Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II
cho ngày Quốc Tế Truyền Giáo
(18/10/1998)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Truyền Giáo (18/10/1998).

"Chúng con sẽ lãnh nhận sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy, không những tại Giêrusalem mà còn khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất" (TÐCV 1,8).

1. Trong năm nay được dành cho Chúa Thánh Thần, năm thứ hai của thời gian chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh 2000, Ngày Quốc Tế Truyền Giáo không thể nào không quy hướng về Ngài. Thật vậy, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của trọn cả sứ mạng của Giáo Hội và tác động của ngài nổi bậc trong sứ mạng truyền giáo "ad gentes", như chúng ta có thể nhìn thấy trong Giáo Hội sơ khai (Redemptoris Missio, 21).

Chắc chắn là chúng ta không thể hiểu được công việc của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong thế giới, bằng việc tham khảo các bảng thống kê hay bởi những phương tiện khác nữa của sự hiểu biết con người, bởi vì công việc của Chúa Thánh Thần nằm trên một bình diện khác, bình diện của ân sủng, là bình diện được nhận thức nhờ qua bởi đức tin. Công việc của Chúa Thánh Thần rất thường là công việc âm thầm giấu ẩn, huyền nhiệm, nhưng luôn luôn hữu hiệu. Chúa Thánh Thần không bị mất đi sức mạnh thôi thúc, như vào thời giáo hội sơ khai; Ngài hoạt động trong ngày hôm nay cũng giống như xưa trong thời của Chúa Giêsu và các tông đồ. Những điều kỳ diệu mà Ngài đã thực hiện, như được mô tả trong sách Tông Ðồ Công Vụ, tiếp tục xảy ra trong thời đại chúng ta nữa, nhưng thường thì không được biết đến, bởi vì tại nhiều nơi trên thế giới, nhân loại sống trong những nền văn hóa đã bị trần tục hóa; những nền văn hóa nầy giải thích thực tại dường như thể Thiên Chúa không có.

Như thế, Ngày Quốc Tế Truyền Giáo đến đúng lúc để mời gọi chúng ta chú ý đến những công việc kỳ diệu của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu chúng ta được vững mạnh trong đức tin và ngõ hầu nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần mà ý thức truyền giáo được thức tỉnh trong Giáo Hội. Thật ra, việc cũng cố đức tin và chứng tá của người Kitô không phải là mục tiêu chính của Năm Thánh hay sao?

2. Ý thức rằng Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn của các tín hữu và rằng ngài can thiệp trong các biến cố của lịch sử, (ý thức nầy) là một lý do làm cho chúng ta có tinh thần tích cực lạc quan và hy vọng. Dấu chỉ cao cả đầu tiên cho tác động của Ngài, mà Tôi muốn đề ra cho mọi người suy niệm, là chính hoàn cảnh khủng hoảng đang xảy ra trong thế giới hiện đại chúng ta; đây quả thật là một điều xem ra mâu thuẩn; Ðây là một hiện tượng phức tạp mà những yếu tố tiêu cực của nó, thường khơi dậy những phản ứng, những lời cầu khẩn thành tâm hướng về Thánh Thần Ðấng ban sự sống, vừa biểu lộ một sự khao khát hướng về Tin Mừng Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế, một sự khao khát có mặt trong con tim con người.

Trên bình diện nầy, làm sao chúng ta có thể quên không nhắc đến nhận định chính xác về thế giới hiện đại, được Công Ðồng Vatican II nói lên trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes, các số 4-10)? Trong vài thập niên qua, cơn khủng hoảng của thời đại, như được mô tả trong Hiến Chế Mục Vụ vừa nhắc trên, trở nên sâu xa hơn: sự thiếu vắng những lý tưởng sống và thiếu vắng những giá trị đã trở thành lan rộng hơn; ý thức về sự thật đã bị đánh mất, và chủ nghĩa tương đối luân lý đã gia tăng; một nền luân lý vụ lợi, cá nhân, không có điểm tham chiếu vững chắc, xem ra như đang thắng thế; từ nhiều phía, người ta nhấn mạnh rằng con người tân tiến ngày nay, khi chối từ Thiên Chúa, thì trở thành ít người hơn, đầy lo âu và căng thẳng, đóng kín trong chính mình, không được thỏa mãn và ích kỷ.

