Bài phỏng vấn Ông Mikhail Gorbachiov, cựu chủ tịch Liên Xô và cũng là nhân vật cộng sản đã mở một con đường mới để nhân đạo hóa chế độ cộng sản. Ông đã dành cho báo La Stampa, xuất bản ngày 22.01.98 tại Torino, miền bắc Italia, nhân dịp bàn về chuyến thăm Cuba của ÐTC. Bài phỏng vấn được đăng với tựa đề lớn là: "Các Ông sẽ thấy, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ thay đổi Castro".
Cuộc phỏng vấn xẩy ra trong lúc các đài truyền hình chiếu về chuyến lên đường của ÐTC tại phi trường quốc tế Roma. Tại Moscowa, chuyến viếng thăm này, theo báo La Stampa, được theo dõi hơn các nơi khác, dĩ nhiên được Cựu chủ tịch Nhà Nước Liên Xô lưu ý cách đặc biệt hơn. Từ ngày gặp ÐTC tại Vatican, ông Gorbachiov đã trở nên như người bạn thân của ÐTC và sau đó, ông còn gặp ÐTC nhiều lần khác nữa, mỗi khi có dịp tới Roma.
Và sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn từ Moscowa, được nhật báo La Stampa đăng lại. Bên cạnh bài, có đăng hình ông Gorbachiov được ÐTC tiếp kiến sau khi không còn là chủ tịch Nhà Nước Liên Xô nữa.
La Stampa - Thưa ngài, nhiều người nhìn vào ÐTC Gioan Phaolô II như một vị đã góp phần quyết định vào việc sụp dổ chế độ cộng sản. Và có người nhìn vào chuyến viếng thăm Cuba như một ấn tín cuối cùng kết thúc công việc. Nói tóm lại, đây là dấu hiệu báo rằng Fidel nay đã đi vào cuối đời. Ngài nghĩ gì về việc giải thích này?
Gorbachiov - Tôi nghĩ là người ta không nên gán cho Ðức Giáo Hoàng loại công trạng này. Những công trạng như vậy, trái lại không đề cao hình ảnh của ngài, mà còn giảm bớt, nếu chúng ta để ý thấy rõ công việc. Tôi nhìn nơi ngài là một nhà nhân bản, hiểu sâu xa những thảm trạng của chế độ cộng sản, hiểu rõ những lý do của sự thoái hóa chủ nghĩa này. Nhưng ngài cũng là con người hiểu rất nhiều thực tại của một thứ chế độ tư bản kia, hiểu tính cách tàn bạo và sự trống rỗng của nó: thuyết duy vật thực tiễn, thực ra không tốt lành gì hơn thuyết duy vật duy lý,... Tôi thấy nơi ngài một người bênh vực các quyền của cá nhân, các quyền của sự sống con người. Ngài muốn rằng trên thế giới này ít người nghèo khổ hơn, ít người đói rách hơn, ít bệnh tật hơn, ít những bất công hơn".
La Stampa - Có người giải thích ngược lại: Ông Fidel Castro sẽ là người hưởng được lợi ích hơn từ chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng tại Cuba. Trong ý nghĩa này, lãnh tụ Fidel Castro sẽ hãnh diện vì không sợ hãi gì cả, trái lại đã mở cửa cho ÐTC Gioan Phaolô II, đã trao chìa khóa nhà minh cho ngài. Và ông cũng sẽ có thể quả quyết: những ai nói tại Cuba không có tự do căn bản, kể cả tự do tôn giáo, là không đúng sự thực. Các Mass-media Hoa Kỳ đến đông đảo. Như vậy khó tiếp tục tuyên truyền rằng Cuba đóng kín. Nói tóm lại: có thể nói chuyến viếng thăm là một thành công tốt trong nước và một tác động có ý nghĩa bên ngoài Cuba, hay không?
Gorbachiov - Ðối với tôi đây là những chuyện phiếm cũ rích của quá khứ, như thời chiến tranh lạnh vậy. Ðây là chuyện khai quật những xác chết chỉ còn là những bộ xương... Nguời ta đo lường tất cả xem ai thắng và thắng lợi bao nhiêu, như trong trận đấu: ai phải thắng và ai phải bại. Trái lại, tôi nghĩ rằng, đây là lúc người ta cần nhìn vào sự việc với con mắt thoát li khỏi mọi màng lưới của quá khứ; và người ta sẽ có thể thấy ngay rằng đây là một biến cố vĩ đại".
La Stampa - Vậy là một biến cố lịch sử, như hầu hết mọi người nói và viết lên như vậy?
Gorbachiov - Ðúng như vậy. Chúng ta phải nghĩ rằng không phải mọi người lo đến chính trị; không phải mọi người, mà chỉ có một thiểu số rất nhỏ mà thôi, sẽ đo lường được biến cố này theo những danh từ chính trị, thậm chí theo cả danh từ kỹ thuật. Phần lớn thế giới, từng trăm triệu con người trên cả thế giới, sẽ sống như một biến cố luân lý, đạo đức, hơn là một biến cố chính trị. Từng trăm triệu con người sẽ hiểu rằng: ÐTC Gioan Phaolô II đã đến Cuba để nói cho thế giới biết cần phải chấm dứt cảnh cô lập của xứ sở này, với lệnh cấm vận, với những trừng phạt. Ðây là biến cố sẽ tồn tại mãi trong lịch sử. Những khổ nhọc của các nhà chính trị là những điều nhỏ nằm ở ngoài lề. ÐTC Gioan Phaolô II đem đến hòa bình. Cần phải nghiêng mình trước cử chỉ này, trước sự lựa chọn này".
La Stampa - Và những lý do của Fidel Castro, thì sao? có phù hợp với những điều này không?
Gorbachiov - Tôi tin chắc rằng trong đầu óc người dân Cuba và cả trong đầu óc của Fidel Castro nữa, chính những tư tưởng này đang chuyển động; những tư tưởng này đang đánh động tôi và anh nữa (người phỏng vấn) và biết bao người khác trong giai đoạn chuyển tiếp này, trong đó biết bao sự chắc chắn đã tiêu tan đi mà không được thay thế bởi những chắc chắn mới. Và nếu trong bầu khí mới, các sự kiện cụ thể của việc hòa hoãn tiếp theo, vậy thì chúng ta phải cảm ơn ai đã có can đảm khởi động những bước tiến này".
La Stampa - Ngài nghĩ bầu khí này sẽ đi đến chỗ gây ảnh hưởng dứt khoát trên thái dộ của chính phủ Hoa Kỳ không?
Gorbachiov - Tôi không hồ nghi chút nào. Trước hết bầu khí này sẽ gây ảnh hưởng ngay trên cấp lãnh đạo Cuba. Chính sự kiện của chuyến viếng thăm, được Fidel Casro đã tính toán cẩn thận, không những đem lại tác hiệu tức khắc , mà cả những hậu quả lâu dài hơn trên tình hình trong nước. Ðối với những gì liên hệ đến Washsington, tôi có cảm giác này là trong những ngày tới đây họ khó có thể bưng mắt, bịt tai được. Trái lại tôi nghĩ rằng Tổng Thống Clinton nhận thấy mình được tặng một cơ hội thuận tiện để làm một cử chỉ tương xứng với tầm mức quan trọng của chuyến viếng thăm này và cũng là một chuyến viếng thăm nhìn xa thấy rộng".
La Stampa - Như vậy, theo ánh sáng của các phê phán của ngài, tôi có thể đi đến kết luận này là ngài đã có lý, khi ngài hết sức tránh việc phê bình, chỉ trích Fidel Castro, phải vậy không? Ngài đã chờ đợi đến lúc chính Ông sẽ phải hoặc sẽ muốn làm một cử chỉ chính xác?
Gorbachiov - "Trước hết tôi muốn trả lời câu hỏi của anh là không bao giờ tôi muốn nói lên một lời nào, dù cách gián tiếp, thiếu sự trọng kính đối với dân tộc Cuba. Cuộc cách mạng của họ là một cuộc cách mạng thực sự, được người dân sống, ủng hộ và hiểu biết. Một hành động giải phóng tập thể khỏi một chế độ tham nhũng thối nát và tàn bạo, không phải là một cuộc đảo chính. Tôi đã chứng kiến những thành công xã hội đã được thực hiện đưới sự lãnh đạo của Fidel Castro. Yên lặng hoặc không muốn biết đến điểm nầy tức là xúc phạm đến sự thật. Tôi cũng thấy rằng đã đến lúc cứu xét lại nhiều sự và tái nhận Cuba vào trong trào lưu của thế giới, trong đó các tiến trình dân chủ đã và đang tiến bước tại nhiều miền. Ðiều này sẽ ở trong sự lưu ý của người dân Cuba, của Châu Mỹ và của mọi người".