Bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh "Công Lý và Hòa bình" về Văn Kiện mới được trình bày với giới báo chí sáng thứ Ba 13 tháng Giêng năm 1998.
Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận là một vị Giám Mục được biết đến nhiều tại Việt Nam và ngoại quốc. Ngài làm Giám Mục Nha Trang từ năm 1967; sau đó thăng Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Tổng Giáo Phận Saigon. Sau khi Saigon thất thủ (30.04.1975), Ðức Tổng Giám Mục bị Nhà Nước Cọng sản Việt Nam giam tù từ ngày 15 tháng 8 năm 1975 và được trả tự do ngày 21 tháng 11 năm 1988. Sau thời gian tạm trú tại Tòa Tổng Giám Mục Hà nội, Nhà Nước trục xuất khỏi nước. Ngài sang Roma nghỉ thời gian. Sau đó, ÐTC bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình. Ngoài công việc của Bộ, ngài thường được mời đi giảng hoặc diễn thuyết tại nhiều nơi: Pháp, Hoa Kỳ, Ðức, Thụy Sĩ , Ý. Trước Lễ Giáng Sinh, ngài được mời đến Paris diễn thuyết cho Hội Luật Gia Công Giáo, cho sinh viên Phân Khoa Luật và cho Hội Bác Sĩ Raoul Follereau tại Ðại Học Sorbonne, nhân dịp kỷ niệm 20 năm qua đời của Vị Tông Ðồ các người phong cùi.
Nhân dịp trình bày Văn Kiện quan trọng của Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình, ngài cho phép Bản Ðài phỏng vấn về tài liệu mới này.
Veritas - Kính thưa Ðức Cha, chúng con được biết hôm 13 tháng Giêng, ở Phòng Báo Chí Tòa Thánh có cuộc họp báo, do Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình, chủ tọa. Xin Ðức Cha cho chúng con biết nội dung của cuộc họp báo quan trọng này.
Ðức Tổng Thuận - Cuộc họp báo này nhằm trình bày một Văn kiện của Tòa thánh, do Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình soạn thảo. Chủ đề của Văn Kiện là "Ðể phân chia đất đai một cách tốt đẹp hơn". Vì đây là một vấn đề xã hội, công bình; nên thuộc chức năng của Bộ Công Lý và Hòa bình.
Veritas - Vấn đề này có liên quan gì với Năm Thánh 2000 không?
Ðức Tổng Thuận - Mặc dù là vấn đề của Bộ Công Lý và Hòa bình xử lý, nhưng nguồn gốc của nó về mặt tinh thần lại thuộc Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh. Lý do là vì trong Cựu Ước, vấn đề phân chia đất đai là nguồn gốc của một tổ chức xã hội rất đặc biệt, đó là Năm Toàn Xá, quen gọi là Năm Thánh. Tổ chức này trong Thánh Kinh nhằm thực hiện một cách cụ thể chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa trong tạo vật; theo chương trình ấy quả đất này và các kho tàng của nó phải được coi như là của chung của toàn thể nhân loại. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày lại trong Tông Thư "Tiến đến Ngàn Năm thứ ba" (số 13) tinh thần và truyền thống quý đẹp ấy của Thánh Kinh truyền lại. Do đó Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình đã nhận thấy mình có nhiệm vụ soạn thảo một văn kiện, hầu giúp cho con đường tiến lên Năm 2000 toàn thể Giáo Hội được có một sự chuẩn bị vừa phong phú vừa chứa đựng nhiều đòi hỏi về mặt đạo đức.
Veritas - Khi nghe nói đến những danh từ như "Cải cách ruộng đất", nhiều người không tin tưởng, vì có nhiều nước trên thế giới đã thất bại trong việc này?
Ðức Tổng Thuận - Tôi công nhận là có, nếu hiểu là lấy đất đai của người sở hữu đem chia cho nông dân, thì thật quá đơn giản. Vì thế phần thứ nhất của Văn kiện, từ số 4 đến số 21, trình bày một số trường hợp tiêu biểu: tập trung đất đai trong tay một số nguời hay phân chia manh mún không khoa học, không nâng đỡ mặt xã hội; lại còn phải lưu ý cái khâu tổ chức, cơ cấu làm nặng nề và ngăn cản việc thực hiện cải cách đất ruộng đứng đắn. Muốn được vậy cần phải có đường hướng rõ ràng, phần thứ hai của Văn Kiện từ số 22 đến số 41, nhằm suy dẫn Thánh Kinh và Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội. Ðây là chìa khóa để hiểu vấn đề và thực hiện đúng mức. Phần thứ ba tập trung vào các nền tảng luân lý và văn hóa để thực hiện cuộc phân chia lại đất đai có kết quả.
Veritas - Làm sao cho việc tái phân chia đất đai có kết quả?
Ðức Tổng Thuận - Phải nghiên cứu những đòi hỏi về công lý của dân chúng và đáp ứng những đòi hỏi này để đưa đến một mức độ phát triển vững chắc. Phải hành động một cách có hệ thống và đồng bộ. Phải áp dụng một số yếu tố cần thiết, chẳng hạn phải huấn luyện nghề nghiệp cho người nông dân xử dụng tín dụng; phải thăng tiến vai trò của người phụ nữ. Văn kiện đề cập đến đường lối đổi mới, để chuyển động từ được các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị. Văn kiện cũng không quên nhắc đến vấn đề khoa học, kỹ thuật, vấn đề giáo dục nhất là dành cho người nghèo và phụ nữ, những thành phần thường chịu nhiều thiệt thòi.
Veritas - Nhìn chung cả Văn Kiện, Ðức Cha có cảm tưởng thế nào?
Ðức Tổng Thuận - Văn Kiện này là tiếng nói "chung" thay cho nhiều tiếng nói "riêng" của các Giáo Hội địa phương, mỗi ngày phải đương đầu với nhiều vấn đề gay cấn về đất đai. Ðây cũng là một "thách đố về cải cách đất đai", vì danh từ này đã trở thành một viễn tưởng (utopia); nhưng là một thách đố kêu gọi đến trách nhiệm của nhiều người. Qua Văn kiện càng thấy rõ sự lo lắng của Giáo Hội, của Ðức Thánh Cha đối với các người nghèo khổ.
Veritas - Ðức Cha có dự cuộc họp báo không?
Ðức Tổng Thuận - Không. Tôi phải đi ra sân bay gấp, để đi giảng ở Washington và sẽ trở về kịp, trước khi Ðức Hồng Y Etchegaray tháp tùng Ðức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba. Một chuyến đi được nhiều người chờ đợi, cầu nguyện, một chuyến đi được báo chí đề cập đến sôi nổi nhất; nhưng tôi tin chắc cũng như năm vừa rồi, những chuyến đi đến những nơi sôi bỏng nhất, người ta bảo là không thể vượt qua, như Sarajevo, Liban v.v... chuyến đi mà người ta cho là khó kết quả, như Ðại Hội giới trẻ ở Paris, thì như điện thư của Ðức Hồng Y Lustiger gửi cho tôi: "Ðã vuợt quá hy vọng của con người".
Veritas - Chúng con xin cảm ơn Ðức Cha đã dành thì giờ quí báu, để thính giả của Ðài biết đến Văn Kiện mới của Tòa Thánh. Chúng con xin chúc Ðức Cha nhiều thành công trong sứ vụ tông đồ.
Ðức Tổng Thuận - Xin cảm ơn và hẹn gặp lại dịp khác.
Radio Veritas, ngày 14/01/1998