Bài Giảng của ÐTC trong chuyến viếng thăm Cuba: Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 25/01/98: tại thủ đô La HAVANA.
Chúa Nhật 25/01/98 là ngày viếng thăm cuối cùng của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba. Tất cả mọi biến cố đều diễn ra tại thủ đô La Havana. Trước hết là cuộc gặp gỡ đại kết vào lúc 8 giờ sáng, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, vì Chúa Nhật 25/01/98, cũng là ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô.
Trong sứ điệp ngắn được chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ nầy, ÐTC đã nhắc đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người Kitô. Sự hiệp nhất nầy cũng rất cần cho mọi người dân Cuba. ÐTC nói như sau: Tất cả chúng ta đều được gọi duy trì một cuộc đối thoại hằng ngày trong đức bác ái; cuộc đối thoại của đức bác ái nầy sẽ kéo đến cuộc đối thoại của sự thật, vừa cung cấp cho xã hội Cuba hình ảnh đích thực về Chúa Ktô và giúp anh chị em biết rõ sứ mạng cứu rỗi dành cho tất cả mọi người".
Sau cuộc gặp gỡ đại kết nầy, ÐTC Gioan Phaolô II có ba cuộc gặp gỡ quan trọng khác, trước khi từ giả Cuba trở về lại Roma, vào chiều Chúa Nhật 25/01/98 nầy. Ba biến cố quan trọng của ngày viếng thăm hôm Chúa Nhật 25/01/98, là Thánh Lễ cho dân chúng tại quảng trường cách mạng Jose Marti, cuộc gặp gỡ với tất cả các Giám Mục Cuba tại Tòa Tổng Giám Mục La Havana, và biến cố thú ba là cuộc gặp gỡ với các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính Tòa thủ đô La Havana.
Trong số ba biến cố nầy, thì dư luận báo chí và các quan sát viên chuyến viếng thăm đã chú ý nhiều đến thánh lễ long trọng đã được ÐTC cử hành tại quảng trường cách mạng Jose Marti, với sự hiện diện của chủ tịch Fidel Castro. Ðây là thánh lễ cuối cùng, trong số 4 thánh lễ ÐTC cử hành trong chuyến viếng thăm Cuba nầy. Các phóng viên ước lượng có khoàng 500 ngàn người tham dự.
Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ nầy, đã được cộng đoàn hiện diện vỗ tay hoan hô ủng hộ đến 40 lần. Tựu trung, ÐTC đã kêu gọi thực hiện những thay đổi tại Cuba, trong hướng đi từ từ đến nền dân chủ thật sự. ÐTC đã có những lời kết án rõ ràng đối với Karl Marx chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa rừng rú. Khơi dậy "tâm hồn Kitô" nơi mỗi nguời dân, ÐTC mời gọi hãy đón nhận sự thật và ánh sáng của Chúa Kitô, để canh tân đời sống cá nhân cũng như canh tân xã hội. Giữa ÐTC và dân chúng, đã có một sự thông cảm sâu xa. Ngay từ lúc khởi đầu thánh lễ, ÐTC đã lấy được cảm tình của cộng đoàn hiện diện với lời nói vui miệng: Tôi là người bạn của Cuba. Ca Ðoàn cùng với ban nhạc hòa tấu đã lồng hết tâm tình của mình vào trong các bài hát. Chúng ta hãy nghe ca đoàn hát kinh xin Chúa thương xót và vinh danh như sau: (...tiếng thu âm của ca đoàn...).
Liền sau Phúc âm, trước khi bắt đầu bài giảng, ÐTC đã cử hành một nghi thức ngắn trao sách Kinh Thánh cho khoảng 20 nguời được chọn lên đại diện cho công đoàn. Ðây là một cử chỉ đơn sơ nhưng thật ý nghĩa: ÐTC trao Lời Chúa cho anh chị em CUBA, để làm nền tảng canh tân đời sống cá nhân và canh tân xã hội. Sau đó, ÐTC bắt đầu bài giảng với lời quả quyết được cộng đoàn vổ tay hoan hô nồng nhiệt: "Giáo Hội tại CUBA không cô đơn một mình và cũng không bị cô lập, ngược lai, Giáo Hội CUBA là thành phần của Giáo Hội phổ quát hiện diện trên khâp thế giới" Sau đó, một cách long trọng, ÐTC trình bày sứ điệp của Giáo Hội liên quan đến tổ chức xã hội và sinh hoạt kinh tế như sau:
Như là người tôi tớ của Phúc Âm Chúa, tôi mang đến cho anh chị em sứ điệp tình thương và liên đới mà Chúa Giêsu Kitô đã đến để cống hiến cho con người thuộc mọi thời đại. Ðây không phải là một ý thức hệ, cũng không phải là một hệ thống kinh tế hay chính trị mới mẽ, nhưng đây là một con đường hòa bình, công bằng và tự do đích thực (dân chúng vổ tay thật nồng nhiệt). Những hệ thống ý thức hệ và kinh tế nối tiếp nhau trong những thế kỷ vừa qua, đã thường nhấn mạnh phương pháp hành động dựa trên sự đối nghịch, bởi vì những hệ thống đó có tích chứa trong những chương trình hành động những mầm móng đối nghịch và chia rẽ. Ðiều nầy đã ảnh hưởng sâu xa trên quan niệm về con người và trên những tương quan giữa con người với kẻ khác. Vài hệ thống ý thức hệ và kinh tế đã chủ trương rút gọn tôn giáo vào trong lãnh vực thuần túy cá nhân, và tẩy bỏ khỏi tôn giáo mọi tác động hay chiều kích xã hội. Như thế, chúng ta cần nhắc lại cho rõ ràng rằng một quốc gia tân tiến không thể nào biến chủ thuyết vô thần hay tôn giáo trở thành như là một trong những dụng cụ chính trị. (Dân chúng lại vỗ tay hoan hô thật lâu nơi đây). Tránh mọi hình thức cuồng tín hay trần tục hóa tột độ, Nhà Nước phải cổ võ một bầu khí xã hội an bình thanh thản và một nền luật pháp tương xứng, có thể cho phép mỗi người dân cũng như mỗi cộng đoàn tôn giáo sống tự do đức tin của mình, và diễn tả đức tin đó trong những lãnh vực khác khau của cuộc sống công cộng, và có thể xử dụng những phương tiện và khoảng rộng cần có, để cống hiến cho sinh hoạt của đất nước những tài năng thiêng liêng, luân lý và dân sự. (Dân chúng nồng nhiệt vỗ tay).