Những hậu quả thực hành của những điều tiêu cực trên là thật rõ ràng: kiểu mẫu sống hưởng thụ, mặc dù bị phê bình nhiều, nhưng lại trở nên hấp dẫn phổ biến hơn. Những quan tâm, đôi khi là những quan tâm hợp lý, về nhiều vấn đề vật chất, có thể trở thành chính yếu đến độ làm cho những mối liên lạc giữa người với người trở thành lạnh lùng và khó khăn. Nguời ta nhận thấy mình trở thành như khô khan, hống hách, không thể nào có nụ cười, không thể nào chào chúc kẻ khác, không thể nào nói lên tiếng cám ơn, không thể nào thông cảm với những vấn đề của kẻ khác. Vì ảnh hưởng phức tạp của một loạt những yếu tố kinh tế xã hội và văn hóa, trong những xã hội tiến bộ đã được phát triển, người ta quan sát thấy có một sự khô cằn đáng lo ngại, khô cằn tinh thần và khô cằn dân số.

Nhưng thường chính những hoàn cảnh đưa con người đến bến bờ thất vọng như vừa nói trên, lại là những hoàn cảnh khơi dậy sự khẩn thiết phải cầu xin Ðấng là Chúa, và là Ðấng ban sự sống, bởi vì con người không thể nào sống mà không có ý nghĩa và không có hy vọng.

3. Dấu chỉ cao cả thứ hai cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là sự tái thức tỉnh ý thức tôn giáo nơi các dân tộc. Ðây là một phong trào không phải là không có những khía cạnh mập mờ hàm hồ, nhưng cũng là phong trào chứng minh rõ ràng cho sự thiếu sót trên bình diện lý thuyết cũng như thực hành, (cho sự thiếu sót) của những hệ thống triết học và những ý thức hệ vô thần, của những chủ nghĩa duy vật rút gọn những chiều kích của con người vào những việc trần thế. Con người không bằng lòng với chính mình. Ngày nay có phổ biến niềm xác tín rằng con người không còn bằng lòng với việc thống trị thiên nhiên và vũ trụ, rằng khoa học và kỷ thuật tiến bộ nhất không thỏa mãn được con người, bởi vì khoa học và kỹ thuật không thể nào mặc khải ý nghĩa cuối cùng của thực tại: khoa học và kỹ thuật chỉ thuần túy là những phương tiện, chớ không phải là cùng đích cho đời sống của con người cũng như cho cuộc hành trình của nhân loại.

Cùng với sự tái thức tỉnh tôn giáo nầy, chúng ta cần chú ý đến "việc công nhận nơi các dân tộc những giá trị Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong chính đời sống của Ngài (đó là những giá trị như hòa bình, tình huynh đệ, mối quan tâm chăm sóc cho người cùng cực) (Redemptoris Missio, số 3). Nếu nhìn đến lịch sử của hai thế kỷ qua, chúng ta sẽ ý thức được như thế nào các dân tộc đã ý thức hơn về giá trị của ngôi vị con người, về những quyền lợi của người nam và của người nữ; các dân tộc càng ngày cành có nhiều hơn một khuynh hướng phổ quát hướng về hòa bình, một ước muốn nhắm loại bỏ những biên giới và sự chia rẽ chủng tộc, một khuynh hướng tìm gặp gỡ giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa; người ta càng ngày càng có thái độ bao dung đối với những ai khác với mình, càng ngày càngï dấn thân sống tình liên đới và làm việc thiện nguyện, càng ngày càng chối từ chủ nghĩa độc tài chính trị và muốn cũng cố nền dân chủ, và cuối cùng càng ngày càng có khát vọng tiến đến một nền công bằng quốc tế có quân bình hơn trong lãnh vực kinh tế.

Làm sao chúng ta có thể không nhìn thấy nơi tất cả những điều vừa nói công việc của Chúa Quan Phòng, đang hướng dẫn nhân loại và lịch sử đến những điều kiện sống xứng đáng hơn cho mọi người. Vì thế chúng ta không thể nào có tinh thần bi quan. Ðức Tin vào Thiên Chúa, ngược lại, thôi thúc chúng ta sống lạc quan, một sự lạc quan phát sinh từ sứ điệp Phúc Âm: "Nếu chúng ta nhìn về thế giới ngày nay theo bề ngoài, thì chúng ta bị đánh động bởi nhiều yếu tố tiêu cực có thể dẫn đưa đến sự bi quan. Nhưng đó là những cảm giác không thể nào được biện minh; chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa... Thiên Chúa đang chuẩn bị một Mùa Xuân cho Kitô Giáo, và chúng ta đã nhìn thấy trước được những dấu chỉ đầu tiên của Mùa Xuân đó rồi" (Redemptoris Missio 86).

4. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và ngài hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng truyền giáo cho các dân tộc. Thật là điều an ủi khi biết rằng không phải chúng ta, nhưng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sứ mạng truyền giáo. Ðiều nầy làm cho chúng ta được tràn đầy an bình, niềm vui, niềm hy vọng và can đảm. Không phải những kết quả là điều làm cho nhà truyền giáo quan tâm, bởi vì những kết quả là điều tùy thuộc vào Thiên Chúa: nhưng nhà truyền giáo cần phải làm việc với hết sức mình, vừa để cho Chúa làm việc trong cõi nội tâm thâm sâu của con người. Hơn nữa, Chúa Thsánh Thần mở rộng viễn tượng của sứ mạng của Giáo Hội cho đến tận cùng toàn thế giới. Mỗi năm chúng ta được nhắc nhớ điều nầy bởi Ngày Quốc Tế Truyền Giáo, ngày nhấn mạnh cho chúng biết đừng bao giờ giới hạn những chân trời của công việc rao giảng Tin Mừng, nhưng hãy giữ chúng luôn mở rộng cho đến những chiều kích của toàn thể nhân loại.

Cả đến ngày nay trong Giáo Hội, một giáo hội phát sinh từ thập giá của Chúa Kitô, vẫn còn có sự bách hại và tử đạo; sự kiện nầy là một dấu chỉ hy vọng hùng hồn cho sứ mạng truyền giáo. Làm sao chúng ta có thể bỏ quên sự kiện có những nhà truyền giáo và những tín hữu tiếp tục trao hiến mạng sống mình vì danh thánh Chúa Giêsu? Và lịch sử của những năm gần đây chứng minh rằng sự bách hại làm phát sinh những người Kitô mới, và rằng sự khổ đau, được gánh chịu vì Chúa Kitô và Phúc Âm, là điều cần thiết cho việc mở mang Nước Chúa. Tôi muốn nhắc lại và cám ơn vô số anh chị em, trong thinh lặng của việc bổn phận hằng ngày, đang dâng lên Chúa những lời cầu xin và những đau khổ để cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo và cho những nhà truyền giáo.

5. Hơn nữa, tại những cộng đoàn Giáo Hội Trẻ, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được thể hiện bằng một dấu chỉ khác nữa, cũng hết sức hùng hồn: đó là những cộng đoàn Kitô nầy rất hăng say trong đức tin, và các thành phần của cộng đoàn giáo hội, nhất là những thành phần trẻ trung, phổ biến đức tin đó với niềm xác tín. Như thế, những gì xảy ra trước mắt mắt chúng ta, trên bình diện nầy, là hết sức an ủi. Những anh chị em tín hữu mới trở lại, và cả những anh chị em dự tòng, tất cả đều cảm nghiệm được sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần; và, với sự hăng say trong đức tin lãnh nhận, những anh chị em nầy trở thành những nhà truyền gíao trong môi trường của họ.

