Một vài nhận định
của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận
Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình
về Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II
trong Ngày Ðầu Năm 1999
Ngày cầu nguyện cho Hòa Bình thế giới

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Một vài nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, về Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II trong Ngày Ðầu Năm 1999, Ngày cầu nguyện cho Hòa Bình thế giới.

(Roma 17/12/98) - Sứ điệp về Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới được công bố sáng thứ Ba 15.12.98 trong buổi họp báo. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới do ÐTC Phaolô VI lập ra năm 1967 và được cử hành trong cả Giáo Hội Công Giáo vào ngày Ðầu Năm Dương Lịch. Từ đó, hằng năm Ðức Phaolô VI và vị kế nghiệp ngài, Ðức Gioan Phaolô II, gửi sứ điệp về một đề tài có liên hệ đến hòa bình. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới được cử hành vào ngày Ðầu Năm 1999 là ngày Quốc Tế Hoà Bình lần thứ 32. Sứ điệp năm nay, theo Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, mang ý nghĩa đầy đủ, nếu chúng ta đặt văn kiện này vào trong bối cảnh của ba biến cố nổi bật sau đây:

Biến cố thứ nhất - là việc kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền - Bản tuyên ngôn này đã làm cho nhân loại ý thức về sự điên rồ của chiến tranh và về sự cần thiết bảo đảm nền hòa bình cho các thế hệ tương lai, trên nền tảng vững chắc của việc tôn trọng các quyền con người, đã được ghi và chấp nhận trong Bản Tuyên Ngôn Chung, được công bố ngày 10.12.1948 tại Paris.

Biến cố thứ hai liên hệ đến 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Trong Thông Ðiệp đầu tiên của ngài: "Redemptor Hominis" (Ðấng Cứu Chuộc con người - 1979), ÐTC nhấn mạnh cách riêng đến sự liên kết chặt chẽ giữa việc tôn trọng các quyền con người và nền hòa bình. Ðây là một trong các điểm then chốt của Thừa Tác Vụ Chủ Chăn toàn thể Giáo Hộïi trong 20 năm qua.

Biến cố thứ ba: Sứ điệp Hòa Bình năm 1999 là Sứ Ðiệp sau cùng của Ngàn năm thứ hai: nhắc lại bước quặt của lịch sử, từ một thời gian đang qua đi và một thời gian đang đến: bước quặt này mời gọi mọi người hãy có những ý thức mới về trách nhiệm của mình. ÐTC phú thác cho mọi người nam nữ của Ngàn Năm thứ ba nhiệm vụ cao cả: xây dựng hòa bình trong việc đánh giá đầy đủ về phẩm giá siêu việt của con người.

Vẫn theo Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, Sứ Ðiệp của ÐTC được coi là một trong các tổng hợp qui củ nhất của Giáo huấn của Triều Giáo Hoàng về đề tài "nhân quyền". Ðề tài này được cơ cấu hóa trên ba điểm chính sau đây:

Ðiểm thứ nhất liên hệ đến phẩm giá siêu việt của con người (được gợi lại trong các số 4 và 5 của văn kiện): nơi đây ÐTC nhắc đến hai quyền nền tảng cho các quyền khác: quyền sống và quyền tự do tôn giáo.

Ðiểm thứ hai: ÐTC nói đến việc tôn trọng và thăng tiến các quyền chính trị và dân sự. Ngài viết: "Quyền tham dự vào đời sống công cộng trở nên như không, khi tiến trình dân chủ không còn tính cách hiệu nghiệm của nó, vì những thiên vị, phe đảng và vì nạn tham nhũng". Cũng trong quyền tham dự vào đời sống công cộng, ÐTC lên tiếng mạnh mẽ chống lại những chính sách kỳ thị chủng tộc và kỳ thị các nhóm thiểu số, chống lại những ai không chấp nhận quyền tồn tại của một chủng tộc hay thiểu số.

