Vài nhận định của Cha Lombardi về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria.
(RG 24/03/98) Chuyến viếng thăm mục vụ ba ngày của ÐTC Gioan Phaolô II tại Nigeria đã kết thúc vào chiều thứ Hai vừa qua 23/03/1998, với lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lưu ý đến những nhu cầu khẩn cấp của Châu Phi hiện nay và với lời cầu chúc cho có một sự cộng tác mỗi ngày mỗi thêm giữa các tín hữu Hồi Giáo và người Kitô. Ðiểm nổi bật của chuyến viếng thăm lần này tại Nigeria là lễ nghi tôn phong Ðầy Tớ Chúa Cyprian Michael Tansi lên bậc Chân Phước. Ðây là một vinh dự lớn lao không những cho riêng Nigeria mà cho cả Giáo Hội trẻ trung tại Châu Phi: Vị Linh Mục đầu tiên của Châu Phi được cất nhắc lên vinh dự bàn thờ. Ngài là chứng nhân của Phúc Âm, của sự dấn thân cho hòa giải của phục vụ các người nghèo, của việc thăng tiến người phụ nữ Châu Phi, và của các gia đình Công Giáo.
Sau đây là nhận định của Cha Lombardi, Giám Ðốc chương trình Ðài Vatican, một trong các vị tháp tùng ÐTC trong chuyến viếng thăm Nigeria vừa kết thúc. Cha nói như sau:
"Trước đây, khi ÐTC từ giã Nairobi, thủ đô Kenya, sau chuyến viếng thăm để công bố Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Phi, (Tông huấn "Giáo Hội tại Phi Châu" "Ecclesia in Africa"), thì lúc đó ÐTC đã được Ðức Hồng Y Thiandoum, Tổng Giám Mục Dakar, Sénégal, tặng cho danh hiệu ("Jean Paul II l'Africain") Ðức Gioan Phaolô II Người Phi Châu. Giờ đây, một lần nữa Ðức Karol Wojtyla đã tỏ ra là một Người Bạn và một luật sư của Lục Ðịa kỳ diệu, nhưng tiếc thay cũng là lục địa đang chịu nhiều xáo trộn.
Trước khi từ giã đất nước Nigeria, ÐTC đã muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng lãnh đạm trước những nhu cầu của Châu phi, nhưng hãy cộng tác bằng mọi cách để nâng đỡ việc phát triển và thăng tiến hòa bình.
Trong những ngày viếng thăm Nigeria, ÐTC đã nói riêng với người dân Nigeria, gồm hơn 100 triệu, của một quốc gia đông dân cư nhất của Châu Phi, và gồm có 240 sắc tộc; và ÐTC đã can đảm gọi là "một quốc gia" duy nhất; ÐTC Gioan Phaolô II đã dám mời gọi họ hãy trở nên một gia đình của các gia đình; ngài kêu gọi các tín hữu Kitô cũng như anh chị em Hồi Giáo hãy hòa giải với nhau. ÐTC đã nói lên sứ điệp của ngài một cách mạnh mẽ và rõ ràng cho hết mọi người, kể cả cho các vị cầm quyền, rằng tương lai của họ được xây dựng trên việc tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người, rằng quyền bính phải được xử dụng để phục vụ công ích, rằng không được đàn áp cũng không được đe dọa, khủng bố, rằng tất cả đều phải hướng đến việc chuyển tiếp sang nền dân chủ".
Cha Lombardi còn nói tiếp như sau:
"Lời lẽ của ÐTC đem lại sự can đảm và trở nên điểm tham khảo có uy tín và chung cho mọi người. Nhưng ÐTC không chỉ để lại Lời Nói của ngài mà thôi; việc tôn phong vị Chân Phước đầu tiên của miền Tây Châu Phi, Cha Tansi, như gương mẫu cụ thể bao hàm tất cả các khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô, một gương mẫu sống mang tính cách Nigeria. Từ nguồn gốc văn hóa bản xứ đến việc biến đổi các phong tục, các truyền thống cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, từ việc thăng tiến người phụ nữ đến việc phục vụ quảng đại và đến việc tìm kiếm thiêng liêng tinh tuyền hơn để sống kết hiệp với Thiên Chúa. Hình ảnh của Cha Tansi, một hình ảnh phi thường, là gương mẫu cho Giáo hội Nigeria, một giáo hội nay đã trưởng thành trong mọi khía cạnh, trong đời sống chiêm niệm, trong dấn thân truyền giáo và dấn thân phục vụ xã hội. Từ nay sự thánh thiện và sức sống truyền giáo đã mặc lấy được tính cách Châu Phi.
Tiếc thay rất nhiều lần, nơi phía Bắc Bán Cầu, khi người ta nói đến Nigeria, thì người ta thường nghĩ ngay đến dầu hỏa hoặc đến hình thức mới của sự nô lệ như nạn mãi dâm, hoặc nghĩ đến những thành công của môn túc cầu mới của Nigeria. Nhưng sau chuyến viếng thăm này, chúng ta nghĩ nhiều hơn đến biết bao thanh niên nam nữ chạy theo xe ÐTC, giữa làn bụi của miền đất đỏ, đến các trẻ em nam nữ mà ÐTC đã muốn dành cho các em những tư tưởng cuối cùng của ngài trước khi từ giã Nigeria; chúng ta nghĩ đến từng trăm ngàn người với khuôn mặt bị thử thách bởi một đời sống nghèo nàn và gay go, nhưng luôn luôn sẵn sàng nở lên những nụ cuời tươi sáng và những tiếng hô đầy hân hoan. Ước muốn sống của người dân đã không bị khuất phục bởi sự đau khổ, đức tin đã ăn rễ sâu, niềm hy vọng đã sẵn sàng bừng cháy lên. Có một một ơn gọi cao cả tiến đến phẩm vị nhân bản và sự thánh thiện Kitô, được dành cho họ, những con người nam nữ, cho họ như một dân tộc lãnh đạo, tại Châu phi ngày mai. Ðó là điều mà ÐTC muốn nói với họ, vừa đồng thời cũng là một bài học cho cả chúng ta nữa và cho thế giới, trong đó chúng ta phải hướng nhìn Châu phi của ngày nay và ngày mai".
Ðó là nhận định của cha Lombardi, giám đốc chương trình đài Vatican về ý nghĩa của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria.