Bài Giảng của ÐTC trong chuyến viếng thăm Cuba: Ngày Thứ Bảy 24/01/98: tại thành phố SANTIAGO de CUBA, nằm ở tận miền Nam, cách thủ đô La Havana, 750 cây số.
Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba sắp chấm dứt với ngày Chúa Nhật 25/01/98. Cao điểm của chuyến viếng thăm là thánh lễ ÐTC sẽ cử hành vào sáng Chúa Nhật 25/01/98, tại Quảng Trường Cách Mạng ở Thủ Ðô La Havana. Nguời ta dự trù là sẽ có đông dân chúng tham dự biến cố nầy. Chính lãnh tụ Fidel Castro cũng đã tuyên bố là ông sẽ tham dự thánh lễ nầy của ÐTC.
Cho đến nay, ÐTC đã cử hành ba thánh lễ, tại ba thành phố: Santa Clara, sáng thứ Năm, về đề tài Gia Ðình theo giáo huấn Kitô; tại Camaguey vào sáng thứ Sáu, về đề tài Giới Trẻ; và tại Santiago de Cuba, sáng thứ Bảy, về đề tài Mẹ Maria, mẫu gương sống đức tin cho mọi thành phần Giáo Hội.
Trong bài tường thuật nầy, chúng tôi xin kể lại vài điểm đáng chú ý trong thánh lễ sáng hôm thứ Bảy 24/01/98. Thành phố Santiago de Cuba, nằm ở cực nam của Cuba, cách thủ đô La Havana 750 cây số. Ðây là thành phố hải cảng, và lớn hàng thứ hai trong số các thành phố tại Cuba. Dân số tổng cộng là 400 ngàn. Thành phố nầy đã được thành lập vào năm 1514, và đã có một thời là thủ đô của Cuba, từ năm 1515 cho đến 1607. Chính tại thành phố nầy, mà Lãnh Tụ Fidel Castro đã tuyên bố cách mạng thành công, ngày 1 tháng 1 năm 1959. Trên bình diện tôn giáo, thì Santiago de Cuba là tòa Tổng Giám Mục của Tổng Giám Mục cùng tên, được thành lập vào ngày 28 tháng 4 năm 1522, và được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận vào tháng 11 năm 1803. Hiện tại Tổng Giáo Phận có 334,000 tìn hữu trên tổng số 1,350,000 dân, tức 25 phần trăm dân số. Trong tổng giáo phận, tại El Cobre có Ðền Thánh dâng kính Mẹ Maria, duới tước hiệu là "Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Thương Bác Ái". Ðền Thánh Ðức Mẹ ở El COBRE đã được Ðức Phaolô VI nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Ðường, vào ngày 30 tháng 12 năm 1977. Trước đó, ngày 10 tháng 5 năm 1916, Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bác Ái tại El Cobre, được Ðức Giáo Hoàng Bênêdicto XV phong làm quan thầy của Cuba. Trước khi ÐTC đến địa điểm cử hành thánh lễ, là quảng trường Antonio Maceo, trong thành phố Santiago, thì tượng Ðức Mẹ đã được di chuyển trước, từ đền thánh El Cobre, về địa điểm hành lễ nầy, để được ÐTC đội triều thiên tôn vinh.
Thánh Lễ đã được bắt đầu lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương Cuba, tức là lúc 11 giờ khuya, giờ VN. Con số tín hữu tham dự đông hơn hai thánh lễ trước tại Santa Clara và Camaguey. Các quan sát viên đã ước lượng khoảng 200 ngàn, bằng hai con số 100 ngàn tại hai địa điểm trước. Rồi đây, thánh lễ sáng Chúa Nhật 25/01/98, tại thủ đô La Havana, ước lượng sẽ có đông người hơn nữa. ÐTC đã thu hút được tâm tình của người dân Cuba, kể cả những người tin hay không tin. Quang cảnh tại nơi cử hành thánh lễ thật là nồng nhiệt. Ca đoàn và dân chúng, nhất là các bạn trẻ đã hát mừng ÐTC thật là hăng say.
