Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày quốc tế giới trẻ năm nay, 1998.
Lời giới thiệu:
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ
năm nay sẽ được cử hành
tại các giáo phận trên thế giới,
vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá,
mùng 5 tháng 4 năm nay (1998). Và vì
năm nay là năm dành cho Chúa Thánh
Thần, nên chủ đề của sứ
điệp cũng xoay quanh về đề
tài Chúa Thánh Thần. ÐTC đã
chọn câu kinh thánh từ phúc âm
theo thánh Gioan, chương 14 câu 26, như
sau:
"Chúa Thánh
Thần sẽ dạy chúng con biết mọi
sự" (Gn 14,26).
(Câu nầy trích từ những
lời của Chúa Giêsu nói với
các môn đệ trong bữa tiệc
ly).
Như chúng tôi đã loan tin, riêng tại Roma, ÐTC Gioan Phaolô II gặp giới trẻ hai lần, lần thứ nhất vào chiều thứ Năm mùng 2 tháng 04/1998 và lần thứ hai vào Chúa Nhật Lễ Lá, mùng 5 tháng 04/1998, đúng ngày cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 13. Sau đây là bản dịch tiếng Việt của chúng tôi về Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ 1998 nầy:
1. Các bạn trẻ thân
mến,
Cha xin chào chúng con với những
lời của thánh Phaolô tông đồ,
vì cha mang chúng con trong tâm hồn. Những
lời đó như sau: "Mỗi
lần tôi nhớ đến anh em, tôi
đều dâng lời cảm tạ Thiên
Chúa, vừa cầu nguyện cho anh em với
lòng vui mừng, vì anh em đã
cộng tác vào việc phổ biến Tin
Mừng ngay từ ngày đầu
tiên cho đến hôm nay; và tôi
xác tín rằng, Ðấng đã
bắt đầu nơi anh em công việc
tốt lành, thì ngài sẽ hoàn
tất công việc đó cho đến
ngày của Chúa Giêsu Kitô"
(Phil 1,3-6).
Cha xin chào chúng con với những lời trên của thánh Phaolô tông đồ, vì cha mang chúng con trong tâm hồn. Ðúng vậy, như Cha đã bảo đảm với chúng con mới đây trong ngày không thể quên được của Ngày Quốc Tế giới trẻ đã được cử hành tại Paris, Ðức Giáo Hoàng nghĩ đến chúng con, và yêu thương chúng con; ngài nghĩ đến chúng con hằng ngày với tâm tình mến thương và cầu nguyện cho chúng con; ngài tin tưởng và chờ đợi điều tốt đẹp nơi chúng con, ngài tin tưởng nơi sự dấn thân Kitô và sự cộng tác của chúng con để phục vụ cho công cuộc của Tin Mừng.
2. Như chúng con biết, năm thứ hai của giai đoạn chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh đã bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng và được dành đặc biệt cho Chúa Thánh Thần và cho sự hiện diện đầy sức thánh hóa của Ngài bên trong cộng đoàn những đồ đệ của Chúa Kitô (Tông Thư Ngàn Ngăn Thứ Ba, 44). Ðể giúp cho việc cử hành ngày Giới Trẻ sắp đến, cha mời gọi chúng con hãy nhìn lên Thánh Thần của Chúa, Ðấng canh tân bộ mặt trái đất, với tâm tình hiệp thông với toàn thể Giáo Hội (TV 104 (103), 30).
