đã tạo dựng
vũ trụ, để làm sáng danh Cha,
và đã ban cho con người
của ăn thức uống, để hưởng
dùng và tạ ơn Cha.
Cha còn ban cho chúng con
Của Ăn Thức Uống thiêng liêng,
và sự sống đời
đời, nhờ qua Người
Tôi Tớ Cha.
Xin tôn vinh Cha đến muôn
đời!
(trích sách Didache,
9, 3-4; 10,3-4).