BÁO CHÍ Áo Quốc khám phá ra Ðức Karol Wojtyla.
Khác hẳn với nhiều báo chí tại Ý, báo chí Áo Quốc có những nhận xét khách quan hơn nhiều về ba ngày viếng thăm của ÐTC tại Salzburg, Poelten và Wiena.
Nhật báo Quan Sát Viên Roma (L'Osservatore Romano) cơ quan bán chính thức Tòa Thánh, trong số ra ngày thứ Hai và thứ Ba 22 và 23.06.98 đã viết như sau: "Có người đã sai lầm khi nêu lên con số những người tham dự thánh lễ tại Thủ đô Wien".
Báo L'Osservatore Romano chỉ trích Hãng Thông Tấn Ansa của Ý về con số tham dự thánh lễ do ÐTC cử hành sáng Chúa Nhật tại Quảng Trường Anh Hùng của thủ đô Wien. Tờ báo viết thêm: "Ngạc nhiên và đắng cay", bản tin của Hãng Ansa loan đi: Sáng Chúa Nhật số người dự thánh lễ tại Heldenplatz của Wien thưa thớt. Bản tin loan đi vào lúc 10 giờ 8 phút nói rõ về sự hiện diện của 30 ngàn người mà thôi". Ðể minh chứng Tờ L'Osservatore Romano đối chiếu con số do ANSA loan đi với những hình ảnh của các đài truyền hình (Áo Quốc, Ý, Telepace và nhiều nước khác nữa, vì thánh lễ được truyền hình trên hệ thống Eurovision). Các hình ảnh này cho thấy rõ ràng rằng: chính lúc Ansa loan đi con số kia (10 giờ 8 phút), sồ người dự lễ đông hơn nhiều, không phải chỉ có 30 ngàn mà thôi.
Sau đó, L'Osservatore Romano đặt câu hỏi: Tại sao lại có sự xuyên tạc như vậy? - Rồi trả lời: Một là không kiểm chứng tại chỗ - hai là để khỏi cải chính những dự tính sai lầm, mà họ đã tung ra trước chuyến viếng thăm.
Trái lại báo chí Áo Quốc có tính cách khách quan hơn, cả những báo chí không có cảm tình với Ðức Karol Wojtyla, với Giáo Hội Công Giáo. Nhân dịp này, họ đã khám phá ra Ðức Karol Wojtyla, tuy chậm, nhưng còn hơn là không có, hay có mà xuyên tạc sự thật.
Tờ Die Presse, nhật báo lớn nhất của thủ đô Áo Quốc viết nơi trang nhất: "ÐTC kêu gọi đối thoại trong Giáo Hội, nhưng ngài nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của các giám mục".
Tờ Kurier cũng đề tít nơi trang nhất tương tự như tờ Die Presse: "ÐTC nói với các giám mục: các Ðức Cha hãy trở nên gương sáng, không phải chỉ là những người quản trị".
Sau một ngày viếng thăm của ÐTC, các mass-media tập trung vào diễn văn quan trọng của ÐTC đọc cho các giám mục. Tờ Die Presse viết: "Một di chúc mạnh mẽ. Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Áo Quốc đã để lại một dấu hiệu rõ ràng: các tín hữu của Trung Âu, đến dự các buổi cử hành phụng vụ khác nhau, đã hân hoan đón chào vị Giáo Hoàng bị thử thách nhiều về thể xác, nhưng không lùi một phân, một li nào trong nhiệm vụ hướng dẫn đến sự hiệp nhất và trung thành với Giáo Hội Roma".
Ký giả Andreas Unterberger (trên tờ Die Presse) làm một bản thống kê xét bản chất rất tích cực về chuyến viếng thăm và giải thích rõ ràng: cơn khủng hoảng của Ðạo Công Giáo Áo Quốc là cái gì, nguồn gốc của cơn khủng hoảng không ở trong vấn đề dân chủ nhiều hay dân chủ ít. Nhưng phát xuất bởi sự không chắc chắn về cái gì còn lại của căn cước Công Giáo, sau những thay đổi của Công Ðồng Chung Vatican II".
Tờ Kurier đặt câu hỏi tại sao ÐTC Gioan Phaolô II không làm "mea culpa" (lỗi tại tôi) như có người chờ đợi, về mấy vụ bổ nhiệm giám mục vào những năm 1980 trở đi?. Tờ Kurier trả lời một cách lý sự như sau: "Một diễn văn về Châu Âu với những viễn tượng sâu rộng về lịch sử, nếu ÐTC phải làm môät lô minh xác về cha sởû này bị chống đối, về vị Hồng Y kia có một quá khứ gây xáo động, thì thật là một việc phi lý". Tờ Kurier đặt câu hỏi: "giải thích về những chuyện như vậy để làm gì? - Tờ báo trả lới: "để gây nên sự chia rẽ mới nơi các tín hữu, giữa những người luôn luôn coi mình có lý và những người bị coi là luôn luôn sai lầm".
Theo tờ Neues Volksblatt xuất bản tại thành phố Linz, thì ÐTC Gioan Phaolô II, cùng với sứ điệp mạnh mẽ đọc cho các giám mục, đã đáp lại những chờ đợi mà các người Công Giáo Áo Quốc đặt vào nơi ngài". Tờ Neue Kronen Zeitung, rất phổ biến tại Áo Quốc, trong khi nói đến con số 50 ngàn người chiếm cả Quảng Trường Anh Hùng của thủ đô Wien, viết với tít lớn: "Sự hăng say đối với ÐTC, mặc dầu trời nắng dữ dội".
Nhật báo khác của thủ đô Wien trái lại ưa thích thuật lại diễn văn của Ðức Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục Wien, đọc trước ÐTC. Ðức Tổng Giám Mục công nhận rằng: trong những năm này sự tín nhiệm của các người Công Giáo Áo Quốc nơi ÐTC và nơi các Giám Mục bị lung lay".
Tờ Der Standard thuộc khuynh hướng tự do, gọi chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II như một sự "biểu dương của sức mạnh và đồng thời của sự yếu ớt (dĩ nhiên về thể xác) của ngài: ngài là nhân vật đặc biệt trên bình diện chính trị, bảo thủ trên bình diện thần học, thỏa hiệp, đối thoại trên bình diện Giáo Hội". Bên cạnh bài này, có một bài bình luận hoàn toàn khác của ký giả Michael Maier. Ông viết: "Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II đã là một may mắn cho Áo Quốc". Theo Ông, ÐTC đã làm sáng tỏ bản chất của Ðạo Công Giáo: một bản chất đã bị lu mờ bởi một lô gương mù và vụng về trong Xứ Sở này".
Ông mời gọi các người đồng hương lưu ý cách nghiêm chỉnh dến việc đóng góp của ÐTC Gioan Phaolô II vào việc bênh vực nhân quyền, vào nền hòa bình và tự do, để ra ngoài những tranh luận vô ích của thế giới bé nhỏ của Áo Quốc này.