Quả thật, Giáo Hội không thể chuẩn bị kết thúc hai ngàn năm bằng cách nào khác hơn là chuẩn bị trong Chúa Thánh Thần. Ðiều mà "vào lúc viên mãn của thời gian" đã được hoàn thành bởi tác động của Chúa Thánh Thần, thì nay được xuất hiện lại từ ký ức của Giáo Hội, cũng chỉ nhờ cùng một Chúa Thánh Thần mà thôi. Thật vậy, Chúa Thánh Thần thực hiện trong gíao hội mọi thời mọi nơi việc mạc khải duy nhất mà Chúa Kitô đã mang đến cho con người, vừa làm cho mạc khải đó trở nên sống động và hữu hiện trong tâm hồn của mỗi người (Ngàn Năm thứ Ba, số 44). Cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp đến, cha nghĩ là hợp thời mà đề nghị cho chúng con suy nghĩ và cầu nguyện những lời sau đây của Chúa Giêsu: "Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con biết mọi sự" (x. Gn 14,26). Thời đại chúng ta xem ra như mất định hướng và bị lẫn lộn; đôi khi xem ra như không còn biết rõ ranh giới giữa sự thiện và sự ác; Thiên Chúa xem ra như bị chối từ, bởi vì không được biết đến, hay bị hiều lầm. Trong hoàn cảnh như vậy, thì điều quan trọng là hãy trở về, trong tinh thần, hãy trở về nơi Nhà Tiệc Ly, để sống lại mầu nhiệm lễ Hiện Xuống (x. TÐCV 2,1-11) và để mình được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, bằng cách đặt mình vào trường học của Ngài một cách dễ dạy và khiêm tốn, sao cho chúng ta có thể học được sự khôn ngoan của Ngài, sự khôn ngoan của con tim (x. TV 90 (89), 12), sự khôn ngoan nâng đỡ và nuôi dưỡng đời sống chúng ta.
Tin là nhìn các sự vật như Thiên Chúa nhìn thấy, là tham dự vào cái nhìn mà Thiên Chúa có về thế giới và về con người, theo lời thánh vịnh 35 (34) câu 10; đó là "trong ánh sáng của Chúa, chúng con nhìn thấy ánh sáng". Ánh sáng nầy của đức tin trong chúng ta là một tia sáng từ Chúa Thánh Thần. Trong bài ca tiếp liên của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã cầu nguyện như sau: Lạy Ánh sáng rất hồng phúc, xin hãy chiếu soi vào tận cỏi thâm sâu tâm hồn các tín hữu. Chúa Giêsu đã muốn nhấn mạnh đến tính cách huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần, với những lời như sau: Gió thổi đâu tùy ý và nguời ta nghe tiếng gió, nhưng không biết từ đâu đến và đi về đâu: và ai sinh ra từ Chúa Thánh Thần thì cũng như vậy (Gn 3,8). Nói thế phải chăng có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ việc tìm hiểu hay sao? Nhưng Chúa Giêsư đã nghĩ đến điều ngược lại, bởi vì Ngài bảo đảm cho chúng ta rằng chính Chúa Thánh Thần là Ðấng có khả năng hướng dẫn chúng ta đến sự thật trọn vẹn (Gn 16,13).
3. Một ánh sáng lạ thường về Ngôi thứ Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi đến soi sáng cho những ai muốn suy niệm trong và với Giáo Hội về mầu nhiệm Vượt Qua và Hiện Xuống. Chúa Giêsu đã được thiết lập làm Con Thiên Chúa với quyền năng, nhờ Thánh Thần Thánh Hóa, qua việc sống lại từ kẻ chết (Rom 1,4). Sau biến cố Phục Sinh, sự hiện diện của Thầy mình làm cho tâm hồn của các đồ đệ nóng lên. Hai người môn đệ trên đường về làng Emau đã nói như sau: Phải chăng tâm hồn chúng ta đã không nóng lên hay sao? (Lc 24,32). Lời của Chúa Phục sinh soi sáng cho các môn đệ: không bao giờ các môn đệ đã nói lên một cách mạnh mẽ và trọn vẹn như sau: Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con (Gn 20,28). Chúa chữa lành họ khỏi sự nghi ngờ, khỏi buồn phiền, khỏi thất vọng, lo sợ và tội lỗi; một tình huynh đệ mới được trao ban cho các ông; một sự hiệp thông kỳ diệu với Chúa và với anh chị em mình, thay thế cho sự cô lập và cô đơn: Hãy đi đến với những anh em Thầy (Gn 20,17). Trong đời sống công