Thơ của ÐTC Gioan Phaolô II
gởi cho các Linh Mục
Nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh
9/04/1998

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thơ của ÐTC Gioan Phaolô II gởi cho các linh mục Nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 1998.

Phần Nhập Ðề

Anh em thân mến trong chức linh mục,
Với tinh thần và con tim đều hướng về Ðại Năm Thánh, năm cử hành long trọng hai ngàn năm Chúa Kitô sinh ra và cử hành khởi đầu của ngàn năm Kitô mới, tôi muốn cùng với anh em khẩn cầu Thánh Thần của Chúa mà giai đoạn thứ hai của con đường thiêng liêng để chuẩn bị liền ngay cho Năm Thánh 2000, được đặc biệt dành cho Ngài.

Vâng phục những soi sáng đầy tình thương của Ngài, chúng ta sẵn sàng sống một cách mạnh mẽ thời thuận tiện nầy, vừa khẩn cầu Ðấng là Tác Giả của mọi ân ban, xin Ngài ban cho chúng ta những ân sủng cần thiết để phân biệt những dấu chỉ của ơn cứu rỗi và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa với hết lòng trung thành. Có một mối giây chặt chẽ liên kết chức linh mục của chúng ta với Chúa Thánh Thần và với sứ mạng của Ngài. Ngày chúng ta được thụ phong linh mục, do bởi việc đổ tràn Ðấng an ủi xuống, Chúa Kitô Phục Sinh đã làm lại trong mỗi người chúng ta điều mà ngài đã thực hiện trong các đồ đệ của ngài vào chiều Phục Sinh; Chúa Kitô Phục Sinh đã thiết lập chúng ta làm những kẻ tiếp tục sứ mạng của Ngài trong thế giới (x. Jn 20,21-23). Với quyền năng thánh hóa kỳ diệu, hồng ân Chúa Thánh Thần nầy là nguồn mạch và là gốc rễ cho trách vụ đặc biệt rao giảng tin mừng và thánh hóa, trách vụ đã được trao phó cho chúng ta.

Ngày thứ Năm Tuần Thánh, ngày mà chúng ta tưởng niệm bửa Tiệc Ly của Chúa, hướng dẫn chúng ta nhìn về Chúa Giêsu, Nguời Tôi Tớ vâng lời cho đến chết ( Ph 2,8), Ðấng thiết lập bí tích Thánh Thể và Bí Tích Chức Thánh, như là những dấu chỉ đáng khâm phục của tình yêu Ngài. Ngài để lại cho chúng ta giao ước đặc biệt của Tình Thương, ngỏ hầu được tiếp tục mọi nơi và mọi lúc mầu nhiệm Mình và Máu Ngài và ngỏ hầu con người có thể đến với nguồn mạch không bao giờ cạn của ân sủng. Thử hỏi, đối với chúng ta, những linh mục, còn có giây phút nào hợp thời hơn và gợi ý hơn giây phút nầy (tức ngày thứ Năm Tuần Thánh) hay không, để chiêm ngắm công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta và khẩn cầu ngài ban cho những Hồng Ân, để chúng ta được luôn trở nên giống Chúa Kitô linh mục của giao ước mới hơn, hay không?

1. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo và Thánh Hóa

Ca vịnh phụng vụ cổ xưa nầy làm sống lại trong tâm trí của mọi linh mục ngày lãnh nhận chức tư tế, vừa nhắc lại quyết tâm của linh mục muốn làm cho mình được hoàn toàn sẳn sàng tiếp nhận tác động của Chúa Thánh Thần, tác động được thể hiện trong hoàn cảnh duy nhất nầy. Bài ca còn nhắc cho linh mục nhớ đến sự trợ giúp đặc biệt của Ðấng An Ủi và những giây phút của ân sủng, niềm vui và sự kết hiệp thân tình với Chúa, mà Chúa đã cho linh mục được nếm hưởng trong đời sống mình.

Trong kinh tin kính Nicêa Constantinopoli, khi giáo hội tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Thánh Thần, Ðấng là Chúa và là Ðấng ban sự sống, Giáo Hội làm sáng tỏ rõ ràng sự kiện nầy là Chúa Thánh Thần đồng hành với lịch sử con người, và một cách đặc biệt với lịch sử của những đồ đệ Chúa đang tiến bước đến sự cứu rỗi.

