Vatican - 13.12.99 - Sáng thứ Hai 13.12.1999, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, kế bên Ðại Lộ Hòa Giải, Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, cùng với Ðức Giám Mục Diarmuid Martin, Tổng Thư Ký Hội Ðồng và Nữ Tu Marjorie Keenan, viên chức của Hội Ðồng, đã trình bày Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II về Ngày Hòa Bình thế giới năm 2000. Ðề tài suy tư của Sứ Ðiệp năm 2000 là "Hòa Bình dưới thế cho mọi người được Chúa yêu thương". Ðây là lời loan báo do các Thiên sứ hát lên ngày Chúa Giêsu sinh ra tại Betlem cách đây 2000 năm. Trước thềm Ngàn Năm mới, ÐTC lặp lại lời cầu chúc này cho tất cả nhân loại. ÐTC viết như sau: Hòa bình có thể được cho mọi người: hòa bình là một ơn của Thiên Chúa, nhưng hòa bình cũng phải được xây dựng mỗi ngày bằng công việc của công bình và của tình yêu. Các vấn đề của việc tiến trên con đường hòa bình thật nhiều và phức tạp, nhưng hòa bình vẫn luôn luôn là một đòi hỏi đã ăn rễ sâu vào tâm hồn con người.
ÐTC nghĩ đến thế kỷ sắp qua, một thế kỷ bị đánh dấu bằng một loạt chiến tranh liên tiếp và khủng khiếp: những vụ tranh chấp, những vụ diệt chủng, những chính sách kỳ thị... tất cả gây nên biết bao đau khổ không thể tả lại được, chỉ vì lý do của việc áp đảo, được nuôi dưỡng bởi ước muốn thống trị và khai thác người khác: đau khổ gây nên bởi những ý thức hệ cường quyền hoặc của thuyết ảo tưởng độc tài, bởi những chủ nghĩa quốc gia quá khích, điên rồ hoặc bởi những thù ghét sắc tộc từ thời xưa kia. ÐTC viết thêm như sau: Thế kỷ XX này để lại cách riêng lời cảnh cáo nầy cho chúng ta: chiến tranh thường là căn cớ gây nên các chiến tranh khác; với chiến tranh nhân loại chỉ mất mát mà thôi.
Ðể thế kỷ sắp bắt đầu đây trong dấu hiệu của hòa bình và của tình huynh đệ, ÐTC nghĩ rằng: cần phải thực hiện một cuộc đảo lộn về cái nhìn chung về thế giới: Lợi ích riêng của một cộng đồng chính trị, sắc tộc hay văn hóa không được lấn át nữa, trái lại lợi ích chung của cả nhân loại phải được đề cao và quan tâm trước hết. Do đó, những ai xúc phạm đến nhân quyền, tức là xúc phạm đến lương tâm nhân loại, xúc phạm đến tất cả nhân loại. Bổn phận bảo vệ các quyền của con người vuợt qua các biên giới địa dư và chính trị: các tội ác chống lại nhân loại không thể được coi là những việc thuộc nội bôï của một quốc gia. Biết bao tội ác và quá nhiều tội ác trong đó trẻ em, phụ nữ, người già cả không được bệnh vực, vô tội, trở thành những nạn nhân được chỉ định của những vụ tranh chấp gây đẫm máu trong thời đại chúng ta. ÐTC quả quyết rằng: đứng trước những vụ tranh chấp vũ trang hiện nay, dụng cụ của việc điều đình giữa các phe liên hệ là một điểm phải được đề cao và người ta tin chắc về vai trò tích cực của các cơ quan trung gian và hòa giải, vai trò này cần được lan rộng cả đến các tổ chức không chính phủ và các tổ chức tôn giáo nữa. Cần phải xử dụng tối đa và cách tốt nhất tất cả những gì đã được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng việc ấn định thêm những dụng cụ và thể thức hữu hiệu của việc can thiệp trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Từ vấn đề chiến tranh, ÐTC nhìn đến vấn đế "liên đới". Không ai được nghĩ rằng: vắng bóng chiến tranh không đồng nghĩa với hòa bình bền bỉ; không có hòa bình thực, nếu hòa bình không được kèm theo bởi công