Ðiểm thứ ba: ÐTC lưu ý đến những quyền xã hội và kinh tế và ngài nhấn mạnh đến những điểm quan trọng và có tính cách thời sự của các quyền này. Trong số 9 của văn kiện, ngài đặt ra vấn đề về vai trò của thị trường; đây là vấn đề được các học giả và chuyên viên về Khoa Kinh Tế tranh luận cách riêng. Bước tiến nhanh chóng đưa đến việc hoàn cầu hóa các hệ thống kinh tế và tài chánh đòi sự khẩn cấp phải ấn định ai là kẻ phải bảo đảm công ích của hoàn cầu và bảo đảm cho việc thực hiện các quyền kinh tế và xã hội?. Lời đáp của ÐTC thật rõ ràng: "Thị trường tự do tự mình không thể làm nổi". Giáo Lý xã hội của Giáo Hội mỗi ngày mỗi được các học giả và các nhà kinh tế chấp nhận. Và sau đây là ý nghĩa và giá trị của những lời kêu gọi được ÐTC nêu lên trong mấy vấn đề sau đây:

- lưu ý nhiều hơn đến trường học và việc làm (số 8) như cột trụ cho việc việc xử dụng tương xứng "khả năng" (con người) trong tiến trình gia tăng kinh tế;

- một cái nhìn về phát triển bao quát trong tình liên đới chống lại những hậu quả phá hoại của cơn khủng hoảng kinh tế và tài chánh mới đây đè nặng trên từng triệâu con người, sống trong những điều kiện cùng cực;

- cố gắng đúng lúc và mạnh mẽ, để có nhiều hết sức các quốc gia, trong ngàn năm tới đây, được thoát khỏi tình trạng không thể chịu đựng được nữa, do các món nợ món nợ quốc tế gây nên;

- bảo vệ thiên nhiên: hiện tại và tương lai thế giới tùy thuộc vào đây, bởi vì có sự liên hệ liên lỉ giữa con người và thiên nhiên. Vì thế trong bối cảnh này, lời kêu gọi của ÐTC về việc thay đổi sâu xa trong kiểu sống theo nền văn minh "tiêuthụ" ngày nay, (lời kêu gọi đó) mang ý nghĩa sâu xa cách riêng (số 10). Ðây là một lời kêu gọi thực hiện nếp sống khắc khổ, vẫn có mãi trong con đường tu đức Kitô Giáo. Sứ điệp nhắc lại như một đòi hỏi khẩn cấp thiêng liêng, để đem lại ý nghĩa và mức độ luân lý cho cuộc sống, cho việc sản xuất và cho mức tiêu thụ của chúng ta.

Sau cùng trong Sứ Ðiệp về Ngày Hòa Bình, Ðức Gioan Phaolô II không thể không nói đến: "quyền sống hòa bình". Ngài giải thích bằng việc nhắc lại giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Trước hết Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến việc dùng trẻ em trong chiến tranh. Ngài đặt câu hỏi: "Có bao giờ người ta có thể chấp nhận việc hủy hoại những sự sống vừa nẩy nở như vậy không?" - Rồi việc sản xuất và buôn bán vũ khí loại nhẹ càng ngày càng lan rộng và không được kiểm soát. Ðây là một vấn đề phức tạp. Cần huy động dư luận quần chúng để thúc đẩy các chính phủ và cộng đồng quốc tế đưa ra những biện pháp kiểm soát việc sản xuất, buôn bán và xuất cảng các dụng cụ giết người này.

Ðứng trước biết bao vấn đề và những thảm kịch gây nên bởi việc không tôn trọng các quyền con người, ÐTC kêu gọi mọi người cổ võ một nền văn hóa về nhân quyền (số 12). Ngài nói: "Chỉ khi nào nền văn hóa của các quyền con người trở nên phần không thể tách ra được của gia tài luân lý nhân loại, lúc đó mới có thể nhìn vào tương lai với hy vọng bình thản.

Nhìn về Ngàn Năm mới mà Giáo Hội sẽ khai mạc bằng việc cử hành Ðại Toàn Xá, kỷ niệm Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại, ÐTC kết thúc sứ điệp bằng lời kêu gọi mạnh mẽ và kiên quyết: hãy tôn trọng các quyền con người, nhưng trước hết tôn trọng và thăng tiến các quyền của người nghèo khổ. Nơi nào có những tương phản sâu xa giữa những người giầu sống vô tâm và những người nghèo sống trong thiếu thốn mọi sự, thì Thiên Chúa sẽ đứng về phía người nghèo. Chúng ta cũng phải đứng về phía các anh chị em này (số 13).


Back to Radio Veritas Asia Home Page