Ngài là Thánh Thần Ðấng sáng tạo, được Kinh Thánh trình bày vào khởi đầu lịch sử con người, khi Ngài "bay là là trên mặt nước (STK 1,2), và Ngài là tác nhân cho việc nhập thể của Ngôi Lời (x. Mt 1,20; Lc 1,35) vào khởi đầu của Mầu nhiệm cứu rỗi. Ðồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, trong mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi, Ngài là Ngôi Vị Tình Thương, là Hồng-Ân-Không-Ðược-Tạo-Dựng, là nguồn mạch đời đời của mọi ân ban đến từ Thiên Chúa trong trật tự sáng tạo, là nguyên lý trực tiếp và, theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của sự thông ban chính mình Thiên Chúa trong trật tự ân sủng. Mầu nhiệm nhập thể là chóp đỉnh của Ân ban nầy, của sự thông ban mà Thiên Chúa thực hiện về chính mình" (trích Thông Ðiệp về Chúa Thánh Thần, số 50).

Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc sống trên trần gian của Chúa Giêsu về cùng Thiên Chúa Cha. Nhờ vào sự can thiệp huyền nhiệm của Ngài, Con Thiên Chúa được thụ thai trong cung lòng của Ðức Nữ đồng trinh Maria (x. Luca 1,35) và làm nguời. Và cũng chính Chúa Thánh Thần biểu lộ Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa trong Phép Rửa nơi sông Giođang, khi ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu (x.Lc 3,21-22), và liền sau đó cũng Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu vào trong sa mạc (x.Lc 4,1). Sau chiến thắng trên những cám dỗ, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh của ngài "với quyền năng của Chúa Thánh Thần" (Lc 4,14). Trong Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vui mừng lên và chúc tụng Thiên Chúa Cha, vì ý định tốt lành của ngài (x. Lc 10,21); cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28; Lc 11,20). Vào giờ phút bi thảm của Thập Giá, Chúa Giêsu dâng hiến chính mình "nhờ Chúa Thánh Thần đời đời." (DT 9,14); sau đó, nhờ Thánh Thần, Chúa Giêsu sống lại (x. Rm 8,11) và được thiết lập làm Con Thiên Chúa đầy quyền năm (Rm 1,4). Vào chiều Phục sinh, Chúa Giêsu sống lại nói với các tông đồ đang họp nhau nơi phòng Tiệc Ly rằng: "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Jn 20,22) và sau khi đã hứa một việc đổ tràn Thánh Thần trong tương lai, Chúa Giêsu trao phó cho các tông đồ phần rỗi của những anh chị em, vừa sai các ngài ra đi trên các nẻo đường thế giới: "Hãy đi, và thu thập các đồ đệ từ khắp các dân tộc, rửa tội cho họ, nhân anh Cha và Con và Thánh Thần, vừa dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho chúng con. Và đây Thầy hằng ở với chúng con mọi ngày cho đến tận cùng (Mt 28,19-20).

Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội thuộc mọi thời đại và mọi nơi, được làm cho sống động và hữu hiệu trong tâm trí của các tín hữu nhờ qua tác động của Thánh Thần Ðấng An Ủi (x. Gioan 14,26). Cho thời đại chúng ta, Chúa Thánh Thần là "tác nhân chính của công việc tái rao giảng Tin Mừng…. Ngài xây dựng Nước Thiên Chúa trong dòng lịch sử và chuẩn bị cho việc mặc khải trọn vẹn Nước Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, bằng cách linh động con người từ bên trong, và bằng việc làm cho những mầm Ơân Cứu Rỗi Vĩnh Viễn sẽ đến vào thời chung cuộc, được lớn lên trong đời sống con người" (trích Tông Huấn Ngàn Năm thứ ba, số 45).

2. Thánh Thể và Chức Thánh, những hoa trái của Chúa Thánh Thần

Qua những lời trên, Giáo Hội khẩn cầu Chúa Thánh Thần như là unctio spiritalis, như là sự xức dầu thánh hiến. Bởi việc xức dầu ban Chúa Thánh Thần, trong cung lòng vô nhiễm của Mẹ Maria, Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Kitô làm linh mục thượng phẩm và đời đời của Giao Ước Mới; Chúa Kitô là Ðấng đã muốn chia sẻ chức Tư Tế của ngài cho chúng ta, bằng việc mời gọi chúng ta trở thành những kẻ tiếp tục Ngài trong dòng lịch sử, để phục vụ cho sự cứu rỗi của anh chị em chúng ta.

