Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Theodor McCarrick về chuyến viếng thăm Trung Quốc trong tháng 2/1998 vừa qua.
(Bản tin Vatican) Phái đoàn tôn giáo Hoa Kỳ gồm ba nhân vật cấp cao: Ðức Cha McCarrick, Tổng Giám Mục giáo phận Newark, đại diện Giáo Hội Công Giáo, Mục Sư Donald Argue, đại diện Giáo Hội Tin Lành và Giáo Trưởng Arthur Schneier, đại diện Do Thái Giáo, vừa từ Trung Quốc trở về, sau khi đã viếng thăm nhiều địa điểm, để tìm hiểu tình hình về tự do tôn giáo tại đây. Ðây là chuyến viếng thăm đầu tiên do lời mời của Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc, ông Jiang Zemin, nhân dịp ông viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 10 năm ngoái 1997. Chủ tịch Jiang Zemin biết rằng: tự do tôn giáo là một trong các cản trở lớn cho mối bang giao tốt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính phủ Washington vẫn tố cáo chính phủ Bắc Kinh vi phạm các quyền tự do căn bản con người, trong đó có quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo. Phái đoàn sẽ trình bày về chuyến viếng thăm Trung Quốc trong một cuộc họp báo tại New York vào ngày 18 tháng 3/1998 này. Sau đây là bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Newark dành cho đài Vatican, hôm ngày 12/03/98 vừa qua.
* Trả lời cho câu hỏi về mục đích của chuyến viếng thăm, Ðức Tổng Giám Mục McCarrick đã cho biết như sau:
Mục đích chuyến viếng thăm là nhậy cảm hóa Nhà Cầm Quyền Trung Quốc, qua việc đối thoại xây dựng, về sự kiện này là tôn giáo chiếm một vai trò căn bản trong đường lối chính trị ngoại giao của các quốc gia, cách riêng của Hoa Kỳ. Chính Phủ Bắc Kinh còn nghi ngờ cho rằng, đường lối chính trị ngoại giao của Hoa kỳ chỉ lưu ý đến tôn giáo và sự tự do tôn giáo một cách qua loa mà thôi.
Có thể vì con số các tín đồ của các tôn giáo tại Trung Quốc không đáng kể, vì tính tổng cộng thì chỉ chiếm khoảng 10% trong số một tỉ 200 triệu dân Trung Quốc. Nhưng tại Hoa Kỳ thì khác hẳn; chỉ có khoảng 10% dân chúng là không có một tín ngưỡng nào cả. Các tín hữu Hoa Kỳ có thể không tham dự đều đặn các cuộc cử hành phụng vụ ngày Chúa Nhật, nhưng dù sao vẫn có hằng triệu đến nhà thờ thường xuyên các ngày Chúa Nhật. Vì thế tôn giáo là đề tài trung tâm của đường lối chính trị Hoa Kỳ và là phần chính của hoạt động ngoại giao đối với các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Chúng tôi đã nói tất cả những điều nầy trong hơn một giờ rưỡi đồng hồ gặp gỡ với Chủ Tịch Jiang Zemin và với các viên chức của Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp và Văn Phòng Tôn Giáo Vụ, với các đại diện của Mặt Trận và với Bộ Chính Trị, và với Thống Ðốc địa phương: Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Chengdou, Tây Tạng và Hồng Kông. Chúng tôi cũng bàn đến các vấn đề khác liên hệ trực tiếp đến chuyến viếng thăm của chúng tôi, như việc đăng ký các Giáo Hội.
Chúng tôi lưu ý Nhà Cầm Quyền Trung Quốc rằng việc đăng ký đối với chúng tôi hoàn toàn xa lạ, và chúng tôi coi việc đăng ký nầy như là một cản trở cho việc tự do phụng tự. Ngoài ra, chúng tôi đã trao cho Trưởng Ban Tôn Giáo một danh sách những người bị giam giữ - như những tù nhân lương tâm - trong các nhà giam hoặc tại các trung tâm cải huấn hoặc bị quản thúc tại gia. Chúng tôi yêu cầu điều tra và nhấn mạnh rằng việc giam giữ những người này là một vấn đề gây nhiều xúc động nơi các tín hữu Hoa kỳ.
* Ðược hỏi về những lúc quan trọng của chuyến viếng thăm, Ðức Tổng Giám Mục McCarrick đã cho biết như sau:
Tôi đã không được cử hành thánh lễ trong một nhà thờ nào cả của Trung Quốc.Trong 18 ngày viếng thăm Trung Quốc, tôi đã dâng thánh lễ trong phòng của tôi tại khách sạn. Nhưng tôi có đến viếng thăm các nhà thờ Tin Lành và Công Giáo, nơi đây tôi có thể thấy rõ đức tin sâu xa của người dân. Khi các tín hữu, nhất là các tín hữu Công Giáo, biết có một vị Giám Mục ngoại quốc, họ lo lắng tìm đến chào tôi và lãnh phép lành của tôi. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu rõ ràng cho sự ước mong lớn lao được tuyên xưng đầy đủ và công khai đức tin tại Trung Quốc. Rồi việc được viếng thăm Tây Tạng (Tibet) là một nguồn vui lớn lao đối với tôi. Chính Phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu tha thiết nhà cầm quyền Trung Quốc để chúng tôi có thể viếng thăm nước này. Theo một một số nhà sử học, tôi có thể là vị Giám Mục Công Giáo đầu tiên viếng thăm miền trung Tây Tạng kể từ thế kỷ 13, nghĩa là từ thời nhà truyền giáo Giovanni da Monte Corvo, thuộc Dòng Thánh Phanxico, hay đúng hơn từ thời Marco Polo đến nay. Tôi dâng thánh lễ trong phòng của tôi tại Khách Sạn, để cầu cho ÐTC Gioan Phaolô II và cầu cho việc hòa giải hoàn toàn của tẩt cả các dân tộc trong một Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.
* Cuối cùng, được hỏi xem chuyến viếng thăm có đã đạt được các mục tiêu hay không. Thì Ðức Tổng Giám Mục McCarrick trả lời như sau:
Mục đích chính của chúng tôi là mở đường cho các cuộc Ðàm Phán tiếp sau; và chắc chắn chúng tôi đã đạt được mục tiêu nầy.
Việc nói về các tôn giáo, với các vị lãnh đạo chính phủ, thực là một cơ hội ít có. Tôi nghĩ rằng các vị này sẽ lưu ý đến những gì chúng tôi đã nói và chúng ta chờ dợi dấu hiệu cụ thể trong tương lai. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.
Chúng tôi ước mong tha thiết là chuyến viếng thăm có thể mở đường cho cuộc đối thoại và chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục sau này. Chuyến viếng thăm của chúng tôi sẽ tốt đẹp biết bao, nếu nó trở nên viên đá đầu tiên trong việc thiết lập một chiếc cầu nối liền các dân tộc lại với nhau, trước bao ý nghĩ hiện đang gây nên những chia rẽ.
Ðò là nội dung chính bài phỏng vấn của đài Vatican về chuyến viếng thăm Trung Quốc của phái đoàn tôn giáo Hoa Kỳ. Hẹn gặp lại quý vị.