Hoạt động tông đồ của họ cũng mở rộng ra đến những người bên ngoài đất nước của họ. Chẳng hạn nhự tại Châu Mỹ Latinh, nguyên tắc và việc thực hành "sứ mạng truyền giáo cho người ngoài (ad gentes), đã được xác nhận, sau hai lần Họp Ðại Hội của Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ (Celam) tại Puêbla năm 1979, và tại Santo Domingo, năm 1992. Ðã có năm lần tổ chức Ðại Hội Truyền Giáo Châu Mỹ LaTinh, các ngài hãnh diện quả quyết rằng, mặc dù còn nghèo về nhân sự làm việc tông đồ, nhưng các ngài cũng có vài ngàn linh mục, nữ tu và các thiện nguyện viên giáo dân, ra đi truyền giáo nhất là tại Phi Châu.

Tại Ðại Lục Mỹ Châu Latinh nầy, việc sai đi những nhân sự làm việc tông đồ, từ nước nầy sang nước khác, là một thực hành đặc biệt và càng ngày càng được cũng cố mạnh thêm, như là một sự trợ giúp hỗ tương giữa các giáo hội, và thêm vào đó còn có việc sẵn sàng làm việc truyền giáo tại nước ngoài.

Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, được tổ chức vào mùa Xuân năm 98 nầy tại Roma, đã nhấn mạnh đến tinh thần truyền giáo của các Giáo Hội Á Châu; tại các cộng đoàn giáo hội Á Châu nầy, có nhiều Viện Truyền Giáo của hàng gíao sĩ triều đã được thành lập, như tại Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Thái Lan, Việt Nam. Nhật Bổn. Các linh mục và các nữ tu Á Châu, ra đi làm việc tại Phi Châu, Ðại Dương Châu, tại các quốc gia Trung Ðông và Châu Mỹ Latinh.

6. Trước sự trổ sinh nhiều sáng kiến tông đồ khắp nơi trên mặt đất nầy, thật không khó để nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần biểu lộ chính ngài trong những ơn đoàn sủng khác nhau, làm cho giáo hội phổ quát được phong phú và phát triển lên. Trong thơ thứ I Corintô, Thánh Tông Ðồ Phaolô nói rất nhiều về ơn đoàn sủng được phân phối để làm cho Giáo Hội được lan rộng (cc.12-14). "Thời giờ của Chúa Thánh Thần" mà chúng ta đang sống qua, hướng chúng ta càng ngày càng nhiều hơn đến sự đa biệt trong cách biểu lộ, đến tinh thần đa biệt trong những phương pháp và hình thức; và trong sự sự đa biệt nầy được biểu lộ sự phong phú và sống động của Giáo Hội. Ðó là tầm quan trọng của công việc truyền giáo cũng như tầm quan trọng của những cộng đồng giáo hội trẻ; những cộng đoàn giáo hội trẻ nầy, trong âm thầm, đã cổ võ một sự canh tân đời sống hết sức hữu ích, thể theo cách thức của Chúa Thánh Thần. Chắc chắn rằng ngàn năm thứ ba đến như là lời mời gọi mới để thực hiện sứ mạng phổ quát và đồng thời thực hiện việc hội nhập văn hóa của Phúc Âm từ phía những Giáo Hội địa phương khác nhau.

7. Tôi đã viết trong thông điệp "Sứ mạng của Ðấng Cứu Chuộc" như sau: Trong lịch sử giáo hội, hoạt động truyền giáo luôn luôn là dấu chỉ cho sức sống động của Giáo Hội, cũng như sự giãm bớt hoạt động truyền giáo là dấu chỉ cho cuộc khủng hoảng đức tin."… "hoạt động truyền giáo canh tân giáo hội, làm sống động đức tin và thực thể Kitô và cung cấp niềm hăng say mới và sự khích lệ mới." (số 2).