Ngày thứ Năm Tuần Thánh, Feria quinta in Cena Domini, chúng ta, những linh mục, chúng ta được mời gọi dâng lời cảm tạ cùng với trọn cả cộng đoàn tín hữu, vì hồng ân Bí Tích Thánh Thể, và được mời gọi ý thức lại về ân sủng của ơn gọi đặc biệt của chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi hãy tin tưởng, với một con tim tươi trẻ và một sự sẵn sàng hoàn toàn, tin tưởng vào tác động của Chúa Thánh Thần, vừa để cho Chúa Thánh Thần hằng ngày biến đổi chúng ta trở nên giống Chúa Kitô Linh Mục.

Với những từ ngữ nói lên sự dịu dàng và mầu nhiệm, Phúc âm theo thánh Gioan kể lại Ngày Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên, khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn tiệc với các môn đệ, và yêu thương họ còn ở lại trong thế gian, và yêu thương cho đến cùng" (Gioan 13,1). Cho đến cùng. Cho đến việc thành lập Bí Tích Thánh Thể, bí tích nầy loan báo trước cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cho hy tế của Thập giá và cho trọn cả mầu nhiệm Vượt Qua. Trong bửa ăn tối cuối cùng, Chúa Kitô cầm lấy bánh trong tay và đọc những lời truyền phép: "Ðây là Mình Ta bị nộp vì các con". Liền sau đó, Chúa đọc trên chén đầy rượu những lời truyền phép như sau: "Ðây là chén Máu Ta, Máu của giao ước mới và đời đời, Máu sẽ đổ ra cho chúng con và cho tất cả, để ban ơn tha tội", rồi Chúa thêm: "Chúng con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta". Như thế, được thực hiện tại bửa Tiệc Ly, một cách không đổ máu, Hy Tế của giao ước mới; hy tế nầy sẽ được thực hiện trong máu vào ngày hôm sau, khi Chúa Giêsu nói trên thập giá rằng: "Mọi sự đã nên trọn." "Consummatum est". "Mọi sự đã hoàn tất" (Gn 19,30).

Ðược dâng trên đồi Calvario, một lần thay cho tất cả mọi lần, (một lần rồi đủ), Hy Tế trên của Chúa được trao phó cho các Tông Ðồ, nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, như là Bí Tích Thánh Thể của giáo hội. Ðể khẩn cầu sự can thiệp đầy huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng cầu nguyện như thế nầy trước khi đọc lời Truyền Phép: "Chúng con cầu khẩn Chúa hãy thánh hiến những lễ vật mà chúng con mang đến. Xin hãy thánh hoá chúng nhờ bởi Chúa Thánh Thần, ngỏ hầu những lễ vật nầy trở thành Mình và Máu của Con Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Ðấng đã truyền cho chúng con cử hành mầu nhiệm nầy." (Kinh nguyệm thánh thể III).

Thật vậy, nếu không có quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì làm sao những môi miệng của con người có thể biến Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa, cho đến tận cùng thời gian? Chỉ với quyền năng của Chúa Thánh Thần, mà giáo hội có thể không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của Ðức tin: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến trong vinh quang."

Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Chức Thánh là những hoa trái của cùng một Chúa Thánh Thần: "Cũng như trong Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần thực hiện việc biến Rượu và Bánh thành Mình và Máu của Chúa Kitô, thì cũng vậy, trong Bí Tích Chức Thánh, Chúa Thánh Thần tác tạo việc Thánh Hiến Tư Tế, linh mục hay giám mục" (trích tập sách Hồng Ân và Mầu Nhiệm, trg 57-58).

3. Những hồng ân của Chúa Thánh Thần

Làm sao không dành một suy tư đặc biệt về những hồng ân của Chúa Thánh Thần, mà truyền thống của Giáo Hội, tiếp theo nguồn giáo huấn kinh thánh và giáo phụ, gọi là "bảy ơn Chúa Thánh Thần"? Giáo Lý về bảy ơn Chúa Thánh Thần đã được nền thần học kinh viện chăm chú nghiên cứu và mô tả rộng rãi trong ý nghĩa và những đặc điểm của những ơn đó.