khai, những lời nói và việc làm của Chúa Giêsư đã chỉ đến được với vài ngàn người, trong "một khoảng không gian và thời gian nhất định". Giờ đây, cũng những lời đó, những việc làm đó không còn bị giới hạn trong không gian hay văn hóa nữa. Ðây là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con. Ðây là Máu Ta được đỗ ra cho các con (x. Lc 22,19-20). Chỉ cần các đồ đệ của Chúa thực hiện điều nầy: để nhớ đến Ngài theo như lời yêu cầu rõ ràng của Chúa, ngỏ hầu Chúa được hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, cùng với Mình và Máu Thánh Chúa, tại khắp nơi trên thế giới. Chỉ cần các môn đệ Chúa lặp lại cử chỉ tha thứ và chữa lành, bởi vì Chúa đã tha thứ. Những tội lỗi đã được tha cho những ai mà các ngài tha cho (x. Gn 20,23). Khi còn sống với các môn đệ, Chúa Giêsu đã tỏ ra bận tâm với những thời hạn: Thời giờ của Thầy chưa đến (Gn 7,6); ánh sáng chỉ còn ở với chúng con một chút xíu nữa thôi (x. Gn 12,35). Sau khi đã phục sinh, mối tương quan của Chúa Giêsu với thời gian không còn giống như trước nữa. Sự hiện diện của Chúa tiếp tục: Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận cùng (Mt 28,20). Sự thay đổi nằm ở chiều sâu, chiều ngang và chiều dài của sự hiện diện của Chúa chúng ta và là Ðấng cứu thế, sự thay đổi nầy là công việc của Chúa Thánh Thần.
4. Và khi Chúa phục sinh đến hiện diện trong đời sống của con người và ban cho họ Thánh Thần của Ngài, (x. Gn 20,22) thì những con người đó thay đổi hoàn toàn, nhưng vẫn còn là, hay đúng hơn, được trở thành chính mình một cách trọn đầy hơn. Mẫu gương của thánh Phaolô là thật có ý nghĩa: ánh sáng chiếu xuống Phaolô trên đường đi Damas đã biến đổi ông trở thành con người tự do hơn bao giờ hết; Phaolô được tự do thật sự, sự tự do của Ðấng hằng sống mà trước nhan Ngài, thánh Phaolô đã sấp mình xuống đất (x. TÐCV 9,1-30). Kinh nghiệm đã trải qua cho phép Phaolô viết cho các tín hữu Roma như sau: Ðược giải thoát khỏi tội lỗi và trở thành những người tôi tớ của Thiên Chúa, anh chị em đón nhận hoa trái đưa anh chị em đến sự thánh hoá và làm cho anh chị em đạt được sự sống đời đời (Rom 6,22). Tất cả những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện cho các tông đồ trong vòng ba năm sống chung với nhau, thì giờ đây được Chúa Thánh Thần làm cho hoàn tất. Ðức tin của các tông đồ trước đó là không hoàn hão và chao đảo, nhưng sau đó trở thành vững chắc và sinh hoa trái; đức tin đó đã có đủ sức mạnh làm cho người tê liệt bước đi (x. TÐCV 3,1-10), làm cho những thần dữ chạy trốn (x. TÐCV 5,16). Các tông đồ, đã có một thời rung sợ trước dân chúng và trước thẩm quyền của dân Israel, giờ đây các ngài đứng trước đám đông tụ họp trong đền thờ và dám chống lại Công Nghị Do Thái (x. TÐCV 4,1-14). Thánh Phêrô, mà sự sợ hải những lời cáo buộc của người đàn bà, đã dẫn đưa đến việc chối Chúa ba lần (x. Mc 14,66-72), thì giờ đây, thánh nhân hành xử như đá tảng mà Chúa Giêsu muốn (x. Mt 16,18). Và những vị tông đồ khác nữa, những con người cho đến vài phút trước đó, có khuynh huớng chiều theo những tranh chấp do tham vọng (x. Mc 9,33), thì giờ đây cho thấy là có đủ khả năng trở thành "một lòng một ý" và đem đặt tất cả "thành của chung" (x.TÐCV 4,32). Các ngài, mà trước đó đã không thể học trọn vẹn nơi Chúa Giêsu bài học cầu nguyện, sống yêu thương và ra đi truyền giáo thật sự, thì giờ đây các ngài cầu nguyện thật sự, sống tình yêu thương, trở thành những nhà truyền giáo thật sự, những vị tông đồ đích thực. Ðó là công việc được Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu chu toàn nơi các tông đồ.