bình, chân lý, công lý và tình liên đới. ÐTC quả quyết: Liều đi đến thất bại bất cứ chương trình nào nhằm phân tách hai quyền bất khả li khai và liên hệ nhau, đó là quyền sống hòa bình và quyền phát triển toàn diện và liên đới. Khởi đầu thế kỷ mới, cảnh nghèo khổ của từng tỉ người nam, nữ là một trong các vấn đề chất vấn lương tâm chúng ta hơn cả, lương tâm con người và lương tâm người tín hữu Kitô. Với tước hiệu của công bình, các người nghèo đòi quyền thông phần vào việc hưởng dùng các của cải vật chất và xử dụng các khả năng làm việc của họ, để mưu công ích, bằng việc tạo nên như vậy một thế giới công bình hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người. ÐTC cũng nhấn mạnh đến cả sự khẩn cấp của việc duyệt lại các kiểu mẫu hướng dẫn các lựa chọn về phát triển, bằng việc dung hòa các đòi hỏi chính đáng của khả năng sản xuất về kinh tế với những đòi hỏi của việc tham dự chính trị và và công bình xã hội, mà không tái phạm những lầm lỗi ý thức hệ của thế kỷ XX. Cách riêng cần phải tìm những giải pháp dứt khoát cho vấn đề nợ nần quốc tế của các quốc gia nghèo, đồng thới bằng việc bảo đảm tài chánh cần thiết cả cho việc chiến đấu chống lại nạn đói khổ, nạn ăn không đủ, các bệnh tật, nạn mù chữ và nạn ô nhiễm môi sinh. Ngày nay hơn ngày xưa, người ta đề cập đến sự cần thiết huấn luyện lương tâm về các giá trị luân lý chung, để đối phó với những vấn dề của thời nay, mỗi ngày mỗi trở nên vấn đề của cả thế giới. Cần phải tìm con đường để thảo luận, bằng một tiếng nói chung và dễ hiểu, những vấn đề được đạt ra cho tương lai con người. Từ cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, giữa ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa luân lý, phát xuất một sự đóng góp quyết định trong việc hướng dẫn cuộc đối thoại và sự cộng tác giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo.
Trong phần kết thúc sứ điệp, ÐTC nói riêng với giới trẻ, họ là những người cảm nghiệm cách đặc biệt niềm an vui của sự sống và họ có bổn phận không được phí phạm sự sống. Với những thanh niên, tiếc thay, đã sống kinh nghiệm bi thảm của chiến tranh và hiện đang còn mang nặng những tâm tình của thù hằn, giận ghét, ÐTC tha thiết kêu gọi: "Các con hãy làm hết sức để tìm lại con đường hòa giải và tha thứ. Ðây là con đường khó, nhưng là con đường duy nhất làm cho các con nhìn về tương lai với hy vọng cho chính các con, cho con cái các con, cho Quê Hương các con và cho cả nhân loại nữa.... Các thanh niên của năm 2000, các con có thể khám phá và làm cho nguời khác khám phá ra khuôn mặt của những người anh chị em và của những người bạn hữu".
Sau khi trình bày sứ
điệp của ÐTC, Ðức Tổng
Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bình
luận như sau: "Gọi sứ điệp này
là sứ điệp của việc hoàn
cầu hóa, không phải việc hoàn
cầu hóa kinh tế, mà hoàn cầu
hóa của nhân loại, thực ra không
quá đáng. Một sứ điệp
mạnh mẽ do việc nhấn mạnh đến
sự kiện này: Hòa bình là
cho mọi người và đòi hỏi
sự đóng góp của mọi người,
bởi vì mọi người đều
được mời gọi thành
lập một gia đình duy nhất, gia đình
nhân loại. Chính trong việc nhấn mạnh
này: Hòa bình dưới thế
có thể được cho mọi người
"là điểm quan trọng hơn cả của
Sứ Ðiệp về Ngày Hòa Bình
thế giới của năm 2000. Thiên
Chúa muốn hòa bình cho mọi người
và Người đã phú thác
việc thực hiện cho mọi người".