Sứ Ðiệp Mùa Chay 1998

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp Mùa Chay 1998.

"Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, bởi vì khi Ta nghèo khổ và bị loại ra ngoài lề, anh em đã tiếp rước Ta."

Sứ điệp của ÐTC cho Mùa Chay năm nay, 1998, đã được ký nhận ngày 9 tháng 9 năm 1997 vừa qua. Nhưng chỉ được công bố cho giới báo chí hôm ngày 18 tháng 2 năm 1998 nầy mà thôi. Ðây, chúng ta hãy đọc qua bản dịch tiếng Việt như sau:

1. Anh chị em rất thân mến,
Mỗi năm Mùa Chay làm cho chúng ta được hiện diện với Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Ðấng được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào sa mạc" (Luc 4,1): với kinh nghiệm đặc biệt sống trong sa mạc nầy, Chúa Giêsu làm chứng cho sự tin tưởng phó thác hoàn toàn của Ngài vào Thánh Ý của Thiên Chúa Cha. Giáo Hội cống hiến cho các tín hữu thời gian phụng vụ Mùa Chay nầy, ngỏ hầu các tín hữu được canh tân trong nội tâm nhờ qua Lời Chúa và có thể diễn tả trong đời sống tình yêu thương mà Chúa Kitô đổ tràn xuống tâm hồn những ai tin vào Ngài.

Chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh 2000, Giáo Hội trong năm nay chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Thánh Thần. Giáo Hội để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình vào trong sa mạc, để cùng với Chúa Giêsu cảm nghiệm sự mỏng dòn của tạo vật, nhưng đồng thời cũng cảm nghiệm được Thiên Chúa Ðấng Cứu Rỗi hiện diện gần kề bên cạnh. Tiên tri Osêa đã viết như sau: Ta sẽ lôi kéo Israel vào trong sa mạc và sẽ nói với tâm hồn nó" (Osea 2,16). Như thế Mùa Chay là một cuộc hành trình thực hiện việc ăn năn trở lại trong Chúa Thánh Thần, để gặp được Thiên Chúa trong cuộc sống. Thật vậy, sa mạc là nơi khô cằn và chết chóc, đồng nghĩa với cô đơn, nhưng sa mạc cũng là nơi sống tùy thuộc vào Thiên Chúa, nơi sống trong thinh lặng và là nơi của những điều thiết yếu. Ðối với người Kitô, kinh nghiệm sa mạc có nghĩa là đích thân cảm nghiệm được chính sự nhỏ nhoi của mình trước mặt Thiên Chúa, và như thế trở nên nhạy cảm hơn với anh chị em nghèo cùng bên cạnh.

2. Năm nay tôi muốn đề ra cho tất cả mọi tín hữu suy tư những lời lấy ra từ Phúc Âm theo thánh Mathêu: Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, bởi vì khi Ta nghèo đói, bị loại ra ngoài lề, thì chúng con đã tiếp rước Ta." (x. Mt 25,34-36).

