Bài Tường thuật III về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria: Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Nigeria.
(AFP, Reuters 23/03/98) - Sau thánh lễ phong chân phước cho Linh Mục Tansi ở Onitsha sáng Chúa Nhật 22/03/98, buổi chiều ÐTC trở về thủ đô Abuja và tại đây ngài đã hội kiến với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo Nigeria. Ðây là cuộc gặp gỡ đã được mong đợi từ lâu. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm Nigeria của ÐTC lần đầu tiên, cuộc tiếp kiến giữa ngài với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo nước này đã bị hủy bỏ do sự bất đồng giữa phía các lãnh tụ Hồi Giáo trong vấn đề xưng gọi ÐTC.
Cuộc hội kiến hôm chiều Chúa Nhật 22/03/98, đã diễn ra tại Tòa Sứ Thần. Dẫn đầu phái đoàn gồm 34 nhân vật Hồi Giáo là Sultan Muhammadu Maccido, được coi là lãnh tụ Hồi Giáo cao cấp nhất tại Nigeria. Trong bài diễn văn của ngài, ÐTC Gioan Phaolô II lên tiếng kêu gọi người Hồi Giáo Nigeria và cả của Châu Phi hãy cộng tác với người Kitô Giáo để kiến tạo một "Tân Kỷ Nguyên của Ðoàn Kết". Trong một quốc gia với 45% trong tổng số 110 triệu dân, theo đạo Hồi, một tỉ lệ ngang ngửa với Kitô giáo, ÐTC nói rằng Sự cộng tác giữa hai đức tin trong nhiều lãnh vực là điều đặc biệt cần thiết. ÐTC Gioan Phaolô II tuyên bố rằng: "Tại trung tâm điểm này của miền Tây Châu Phi, tôi kêu gọi tất cả người Hồi Giáo, cũng như tôi vừa kêu gọi các anh em Giám Mục của tôi và tất cả người Công Giáo, là hãy để cho tình bằng hữu và cộng tác trở thành nguồn cảm hứng của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác xây dựng và phục vụ cho một kỷ nguyên đoàn kết mới, đứng trước những thách đố trong việc xây dựng một thế giới tốt, công bằng và nhân bản hơn."
Ám chỉ tới mối quan hệ giữa người Kitô và Hồi Giáo, thỉnh thoảng vẫn lâm vào tình trạng tranh chấp, ÐTC cho rằng giải pháp cho những vấn đề này, dù là ở cấp độ địa phương, vùng hay giữa các quốc gia với nhau, phải được thực hiện qua đối thoại. Ngài đặt câu hỏi: "Ðây chẳng phải là truyền thống của Châu Phi hay sao?" ÐTC nói tiếp: "Nigeria đã và đang tiếp tục trải qua những cuộc tranh chấp tôn giáo, tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận với lòng cảm tạ là tại nhiều nơi khác trên đất nước này, các tín hữu thuộc truyền thống tôn giáo khác nhau vẫn đang sống một cách hòa bình và tốt đẹp như người láng giềng. Tranh chấp không bao giờ có thể biện minh bằng lý do khác biệt về sắc tộc và văn hóa."
Ðề cập vấn đề vi phạm nhân quyền và phẩm giá con người, ÐTC bày tỏ cảm nghĩ rằng, dù Hồi Giáo và Kitô Giáo có sự khác biệt trong vấn đề hiểu biết về Thiên Chúa độc thần của mình, nhưng cả hai tôn giáo đều coi trọng giá trị của sự sống con người trong tất cả mọi giai đoạn, và coi những lạm dụng chống lại các thành phần yếu đuối của xã hội là điều tội lỗi. Ngài nói như sau: "Trong những xác tín quan trọng mà chúng ta đều chia sẻ, Kitô Giáo và Hồi Giáo đều nhấn mạnh đến phẩm giá của mỗi một con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa cho một mục đích đặc biệt. Chính trong sự băn khoăn suy tư về tình trạng nhân quyền ngày nay, người ta nhận thấy rằng, tại một số nơi trên thế giới, con người vẫn còn bị bách hại, bị giam tù vì lý do lương tâm và tín ngưỡng của họ".
Trong khi đó, bài diễn văn của Sultan Muhaamadu Maccido của Sokoto, người cầm đầu phái đoàn Hồi Giáo, rõ ràng có dụng ý chính trị nhiều hơn. Sultan Maccido cho rằng, ÐTC đến Niigeria trong tư cách là một sứ giả của hòa bình giữa thời điểm đang có sự cấu kết và kỳ thị của một số quốc gia nhắm vào Nigeria. Ông ám chỉ tới các quốc gia Tây Phương đang tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt, kể từ khi chính quyền quân đội Nigeria hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống dạo năm 1993. Ông cho rằng Nigeria là một quốc gia có chủ quyền riêng của mình, và do đó có quyền chọn lựa người lãnh đạo đất nước. Nigeria không thể chấp nhận bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Lời lẽ này của ông có ý nói đến việc Hoa Kỳ mới đây tuyên bố rằng, việc tướng Sani Abacha, một nhân vật của quân đội, ra tranh cử ghế tổng thống vào tháng 8/1998 tới đây, là điều không thể chấp nhận được. Và mới đây, ngoại trưởng Nigeria đã chỉ trích Liên Hiệp Âu Châu vì sự ủng hộ của tổ chức này đối với phe đối lập. Sultan Maccido cho rằng đây là một sự cấu kết, và một chương trình có kế hoạch nhắm tạo nên tình trạng bất ổn cho Nigeria. Ông kêu gọi ÐTC, với bản chất thánh thiện của ngài và uy tín bậc nhất trên thế giới, hãy thuyết phục các quốc gia vừa nói trên, để cho Nigeria được yên. Kết thúc bài đáp từ của ông Sultan Maccido đã nói như sau: "Gần đây có những toan tính muốn áp đặt lên chúng tôi những điều mà người khác nghĩ là thích hợp cho Nigeria. Qua ngài, chúng tôi muôn kêu gọi cộng đồng quốc tế là hãy ý thức rằng, người dân Nigeria cần được tôn trọng vì họ biết những gì tốt cho họ, cũng như cho quốc gia, đồng thời họ nên được để yên vạch ra hướng đi của riêng mình".