5. Ðiều đã xảy ra trong quá khứ, vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong cộng đoàn Kitô ngày nay. Nhờ vào tác động của Ðấng là ký ức sống động của Chúa Kitô (x. Gn 14,26) trong lòng giáo hội, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu đến với chúng ta và biến đổi chúng ta. Qua những dấu chỉ hữu hình, những dấu chỉ có thể nghe được và thấy được của các bí tích, chính Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta nhìn thấy, lắng nghe và chạm đến nhân tính vinh hiển của Ðấng phục sinh. Mầu Nhiệm Hiện Xuống, như là hồng ân Chúa Thánh Thần cho từng người, được thực hiện một cách đặc biệt với bí tích Thêm Sức, bí tích của sự tăng trưởng Kitô và trưởng thành thiêng liêng. Trong bí tích nầy, mỗi tín hữu lãnh nhận một sự đào sâu ân sủng bí tích rửa tội và được hội nhập vào trong cộng đoàn thiên sai và tông đồ, vừa được củng cố trong sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa Cha và với Chúa Kitô, Ðấng muốn cho họ trở thành chứng nhân và là người thi hành công việc cứu rỗi. Chúa Thánh Thần ban cho người Kitô, mà đời sống có thể liều chỉ bị tùy thuộc vào cố gắng, vào luật lệ và vào cả tinh thần vụ hình thức bề ngoài, (Chúa Thánh Thần ban cho người Kitô) thái độ vâng phục dễ dạy, sự tự do và sự trung tín: thật vậy, Ngài là Thánh Thần của sự khôn ngoan và thông hiểu, Thánh Thần của cố vấn và sức mạnh, Thánh Thần của sự hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa (Is 11,2). Nếu không có Ngài, thì làm sao chúng ta có thể hiểu được rằng ách của Chúa Kitô là dịu dàng và gánh của Ngài là nhẹ nhàng? (x. Mt 11,30). Chúa Thánh Thần làm cho ta được can đảm, thôi thúc ta đến việc chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong công việc hằng ngày. Ngài thôi thúc ta cảm nghiệm mầu nhiệm Chúa Kitô trong phụng vụ, làm cho lời Chúa được ngân vang trong trọn cả cuộc sống, với niềm xác tín chắc chắn là Lời đó luôn luôn có điều mới mẻ để nói ra cho chúng ta. Ngài giúp chúng ta dấn thân luôn mãi, mặc cho lo sợ bị té ngã thất bại; ngài giúp chúng ta đương đầu với những nguy hiểm và vượt qua được những giới hạn ngăn cách các nền văn hóa, để rao giảng phúc âm; ngài giúp chúng ta làm việc không mệt mỏi để canh tân luôn mãi giáo hội, mà không đặt mình làm quan tòa xét xử anh chị em.
