Văn Kiện
về việc Huấn Luyện
các Thầy Sáu vĩnh viễn

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trình bày hai Văn Kiện về việc Huấn Luyện các Thầy Sáu vĩnh viễn.

Vatican - 10.03.98 - Sáng thứ Ba 10.03.98, Ðức Hồng Y Pio Laghi, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo, Chủng Viện và Ðại Học; và Ðức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ; cùng với hai vị Tổng Thư Ký của hai Bộ, đã trình bày với Giới Báo Chí hai Văn Kiện do hai bộ soạn ra về việc huấn luyện các Thầy Sáu vĩnh viễn.

Các Thầy Sáu vĩnh viễn trên thế giới hiện nay là 22,390 vị, được chia như sau:

Nên nhớ: Chức vụ Thầy Sáu vĩnh viễn có từ thời các Thánh Tông Ðồ. Sách Công Vụ thuật lại rõ ràng việc lựa chọn 7 Thầy Sáu đầu tiên. Sau đó, bị gián đoạn trong thời gian lâu dài, Chức Sáu được Công Ðồng chung Vatican 2 tái lập, và ngày nay con số các Thầy Sáu vĩnh viễn mỗi ngày mỗi nhiều.

Văn Kiện thứ nhất do Bộ Giáo Sĩ soạn ra với tựa đề ("Ratio fundamentalis Institutionis Diaconorum permanentium) nghĩa là: Qui luật nền tảng cho việc huấn luyện các Thầy Sáu vĩnh viễn; Văn Kiện nầy có mục đích nêu lên những đường hướng chỉ dẫn về việc huấn luyện theo ánh sáng của Luật Lệ hiện hành của Giáo Hội.

Văn kiện thứ hai của Bộ Giáo Dục Công Giáo, Chủng Viện và Ðại Học, được gọi là "Direttorio per la vita e il ministerio dei Diaconi permanenti" (Cuốn chỉ dẫn cho đời sống và Thừa Tác Vụ của các Thầy Sáu vĩnh viễn).

Hai Văn Kiện được trình bày cùng một lúc và đóng thành một cuốn sách, nhưng mỗi Văn Kiện có căn cước riêng và giá trị pháp luật riêng biệt của mình. Nhưng dù có khác nhau, hai Văn Kiện đều liên kết và hòa hợp với nhau trong một liên tục hợp lý. Việc huấn luyện ban đầu dĩ nhiên đưa đến việc thi hành Thừa Tác Vụ và liên hệ đến việc huấn luyện liên lỉ trong khi thi hành thừa tác vụ.

Theo Ðức Tổng Giám Mục José Sariva Martins, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dục Công Giáo giải thích, thì người đóng vai trò chủ chốt của việc huấn luyện các Thầy Sáu vĩnh viễn là Ðức Giám Mục giáo phận. Ngài là người trách nhiệm và nếu con số ứng sinh khá đông, ngài và cha sở có nhiệm vụ hướng dẫn về thiêng liêng hoặc chỉ định một vị khác thay thế.

Về lộ trình huấn luyện, Vị Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dục nói rõ: trước hết cần một thời kỳ thử: tức là thời kỳ suy tư, cầu nguyện và tìm đường hướng ơn gọi. Sau đó, cần theo chương trình huấn luyện trong ba năm, như Giáo luật ấn định. Khoản Giáo Luật 236 nói rõ:

"Các ứng sinh đứng tuổi phải lãnh nhận việc đào tạo" qua một chương trình huấn luyện trong thời gian 3 năm; chương trình này do Hội Ðồng Giám Mục ấn định".

Huấn luyện về những chiều kích nào? Ðức Tổng Giám Mục trả lời: Trước hết về chiều kích thiêng liêng; nhưng trước đó phải có sự huấn luyện vững chắc về các nhân đức nhân bản. Ngoài chiều kích nhân bản và thiêng liêng, còn cần có một chiều kích giáo lý tương xứng. Việc học thần học sẽ giúp cho Thầy Sáu vĩnh viễn có một của ăn nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và một dụng cụ quí giá cho thừa tác vụ trong xã hội thời nay, trước những thách đố mà Giáo Hội phải đối phó trong lúc bước vào Ngàn Năm thứ ba của Kỷ Nguyên Cứu Chuộc.

Cuốn chỉ đạo (il Direttorio) nói rõ về Thừa Tác Vụ của Thầy Sáu vĩnh viễn: là phục vụ Lời Chúa, phục vụ Bàn Thờ và phục vụ Ðức Ái: ba phục vụ liên kết chặt chẽ với nhau. Thày Sáu là người giảng Lời Chúa (giảng và dạy giáo lý) - giúp Giám Mục, linh mục và giáo dân tại bàn thờ - trong cộng đồng, phục vụ các người nghèo và lo việc quản lý những gì liên hệ đến dịch vụ này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page