Chúng ta hãy đọc qua bài giảng của ÐTC. Chúng ta có thể lưu ý đến hai tư tuỏng chính: một là đề ra mẫu gương của Mẹ Maria cho mọi thành phần Giáo Hội, và hai là về sứ mạng của Giáo Hội. ÐTC đã không ngần ngại yêu cầu cho Giáo Hội có được khoảng rộng tựï do hơn để phục vụ được hữu hiệu hơn. ÐTC xác nhận rõ ràng là Giáo Hội không tìm kiếm quyền hành chính trị, nhưng chỉ muốn có phương tiện và sự tự do để phục vụ anh chị em mình. Kết thúc bài giảng là lời cầu nguyện ÐTC dâng lên Mẹ Maria.
Sau đây là nguyên văn bản dịch Diễn văn số 6: Bài giảng của ÐTC tại SANTIAGO DE CUBA, sáng thứ Bảy 24/01/98.
"Phúc cho quốc gia nào có Thiên Chúa là Chúa của mình" (TV 32,12) Cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta đã hát mừng rằng niềm vui đồng hành với dân tộc có Thiên Chúa làm Chúa mình. Cách đây hơn 500 năm, khi Thập Giá của Chúa Kitô đến trên đảo nầy, và cùng với Thập Giá, là Sứ Ðiệp Cứu Rỗi, thì được bắt đầu một tiến trình nhờ đức tin Kitô nuôi sống mà đào luyện nên những đặc điểm của quốc gia Cuba nầy. Giữa những con người nổi tiếng của đất nước nầy, chúng ta có thể ghi nhận những vị sau đây: trước hết là người lính nổi danh; ông nầy đã là giảng viên giáo lý đầu tiên và là nhà truyền giáo của MACACA; Linh Mục Miguel de Velasquez, người thầy đầu tiên của dân tộc Cuba; Linh Mục Esteban Salas, người cha của nền âm nhạc Cuba; người dân nổi tiếng của Bayamo Carlos, Manuel de Cespedes, người cha của dân tộc, người đã đến quỳ gối trước tượng Ðức Nữ Trinh của Tình Bác Ái, và bắt đầu cuộc chiến đòi tự do và sự độc lập cho Cuba; Antonio de La Caridad Maceo y Grajales, mà tượng của ngài được đặt nơi cao nhìn xuống toàn thể quảng trường, nơi chúng ta cử hành thánh lễ hôm nay. Trước tượng Chúa chịu đóng đinh, Mẹ của Ông đòi ông dấn thân cho đến cùng, để phục vụ cho CuBa Tự do. Ngoài những vị trên, còn có nhiều người nam nữ nổi tiếng khác nữa, được nâng đỡ bởi chính đức tin của họ vào Thiên Chúa, đã chọn lấy con đường của sự tự do và công bằng, làm nền tảng cho phẩm giá của dân tộc Cuba.
Ngày nay cha vui mừng được có mặt trong tổng giáo phận cao cả nầy, một giáo phận có trong danh sách của những vị chủ chăn nổi tiếng, là thánh Antonio Maria Claret. Trước hết tôi xin gởi lời chào chân thành đến Ðức Cha Pedro Meurice Estiu, Tổng Giám Mục Santiago de Cuba và là vị giáo chủ của quốc gia Cuba, cũng như chào những vị Giám Mục khác nữa, các linh mục và các thầy phó tế, những kẻ dấn thân trong việc phổ biến Nước Chúa trên mặt đất nầy. Cha cũng xin chào những người tận hiến nam nữ, và tất cả các tín hữu hiện diện nơi đây. Tôi cũng muốn gởi lời chào đầy kính trọng đến những thẩm quyền dân sự, đã muốn tham dự vào thánh lễ nầy, và tôi xin cám ơn thái độ sẵn sàng cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ nầy.
Trong buổi cử hành nầy, tôi sẽ đội triều thiên cho tượng Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bác Ái del Cobre. Từ đền thánh kính Mẹ nằm cách đây không xa, Mẹ Maria, Nữ Vương và Mẹ Hiền của tất cả mọi người dân Cuba, không phân biệt chủng tộc, ý kiến chính trị hay ý thức hệ, (Mẹ) hướng dẫn và nâng đỡ, như trong quá khứ đã làm, những người con của Mẹ trên đường tiến về quê hương trên trời, và Mẹ khuyến khích họ sống làm sao để trong xã hội được luôn ngự trị những giá trị luân lý đích thực, những giá trị kết thành phần gia tài thiêng liêng phong phú được thừa hưởng từ tổ tiên.
Như người bà con Eâlisabeth đã làm, chúng ta hướng về Mẹ, với lòng biết ơn và nói: Phúc cho Mẹ vì đã tin vào Lời Chúa hứa" (Lc 1,45). Trong những lời nầy, có tích chứa bí quyết của hạnh phúc thật của bao người và bao dân tộc: đó là tin và tuyên bố rằng Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho chúng ta, và lòng nhân từ của Chúa đến với những ai trung thành từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Niềm xác tín nầy là sức mạnh linh động mọi người nam nữ, những kẻ, cả với giá những hy sinh, dấn thân một cách vô vị lợi để phục vụ kẻ khác. Mẫu gương về thái độ sẵn sàng của Mẹ Maria nêu cho chúng ta biết con đường phải đi. Cùng với Mẹ, Giáo Hội hoàn tất ơn gọi và sứ mạng của mình, vừa rao giảng Chúa Giêsu Kitô và khuyến khích hãy làm những gì Chúa nói phải làm; như thế được thiết lập tình huynh đệ đại đồng trong đó mọi người có thể khần cầu Thiên Chúa như một Nguời Cha.
Như Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Giáo Hội là mẹ và là thầy dạy ta biết theo Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng của các dân tộc; Giáo Hội là kẻ phân phát tình thương nhân từ của Thiên Chúa. Như là cộng đoàn những kẻ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và như là nơi của sự tha thứ, của hòa bình và hòa giải, Giáo Hội mở rộng đôi tay ôm lấy tất cả mọi người, để rao giảng cho họ biết Thiên Chúa chân thật. Khi phục vụ cho đức tin của những con người nam nữ của dân tộc đáng mến nầy, Giáo Hội giúp họ tiến bước dọc theo con đường của sự thiện. Những công việc rao giảng Phúc Âm đã được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như những việc truyền giáo tại những khu phố và những vùng đất chưa có mặt Giáo Hội, cần phải được chăm sóc và cổ võ ngỏ hầu những công việc đó có thể được phát triển và phục vụ không những cho những người Công Giáo, mà cho tất cả dân tộc Cuba, ngỏ hầu mọi người biết Chúa Giêsu và yêu mến Nguời. Lịch sử cho biết rằng, không có đức tin, thì nhân đức cũng biến mất, những giá trị luân lý bị lu mờ, sự thật không còn chiếu sáng nữa, cuộc sống mất đi ý nghĩa siêu việt của nó, và cả việc phục vụ cho đất nước không còn được linh động bởi những lý do sâu xa hơn. Về vấn đề nầy, Antonio Maceo, nhà ái quốc cao cả của vùng miền đông Cuba, đã nói rằng: Ai không yêu mến Thiên Chúa, thì không thể yêu thương quê hương.
Giáo Hội kêu gọi tất cả hãy làm cho đức tin được hòa nhập trong chính đời sống mình, như là con đường tốt nhất để phát triển toàn diện con người, đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và để có được sự tự do thật, một sự tự do có bao gồm việc nhìn nhận những quyền lợi của con người và nhìn nhận sự công bằng xã hội. Về vấn đề nầy, những người giáo dân, bằng việc duy trì thực thể của họ, để có thể trở thành "muối đất" trong xã hội mà họ là thành phần, có bổn phận và quyền lợi tham dự vào cuộc trao đổi công khai các ý kiến, với những cơ may như nhau và với thái độ đối thoại và hòa giải. Cũng thế, điều thiện hảo của một quốc gia cần phải được cổ võ và tìm kiếm bởi những con dân, nhờ những phương thế hòa bình và từng bước. Như thế, mỗi người, được hưởng sự tự do ăn nói (phát biểu), có khả năng có sáng kiến và đưa ra những đề nghị giữa lòng xã hội dân sự, và có cơ may bằng nhau để lập hiệp hội, mỗi người đều có thể cộng tác một cách hữu hiệu vào việc đi tìm công ích.