"Thiên Chúa đã sai xuống trong tâm hồn chúng ta Thánh Thần của Con Một Ngài, để kêu lên: Abba, Lạy Cha." (Gal 4,6). "Tất cả những ai được Chúa Thánh Thần linh động, là những con cái của Thiên Chúa" (Rm 8,14.16). Những lời của thánh tông đồ Phaolô nhắc chúng ta rằng hồng ân căn bản của Chúa Thánh Thần là ơn thánh hóa (gratia gratum faciens), và cùng với ơn thánh hoá nầy, chúng ta nhận được những nhân đức đối thần, đức tin, đức cậy và đức mến, và tất cả những nhân đức thần ứng (virtutes infusae), làm cho chúng ta có khả năng hành động dưới tác động của chính Chúa Thánh Thần. Trong linh hồn được ơn Chúa soi sáng, những khả năng thiêng liêng đó được bổ túc bởi những hồng ân của Chúa Thánh Thần.

Khác với những ơn đoàn sủng, được hiểu như là những ơn được trao ban để phục vụ cho kẻ khác, những hồng ân Chúa Thánh Thần được trao ban cho tất cả mọi người, bởi vì những ơn đó được hướng về việc thánh hóa và kiện toàn ngôi vị con người.

Tên gọi của những hồng ân nầy được biết đến. Tiên tri Isaia có nhắc đến những hồng ân nầy, khi mô tả dung mạo của Ðấng Thiên Sai sắp đến, như sau: "Trên Ngài sẽ ngự xuống Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần của khôn ngoan và thông hiểu, Thánh Thần của tư vấn và sức mạnh, Thánh Thần của hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa: sự hứng khởi của Ngài là trong sự kính sợ Chúa" (Isaia 11,2-3). Con số các hồng ân nầy, sau đó được kéo thành bảy, trong bản dịch Kinh Thánh Bảy Mươi và bản Phổ Thông; hai bản dịch nầy thêm ơn "đạo đức", và tránh không lặp lại, như nơi bản văn của Isaia, không lặp lại hai lần ơn "kính sợ Chúa".

Thánh Irênê đã nhắc đến Bảy Ơn Chúa Thánh Thần và thêm rằng: Chúa đã ban Thánh Thần cho Giáo Hội, bằng cách từ trời sai xuống Ðấng bênh vực toàn thể trái đất" (Adv. Haereses III,17,3). Về phần mình, thánh Grêgôriô Cả mô tả hành động thiêng liêng được Chúa Thánh Thần đưa vào trong tâm hồn, vừa kể ra những hồng ân theo thứ tự ngược lại như sau: "Chúng ta đi từ ơn kính sợ đến ơn đạo đức, và từ ơn đạo đức chúng ta được hướng dẫn đến ơn thông biết; chúng ta được củng cố bởi ơn thông biết, để có sức mạnh; chúng ta đi từ ơn sức mạnh đến ơn tư vấn; chúng ta tiến tới ơn thông hiểu nhờ qua ơn tư vấn; và chúng ta đạt đến ơn khôn ngoan nhờ qua ơn thông hiểu. Chúng ta nhờ qua bảy bực nầy mà leo lên cho đến bực cửa mở ra đưa chúng ta vào con đường đời sống thiêng liêng" (trích bài giảng về Eâzêkiel, II,7,7).

Theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, những ơn của Chúa Thánh Thần làm cho linh hồn và những khả năng của nó được đặc biệt nhạy cảm với tác động của Ðấng An Ủi; những Ơn Chúa Thánh Thần bổ túc và làm cho trọn vẹn những nhân đức của những ai lãnh nhận những ơn nầy. Những ơn Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu nên dễ dạy, vâng phục mau chóng những soi sáng của Thiên Chúa" (số 1831). Ðiều nầy có nghĩa là đời sống luân lý (đạo đức) của những người Kitô được nâng đỡ bởi những khả năng thường hằng nầy, làm cho con người vâng phục dễ dàng theo những thôi thúc của Chúa Thánh Thần" (Sách Giáo Lý Công Giáo số 1830). Nhờ vào những ơn Chúa Thánh Thần mà được triển nở đời sống thiêng liêng, đã được thiết lập trong mọi người nhờ bởi ân sủng. Thật vậy, những ơn Chúa Thánh Thần hòa hợp một cách kỳ diệu với những khuynh hướng thiêng liêng của chúng ta, vừa củng cố chúng và mở rộng chúng một cách đặc biệt để đón nhận tác động của chính Thiên Chúa.