Vì thế, chống lại mọi tinh thần bi quan, tôi kêu gọi hãy xác nhận lại đức tin vào tác động của Chúa Thánh Thần, đấng kêu gọi mọi tín hữu tiến đến sự thánh thiện và dấn thân hoạt động truyền giáo. Chúng ta mới vừa mừng 175 năm thành lập Hội Truyền Giáo, tại Lyons ,Pháp, vào năm 1822, do bởi một người nữ trẻ tuổi, Cô Pauline Jaricot. Hiện đang làm án phong thánh cho cô. Với một trực giác đúng, sáng kiến của cô làm cho phát triển thêm trong Giáo Hội vài giá trị căn bản, mà ngày nay được phổ biến bởi những Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo: đó là giá trị của hoạt động truyền giáo, có khả năng làm sống lại Ðức Tin trong giáo hội; Ðức Tin nầy được gia tăng, khi có sự dấn thân thông truyền Ðức Tin nầy cho kẻ khác. Ðức tin được củng cố, khi nó được trao ban cho kẻ khác. (Redemptoris Missio, số 2). Ðó là giá trị của đặc tính phổ quát của sự dấn thân truyền giáo, bởi vì mỗi một người, không trừ ai, đều được mời gọi cộng tác một cách quảng đại vào trong họat động truyền giáo của Giáo Hội; đó là giá trị của việc cầu nguyện, của việc dâng lên những đau khổ và những chứng tá đời sống như là những yếu tố đầu tiên, để phục vụ cho công việc truyền giáo, phù hợp với mọi con cái nam nữ của Giáo Hội.

Cuối cùng, tôi nhắc lại giá trị của những ơn gọi suốt đời làm việc truyền giáo: nếu giáo hội là truyền giáo, xét vì bản tính của nó, thì những con người nam nữ sống suốt đời làm việc truyền giáo là dấu chỉ biểu lộ bản chắt truyền giáo của Giáo Hội. Nhân dịp nầy, tôi lặp lại lời yêu cầu của tôi với những ai, nhất là những người trẻ, đang làm việc trong Giáo Hội, rằng: công việc truyền giáo chỉ mới bắt đầu mà thôi. Tôi đã nhấn mạnh điểm nầy nơi số 1 của thông điệp "Sứ Mạng Ðấng Cứu Chuộc"; vì thế chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của Chúa Kitô ngày nay đang tiếp tục mời gọi rằng: Con hãy theo Ta, và Ta sẽ làm cho chúng con trở thành những kẻ lưới cá con nguời (Mt 4,19). Xin anh chị em đừng sợ. Xin hãy mở rộng tâm hồn và đời sống, để đón nhận Chúa Kitô. Hãy dấn thân vào trong sứ mạng rao giảng Nước Chúa: Chúa đã được sai xuống để thi hành sứ mạng nầy (x. Lc 4,433) và Ngài trao ban cùng một sứ mạng đó cho các đồ đệ mọi thời đại. Thiên Chúa, Ðấng không chịu thua lòng quảng đại của bất cứ ai, (Ngài) sẽ ban thưởng cho anh chị em một trăm lần hơn và sẽ ban cho anh chị sự sống đời đời. (Mt 19,22).

Tôi xin trao phó cho Mẹ Maria, gươâng mẫu của tinh thần truyền giáo, và là Mẹ của Giáo Hội Truyền Giáo, (Tôi xin trao phó) tất cả những ai cộng tác vào việc rao giảng Phúc Âm cho anh chị em bên ngoài quốc gia hay ngay tại lãnh thổ của họ, trong mọi cảnh sống. Và tôi vui mừng ban phép lành cho tất cả.


Back to Radio Veritas Asia Home Page