Giáo Hội, diện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào cả để chu toàn sứ mạng của mình, nhưng muốn là hạt giống làm phát sinh phong phú những điều tốt chung, với sự hiện diện của mình trong những cơ cấu xã hội. Giáo Hội nhắm đến trước ngôi vị con người và cộng đồng xã hội trong đó Giáo Hội hiện diện, vừa biết rõ rằng con đường đầu tiên của mình là con người cụ thể với những nhu cầu và những khát vọng riêng. Tất cả nhũng gì Giáo Hội đòi cho mình, thì Giáo Hội đều đem nó ra phục vụ cho con người và xã hội. Thật vậy, Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội trách vụ mang sứ điệp của Ngài đến cho tất cả mọi dân tộc, và để chu toàn điều nầy, thì Giáo Hội cần có một khoảng rộng tự do và cần những phương tiện cần thiết. Khi bảo vệ sự tự do của mình, thì Giáo Hội cũng bảo vệ sự tự do của mỗi một người, của các gia đình, của những tổ chức xã hội khác nhau, những thực tại sống động có quyền có một lãnh vực riêng để sống tự lập và tự chủ (x. Năm Thứ 100, số 45). Theo nghĩa nầy, nguời Kitô và những cộng đoàn Kitô, sống ăn rễ sâu trong đời sống của từng dân tộc và là dấu chỉ của Tin Mừng, cả trong sự trung thành với quê hưông của mình, với dân tộc của mình, với nền văn hóa của quốc gia, luôn luôn trong sự tự do mà Chúa Kitô đã mang đến cho chúng ta. Giáo Hội được mời gọi đến làm chứng cho Chúa Kitô, vừa lãnh lấy những lập trường can đảm và có tính cách tiên tri, trước nạn tham nhũng của quyền hành chính trị và kinh tế. Giáo Hội không mưu tìm vinh quang và của cải vật chất; Giáo Hội xử dụng những của cải của mình, để phục vụ cho những anh chị em nghèo nhất và như thế noi gương sống đơn sơ của Chúa Kitô" (Redemptoris Missio, số 43).
Khi nhắc đến những khía cạnh trên của sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA, vì đã thương gọi chúng ta kết làm thành phần của Giáo Hội. Trong Giáo Hội nầy, Mẹ Maria đồng trinh có một chổ đặc biệt. Chúng ta sẽ thấy được điều nầy nơi việc tôn vinh bức ảnh thánh Mẹ "Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bàc Ái của Cobre. Lịch sử của Cuba có ghi đấu những điều kỳ diệu nói lên tình thương đối với vị quan thầy của mình; dưới chân mẹ, những ảnh tượng của những người dân khiên tốn, (hai người Indios, và một hình nguời Mulatto,) nói lên sự phong phú đa diện của dân tộc nầy. El COBRE, nơi có đền thánh kính Mẹ, là nơi đầu tiên của Cuba, trong đó những nguời nô lệ có lại sự tự do.
Các tín hữu chúng con thân mến, đừng bao giờ quên đi những biến cố cao cả, được liên kết với Mẹ và là Nữ Vương. (ÐTC nhắc lại đây vài sự kiện trong lich sử của dân chúng tại Cuba). Chẳng hạn như: Việc đầu tiên của CuBa tự do, đã xảy ra vào năm 1898, khi những toán lính của tướng Calixto Garcia, cúi mính trước dưới chân Mẹ Maria" Ðức Trinh Nữ của Tình Bác Ái.
Từ nơi đây, tôi muốn gởi lời chào đến những người con của Cuba, đang sống bất cứ nơi nào trên thế giới và có lòng tôn kính Ðức Nữ Ðồng Trinh của Tình Bác Ái. Cùng chung với những anh chị em mình đang sinh sống tại đất nước đẹp đẻ nầy, tôi xin đặt họ dưới sự bảo vệ hiền mẫu, vừa xin Mẹ Maria, người Mẹ của tất cả, hãy quy tụ tất cả con cái mẹ lại, nhờ qua sự hòa giải và tình huynh đệ.