4. Ảnh hưởng của những ơn Chúa Thánh Thần trên con người

Nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa trở thành đấng hiện diện thật thân thiết với con người và càng lúc càng thấm nhập sâu xa vào trong thế giới con người: "Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, hiện hữu tự nơi ngài, như thực thể siêu việt của Hồng Ân Liên Vị, khi thông ban chính mình trong Thánh Thần như là Hồng Ân cho con người, thì Ngài biến đổi thế giới con người từ bên trong, từ trong các tâm hồn và trong các lương tâm" (thông điệp về Chúa Thánh Thần, n.59).

Trong truyền thống suy tư kinh viện, sự thật nầy làm nổi bật tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử con người và làm nổi bật sáng kiến cứu rỗi của Thiên Chúa trong đời sống luân lý: không xóa bỏ nhân cách của chúng ta và cũng không làm cho chúng ta mất đi tự do, Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta vượt quá điều chúng ta mong đợi và vượt quá những dự án của chúng ta, Những hồng ân của Chúa Thánh Thần cũng tác động theo chiều hướng nầy, bởi vì chúng là những điều làm tốt cho con người, làm cho con người dễ dàng tuân theo một cách mau mắn sự thôi thúc của Thiên Chúa" (St. Thomas Aquinô, Somme Theologique, I-II, q.68,a.2).

Nhờ qua Bảy Ơn Chúa Thánh Thần, người tín hữu có được khả năng thiết lập mối tương quan cá nhân và thân tình với Thiên Chúa Cha, trong sự tự do của những con cái Thiên Chúa. Ðó là điều mà thánh Tomaso Aquinô nhấn mạnh, khi thánh nhân lưu ý chúng ta về cách thức Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến hành động, không phải bằng sức mạnh ép buộc, nhưng bằng tình yêu thương. Thánh nhân quả quyết như sau: "Những con cái của Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần thôi thúc một cách tự do, nhở bởi tình thương, chớ không phải một cách ép buộc, bởi sự sợ hải" (Contra Gentes, IV,22). Chúa Thánh Thần làm cho những hành động của nguời Kitô có được hình dạng thần thiêng (deiformes), nghĩa là được hòa hợp với cách suy nghĩ, yêu mến và hành động của Thiên Chúa, đến độ người tín hữu trở thành một dấu chỉ có thể nhận ra được của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới. Ðược nâng đỡ bởi tình thân của Ðấng an ủi, bởi ánh sáng của Ngôi Lời, bởi tình yêu của Thiên Chúa Cha, người tín hữu có thể được can đảm mà bắt chước sự trọn lành của Thiên Chúa (x. Mt 5,48).

Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần xảy ra trong hai lãnh vực, như Vị Tiền Nhiệm của tôi, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, đã nhắc lại như sau: "Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực các linh hồn riêng rẻ, đó là cái tôi của chúng ta: trong cỏi sâu xa và có tính cách huyền nhiệm trước mắt chúng ta, (trong cỏi sâu xa) của cuộc sống chúng ta, hơi thổi Chúa Thánh Thần bước vào đó; hơi thổi Thánh Thần nầy lan rộng trong tâm hồn với ơn đoàn sủng đầu tiên và cao cả mà chúng ta gọi là Ân Sủng; đây như là một sự sống mới, và liền đó hơi thổi Thánh Thần nầy làm cho sự sống đó có khả năng thực hiện những hành động vượt quá tầm hữu hiệu tự nhiên của nó". Lãnh vực thứ hai, "trong đó được lan rộng sức mạnh của biến cố Hiện Xuống, là lãnh vực của " thân thể hữu hình của Giáo Hội". Chắc rằng Thánh Thần muốn thổi đâu Ngài muốn (Spiritus ubi vult spirat) (Jn 3,8); nhưng trong nhiệm cuộc được Chúa Kitô thiết lập, Chúa Thánh Thần đi qua phương tiện, (và phương tiện đó) là tác vụ tông đồ". Chính nhờ tác vụ nầy mà linh mục được trao cho quyền thông truyền Chúa Thánh Thần cho các tín hữu, "nhờ qua bởi việc rao giảng có thẩm quyền và đích thực Lời Chúa, qua bởi việc hướng dẫn dân Kitô và qua bởi việc phân phát các bí tích (x. 1 co 4,1); các bí tích nầy là những nguồn mạch ân sủng, nghĩa là nguồn mạch của tác động thánh hóa của Ðấng an ủi. (Bài giảng lễ Hiện Xuống, 25/5/1969).