Ðó là những lời thẳng thắn ÐTC dùng để phê bình điều mà các nhà báo cho là hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Marxít. Và ÐTC đã nói những lời trên trước sự hiện diện của lãnh tụ Fidel Castro. Thật là điều chưa từng xảy ra. Vào năm 1979, khi ÐTC Gioan Phaolô II về thăm lần đầu tiên quê hương BaLan, lúc đó còn trong chế độ cộng sản, ÐTC đã không dùng những lời mạnh mẽ như vậy. Nhưng ÐTC không phải chỉ công kích chế độ cai trị xã hội chủ nghĩa vô thần mà thôi; ÐTC cũng dùng những lời mạnh mẽ không kém để phê bình chủ nghĩa tư bản ích kỹ như sau:
"Ðàng khác, tại nhiều nơi, đang được phát triển một hình thức tư bản tân tự do, nhận con người xuống thấp, và đem đặt sự phát triển các dân tộc phải tuỳ thuộc vào những áp lực mù quáng của thị trường, vừa dựa vào những trung tâm quyền lực mà đem những gánh nặng không thể chịu được để đè nặng trên những dân tộc ít may mắn hơn. Như thế xảy ra trường hợp đôi khi người ta áp đặt trên những quốc gia, như là điều kiện để nhận thêm những trợ giúp mới, những chương trình kinh tế không thể chịu được. Như thế, nguời ta chứng kiến, trong cộng đồng các quốc gia, sự làm giàu vô độ của một số ít, vừa làm cho nhiều quốc gia khác càng ngày càng nghèo thêm, đến độ những kẻ giàu thì luôn luôn giàu thêm, và những kẻ nghèo luôn luôn bị nghèo hơn."
Và ÐTC không phải chỉ phê bình hai hệ thống. Ngài còn đề ra một hướng đi mới với những lời như sau:
Anh chị em thân mến, Giáo Hội là thầy dạy của nhân tính. Vì thế trước những hệ thống nầy, giáo hội đề nghị nền văn hóa của tình thương và của sự sống, vừa mang trả lại cho nhân loại niềm hy vọng và sức mạnh biến đổi của tình thương, được sống trong sự hiệp nhất do Chúa Kitô muốn. Vì thế, cần phải đi trên con đường hòa giải, đối thoai và chấp nhận nguời bên cạnh như anh chị em mình, bất luận nguời anh chị em đó là như thế nào. (Dân chúng nồng nhiệt vỗ tay).
Kết thúc bài giảng, ÐTC khiến khích hãy can đảm bắt đầu lại trên con đường mới, hãy lắng nghe tiếng nói của nhũng người cha dân tộc Cuba, như Linh Mục Felix Varela, người đã có công gieo vào lòng dân tộc Cuba những hạt giống công bằng và tự do. Giấc mơ của Felic Varela là thấy Cuba được tự do và độc lập. ÐTC cũng đã nhắc đến tư tưởng của anh hùng cách mạng CuBa Jose Marti, muốn sao tình yêu thương được hiện diện giữa tất cả mọi nguời. ÐTC đã trích lại những lời sau đây của anh hùng Jose Marti:
Tôn giáo của người làng Nazareth đã làm say mê tất cả những con người lương thiện. Tôn giáo đó tinh tuyền, vô vị lợi, bị bách hại, bị tử đạo, nhưng đơn thuần và thi vị. Mọi dân tộc đều cần có tinh thần tôn giáo. Một dân tộc không có tôn giáo, thì sẽ đi đến sự tự hủy diệt, bởi vì trong dân tộc đó không còn gì để nuôi dưỡng nhân đức. Những bất lương của con người thì khinh dể tôn giáo; nhưng sự công bằng thiên quốc bảo đảm nó (tôn giáo). Như anh chị em biết rõ, Cuba có một linh hồn Kitô. Và điều nầy làm cho Cuba có một ơn gọi phổ quát. Ðược gọi chiến thắng trên sự cô lập, Cuba phải mở cửa cho thế giới, và thế giới phải xích lại gần với Cuba, với dân tộc và những nguời con của Cuba. Ðã đến lúc bước đi trên những con đường mới mà thời gian canh tân chúng ta đang sống, đòi buộc chúng ta phải đi, vào lúc gần đến ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô".
Ðó là những lời đầy ý nghĩa ÐTC đề ra cho nhiều nguời suy nghĩ. Cuối thánh lễ, Lãnh Tụ Fidel Castro và ÐTC Gioan Phaolô II lại gặp nhau vài phút, trao đổi thêm vài câu chào. Một nụ cuời nhẹ thoáng điểm trên gương mặt nghiêm nghị của chủ tịch. Ông sẽ còn gặp lại ÐTC nơi phi trường quốc tế, trong lễ nghi chào từ biệt, chiều Chúa Nhật 25/01/98.
Chúng tôi sẽ kể tiếp những phản ứng và những biến cố còn lại của ngày Chúa Nhật 25/01/98, trong bài tường thuật ngày mai.