Sứ Ðiệp của ÐTC
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14
(Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/1999)
Chủ đề: Thiên Chúa Cha yêu thương chúng con

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14: Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/99. Chủ đề: Thiên Chúa Cha yêu thương chúng con.

Các bạn trẻ thân mến!
1- Trong viễn tượng Năm Thánh 2000 giờ đây đang gần đến, thì năm 1999 nhắm "mở rộng chân trời cho các tín hữu" để họ thấy được các sự việc theo quan điểm của Chúa Kitô: quan điểm của Thiên Chúa Cha là Ðấng ở trên trời, Ðấng sai Chúa Kitô đến và là Ðấng mà Chúa Kitô trở về lại" (Tông Thư Ngàn Năm Thư Ba, đoạn 49). Thật vậy, không thể nào cử hành Chúa Kitô và biến cố Năm Thánh mà không cùng với Người hướng về Thiên Chúa, là Cha của Người cũng là Cha của chúng ta (x.Jn.20:17). Cả Chúa Thánh Thần cũng đưa chúng ta về với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Nếu Thánh Thần dạy cho chúng ta tuyên xưng "Ðức Giêsu là Chúa" (x.1Cor.12:3) thì cũng là để cho chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Abba! Lạy Cha" (x.Gal.4:6).

Vậy cha cũng kêu gọi các con, cùng với toàn thể Giáo Hội, hãy hướng về Thiên Chúa là Cha và, bằng một tấm lòng tri ân cảm mến, các con hãy lắng nghe lời mạc khải lạ lùng của Chúa Giêsu: "Thiên Chúa Cha yêu thương các con" (x.Jn.16:27). Ðây là những lời Cha trao gửi đến các con như là một đề tài cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14. Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy nhận lấy tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước (x.1Jn.4:19). Chúng con hãy nắm chắc lấy điều ấy, một điều duy nhất có thể làm cho đời sống có ý nghĩa, sức mạnh và niềm vui: tình yêu của Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng con, giao ước an bình của Ngài không bao giờ xa lìa chúng con (x.Is.54:10). Ngài đã khắc ghi tên chúng con trong lòng bàn tay của Ngài (x.Is.49:16).

2- Dù không luôn luôn rõ ràng và đầy đủ ý thức, nhưng trong tâm hồn con người vẫn có một khát vọng sâu xa hướng về Thiên Chúa. Thánh Ignaxiô thành Antiôkia đã diễn tả niềm khát vọng này một cách sống động như sau: "Trong tôi có một giòng nước sự sống đang rạo rực chảy và mời gọi: 'Hãy đến cùng Chúa Cha'" (Ad Rom., 7). Môisen khi ở trên núi đã nài xin với Thiên Chúa như sau: "Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi quang vinh của Ngài" (Ex.33:18).

"Chưa có ai đã từng được thấy Thiên Chúa; Chỉ Người Con duy nhất, Ðấng ở trong lòng Thiên Chúa Cha, là Ðấng mạc khải Cha cho chúng ta" (Jn.1:18). Thế nên, không phải là chỉ cần biết Con là biết được Cha hay sao? Tông Ðồ Philiphê không dễ gì chấp nhận như vậy. Thánh nhân đã xin với Thày mình: "xin tỏ cho chúng con biết Cha". Lời khẩn xin của thánh Philiphê Tông Ðồ đã mang đến cho chúng ta một câu trả lời vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể ước vọng: "Thày đã chẳng ở với con bấy lâu hay sao, thế mà con lại không biết Thày ư Philiphê? Ai thấy Thày chính là thấy Cha" (Jn.14:9).