5. Những hồng ân của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Linh Mục

Chúa Thánh Thần thiết lập lại trong con tim con người sự hòa hợp hoàn toàn với Thiên Chúa và Ngài mở rộng con tim con người đón nhận những chiều kích phổ quát của tình yêu Thiên Chúa, vừa bảo đảm cho con người sự chiến thắng trên Thần dữ. Như thế, Chúa Thánh Thần làm cho con người thay đổi từ việc yêu chính mình đến yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa làm cho con người cảm nghiệm được sự tự do nội tâm và sự bình an, và hướng dẫn con người đến việc biến đổi đời sống mình thành một hồng ân trao ban cho anh chị em. Nhờ qua Bảy Ơn của ngài, Chúa Thánh Thần hướng dẫn kẻ chịu phép Rửa tội đến việc đồng hóa hoàn toàn với Chúa Kitô và đến việc hòa hợp hoàn toàn với những viễn tượng của Nước Thiên Chúa.

Nếu đây là con đường mà trên đó Chúa Thánh Thần lôi kéo một cách tế nhị mọi kẻ đã lãnh bí tích rửa tội đi theo, thì ngài không thể không dành sự chú ý đặc biệt cho những ai đã lãnh nhận Bí Tích Chức Thánh, ngỏ hầu họ chu toàn tác vụ quan trọng của họ, như nó đáng được chu toàn. Như thế, bởi ơn khôn ngoan, Chúa Thánh Thần hướng dẫn linh mục đến việc thẩm định giá trị mọi sự theo ánh sáng của Phúc âm, vừa giúp linh mục đọc trong chính lịch sử đời mình và trong lịch sử của giáo hội, đọc được ý định của Thiên Chúa Cha, ý định huyền nhiệm và đầy tình yêu thương. Bởi ơn thông hiểu, Chúa Thánh Thần cổ võ nơi linh mục một sự thấu hiểu sâu xa hơn về sự thật được mạc khải, vừa thôi thúc linh mục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ tin vui mừng của ơn cứu rỗi; bởi ơn tư vấn, Chúa Thánh Thần soi sáng cho thừa tác viên của Chúa Kitô, ngỏ hầu linh mục biết định hướng những họat động của mình theo những cái nhìn của Chúa Quan Phòng, mà không để mình chịu ảnh hưởng bởi những phán đoán của thế gian; bởi ơn sức mạnh, Chúa Thánh Thần nâng đỡ linh mục trong những khó khăn của tác vụ, vừa ban cho linh mục được sự vững tâm cần thiết để rao giảng phúc âm (x. TÐCV 4,29.31); bởi ơn thông biết, Chúa Thánh Thần làm cho linh mục hiểu và chấp nhận sự hòa lẫn đôi khi huyền nhiệm của những nguyên nhân đệ nhị (của các tạo vật) với Nguyên Nhân Ðệ Nhất (củaThiên Chúa), trong lịch sử vũ trụ; bởi ơn đạo đức, Chúa Thánh Thần làm sống động trong linh mục mối tương quan hiệp thông thân tình với Thiên Chúa và sống phó thác tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài; cuối cùng, bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, ơn cuối cùng trong trật tự Bảy Ơn, Chúa Thánh Thần củng cố trong linh mục ý thức về thân phận mỏng dòn con người của mình và về vai trò cần thiết của ân sủng Thiên Chúa, bởi vì "không phải kẻ trồng có tầm quan trọng, cũng không phải người tưới nước là quan trọng, nhưng là chính Ðấng cho mọc lên, là Thiên Chúa, mới quan trọng" (1 Co 3,7).

6. Chúa Thánh Thần làm cho ta bước vào trong đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa

Và thật là gợi cảm biết chừng nào để tưởng tượng những lời trên được thốt ra từ môi miệng của linh mục đang tiến lên gặp gỡ với Chúa mình, cùng chung với những tín hữu được trao phó cho ngài chăm sóc mục vụ! Linh mục, cùng với các tín hữu, mong ước đạt đến sự hiểu biết thật về Chúa Cha và Chúa Con, và như thế đi từ kinh nghiệm hiểu biết "như trong tấm gương, còn bí ẩn" (1Co 13,12) (đi từ kinh nghiệm hiểu biết) về tác động của Ðấng an ủi trong lịch sử, đến việc chiêm ngắm "diện đối diện" về Thực Tại Thiên Chúa Ba Ngôi hằng sống. Linh mục ý thức rõ ràng mình đang bắt đầu "một cuộc vượt biển bao la nhưng trên những thuyền nhỏ" và tiến về trời "với những đôi cánh nhỏ bé" (S. Grêgorio thành Naziane, Các bài thơ thần học, 1); nhưng linh mục cũng biết rằng mình có thể tin tưởng vào Thánh Thần, Ðấng đã được (Chúa Kitô) trao cho nhiệm vụ giảng dạy tất cả mọi sự cho những đồ đệ Chúa biết (x. Gioan 14,26).

Nhờ đã học biết cách đọc những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong lịch sử bản thân, linh mục, trong mức độ tiến gần đến giờ gặp gỡ cuối cùng với Chúa, làm cho lời cầu nguyện của mình càng ngày càng trở nên khẩn thiết hơn, mạnh mẽ hơn, trong ý định muốn sống phù hợp với một đức tin có suy nghĩ, tin vào thánh ý của Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

Thánh Thần Ðấng an ủi, "chiếc thang làm cho chúng ta được lên đến Thiên Chúa" (St Irtênê, Adv. Haereses, III,24,I) Ngài lôi kéo linh mục đến cùng Thiên Chúa Cha, vừa đặt vào trong con tim linh mục ước muốn mãnh liệt muốn nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa Cha. Chúa Thánh Thần làm cho linh mục biết tất cả những gì liên quan đến Con Thiên Chúa, lôi kéo linh mục đến với Chúa với sức mạnh càng ngày càng mạnh hơn. Chúa Thánh Thần soi sáng linh mục về mầu nhiệm của con người mình, vừa dẫn đưa linh mục đến việc nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần trong tâm hồn mình và trong lịch sử.

Như vậy, giữa những niềm vui và nặng nhọc, những đau khổ và hy vọng của thừa tác vụ, linh mục học biết tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của tình yêu, nhờ vào tác động không thể xóa nhòa đi được của Ðấng an ủi; Ðấng an ủi dẫn đưa giáo hội đến việc sống trọn đầy mầu nhiệm hiệp nhất và sự thật, mặc cho những giới hạn của con người và của các cơ cấu. Bởi thế, linh mục biết rõ rằng mình có thể tin tưởng vào quyền năng của Lời Chúa, quyền năng vượt qua được mọi lời nói con người, và tin tưởng vào sức mạnh của ân sủng, chiến thắng trên những tội lỗi và trên sự thiếu sót của con người. Ðiều nầy làm cho linh mục nên mạnh mẽ, mặc cho sự mõng dòn con người, mạnh mẽ vào lúc gặp thử thách, và sẵn sàng trở lại nơi nhà Tiệc Ly, trong tinh thần; tại nơi nhà Tiệc Ly nầy, linh mục chăm chú cầu nguyện với Mẹ Maria và với các anh chị em mình, và linh mục có thể gặp lại nơi đó sự hăng say cần thiết, để lãnh lấy lại trách vụ nặng nề của việc phục vụ tông đồ.

7. Phủ phục trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần

Trong khi mà vào ngày hôm nay, thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta suy niệm về sự khai sinh chức linh mục của chúng ta, thì mỗi nguời trong chúng ta trở về lại trong tinh thần, trở về với việc hết sức ý nghĩa, là việc nằm phủ phục trên mặt đất, vào ngày chúng ta được thụ phong linh mục. Cử chỉ khiêm tốn sâu xa và vâng phục nầy, là hết sức phù hợp để chuẩn bị tâm trí chúng ta cho việc đặt tay bí tích mà bởi đó Chúa Thánh Thần vào ngự trong chúng ta, để chu toàn tác động của Ngài. Sau giây phút phủ phục như vậy, chúng ta đến quỳ gối truớc vị giám mục, để được phong chức linh mục, rồi chúng ta lãnh nhận từ ngài việc xức dầu đôi bàn tay để cử hành thánh lễ, trong khi đó cộng đoàn hát lời Kinh Chúa Thánh Thần: "Ngài là nguồn mạch sống động, là Lửa, là Tình Bác ái và là sự xức dầu thiêng liêng."

