Tường thuật IV về chuyến viếng thăm Nigeria của ÐTC: ngày cuối cùng, thứ Hai 23/03/98: Thánh Lễ cho dân chúng tại Quảng Trường KUBWA, ngoại ô thủ đô ABUJA, Gặp Gỡ các Giám Mục Nigeria, và Giã Từ tại Phi Trường để trở về lại Roma.
ÐTC Gioan Phaolô II đã về đến Roma bằng yên, kết thúc ba ngày viếng thăm tại Cộng Hòa Liên Bang Nigeria. Trong bài tường thuật nầy, chúng ta hãy nhìn lại những biến cố chính của ngày viếng thăm cuối cùng, tức thứ Hai 23/03/98.
Trước khi từ giã Nigeria vào lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương Nigeria, thì ÐTC đã có hai biến cố quan trọng: trước hết là thánh lễ cho dân chúng, tại quảng trường KUBWA, nằm ở ngoại ô thủ đô ABUJA, lúc 9 giờ sáng, và sau đó là cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Nigeria tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, vào lúc trưa.
Về thánh lễ sáng thứ Hai 23/03/98, tại quảng trường KUBWA, các quan sát viên tường thuật khác nhau về con số các tín hữu tham dự. Có người ước lượng khoảng 200 ngàn, người khác thì cho rằng con số có thể lên đến 700 ngàn. Dù sao bầu khí đón tiếp ÐTC tại đây thật là nồng nhiệt. Người ta cũng lưu ý sự hiện diện của phái đoàn những anh chị em Hồi Giáo, và phái đoàn của những anh chị em Kitô khác.
Trong bài giảng thánh lễ, ÐTC đã nhắc đến trước hết về lý tưởng gia đình Kitô, như là một cộng đồng của sự sống và tình yêu thương, được ơn Chúa nâng đỡ, và nhằm phục vụ cho một cộng đoàn khác lớn hơn, cộng đoàn quốc gia dân tộc và cộng đoàn giáo hội. Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa, và mọi người đều được mời gọi bước vào sống trong đại gia đình nầy. Việc vào sống trong đại gia đình giáo hội không làm cho con người bị thiệt thòi, bị mất đi gia đình, dân tộc tự nhiên của mình. ÐTC nhắc đến thí dụ của Tân Chân Phước Tansi: ngài vừa là người con của chủng tộc Ibo, người con của đất nước Nigeria, và là người con của đại gia đình giáo hội phổ quát. Sống trong đại gia đình Giáo Hội, mỗi người cũng được mời gọi góp phần xây dựng gia đình giáo hội nầy. ÐTC đã nhắc lại trách vụ nầy như sau:
Ðể xây dựng ngôi nhà thiêng liêng của Thiên Chúa, Giáo Hội kêu gọi tất cả những thành phần hãy đáp lại những kẻ đang thiếu thốn cần được trợ giúp, với một lòng nhân từ không lay chuyển: trợ giúp cho người nghèo, người đau yếu và già cả; trợ giúp cho những người tị nạn bị bắt buộc phải trốn chạy trước bạo lực tại nơi sinh trưởng của họ; trợ giúp cho những con người nam nữ, những trẻ em, đang đau khổ vì bệnh liệt kháng đang tiếp tục gây ra biết bao nạn nhân tại đại lục Phi Châu và trên thế giới; trợ giúp cho từng người đang bị bách hại, đau khổ và nghèo cùng. Giáo Hội dạy chúng ta biết kính trọng đối với mọi người, kính trọng mọi sự sống. Giáo Hội rao giảng Công Bằng và tình thương. Giáo Hội nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại về những bổn phận và những quyền lợi: những quyền lợi và bổn phận của công dân, của các chủ nhân, của những nhân viên, của chính phủ và của công dân.
Một lần nữa, ÐTC lên tiếng bênh vực mạnh mẽ những nhân quyền với những lời như sau:
Thật vậy, có những nhân quyền căn bản mà người ta không bao giờ có thể lấy mất đi khỏi nguời dân một cách hợp pháp được, bởi vì những nhân quyền đó ăn rễ trong chính bản tính con người và phản ánh những đòi buộc khách quan và không thể bị xúc phạm của luật luân lý phổ quát. Những nhân quyền căn bản nầy là nền tảng và là mức độ cho mọi xã hội con người và tổ chức. Sự kính trọng đối với từng người, vì phẩm giá và những quyền lợi của người đó, phải luôn luôn là sự gợi hứng và là nguyên tắc hướng dẫn cho những cố gắng của anh chị em nhằm gia tăng dân chủ và củng cố cơ cấu xã hội của đất nước anh chị em. Phẩm giá của mỗi một ngôi vị con người, những quyền lợi căn bản của ngôi vị, đặc tính không thể bị xúc phạm của sự sống, sự tự do và công bằng, ý thức về tình liên đới và sự loại bỏ sự kỳ thị, đó là những viên gạch xây dựng một đất nước Nigeria mới và tốt đẹp hơn. Ước chi thời gian chuyển tiếp nầy là thời gian của tự do, của sự tha thứ, của sự hiệp nhất và của tình liên đới. Tự do, tha thứ, hiệp nhất, liên đới, đó là những đặc điểm tinh thần cần có để giáo hội Công Giáo tại Nigeria thực hiện công cuộc canh tân và tiến đến Năm Thánh 2000.