Ngày hôm nay, tiếp tục truyền thống vinh quang của tình yêu thương đối với Nguời Mẹ chung, và trước khi bắt đầu việc đội triều thiên cho Mẹ, tôi muốn dâng lời cầu lên Mẹ cùng chung với tất cả anh chị em, như sau:
Lạy Ðức Nữ
Ðồng Trinh của Tình Bác Ái
của Cobre,
Quan Thầy của Cuba,
Kính Mừng Maria, Ðầy
ơn phước,
Mẹ là người con được
Thiên Chúa Cha yêu thương,
Mẹ của Chúa Kitô, Chúa chúng
con,
Ðền Thờ của Chúa Thánh
Thần.
Lạy Ðức Nữ
Ðồng Trinh của Tình Bác Ái,
Danh Thánh Mẹ nhắc chúng con nhớ
đến Thiên Chúa Tình Thương,
nhớ đến mệnh lệnh mới
của Chúa Giêsu,
nhớ đến Chúa Thánh Thần,
Tình Thương được đổ
vào tâm hồn chúng con,
Lửa của tình thương bác ái
được sai xuống trên Giáo
Hội vào ngày lễ Ngủ Tuần,
Hồng ân của sự tự do trọn
vẹn của những con cái Thiên Chúa.
Mẹ là Ðấng có
phước hơn mọi người nữ,
Và Giêsu , Con lòng Bà, gồm phúc
lạ.
Mẹ đến viếng thăm dân tộc
chúng con,
và đã muốn ở lại với
chúng con,
như Nguời Mẹ và Ðức
Bà của Cuba,
trong cuộc hành hương của Mẹ dọc
theo các diễn biến của lịch sử.
Danh Thánh Mẹ và Hình Ảnh Mẹ
được khắc ghi nơi tâm trí
của tất cả người dân Cuba,
sống trong và ngoài quê hương,
Như là dấu chỉ của niềm hy vọng
và trung tâm của sự hiệp thông
huynh đệ.
Thánh Maria, Mẹ Chúa Trời
và là Mẹ chúng con,
Xin hãy cầu bàu cho chúng con
trước mặt Chúa Giêsu Kitô
Con Mẹ.
Xin hãy khẩn cầu cho chúng con với
tâm hồn hiền mẩu của Mẹ,
Một tâm hồn tràn đầy tình
thương Chúa Thánh Thần.
Xin Mẹ hãy gia tăng đức tin chúng
con,
làm sống lại niềm hy vọng,
tăng thêm và củng cố tình yêu
thương nơi chúng con.
Xin Mẹ hãy nâng đỡ các
gia đình,
xin hãy bảo vệ các bạn trẻ và
các trẻ em,
xin hãy an ủi những ai đang đau
khổ.
Xin Mẹ hãy là Mẹ của các tín
hữu
và của các chủ chăn của Giáo
Hội,
Mẹ là mẫu gương và là
ngôi sao của việc tái rao giảng Tin
Mừng.
Lạy Mẹ của sự
Hòa Giải,
Xin hãy quy tụ lại những con cái
của Mẹ
đang sống rải rác khắp nơi
trên thế giới.
Xin Mẹ hãy làm cho dân tộc Cuba
trở thành một gia đình những
anh chị em,
ngỏ hầu dân tộc nầy mở
rộng tâm trí, con tim
và đời sống cho Chúa Kitô,
Ðấng cứu chuộc và cứu
rỗi duy nhất,
Ðấng hằng sống và hiển trị
cùng Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần, cho đến
muôn đời. Amen.
Buổi chiều thứ Bảy, ÐTC trở về thủ đô La Havana, và đi thăm những anh chị em bị bệnh phong cùi, tại Ðền Thánh Lazaro. Chúng tôi sẽ nhắc đến biến cố nầy, ngày mai.