Sự nghèo cùng có nhiều ý nghĩa. Nghĩa thông thường nhất là sự thiếu thốn những phương tiện vật chất cần thiết. Sự nghèo cùng nầy, đối với nhiều anh chị em chúng ta trong cảnh cùng cực, là một gương mù. Nó có nhiều hình thừc và có liên hệ với những hiện tương đau thương khác nhau như sau: sự thiếu thốn những phương tiện sinh sống cần thiết và thiếu những chăm sóc y tế căn bản; sự thiếu một căn nhà để sống hay có nơi sinh sống không phù hợp, dẫn đến hậu quả là những cảnh sống chung chạ nam nữ; việc những kẻ yếu thế nhất bị loại ra bên lề xã hội, và việc những kẻ thất nghiệp bị loại ra bên lề công cuộc sản xuất; sự cô đơn của những ai không có bất cứ người nào để nương tựa; cảnh sống tị nạn xa khỏi chính quê hương của mình và cảnh sống nạn nhân của chiến tranh hay nạn nhân của những vết thương chiến tranh; sự bất công trong việc trả lương; sự thiếu vắng sự nâng đỡ của gia đình dẫn đưa đến hậu quả trầm trọng là thuốc phiện và bạo lực. Sự thiếu thốn những phương thế cần thiết để sống, làm cho con người chịu tủi nhục: đây là một thảm cảnh mà trước nó lương tâm của một người có khả năng can thiệp trợ giúp, không thể nào sống lảnh đạm làm ngơ đi được. Còn có một sự nghèo cùng khác cũng trầm trọng không kém: nó hệ tại trong sự thiếu thốn không phải những phương tiện vật chất, nhưng thiếu lương thực thiêng liêng, thiếu sự đáp trả cho những nhu cầu thiết yếu, thiếu niềm hy vọng cho cuộc sống. Sự nghèo cùng nầy liên quan đến tinh thần, khơi lên những đau khổ hết sức trầm trọng. Chúng ta nhìn thấy trước mắt những hậu quả, thường bi thảm, của một đời sống không có ý nghĩa. Hình thức nghèo khổ nầy được thể hiện nhất là nơi những môi trường, trong đó con người sống trong sự sung túc vật chất, có đầy của cải vật chất, nhưng thiếu định hướng tinh thần. Ở đây được xác nhận Lời Chúa nói trong sa mạc như sau: Con nguời không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi, nhưng còn do mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Trong tận thâm tâm mình, con người cần có ý nghĩa sống, cần có tình thương. Nguời ta đáp lại sự nghèo khổ tinh thần nầy bằng lời rao giảng, được thể hiện trong việc làm, rao giảng Phúc Âm có sức cứu rỗi, có sức mang đến ánh sáng cả trong bóng tối của đau khổ, bởi vì Phúc Âm đó thông truyền tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cuối cùng, chính sự đói khát Thiên Chúa làm cho con người bị tiêu hao: nếu không có sự an ủi đến từ Thên Chúa, thì con người cảm thấy mình bị bỏ rơi bơ vơ, nghèo khổ vì thiếu đi nguồn mạch ban sự sống đích thực.

Luôn luôn, Giáo Hội chiến đấu chống lại mọi hình thức của sự nghèo cùng, bởi vì Giáo Hội là người mẹ và quan tâm sao cho mọi người có thể sống trọn vẹn phẩm vị làm con cái Thiên Chúa. Mùa Chay là thời gian đặc biệt được dành để nhắc cho mọi thành phần của giáo hội nhớ lại sựÏ DẤN THÂN CỦA HỌ ÐỂ PHỤC VỤ CHO ANH CHỊ EM.