Sau thánh lễ, ÐTC về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô ABUJA, để gặp gỡ các Giám Mục Nigeria, dùng cơm trưa, nghỉ ngơi đôi chút rồi ra phi trường từ biệt Nigeria trở về lại Roma. Ðức Tổng Giám Mục Albert OBIEFUNA, tổng giám mục ONITSHA và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nigeria, đã nói lên tâm tình cám ơn ÐTC vì đã đến thăm. Ðức Tổng Giám Mục đã trình lên ÐTC sự phát triển thấy được của Giáo Hội Công Giáo tại Nigeria: Năm 1950, chỉ có ba giáo tỉnh; đến năm 1994, thì đã tăng lên được 9 giáo tỉnh. Ơn gọi linh mục và tu sĩ gia tăng. Toàn quốc Nigeria, Giáo Hội Công Giáo có 8 đại chủng viện và 5 học viện cao đẳng cho các tu sĩ. Ðặc biệt, tại các giáo phận đều có tiểu chủng viện để vun trồng ơn kêu gọi linh mục. Theo lời Ðức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nigeria, thì đây là điều các giám mục đã đề nghị trong Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, cách đây 4 năm. Các giám mục cho rằng cơ cấu tiểu chủng viện là cần thiết để huấn luyện và vun trồng ơn gọi linh mục.
Trong bài diễn văn dài được trao cho các giám mục Nigeria, ÐTC đã nhắc đến trách vụ mục vụ của giám mục. ÐTC lưu ý các giám mục hãy chú ý trong việc tuyển chọn các ứng sinh lên chức linh mục, chăm sóc cho sự huấn luyện linh mục, nhất là huấn luyện thiêng liêng. Cần phải chăm sóc kỷ lưỡng cho đời độc thân linh mục. ÐTC khuyến khích các giám mục thực hiện chương trình mục vụ thống nhất với nhau, mặc dù cần phải thích ứng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương. Ðặc biệt nhất, ÐTC kêu gọi các giám mục hãy cổ võ phát triển hàng giáo dân và chăm sóc cho giới trẻ. Vai trò của các giám mục trong giai đoạn biến đổi xã hội nầy, là thật quan trọng. ÐTC đã nói như sau:
"Những thành phần của giáo hội địa phương được trao phó cho anh em chăm sóc, là những công dân của một quốc gia đang phải đạt cho được nhiều mục tiêu nghiêm trọng, trong giai đoạn thực hiện công cuộc thay đổi chính trị và xã hội hiện nay của đất nước Nigeria. Trong khung cảnh nầy, càng trở nên quan trọng vai trò của anh em như là những vị lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo, những vị lãnh đạo biết nhìn nhận điều đáng mong ước và cần thiết của một cuộc đối thoại đầy xây dựng với mọi thành phần xã hội, trong những gì có liên hệ đến những nền tảng đúng đắn và công bằng của sinh hoạt con người trong xã hội. Cuộc đối thoại nầy không có gì ngăn cản anh em trình bày công khai và với sự kính trọng cần có, trình bày những xác tín của giáo hội, nhất là trong những gì có liên hệ đến sự công bằng và sự không thiên vị giữa mọi người công dân, đến sự tôn trọng những nhân quyền, tôn trọng sự tự do tôn giáo và đặc tính khách quan của sự thật luân lý; sự thật khách quan của nền luân lý cần được thể hiện trong nền luật pháp dân sự."
Cuối cùng, trong biến cố từ giã Nigeria tại Phi Trường thủ đô Abuja, ÐTC đã cám ơn các vị lãnh đạo chính quyền và giáo hội, và tất cả những ai đã góp công vào chuyến viếng thăm nầy. Ngỏ lời đặc biệt với anh chị em công giáo Nigeria, ÐTC đã tổng kết sứ điệp mà ngài muốn trao gởi lại cho mọi người, với những lời như sau:
"Anh chị em Công Giáo thân mến, Tôi biết và đã cảm nghiệm được ước muốn của anh chị em muốn làm việc chung với mọi người đồng hương để đem lại một sự công bằng tốt đẹp hơn và một cuộc sống khá hơn cho mình và cho con cái mình. Ðã đến lúc để đất nước của anh chị em gom lại những tài nguyên phong phú và những tài năng và năng lực tinh thần, sao cho những gì gây chia rẽ, có thể được để lại đằng sau và được thay thế bời sự hiệp nhất, tình liên đới và hòa bình. Còn có nhiều khó khăn phải đương đầu và cố gắng làm việc đang nằm chờ trước mắt anh chị em. Anh chị em không lẻ loi một mình trong công cuộc nầy: Ðức Giáo Hoàng nầy ủng hộ anh chị em, giáo hội Công Giáo đứng bên cạnh anh chị em, và chính Thiên Chúa sẽ ban cho anh chị em sức mạnh và can đảm để xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững, dựa trên sự tôn trọng đối với phẩm giá và những quyền lợi của mỗi người. Ðất nước của anh chị em có đủ năng lực để cất đi những trở ngại ngăn chận bước đường tiến lên, và để xây dựng một xã hội công bằng và hòa hợp. Tôi cũng muốn lặp lại nơi đây lời kêu gọi mà tôi đã nói lên nhiều lần với cộng đồng quốc tế, xin họ đừng bỏ quên những nhu cầu của Phi Châu, nhưng hãy cộng tác làm việc với anh chị em và, trong tinh thần cộng tác nhiều hơn nữa, nâng đỡ tất cả những cố gắng nhắm bảo đảm cho đại lục Phi Châu nầy được lớn lên và phát triển trong hoà bình. Tất cả mọi người dân Nigeria cần được tác động để họ cảm thấy hãnh diện về đất nước của họ. Tất cả cần phải góp phần trong cộng cuộc xây dựng tương lai. Ðó là lời cầu nguyện tôi dâng lên Thiên Chúa toàn năng cho anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho đất nước Nigeria và cho tất cả con dân của đất nước nầy."
Ðó là những lời cuối cùng, đầy ý nghĩa của ÐTC, trước khi lên máy bay về lại Roma, kết thúc ba ngày viếng thăm tại Cộng Hòa Liên Bang Nigeria.