Việc Nhập Thể đã làm cho chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa nơi dung mạo con người: "Hãy tin vào Thày là Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày" (Jn.14:11). Chúa Giêsu nói lời này không những cho riêng tông đồ Philiphê mà còn cho tất cả những ai sẽ tin vào Người nữa. Và vì thế, ai chấp nhận Con Thiên Chúa là chấp nhận Ðấng đã sai Người (x.Jn.13:20). Ngược lại, "ai ghét Thày cũng ghét cả Cha Thày nữa" (Jn.15:23). Thế là một mối liên hệ mới giữa Ðấng Tạo Hóa và các thụ sinh của Ngài đã được hình thành, một mối liên hệ giữa con cái với Cha của mình. Khi các môn đệ muốn đi vào các bí nhiệm của Thiên Chúa và xin dạy cho các ngài biết cách cầu nguyện để hỗ trợ cuộc hành trình của mình, Chúa Giêsu đã đáp lại bằng việc dạy cho các ngài Kinh Lạy Cha là "một tổng hợp toàn bộ Phúc Âm" (Tertullianô, De Oratione, 1). Kinh Lạy Cha này là một lời xác nhận về tình trạng chúng ta được trở thành những người con nam nữ của Thiên Chúa (x.Lk.11:1-4). "Một mặt, qua những lời kinh này, Người Con duy nhất cống hiến cho chúng ta những lời Chúa Cha đã ban cho Người: Người là Tôn Sư dạy cầu nguyện. Mặt khác, là Lời nhập thể, Người biết trong cõi lòng nhân loại của mình các nhu cầu của anh chị em mình và tỏ cho chúng ta thấy những nhu cầu ấy: Người là mô phạm cho việc cầu nguyện của chúng ta" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2765).

Khi trình thuật cho chúng ta thấy các dấu chứng trực tiếp về đời sống của Con Thiên Chúa, Phúc Âm Thánh Gioan cũng đã chỉ cho chúng ta thấy một con đường phải theo để biết được Chúa Cha. Việc kêu cầu cùng "Cha" là một bí mật, là hơi thở, là sự sống của Chúa Giêsu. Không phải hay sao, Người là Người Con duy nhất, là trưởng tử, là Ðấng được Cha yêu, đối tượng mà mọi sự phải qui về, Người hiện diện nơi Chúa Cha ngay trước khi có thế gian, cùng thông phần vinh quang của Cha? (x.Jn.17:5). Từ nơi Cha mình, Chúa Giêsu đã lãnh nhận quyền năng trên tất cả mọi sự (x.Jn.17:2), lãnh nhận sứ điệp cần phải được loan báo (x.Jn.12:49), lãnh nhận công việc cần phải được hoàn thành (x.Jn.14:31). Các môn đệ cũng không thuộc quyền Người: chính Thiên Chúa Cha là Ðấng đã trao họ cho Người (x.Jn.17:9), khi ủy thác cho Người việc gìn giữ họ khỏi gian ác, để không một ai trong họ phải bị hư đi (x.Jn.18:9).

Vào giờ Người qua khỏi thế gian mà về cùng Cha, "lời nguyện tư tế" của Người đã cho chúng ta thấy tâm trí của Người Con: "Lạy Cha, xin Cha hãy tôn vinh Con nơi Cha thứ vinh quang mà Con đã có nơi Cha trước khi thế gian được tạo thành" (Jn.17:5). Là Tư Tế Tối Cao và Vĩnh Hằng, Chúa Kitô đã dẫn đầu đoàn đông đảo thành phần được cứu chuộc. Là trưởng tử của nhiều anh em, Người đã dẫn về một đàn chiên duy nhất những con chiên bị phân tán, để chỉ có "một đàn chiên và một chủ chiên" (Jn.10:16).

Nhờ công việc của Người, chính mối liên hệ yêu thương hiện diện nơi Ba Ngôi đã được thể hiện nơi mối liên hệ giữa Chúa Cha và nhân loại được cứu chuộc: "Chúa Cha yêu thương các con!". Mầu nhiệm yêu thương này làm sao có thể hiểu được nếu không có tác động của Thánh Thần là Ðấng Thiên Chúa Cha tuôn đổ xuống trên các môn đệ nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (x.Jn.14:16)? Việc Lời Hằng Hữu Nhập Thể trong thời gian và việc tất cả mọi người liên kết với Ngôi Lời trong Bí Tích Rửa Tội được sinh vào đời sống vĩnh cửu không thể nào hiểu nổi, nếu không có tác động ban sự sống của chính Chúa Thánh Thần này.

3- "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến đổi trao ban Người Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời" (Jn.3:16). Thế gian được Thiên Chúa yêu thương! Và, bất chấp việc thế gian có thể chối từ tình yêu này, thế gian vẫn tiếp tục được Ngài yêu thương cho đến cùng. "Thiên Chúa Cha yêu thương các con" luôn mãi và cho đến muôn đời: đó là một điều mới mẻ chưa từng có, "một loan báo rất đơn thành nhưng sâu xa mà Giáo Hội có bổn phận loan báo cho con người (x. Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 34). Cho dù Chúa Con chỉ cần ban cho chúng ta lời này, thì đã đủ rồi. "Hãy xem Chúa Cha đã yêu thương chúng ta biết bao, cho chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa; và chúng ta thực sự là như vậy" (1Jn.3:1). Chúng ta không phải là thành phần mồ côi; tình yêu là điều có thể được. Vì, như các con biết, chúng ta không thể nào yêu thương nếu chúng ta không được yêu thương.

Thế nhưng, chúng ta phải làm sao để có thể loan báo tin mừng này? Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đường lối phải theo, đó là hãy lắng nghe Chúa Cha để được "Thiên Chúa dạy bảo" (Jn.6:45) và giữ các giới răn của Ngài (x.Jn.14:23). Nhờ đó sự hiểu biết về Thiên Chúa Cha nầy sẽ gia tăng thêm: "Con đã tỏ Danh Cha cho họ, Con sẽ còn tỏ ra nữa" (Jn.17:26); và sự hiểu biết nầy là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ dẫn chúng ta vào "tất cả sự thật" (x.Jn.16:13).

Trong thời của chúng ta đây, hơn bao giờ hết, Giáo Hội và thế giới cần đến "các nhà truyền giáo" có khả năng loan báo, bằng lời nói cũng như bằng gương sống, niềm xác tín sâu xa và đấy an ủi ấy. Ý thức được điều nầy, hỡi các bạn trẻ của ngày hôm nay, và sẽ là người lớn, của ngàn năm mới; các con hãy để mình được huấn luyện nơi trường học của Chúa Giêsu. Trong Giáo Hội, cũng như qua các hoàn cảnh khác nhau của đời sống mình, các con hãy trở nên các chứng nhân có uy tín cho tình yêu của Chúa Cha! Các con hãy làm cho tình yêu này sáng tỏ nơi các quyết định và thái độ của các con, qua cách các con đối đãi với tha nhân và qua việc các con dấn thân phục vụ họ, trong việc các con trung thành tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa cũng như các giới răn của Ngài.

"Chúa Cha yêu thương các con". Lời rao giảng tuyệt vời này được đặt vào trong tâm hồn của các tín hữu, là những kẻ mà, như người môn đệ được Chúa Giêsu thương, ngã đầu mình vào ngực Chúa Giêsu để lắng nghe những lời tâm sự: "Ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu thương, và Thày sẽ thương yêu họ và tỏ mình ra cho họ" (Jn.14:31), vì "sự sống đời đời là ở chỗ họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô là Ðấng Cha sai" (Jn.17:3).

Tình yêu của Chúa Cha được phản ảnh nơi các hình thức khác nhau của tình cha mà các con gặp thấy trong đường đời của các con. Cha đặc biệt nghĩ đến cha mẹ của các con, những kẻ đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra các con cũng như trong việc chăm sóc cho các con: các con hãy tôn kính các ngài (x.Ex.20:12) và hãy biết ơn các ngài! Cha nghĩ đến các vị Linh Mục và các người tận hiến cho Chúa; các ngài là bạn hữu của các con, là các nhân chứng sống và là các bậc thày "dạy chúng con sống" để giúp các con tiến bộ và hân hoan trong đức tin" (Phil.1:25). Cha nghĩ đến các nhà giáo dục chân chính; các ngài đem nhân tính của mình, sự khôn ngoan và đức tin của mình, để góp phần quan trọng vào việc phát triển của các con, một việc phát triển Kitô vừa đồng thời cũng là phát triển nhân bản. Các con hãy luôn luôn cảm tạ Chúa về từng người trong số những kẻ đồng hành với các con trên con đường cuộc đời nầy."

4- "Chúa Cha yêu thương các con". Việc nhận thức được tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa không thể không thôi thúc các tín hữu đến việc thực hiện, trong sự gắn bó với Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc của con người, (thực hiện) con đường trở lại thật sựï… Ðây là khung cảnh thích hợp để khám phá lại và cử hành nhiều hơn bí tích Thống Hối, theo đúng với ý nghĩa sâu xa nhất của bí tích này" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 50).

"Tội lỗi là lạm dụng tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người thụ tạo, để họ có thể xử dụng tự do đó mà yêu mến Chúa và yêu thương nhau" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 387); Tội lỗi là chối từ sống sự sống của Thiên Chúa mà họ lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội, khước từ việc để mình được Tình Yêu chân thực yêu thương: nhân loại thực sự có một quyền lực khủng khiếp trong việc ngăn cản Thiên Chúa, Ðấng muốn ban tặng tất cả mọi sự tốt lành thiện hảo. Tội lỗi, phát xuất từ ý muốn tự do của con người (x.Mk.7:20), là việc lỗi phạm đối với tình yêu chân chính; tội lỗi đả thương bản tính con người và gây thương tổn đến tình liên đới nhân loại, bằng các thái độ, lời nói và việc làm đầy ích kỷ (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, các số 1849-1850). Chính trong thâm tâm con người mà sự tự do được mở ra đón nhận hay khép mình lại trước tình yêu thương. Ðó là một thảm kịch liên lỉ của con người, là kẻ thường ưa thích chọn lấy cho mình cảnh làm nô lệ, vừa bắt mình phải chịu đựng các nổi niềm sợ hải, các ước muốn nghông cuồng, các thói quen lệch lạc, vừa tạo nên những thần tượng thống trị trên chính họ, và tạo ra những ý thức hệ làm hạ giá nhân tính. Chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan như sau: "Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội lỗi" (Jn.8:34).

Chúa Giêsu đã kêu gọi mọi người: "Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm" (Mk.1:15). Mọi cuộc hối cải chân chính đều được khơi nguồn từ ánh mắt Thiên Chúa đoái nhìn tội nhân. Ðó là cái nhìn được thể hiện trong việc tìm kiếm do tình yêu thương thôi thúc, trong cuộc khổ nạn cho đến thập giá. Ðó là một ý muốn thứ tha khiến cho tội nhân thấy con người của họ vẫn còn được tôn trọng và yêu thương, ngược lại với tình trạng bại hoại nhận chìm họ xuống, để kêu mời họ quyết tâm sửa lại nếp sống của mình. Ðó là trường hợp của Lêvi (x.Mk.2:13-17), của Giakêu (x.Lk.19:1-10), của người đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình (x.Jn.8:1-11), của người trộm lành (x.Lk.23:39-43), của người phụ nữ Samaritanô (x.Jn.4:1-30): "Con người không thể sống mà lại không có tình yêu. Họ mãi là một hữu thể không thể hiểu được bản thân mình, cuộc sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ mình ra cho họ, nếu họ không gặp được tình yêu, nếu họ không cảm thấy tình yêu và biến tình yêu thành của mình, nếu họ không mật thiết dự phần vào tình yêu" (Thông Ðiệp Redemptor Hominis, đoạn 10). Khi con người khám phá và cảm nghiệm được Thiên Chúa của tình thương và của ơn tha thứ, thì con người không thể nào sống khác hơn là phải trở về cùng Thiên Chúa (x. Thông Ðiệp Dies in Misericordia, đoạn 3).

"Chị hãy đi và đừng tái phạm tội nữa" (Jn.8:11): ơn tha thứ được ban tặng nhưng không, song con người được mời gọi đáp lại bằng dốc quyết canh tân đời sống mình. Thiên Chúa qúa biết tạo vật của Ngài! Ngài không phải là không biết rằng tình yêu của Ngài càng bộc lộ cao cả thì cuối cùng sẽ làm cho tội nhân ghê tởm tội lỗi nổi dậy trong tội nhân. Bởi thế mà tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày là để liên tục ban ơn tha thứ.

Hấp dẫn biết bao dụ ngôn về người con hoang đàng! Từ lúc người con bỏ nhà ra đi, người cha sống trong một tâm trạng lo âu: ông chờ đợi, mỏi mong, mắt cứ trông về chân trời. Ông tôn trọng tự do của đứa con mình, song ông phải khổ đau phiền muộn. Thế rồi, khi người con quyết tâm trở về, người cha thấy đứa con từ đàng xa liền đến đón gặp nó, ôm chặt lấy nó trong vòng tay của mình và hớn hở bảo: "Hãy xỏ nhẫn - biểu hiệu cho giao ước - vào ngón tay cậu; hãy mang y phục đẹp nhất - biểu hiệu cho sự sống mới - mặc vào cho cậu; hãy xỏ giầy - biểu hiệu cho phẩm vị được phục hồi - vào chân cậu, và chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan, vì đứa con này của ta đã chết nay sống lại; bị thất lạc nay trở về!" (x.Lk.15:11-32).

5- Trước khi lên cùng Cha, Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội thừa tác vụ hòa giải (x.Jn.20:23). Vì thế, việc thống hối trong lòng mà thôi thì chưa đủ để được ơn Thiên Chúa thứ tha. Việc hòa giải với Thiên Chúa có được là nhờ việc hòa giải với cộng đồng giáo hội. Do đó, việc thú nhận tội lỗi phải được tỏ ra bằng một cử chỉ bí tích cụ thể: đó là cử chỉ ăn năn thống hối và xưng thú tội lỗi, với ý định cải thiện đời sống, trước mặt thừa tác viên của Giáo Hội.

Buồn thay, con người ngày nay càng mất ý thức tội lỗi , thì càng ít chạy đến xin ơn Thiên Chúa thứ tha. Ðó là căn nguyên của nhiều vấn đề và khó khăn của thời đại chúng ta. Năm nay Cha mời gọi các con hãy tái khám phá ra vẽ đẹp và sự phong phú của ân sủng bí tích Thống Hối, bằng việc đọc lại một cách kỹ lưỡng hơn dụ ngôn người con hoang đàng, một dụ ngôn không nhấn mạnh nhiều đến tội lỗi của con người cho bằng đến tấm lòng dịu dàng của Thiên Chúa Cha và tình thương nhân từ của Ngài. Lắng nghe Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, chiêm niệm, cảm phục và xác tín, các con hãy thưa với Thiên Chúa: "Con cần Chúa; con nương tựa vào Chúa để hiện hữu và sống động. Chúa còn mạnh mẽ hơn tội lỗi của con. Con tin vào quyền lực của Chúa hoạt động trong cuộc đời của con; con tin rằng Chúa có thể cứu con trong tình trạng hiện tại của con. Xin Chúa hãy thương nhớ đến con. Xin Chúa hãy tha thứ cho con!"

Các con hãy nhìn về chính mình từ "bên trong". Tội lỗi, trước khi phạm đến lề luật hay đến quy phạm luân lýù, thì đã phạm đến Thiên Chúa (x.Ps.50/51:6), phạm đến anh chị em và phạm đến chính mình rồi. Các con hãy đặt mình trước Chúa Kitô, Con duy nhất của Chúa Cha và là mô phạm cho tất cả mọi anh chị em. Chỉ có một mình Người mới tỏ cho chúng ta thấy mình phải là như thế nào trong mối liên hệ với Chúa Cha, với tha nhân, với xã hội, để chúng ta được sống an bình với chính bản thân mình. Người tỏ cho chúng ta thấy những điều này nhờ qua Tin Mừng, là chính Chúa Giêsu Kitô. Trung thành với Tin Mừng là mức đo lường lòng trung thành với Chúa Kitô, và ngược lại.

Các con hãy tin tưởng chạy đến với bí tích Thống Hối: bằng việc xưng thú tội lỗi mình, các con chứng tỏ các con nhìn nhận việc bất trung của mình và muốn chấm dứt việc bất trung này; bằng việc xưng thú tội lỗi, các con nhìn nhận rằng các con cần cải thiện và hòa giải để tìm lại an bình cùng sinh lực của việc làm con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; bằng việc xưng thú tội lỗi, các con còn nói lên sự liên đới với anh chị em mình là những người cũng đã bị tội lỗi thử thách (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1445).

Sau hết, các con hãy biết ơn lãnh nhận việc linh mục giải tội cho các con. Ðó là lúc Thiên Chúa Cha tuyên bố với tội nhân thống hối lời ban sự sống: "Con Ta đây nay đã hồi sinh!". Nguồn Mạch tình yêu tái sinh chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng vượt qua tính ích kỷ và trở về sống yêu thương với sức mạnh nhiều hơn.

6- "Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn các người. Ðó là giới răn trọng nhất và là giới răn thứ nhất. Giới răn thứ hai cũng như giới răn thứ nhất: Các người phải yêu mến tha nhân như chính mình. Tất cả Lề Luật và các lời Tiên Tri đều hệ tại hai giới răn này" (Mt.22:37-40). Chúa Giêsu không nói rằng giới răn thứ hai là một với giới răn thứ nhất, mà là "như giới răn thứ nhất". Vậy hai giới răn này không thể hoán chuyển nhau, như thể chúng ta có thể tự động sống trọn giới răn kính mến Thiên Chúa chỉ bằng việc tuân giữ giới răn yêu mến tha nhân, hay ngược lại. Mỗi giới răn đều có nội dung riêng và cả hai đều phải được tuân giữ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đặt hai giới răn này bên nhau để làm sáng tỏ cho mọi người thấy rằng, hai giới răn này có liên hệ chặt chẽ với nhau. Không thể nào thi hành giới răn này mà lại không giữ giới răn kia. "Việc hiệp nhất bất khả phân ly của chúng được Chúa Kitô chứng thực bằng lời Người nói và bằng chính đời sống của Người: sứ mệnh của Người đạt tới chóp đỉnh nơi Thập Giá để Cứu Chuộc chúng ta, một dấu hiệu của tình yêu bất phân chia đối với Chúa Cha và với nhân loại" (Thông Ðiệp Veritatis Splendor, đoạn 14).

Ðể biết chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa hay không, chúng ta phải xét xem chúng ta có nghiêm chỉnh yêu thương tha nhân hay không. Và nếu chúng ta muốn xem phẩm chất của tình chúng ta yêu thương tha nhân, chúng ta phải hỏi chính mình xem chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa không. Vì "ai không yêu mến anh em mà mình thấy được, thì không thể kính mến Thiên Chúa là Ðấng họ không trông thấy" (1Jn.4:20); và "căn cứ vào điều này mà chúng ta biết được rằng mình yêu mến những con cái của Thiên Chúa, đó là khi chúng ta kính mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài" (1Jn.5:2).

Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba, Cha đã khuyên khích người Kitô "hãy nhấn mạnh nhiều hơn đến việc Giáo Hội chọn ưu tiên phục vụ người nghèo và bị loại ra ngoài lề" (đoạn 51). Ðây là một chọn lựa dành ưu tiên, chứ không phải là một chọn lựa có tính cách loại trừ. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta yêu mến người nghèo, vì họ cần được đặc biệt chú trọng, xét vì tính chất dễ bị tổn thương của họ. Như chúng ta rõ, họ càng ngày càng nhiều, cả tại những quốc gia giàu có, cho dù các sản vật của thế giới này là để cho mọi người đi nữa. Mọi trường hợp nghèo khổ đều là những thách đố cho đức bác ái của mỗi một người Kitô. Tuy nhiên, đức bác ái này cũng cần phải biến thành một việc dấn thân xã hội và chính trị, vì vấn đề nghèo khổ trên thế giới là những hoàn cảnh cụ thể cần được biến đổi bởi những kẻ xây dựng nền văn minh tình thương. Những hoàn cảnh cụ thể cần được cải tiến là "các cơ cấu của tội lỗi"; đây là những cơ cấu không thể nào khắc phục được, nếu không có sự cộng tác với nhau, trong việc sẳn sàng quên mình đi" để phục vụ tha nhân,thay vì khai thác họ, "phục vụ" tha nhân thay vì đàn áp họ (x.Thông Ðiệp Sollicitudo Rei Socialis, đoạn 38).

Các bạn trẻ thân mến, Cha đặc biệt mời gọi chúng con hãy có sáng kiến thực hiện những việc làm cụ thể của tình đoàn kết và chia sẻ, bên cạnh và cùng với những ai nghèo khổ nhất. Chúng con hãy quảng đại tham gia vào một vài dự án nào đó, những dự án mà trong các xứ sở khác nhau, đang có những người trẻ đồng thời các con dấn thân vào với tình huynh đệ và liên đới. Ðó sẽ là cách thức chúng con "trả lại cho Chúa" nơi những người nghèo khổ, ít ra một điều gì đó trong số những gì Chúa đã ban cho chúng con, những kẻ được may mắn hơn. Ðây có thể là một cách cụ thể liền ngay thực hiện sự lựa chọn căn bản hoàn toàn quy hướng đời mình về Thiên Chúa và tha nhân.

7- Mẹ Maria gồm tóm nơi con người Mẹ tất cả mầu nhiệm về Giáo Hội. Mẹ là "nữ tử đã được Thiên Chúa Cha chọn" (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 54); Mẹ đã tự do chấp nhận và sẵn sàng đáp lại Hồng Ân của Thiên Chúa. Là "nữ tử" của Thiên Chúa Cha, Mẹ đã xứng đáng trở nên Mẹ của Con Một Ngài: "Xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời ngài" (Lk.1:37). Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ là nữ tử hoàn hảo của Chúa Cha.

Trong tâm hồn Mẹ không có một ước muốn nào khác ngoài ước muốn nâng đỡ các người kitô dấn thân sống như những con cái Thiên Chúa. Là một người mẹ dịu dàng nhất, Mẹ liên lỉ dẫn họ đến với Chúa Giêsu, ngõ hầu, nhờ sống theo Chúa, họï biết làm phát triển mối liên hệ của họ với Chúa Cha trên trời. Như ở tại tiệc cưới Cana, Mẹ kêu gọi họ tuân theo những gì Chúa Giêsu bảo họ làm (x.Jn.2:5), vì Mẹ biết rằng đó mới là đường lối tiến về nhà của "Người Cha giầu lòng xót thương" (x.2Cor.1:3).

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14, một ngày sẽ được cử hành trong năm nay tại các Giáo Hội địa phương, một Ngày quốc tế Giới Trẻ cuối cùng trước ngày hẹn trọng đại cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm. Vì thế, Ngày nầy có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc sửa soạn cho Năm Thánh 2000. Cha cầu nguyện cho mỗi một người trong các con để Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14 này được trở thành một cơ hội cho việc gặp gỡ mới mẻ giữa các con với Chúa sự sống cũng như với Giáo Hội của Người.

Cha phó thác cuộc hành trình của các con cho Mẹ Maria, và Cha xin Mẹ làm cho tâm hồn chúng con được biết sẵn sàng lãnh nhận ân sủng của Chúa Cha, để chúng con có thể trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài.

Với những tâm tình trên, cha nguyện chúc các con một năm dồi dào trong đức tin và trong việc dấn thân truyền bá phúc âm. Cha hết lòng ban phép lành cho tất cả các con.

(Sứ Ðiệp nầy được chuyển dịch ra tiếng Việt với sự hợp tác giữa:
Ðức Ông Nguyễn Văn Tài, dựa theo nguyên bản tiếng Ý
và Giáo Sư Cao Tấn Tĩnh, dựa theo bản tiếng Anh
).


Back to Radio Veritas Asia Home Page