6. Khi viết thơ cho những người Kitô tại Corintô, thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến sự hiệp nhất căn bản của Giáo Hội Chúa, một sự hiệp nhất có thể được so sánh với sự hiệp nhất của một cơ thể như thân thể con người, với những chi thể khác biệt của nó. Hỡi những người trẻ thân mến, chúng con sống một kinh nghiệm quý giá về sự hiệp nhất của giáo hội, một sự hiệp nhất trong sự phong phú những khác biệt, (chúng con sống kinh nghiệm hiệp nhất đó), mỗi lần chúng con quy tụ lại với nhau, đặc biệt trong việc cử hành bí tích Thánh Thể. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng dẫn đưa con người đến việc hiểu nhau và chấp nhận lẫn nhau, đến việc nhìn nhận nhau như là con cái của Thiên Chúa Cha và là anh chị em với nhau, trên con đường tiến đến cùng một mục đích là sự sống đời đời; chính Chúa Thánh Thần làm cho con người nói cùng một ngôn ngữ vượt qua được những chia rẽ văn hóa và chủng tộc. Nhờ tham dự tích cực và một cách quảng đại vào sinh hoạt của các giáo xứ, của các phong trào và các hiệp hội, chúng con sẽ cảm nghiệm được như thế nào những ơn đoàn sủng của Chúa Thánh Thần trợ giúp cho chúng con đến gặp Chúa Kitô, đào sâu tình thân thiện với Chúa, thực hiện và nếm huởng sự hiệp thông giáo hội.
Nói đến sự hiệp nhất làm ta đau buồn nhớ lại hoàn cảnh hiện nay của sự chia rẽ giữa những người Kitô. Ðây chính là lý do tại sao tinh thần đại kết là một trong những trách vụ ưu tiên và khẩn thiết nhất của cộng đoàn Kitô. Trong thời gian cuối cùng còn lại của Ngàn Năm thứ hai, giáo hội cần phải chạy đến cầu khẩn chúa Thánh Thần một cách khẩn thiết hơn nữa, để cầu xin Chúa ban cho ơn hiệp nhất những người Kitô. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng việc đạt đến mục tiêu hiệp nhất trên, không thể nào chỉ là kết quả của những cố gắng con người mà thôi, cho dù những cố gắng nầy là rất cần thiết. Xét cho cùng, sự hiệp nhất là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Việc chúng ta đến gần lúc kết thúc Ngàn Năm thứ hai, mời gọi tất cả hãy kiểm điểm lại lương tâm và hãy có những sáng kiến hợp lúc và có tinh thần đại kết (Ngàn Năm thứ ba, số 34). Hỡi các bạn trẻ thân mến, cha trao phó cho chúng con mối quan tâm và niềm hy vọng nầy, như là một dấn thân vừa đồng thời là một trách vụ. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng khuyến khích sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội. Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ như sau: Chúng con lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là những chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trên toàn cỏi Giuđê và vùng Samaria, cho đến tận cùng trái đất (TÐCV 1,8). Từ đó, dưới sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, những đồ đệ của Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện trên những ngả đường của thế giới, để rao giảng cho tất cả mọi người Lời cứu rỗi. Giữa những thành công cũng như những thất bại, giữa sự cao cả và nỗi khốn cùng, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng hành động trong sự yếu đuối của con nguời, giáo hội khám phá ra trọn cả chiều rộng lớn và trách nhiệm của sứ mạng phổ quát của Giáo Hội. Ðể có thể chu toàn sứ mạng phổ quát nầy, Giáo Hội cần đến chúng con, hỡi những người trẻ, cần đến lòng quảng đại của chúng con và cần đến thái độ dễ dạy vâng phục của chúng con đối với Thánh Thần của Thiên Chúa.
7. Hồng Ân Chúa Thánh Thần làm cho mệnh lệnh củ xưa của Thiên Chúa trở nên hiện tại và có thể được thực hiện cho tất cả mọi người; đó là mệnh lệnh: chúng con hãy trở nên thánh thiện, bởi vì Ta, Thiên Chúa của con, là Ðấng Thánh (Levi 19,2). Trở nên thánh thiện xem ra như là một công việc khó khăn, được dành riêng ra cho những con người thật đặc biệt, hoặc như là việc thích hợp với ai muốn sống xa lạ bên ngoài cuộc đời và nền văn hóa của thời đại đó. Nhưng ngược lại, việc trở nên thánh thiện là hồng ân và là trách vụ ăn rễ sâu trong bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, được trao phó cho tất cả mọi người trong giáo hội, thuộc mọi thời đại. Ðây là hồng ân và trách vụ của những người giáo dân cũng như của các tu sĩ và những tác viên có chức thánh, trong lãnh vực cá nhân cũng như trong dấn thân công khai, trong đời sống của mỗi người, cũng như trong gia đình và các cộng đoàn.
