Phản ứng giới báo chí về Sứ Ðiệp của ÐTC gửi Ngày Truyền Thông Xã Hội.
Vatican - 01.02.99 - Sứ điệp của ÐTC về Ngày truyền thông xã hội vừa được công bố gây nhiều phản ứng nơi giới báo chí.
Trong sứ điệp, ÐTC đề nghị các phương tiện truyền thông hãy hiện diện như người bạn. ÐTC viết như sau: Sống như những con người, có nghĩa là đặt mình vào việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và ý nghĩa của những sự việc và sau cùng tìm kiếm Thiên Chúa.
Nhằm mục tiêu này, ảnh hưởng và trách nhiệm của các phương tiện truyền thông xã hội thật lớn lao và Giáo Hội ước muốn đem đến sự đóng góp của mình, bằng việc đối thoại với nhũng ai hoạt động trong lãnh vực này để đi đến việc phong phú hóa lẫn nhau.
Phản ứng của giới báo chí có thế nói là tích cực. Sau đây là những suy tư của Ông Giám Ðốc nhật báo Tin Chiều (Corriere della sera), xuất bản tại Milano, một trong các tờ báo lớn nhất xuất bản tại nước Ý. Ông nói: Ðoạn của sứ điệp đánh động tôi hơn cả là khi Ðức Gioan Phaolô II nói về việc phát triển khác thường của các kỹ thuật của ngành truyền thông ngày nay và nhất là khi ngài kêu gọi đề phòng những nguy hiểm thay vì lời hứa hẹn về một thông tin tốt đẹp hơn , trái lại có thể biến thành một đe dọa; khi ÐTC kêu gọi đề phòng trước nguy hiểm này là ngành truyền thông có thể trở nên một sự thu góp chồng chất các sự kiện mà không có một ý nghĩa nào cả; và khi ngài nói đến điểm cốt yếu này là "ngành truyền thông, như một người bạn, một cách nào đó, phải giúp đỡ cho nền văn hóa của việc nhớ lại. Có lẽ việc suy tư sâu xa mà chúng ta có thể làm là hết thảy chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi tính cách ứng khẩu tuyệt đối và tính cách tạm thời của phương pháp thông tin ngày nay: một phương pháp - nhiều lần - không để lại vết tích gì về cái mà chúng ta viết ngày hôm trước.
Ðược hỏi về tương quan giữa Giáo Hội và các phương tiện truyền thông xã hội, một tương quan không luôn luôn dễ dàng, Ông giám đốc nhật báo Tin Chiều trả lời: Tôi xin nói ngay rằng: nhiều lần đã có sự chia rẽ tuyệt đối, sự giả tạo và cả sự xảo trá nữa giữa thông tin báo chí Công Giáo và thông tin báo chí trần thế. Tôi nghĩ rằng tất cả các thành phần khác nhau của một chế độ đa hình thức tốt đẹp và thông cảm hơn, đều phải nhằm cùng một mục tiêu nầy là trở nên như những người bạn đồng hành với nhân loại, để giúp nhân loại tăng trưởng, thay vì làm hao mòn và phá hủy.
Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội lần thứ 33.
Tin Vatican (VIS 29/01/99) Sáng thứ Sáu 29 tháng Giêng 1999, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã phổ biến Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội, lần thứ 33, sẽ được cử hành vào ngày 16 tháng 5/1999 tới đây. Sứ điệp đã được ÐTC ký nhận hôm ngày 24 tháng Giêng 1999, ngày lễ kính Thánh Phanxicô đệ Salê, quan thầy của các nhà báo, và có chủ đề là: "Các Phương Tiện Truyền Thông Ðại Chúng: người bạn đồng hành với những ai đi tìm Thiên Chúa Cha".
Chủ đề của Sứ Ðiệp đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi để suy tư: câu hỏi thứ nhất, các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm việc với Thiên Chúa hay chống lại Ngài? Và Câu hỏi thứ hai là: Làm sao để các phương tiện truyền thông xã hội trở thành bạn đồng hành với những ai đi tìm sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống họ? Nội dung của sứ điệp cách chung là một lời mời gọi hy vọng. Những ai dấn thân hoạt động trong thế giới truyền thông xã hội càng ngày càng phải dấn thân nhiều hơn để trợ giúp, hơn là ngăn cản, anh chị em đi tìm ý nghĩa cuộc sống. ÐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong sứ điệp trách nhiệm đặc biệt của các phương tiện truyền thông phải làm chứng cho sự thật về sự sống con người, về phẩm giá, về ý nghĩa đích thật của sự tự do và sự tùy thuộc lẫn nhau.