Cuộc phỏng vấn hai nhà sử học người Ý về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba (21-25/01/98).
Vatican - 29.01.98 - Trong bài nói chuyện buổi tiếp kiến chung hằng tuần thứ tư 28/01/98 vừa qua, ÐTC làm bản thống kê sơ qua về chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba kết thúc hôm Chúa nhật 25/01/98. ÐTC nói: đây là một cuộc biểu dương của người dân, gây ngạc nhiên nhiều, một biến cố về hòa giải, một chặng lịch sử của việc tái rao giảng Tin Mừng, mà người ta đang chờ đợi những thành quả tốt đẹp.
Cũng trong buổi tiếp kiến này, chào thăm nhóm hành hương Ba Lan, ÐTC cầu chúc cho cuộc hành hương của ngài tại Cuba đem lại "những thành quả giống như" những thành quả của cuộc hành hương thứ nhất của ngài tại Ba Lan vào năm 1979.
Về chuyến viếng thăm này, khi được Ðài Vatican phỏng vấn hôm 29/01/98, nhà sử học Giorgio Rumi, đã trả lời như sau:
Nhà sử học Giorgio Rumi: "Trong các cuộc phỏng vấn khác, cả tôi nữa, tôi cũng sánh Cuba như Ba lan, trước lúc thay đổi. Dĩ nhiên có sự khác biệt; bởi vì chế độ cộng sản bị áp đặt trên Ba Lan do một cuộc chiếm đóng từ bên ngoài; trái lại Castro và cuộc cách mạng phát xuất từ bên trong xã hội Cuba: đây là một sự kiện có tính cách quốc gia. Tôi nghĩ rằng: tất cả các hoạt động của ÐTC nhằm giúp người dân Cuba vượt qua chiều kích Ðảng và chiếm lại chiều kích Quê Hương. Nên nhớ là Ðức Tổng Giám Mục Giáo phận Santiago de Cuba đã nói lên hôm thứ Bẩy 24/01/98 trước mặt ÐTC và dân chúng rằng: Họ không nên lẫn lộn Ðảng Chính Trị với Quê Hương Dân Tộc.
Hỏi: Giáo sư Rumi, ÐTC Gioan Phaolô II đã đem đến cái gì cho người dân Cuba?
Ðáp: Trước hết, một cái nhìn về tôn giáo và thiêng liêng của con người, của những mối quan hệ xã hội và do đó một hy vọng cho tương lai. ÐTC đến Cuba và nói về Gia đình, về nạn phá thai, về nạn tục hóa cưỡng bách, vừa đi thẳng vào nguồn gốc và những đòi hỏi của sứ diệp Kitô. Giả sử ngài đến với một dự án chính trị, dù chỉ mới nói ra một chút mà thôi, thì ngài sẽ không được sự đồng ý và hoan hô như chúng ta đã thấy. Ngài đã đi đến tận nguồn gốc vấn đề".
Cũng trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vừa qua, ÐTC nhấn mạnh là trong cuộc hành hương ngài đã "vui mừng rao giảng Tin Mừng Hy vọng cho người dân Cuba, rao giảng sứ điệp của Tình yêu và của tự do trong chân lý, mà Chúa Kitô không ngừng đem đến cho nhân loại của mọi thời đại". Ngài nói: "Chuyến viêng thăm của ngài như để đem đến một tiếng nói cho tâm hồn Kitô của Dân Cuba". Về thành quả của chuyến viếng thăm, Giáo sư Sử học, Andrea Riccardi, Sáng lập Cộng đồng Thánh Êgidio, tuyên bố trên Ðài Vatican, như sau:
Giáo sư Sử học, Andrea Riccardi: "Tôi tin rằng chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba là một sự kiện rất quan trọng đối với lịch sử của Cuba và lịch sử Giáo Hội, bởi vì ngài đã nói trước mặt biết bao người dân Cuba và đã đưa ra một sứ điệp Phúc Âm cũng là sứ điệp về tự do theo đúng nghĩa. ÐTC không đến Cuba để lật đổ chế độ, nhưng đến đế xác nhận một lộ trình đã được khởi sự tại Giáo Hội địa phương và lộ trình này đã trở nên một phong trào có liên hệ đến phần rất lớn dân tộc Cuba, một phong trào về hòa giải, một phong trào về đào sâu đức tin. ÐTC đến để làm một cái gì đó; cái này sẽ có những hậu quả xã hội, văn hóa, tôn giáo, và rát có thể cả chính trị nữa".
Hỏi: Thực ra nói đến tự do, ÐTC đã gây nên nơi người dân Cuba hứng thú mạnh mẽ, nhưng ngài cũng nói rõ ràng: chính Chúa Kitô làm chúng ta tự do...
Ðáp: Chuyến viếng thăm của ÐTC đã tạo nên một chỗ rộng, một chỗ rộng cho tự do trong xã hội Cuba, trong đó được biểu lộ biết bao đòi hỏi rất khác nhau. Dĩ nhiên cũng có cả những đòi hỏi về chính trị nữa. ÐTC đã loan báo cách nghiêm khắc sứ điệp Phúc Âm trong một tình hình cụ thể".
Hỏi: Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật khác nhau như vậy, nhưng cũng gần nhau như vậy, ÐTC và Fidel Castro, Giáo sư nghĩ sao?
Ðáp: Tôi đã gặp chủ tịch Fidel Castro. Tôi đã thấy một người có 30 năm lịch sử về chính trị. Ông là một người trí thức, khéo léo, một con người đồng hóa bản thân với lịch sử Cuba và là người hiểu rõ cuộc gặp gỡ với ÐTC quan trọng như thế nào. ÐTC Gioan Phaolô II biết rõ Châu Mỹ Latinh, biết rõ thế giới cộng sản và do đó hai người có thể đối thoại diện đối diện. Cần phải xem Vị Ðại Lãnh tụ Fidel Castro sẽ biết quản lý biến cố này như thế nào, một biến cố đã xẩy ra trong xã hội Cuba: ông sẽ muốn điều gì và sẽ biết quản lý như thế nào".