Nhưng bên trong ơn gọi chung nầy, một ơn gọi kêu mời tất cả mọi người đừng sống chiều theo thế gian, nhưng hãy sống theo thánh ý của Thiên Chúa (x. Rom 12,2), thì có nhiều bậc sống khác nhau và có nhiều ơn gọi riêng và nhiều sứ mạng khác nhau.
Hồng ân Chúa Thánh Thần nằm ở nền tảng của ơn gọi của từng người. Hồng ân Chúa Thánh Thần nằm ở gốc rễ của những tác vụ thánh của giám mục, linh mục và phó tế, để phục vụ cho sinh hoạt của giáo hội. Và cũng chính hồng ân Chúa Thánh Thần nầy huấn luyện và uốn nắn linh hồn của những ai được gọi sống sự tận hiến đặc biệt, bằng cách làm cho họ trở nên giống như Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Cũng do cùng một Chúa Thánh Thần, Ðấng nhờ qua bí tích hôn phối, mà bao phủ và thánh hóa sự kết hiệp của đôi bạn, ban sức mạnh và nâng đỡ sứ mạng của những bậc làm cha mẹ, những kẻ được gọi biến gia đình trở thành nơi thể hiện đầu tiên và căn bản của Giáo Hội. Nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần mà được nuôi sống nhiều việc phục vụ khác nữa, như việc giáo dục Kitô, việc giảng dạy giáo lý, việc trợ giúp cho những bệnh nhân và cho những người nghèo, việc cổ võ nâng cao đời sống con người, việc thực hành đức bác ái, đó là những việc phục vụ nhằm xây dựng và linh động cộng đoàn. Thật vậy, mỗi người đều nhận ân ban riêng của Chúa Thánh Thần, để phục vụ cho lợi ích chung. (1 Co 12,7).
8. Bổn phận không thể chối từ được của mỗi một nguời là đi tìm và biết nhìn ra ngày qua ngày con đường mà qua đó Chúa muốn cho chúng ta được đích thân gặp Ngài. Hỡi các bạn trẻ chúng con thân mến, hãy nghiêm chỉnh đặt ra cho mình câu hỏi về ơn gọi chúng con, và hãy sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, Ðấng kêu gọi chúng con lãnh lấy vai trò mà Ngài từ muôn thuở đã chuẩn bị cho chúng con.
Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng dung mạo của vị linh hướng trong công cuộc phân định nầy là một trợ giúp lớn lao cho chúng con; chúng con hãy chọn cho mình một vị linh hướng có khả năng, được giáo hội đề nghị, biết lắng nghe chúng con và đồng hành với chúng con dọc theo đường đời, biết hiện diện bên cạnh chúng con trong những giây phút khó khăn cũng như trong những lúc vui mừng. Vị Linh Hướng sẽ giúp chúng con phân biệt những gợi hứng của Chúa Thánh Thần và giúp chúng con tiến tới trên con đường tự do: sự tự do cần được chiếm lấy nhờ qua cuộc chiến đấu thiêng liêng (x. Eph.6,13-17), một sự tự do được sống thực hành trong kiên trì và nhẫn nại. Việc giáo dục sống đời Kitô không giới hạn trong việc cổ võ phát triển con người trên bình diện thiêng liêng mà thôi, mặc dù việc huấn luyện sống đời cầu nguyện vững chắc và thường xuyên, vẫn là nguyên tắc và là nền tảng cho tòa nhà thiêng liêng. Sự thân thiện với Chúa, khi đó là một sự thân thiện đích thực, chắc chắn dẫn đưa đến việc suy nghĩ, chọn lựa và hành động như Chúa Kitô đã suy nghĩ, chọn lựa và hành động, vừa đặt mình trong tư thế luôn sẵn sàng tiếp tục công việc cứu rỗi. Một đời sống thiêng liêng, làm cho chúng ta được gặp gỡ với tình yêu của Thiên Chúa và họa lại trong người Kitô hình ảnh Chúa Giêsu, một đời sống thiêng liêng như thế là một liều thuốc cho căn bệnh của thời đại chúng ta, một thời đại hết sức được phát triển trên bình diện kỷ thuật nhưng lại không được khát triển đúng mức trên bình diện của sự chú tâm chăm sóc cho con người, cho những chờ đợi mong ước của con người, cũng như không chú tâm đến mầu nhiệm con người. Cần khẩn thiết xây dựng lại một thế giới nội tâm, được Chúa Thánh Thần linh ứng và nâng đỡ, được nuôi sống bằng lời cầu nguyện và được hướng đến hành động, sao cho thế giới nội tâm đó được mạnh đủ, để có thể chống lại nhiều hoàn cảnh khác nhau trong đó chúng con cần duy trì sự trung thành với một dự án cuộc đời đã chọn, hơn là chạy theo, hay bắt chước sống theo tâm thức đương thời.
9. Khác với các môn đệ khác của Chúa, Mẹ Maria đã không chờ cho đến lúc Chúa Phục Sinh, mới sống, cầu nguyện và hành động trong sự sung mãn của Chúa Thánh Thần. Kinh Magnificat, Linh Hồn Tôi chúc tụng Chúa, nói lên trọn cả lời cầu nguyện, trọn cả sức hăng say truyền giáo, trọn cả niềm vui của Giáo Hội của biến cố Vượt Qua và Hiện Xuống (x. Lc 1,46-55). Ði đến tận cùng của đường lối thực hiện tình thương của mình, Thiên Chúa đã nhận Mẹ Maria cả hồn lẫn xác vào trong vinh quang Thiên Quốc; lúc đó, mầu nhiệm cuối cùng đã được hoàn tất: Mẹ Maria, mà Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã trao làm Mẹ của người đồ đệ Chúa yêu thương (x. Gn 19,26-27) Mẹ sống sự hiện diện đầy tình mẫu tử của Mẹ trong lòng giáo hội, bên cạnh từng người đồ đệ của Con Mẹ, và tham dự một cách đặc biệt duy nhất vào trong sự trung gian đời đời của Chúa Kitô, để cứu rỗi thế giới. Tôi xin trao phó cho Mẹ, vị hôn thê của Chúa Thánh Thần, trọn cả công việc chuẩn bị và cử hành Ngày Quốc Tế Giối Trẻ lần thứ 13, mà năm nay chúng con sẽ mừng tại giáo hội địa phương của chúng con, quanh những vị chủ chăn của chúng con. Cùng với chúng con, Cha dâng lời cầu lên Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, vừa mượn lời của thánh Ildefonso di Toledo, như sau:
Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, con cầu xin Mẹ cho con có được Chúa Giêsu, nhờ bởi cùng một Chúa Thánh Thần Ðấng đã làm cho Mẹ sinh ra Chúa. Linh hồn con lãnh nhận Chúa Giêsu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà nhờ đó Mẹ đã có Chúa Giêsu. Xin cho con được yêu mến Chúa Giêsu trong cùng một Chúa Thánh Thần mà Mẹ đã tôn thờ Chúa Giêsu như là Chúa, và chiêm ngắm Chúa như Con của Mẹ. (trích từ De virginitate perpetua sanctae Mariae, XII, PL 96,106).
Cha xin chân thành ban phép lành cho tất cả chúng con.
Vatican, ngày 30 tháng 11
năm 1997,
Chúa Nhật I mùa Vọng.
Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng.