ÐTC tiếp Ủy Ban Quốc Tế liên lạc giữa Công Giáo và Do Thái.
Vatican - 26.03.98 - "Một dấn thân cho việc đối thoại đích thực được ăn rễ sâu trong một tình yêu mến thành thực đối với chân lý và trong sự cởi mở với tất cả các thành viên của đại gia đình nhân loại, (sự dấn thân nầy) vẫn là con đường thứ nhất và cần thiết để tiến đến hòa giải và hòa bình mà thế giới hiện nay đang cần đến".
Ðó là những lời ÐTC Gioan Phaolô II nhắc lại sáng thứ Năm 26.03.98, trong buổi tiếp Ủy Ban quốc tế liên lạc giữa Công Giáo và Do Thái, hội họp trong những ngày này tại Cư Xá Santa Marta trong Nội Thành Vatican. Ðề tài của cuộc gặp gỡ lần thứ 16 này của Ủy Ban liên lạc là: "Làm thế nào để giáo dục mình về những truyền thống của hai bên, dù có những thành kiến, những hiểu lầm và cả những thù địch nữa... tiếc thay vẫn còn cho tới nay và thường có nguồn gốc trong sự không biết nhau".
Tham dự cuộc gặp gỡ này có các tổ chức Do Thái khác nhau (trong đó có Tổ Chức Do Thái Thế Giới) và về phía Giáo Hội Công Giáo, có Ủy Ban Tòa Thánh về các mối quan hệ với Do Thái giáo; Ủy Ban nầy nằm trong Hội Ðồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
ÐTC công nhận rằng: trong 25 năm thành lập, Ủy Ban Quốc Tế liên lạc này đã góp công vào việc làm tốt đẹp thêm mãi các mối quan hệ giữa người Công Giáo và Do Thái. Ngài nói: "Những tiến bộ đã đạt được cho thấy những hứa hẹn lớn lao từ cuộc đối thoại giữa hai cộng đồng". Ngỏ lời riêng với các vị tham dự cuộc gặp gỡ, ÐTC xác nhận rằng: "Công việc của các Vị cũng là một dấu hiệu của hy vọng cho thế giới bị ghi dấu bởi các cuộc tranh chấp và chia rẽ, tiếc thay tất cả thường được nuôi dưỡng bởi tư lợi kinh tế hoặc chính trị".
ÐTC Gioan Phaolô II nhắc lại cách riêng những đồng quan điểm quan trọng trong sự hiểu rõ của Công Giáo và Do Thái về gia đình, như nền tảng của xã hội, và sự đào sâu "cái nhìn theo Thánh Kinh về việc tạo dựng của Thiên Chúa", với những hậu quả đối với việc đánh giá về phẩm chức con người và về trách nhiệm đối với môi sinh thiên nhiên".
Trong phần kết, ÐTC nói: "Các bạn thân mến, ước gì cuộc hội họp này của các bạn có thể mở ra những con đường luôn luôn hiệu nghiệm hơn để làm cho các người Công Giáo cũng như các người Do Thái nhận biết và đánh giá những tiến bộ ý nghĩa trong sự thông cảm và cộng tác với nhau giữa hai cộng đồng chúng ta".
Thêm một cuốn sách về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ được xuất bản tại Mỹ.
New York - Hoa Kỳ [Apic 30/03/98] - "Vị Giáo Hoàng Vô Danh": đó là tựa đề của một cuốn sách mới về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ ra mắt độc giả trong tương lai gần đây. Tác giả của cuốn sách là ông Darcy O'Brian nêu bật tầm quan trọng của tình bạn giữa Ðức Karol Wojtyla và người bạn học Do Thái lúc thiếu thời tại Wadowice là Jerzy Kluger. Theo tác giả, tình bạn này đã một phần nào ảnh hưởng trên chính mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và thế giới Do Thái.
Theo cuốn sách, ông Jerzy Kluger đã thực hiện nhiều công tác bí mật được chính Ðức Gioan Phaolô II yêu cầu để thiết lập liên lạc với chính quyền Israel.
Phát biểu trên báo "New York Times" hồi cuối tuần qua, ông Jerzy Kluger tuyên bố rằng: "Những người tại Vatican không biết người Do Thái cũng như các vị Giáo Hoàng trước đây không hề biết người Do Thái. Vị Giáo Hoàng này là bạn của người Do Thái, vì ngài biết họ. Ngài đã lớn lên với họ tại Wadowice".
Wadowice, nơi ÐTC Gioan Phaolô II đã lớn lên, có khoảng 2,000 người Do Thái và 8,000 người Công Giáo. Theo ông Kluger, tất cả đều cùng học, cùng chơi và cùng làm việc với nhau. Ông nói rằng ÐTC Gioan Phaolô II rất đau lòng vì những gì xảy ra cho người Do Thái dưới thời Ðức Quốc Xã.
Giáo Hội Công Giáo Slovak xin lỗi Do Thái Giáo.
(AFP 27/03/98) - Slovak (Bratislava) - Giáo Hội Công Giáo Slovak đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng Do Thái Giáo về vai trò của phía người Công Giáo Slovak trong vụ thảm sát người Do Thái trong thời Thế Chiến thứ hai.
Trong một thông cáo công bố tại thủ đô Bratislava hôm thứ Năm 26/03/98, các giám mục Slovak ghi nhận rằng họ không thể chối bỏ sự kiện việc trục xuất và sát hại người Slovak gốc Do Thái ngay tại quốc gia này với sự tham dự của một số người theo Ðức Quốc Xã, và người Slovak chỉ thinh lặng đứng nhìn. Bản thông cáo bày tỏ hy vọng rằng lời xin lỗi này sẽ được người Do Thái chấp nhận như là một cử chỉ thống hối. Năm 1990 trước khi Cộng Hòa Czech và Slovak tách rời nhau, Hội Ðồng Giám Mục Tiệp Khắc lúc đó cũng bày tỏ sự thống hối qua một thông cáo tương tự.
Ông Josef Weiss, một lãnh tụ Do Thái Giáo tại Slovak cho rằng hành động mới này của các giám mục Slovak là một bước đi theo đúng đường hướng. Ngoài ra ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với các tín hữu Kitô Giáo Slovak đã hy sinh tánh mạng, sự an toàn của riêng họ cũng như của gia đình, để cứu những người Do Thái khỏi tay Ðức Quốc Xã thời đó.