3. Kinh Thánh luôn luôn nhắc đến sự chăm sóc cho người nghèo, bởi vì chính Thiên Chúa hiện diện trong người nghèo: "Ai làm việc lành bác ái cho người nghèo, thì người đó như cho Thiên Chúa vậy, và Ngài sẽ trả lại cho" (Châm ngôn 19,17). Mạc khải của Tân Ước dạy chúng ta đừng khinh thị người nghèo, bởi vì Chúa Kitô đồng hóa mình với người nghèo đó. Trong xã hội giàu sang, và trong một thế giới càng ngày càng bị ghi dấu bởi chủ nghĩa duy vật thực tiển trong mọi lảnh vực của cuộc sống, chúng ta không thể nào quên những lời mạnh mẽ Chúa Giêsu dùng để cảnh tỉnh những người giàu có (x. Mt 19,23-24; Lc 6,24-25; Lc 16,19-31). Một cách đặc biệt, chúng ta không thể quên rằng Chính Ngài đã trở nên nghèo khó, ngỏ hầu chúng ta trở nên "giàu có nhờ qua sự nghèo cùng của Chúa" (2Co 8,9). Con Thiên Chúa đã tự hủy chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ, hạ mình sống vâng phục cho đến chết, và chết trên thặp giá" (Phil 2,7-8). Việc mặc lấy thân phận con người trong tất cả mọi chiều kích của nó, kể cả sự nghèo cùng, đau khổ và cái chết, làm cho mỗi người có thể gặp lại được chính mình trong Chúa Kitô. Khi trở nên nghèo, Chúa Kitô đã muốn đồng hóa mình với người nghèo. Vì thế, trong phán xét cuối cùng, mà những lời của cuộc phán xét đó soi sáng cho chủ đề của sứ điệp mùa chay nầy, chúng ta nghe thấy Chúa Kitô chúc phúc cho kẻ nhìn ra Chúa trong người nghèo cùng: Mỗi lần chúng con làm những điều nầy cho một trong những kẻ nhỏ nhất của những anh em ta đây, thì đó là chúng con đã làm cho Ta" (Mt 25,40). Vì thế, ai yêu mến Thiên Chúa thật sự, thì tiếp rước người nghèo. Thật vậy, người đó biết rằng Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận nghèo cùng nầy và Ngài đã làm như vậy để được liên đới với con người cho đến cùng. Sự tiếp rước người nghèo là dấu chỉ cho sự đích thực của tình yêu thương đối với Chúa Kitô, như thánh Phanxicô đã làm chứng cho thấy, khi ngài cúi mình hôn người phong cùi, bởi vì ngài nhìn thấy Chúa Kitô đau khổ nơi người đó.

4. Mỗi người Kitô đều cảm thấy mình được mời gọi đến chia sẽ nổi khổ cực và sự khó khăn của kẻ khác; trong người anh chị em đó có Thiên Chúa ẩn mình. Nhưng việc mở rộng tâm hồn đáp lại những nhu cầu của anh chị em, đòi buộc ta phải có một sự chấp nhận thành thật. Và điều nầy chỉ có thể làm được, nhờ một thái độ sống nghèo trong tinh thần. Thật vậy, không phải chỉ có sự nghèo cùng, như là dấu chỉ tiêu cực. Còn có sự nghèo cùng được Thiên Chúa chúc phúc. Phúc Âm gọi sự nghèo cùng đó là Phúc Lành của Thiên Chúa (Mt 5,3). Nhờ sự nghèo khó phúc lành nầy, mà người Kitô nhìn nhận rằng ơn cứu rỗi của chính mình chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi, và làm cho mình trở thành sẵn sàng tiếp đón và phục vụ người anh chị em, và nhìn nhận người anh em đó cao trọng hơn mình (Phil 2,3). Thái độ sống sự khó nghèo tinh thần là hoa trái của một tâm hồn mới mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và trong mùa chay nầy, hoa trái đó phải chính mùi nhờ qua những thái độ sống cụ thể, như tinh thần phục vụ, sự sẵn sàng mưu tìm điều tốt cho người khác, ý chí sống hiệp thông với người anh em, sự dấn thân chiến đấu chống lại sự kiêu ngạo làm cho chúng ta sống đóng kín trước người lân cận. Bầu khí đón nhận nầy lại càng trở nên cần thiết hơn nữa, khi chúng ta chứng kiến trong thời đại ngày nay những hình thức khác nhau của sự khước từ kẻ khác. Những hình thức khước từ đó được thể hiện một cách trầm trọng nơi vấn đề hằng triệu anh chị em tị nạn và di dân, trong hiện tượng bất bao dung chủng tộc, cả bất bao dung đối với những người chỉ có một lỗi lầm duy nhất là đi tìm việc làm và tìm những điều kiện sống tốt hơn bên ngoài quê hương của họ, với niềm lo sợ đối với tất cả những gì là khác biệt và do đó được xem như là một sự hăm dọa. Như thế Lời Chúa có được tính cách thời sự mới trước những nhu cầu của biết bao người đang cần có nhà ở, đang phải tranh đấu để có một chổ làm việc, đang đòi cho con cái của họ được giáo dục. Sự tiếp đón đối với những anh chị em thiếu thốn nầy là một thách thức cho cộng đoàn Kitô, một cộng đoàn Kitô không thể nào không cảm thấy mình phải dấn thân làm sao để mỗi người có thể gặp được những điều kiện sống tương xứng với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Tôi khuyến khích mọi người Kitô, trong thời gian mùa chay nầy, hãy chứng tỏ cho thấy sự trở lại của chính họ bằng một dấu chỉ cụ thể của tình yêu thương đối với người anh chị em túng thiếu, vừa nhìn nhận nơi họ dung mạo của Chúa Kitô đang lặp lại cho họ nghe diện đối diện, những lời sau đây: Ta nghèo khổ, bị loại ra bên lề, và con đã tiếp đón ta".