Những cử chỉ đầy ý nghĩa trên, nói lên sự hiện hiện và tác động của Chúa Thánh Thần, mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy trở về lại với kinh nghiệm nầy, để củng cố trong chúng ta những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, điều quan trọng là Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong chúng ta, và rằng chúng ta tiến tới dưới sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần; nhưng còn hơn thế nữa, ước chi chính Chúa tác động qua chúng ta. Khi cơn ám dỗ trở nên mạnh mẽ, và khi sức con người sắp chịu thua, thì đó là lúc chúng ta cần khẩn cầu Chúa Thánh Thần một cách mạnh mẽ hơn nữa, ngỏ hầu Chúa Thánh Thần đến trợ giúp cho sự yếu dưới của chúng ta và ngài giúp chúng ta sống khôn ngoan và mạnh mẽ như Thiên Chúa muốn. Ðiều cần thiết là phải luôn luôn giữ con tim luôn luôn mở rộng đón nhận tác động của ChúaThánh Thần: tác động nầy nâng cao và gia tăng giá trị của những sức lực con người và trao ban cho con người chiều sâu thiêng liêng hướng dẩn con người đến sự hiểu biết và yêu mến Mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa.

Kết thúc bức thơ

Anh em thân mến trong chức linh mục,
Việc long trọng khẩn cầu Chúa Thánh Thần và cử chỉ tượng trưng của lòng khiêm tốn, (tức cử chỉ phủ phục) được thực hiện trong việc phong chức linh mục, là tiếng vọng trong đời sống chúng ta, (tiếng vọng) của lời thưa "Xin Vâng" (Fiat) trong biến cố Truyền Tin. Trong sự thinh lặng của Nazareth, Mẹ Maria càng ngày càng làm cho mình trở nên sẵn sàng hơn để đón nhận thánh ý của Chúa và, nhờ bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria cưu mang Chúa Kitô, sự cứu rỗi của thế giới. Việc vâng phục lúc khởi đầu nầy được kéo dài trong suốt cuộc sống của Mẹ trên trần gian nầy và đạt đến chóp đỉnh của nó dưới chân thập giá.

Linh mục được mời gọi hãy luôn làm cho lời thưa vâng của mình giống như lời thưa vâng của Mẹ Maria, vừa để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như Mẹ ngày xưa vậy. Ðức Nữ Ðồng Trinh sẽ nâng đỡ linh mục trong những chọn lựa sống sự khó nghèo phúc âm và làm cho linh mục biết lắng nghe một cách khiêm tốn và chân thành (lắng nghe) những anh chị em mình, ngỏ hầu nhìn thấy trong những khó khăn cũng như trong những khát vọng của anh chị em, (nhìn thấy) "những tiếng rên siết của Thánh Thần" (x. Rom 8,26). Mẹ Maria sẽ làm cho linh mục có khả năng phục vụ anh chị em với một sự tế nhị được soi sáng, để giảng dạy cho anh chị em biết những giá trị phúc âm (x. Col 3,1), và để trở thành người chứng có xác tín về chổ đứng thứ nhất củaThiên Chúa.

Ðúc Nữ đồng trinh sẽ giúp cho linh mục lãnh nhận hồng ân Khiết Tịnh như là một lời biểu lộ cho một tình yêu to lớn hơn, mà Chúa Thánh Thần khơi dậy, ngỏ hầu sinh nhiều anh chị em vào đời sống thần linh. Mẹ Maria sẽ hướng dẫn linh mục trên những nẻo đường của sự vâng phục phúc âm, ngỏ hầu người linh mục để mình cho Ðấng an ủi hướng dẫn, vượt qua những sự án riêng, mà tiến đến một sự gắn bó hoàn tòan với những tư tưởng của Thiên Chúa.

Ðược Mẹ Maria đồng hành bên cạnh, linh mục sẽ canh tân mỗi ngày việc thánh hiến của mình, cho tới khi mà, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ðấng được khẩn cầu với lòng tin tưởng trên con đường nhân bản và tu đức linh mục, người linh mục được đi sâu vào trong biển ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến. Xin hãy đến làm cho việc phục vụ của chúng ta cho Thiên Chúa và cho anh chị em, được sinh nhiều hoa trái.

Lặp lại với anh em lòng quý mến của tôi và cầu chúc cho anh em được Thiên Chúa cũng cố trong tác vụ, tôi xin trao ban cho tất cả Phép Lành Tòa Thánh.


Back to Radio Veritas Asia Home Page