5. Chính nhờ sự dấn thân nầy mà ánh sáng niềm hy vọng được thắp lên cho nhiều người. Khi Giáo Hội cùng với Chúa Kitô phục vụ cho người nghèo, thì Giáo Hội làm cho nhiều tâm hồn được mở mắt ra để nhìn thấy, bên kia sự dữ và đau khổ, bên kia tội lỗi và cái chết, (nhìn thấy) một niềm hy vọng mới. Thật vậy, những sự dữ đang gây phiền toái cho chúng ta, tính cách bao la của những vấn đề gặp phải, con số đông những người đau khổ, tất cả những điều đó làm cho ta nhìn thấy giới hạn không thể vượt qua được, xét trên bình diện con người. Giáo Hội cống hiến sự trợ giúp của mình, và cả sự trợ giúp vật chất nữa, để làm nhẹ bớt những khó khăn trên, nhưng Giáo Hội biết rằng mình có thể và phải đóng góp nhiều hơn nữa: điều mà người ta chờ đợi nhiều nhất nơi Giáo Hội là mang đến Lời hy vọng. Nơi đâu mà những phương tiện vật chất không có thể làm nhẹ đi sự khốn cùng, chẳng hạn như trong trường hợp gặp phải những bệnh tật thể xác hay tinh thần, thì ở đó Giáo Hội rao giảng cho người nghèo niềm hy vọng đến từ Chúa Kitô. Trong thời gian chuẩn bị lễ Phục Sinh, tôi muốn lặp lại lời rao giảng niềm Hy Vọng. Trong năm mà Giáo Hội dành cho nhân đức hy vọng để chuẩn bị cho đại năm thánh 2000, tôi xin lặp lại cho tất cả mọi người, nhưng nhất là cho những ai cảm thấy mình nghèo cùng, cô đơn, đau khổ, bị loại ra ngoài lề, lặp lại những lời của bài ca tiếp liên lễ Phục Sinh rằng: "Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh". Chúa đã chiến thắng sự dữ đang bắt buộc con người phải sống như kẻ khùng điên; Chúa chiến thắng tội lỗi đang làm cho tâm hồn con người bị đóng kín trong ích kỷ; Chúa chiến thắng sự lo sợ trước cái chết đang hăm dọa con người.

Trong mầu nhiệm Chết và Sống Lại của Chúa Kitô, chúng ta nhìn thấy lóe lên một ánh sáng cho mọi người. Sứ Ðiệp Mùa Chay nầy là một lời mời gọi hãy mở mắt nhìn đến sự nghèo cùng của nhiều người. Sứ Ðiệp Mùa Chay nầy cũng muốn nêu chỉ một con đường để đến gặp Chúa Kitô trong mầu nhiệm Phục Sinh, một Chúa Kitô đã trở thành của ăn và làm cho tâm hồn chúng ta được tin tưởng và hy vọng. Vì thế, tôi cầu chúc sao cho Mùa Chay năm 1998 nầy được trở thành dịp tốt làm cho mỗi nguời Kitô trở nên nghèo với Con Thiên Chúa, để trở thành dụng cụ cho tình thương của Chúa mà phục vụ anh chị em trong cảnh thiếu thốn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page