Tường thuật ngày Chúa Nhật 21/06/98 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Áo Quốc.
Chuyến viếng mục vụ lần thứ ba của ÐTC Gioan Phaolô II tại Áo Quốc kết thúc vào lúc 19 giờ chiều Chúa Nhật 21/06/98, tại sân bay quốc tế của thủ đô Wiena. ÐTC về tới Vatican vào lúc 21 giờ. Cử chỉ gây xúc động hơn cả là những giờ phút viếng thăm Bệnh Viện của Caritas Socialis ở thành phố Wiena, trước khi lên đường trở về Roma.
Trong những giờ phút cảm động này, ÐTC để lại một sứ điệp cho tất cả các bệnh nhân của nước Áo, một sứ điệp sâu xa, trong đó ngài nhắc đến nhiều người cô đơn lúc sắp lìa cõi thế này, ngài nhắc đến sự sợ hãi sự chết và chỉ phương thế giúp chấp nhận sự chết; ÐTC nhắc đến những sáng kiến khác nhau của Giáo Hội để hoàn hảo việc giúp đỡ tại nhà của bệnh nhân cũng như tại bệnh viện và các nơi điều trị khác, ngài nhắc đến việc chăm sóc mục vụ các bệnh nhân và việc giúp đỡ các người trong gia đình của bệnh nhân, cách riêng các bệnh nhân trong giờ hấp hối.
Cũng trong sứ điệp này, ÐTC nhắc lại một lần nữa không thể chấp nhận việc làm cho chết êm dịu. ÐTC viết: "Sự lựa chọn về việc giết trực tiếp một con người luôn luôn là một độc đoán, cả khi muốn nói lên một cử chỉ của tình liên đới và của thương hại đối với bệnh nhân".
Quyền sinh, tử, bất cứ ở trong hoàn cảnh nào, không thuộc về con người; chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống và sự chết mà thôi. ÐTC quả quyết: "Sự chết giấu kín cả nơi nguời tín hữu Kitô cái nhìn thẳng về cái phải đến, nhưng người tín hữu có thể tin vào lời Chúa phán: "Ta sống và các người sẽ sống".
ÐTC đến Bệnh viện Caritas Socialis vào lúc 17 giờ. Ngài đi thẳng vào nhà thờ để cầu nguyện. Rồi đến gặp các bệnh nhân trong bệnh viện. Bắt tay và hôn những người đau khổ, cảm động. Ngài vào phòng của khoảng 10 bệnh nhân trầm trọng hơn. Ðể khỏi gây xáo trộn cuộc gặp gỡ thân mật, đài truyền hình không vào trong các phòng bệnh nhân, mà chỉ lấy hình xa xa bên ngoài. Bệnh viện hiện có 140 bệnh nhân do các Nữ tu "Caritas Socialis" quản trị. Ðược thành lập ngày 04.10.1919 do Hildegard Burjan. ÐTC nói: "Với cuộc sống đơn giản của họ, các bệnh nhân, các nguời đau khổ và các người hấp hối hiện đang ở đây mời gọi các người viếng thăm đừng giấu giếm họ thực tại của đau khổ và của sự chết. Cả sự chết cũng là thành phần của đời sống". Trong chuyến viếng thăm Bệnh Viện này người ta thấy rõ ràng, như sờ thấy được, tình yêu thương của ÐTC đối với những ai đau khổ. Ngài là người có nhiểu kinh nghiệm về đau khổ, bệnh nạn... Xã hội chúng ta tìm cách tránh né và quên đi quan niệm của đau khổ, gạt ra ngoài, như thể không có vậy... Như chúng ta thấy nhiều bệnh nhân chết tại nhà thương hoặc tại các cơ cấu khác, nghĩa là ngoài những môi trường hằng ngày của họ.
Từ Bệnh viện Caritas Socialis, ÐTC lên xe đi thẳng tới sân bay. Tại đây Tổng Thống chờ đón ÐTC. Trong diễn văn từ biệt, ông nói: đây là chuyến viếng thăm không thể quên được; không thể quên được những thành quả do ÐTC đã đạt được trong Triều Giáo Hoàng của ngài. Những thành quả này cho thấy biết bao người có thể đối phó với sự lãnh đạm tôn giáo.
Trong diễn văn đáp từ, ÐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến sự cần thiết một khuôn mặt Kitô tại Châu Âu. Ngài nói: "Từ Châu Âu, Kitô giáo được đem đến biết bao miền trên thế giới này. Vì thế, cần phải trở lại nguồn gốc Kitô".
Sau đây là những nhận xét của Cha Federico Lombardi, Giám Ðốc chương trình Ðài Phát Thanh Vatican, thuôïc đoàn tùy tùng của ÐTC trong chuyến viếng thăm Áo Quốc.
"Hiệp nhất Giáo Hội và đối thoại trong nội bộ Giáo Hội, như con đường vượt qua những căng thẳng và thực hiện sứ mệnh mục vụ và truyền giáo; sự thánh thiện đời sống như sự sung mãn của chứng tá Kitô; ơn gọi của Áo Quốc như chiếc cầu giữa Tây và Ðông Âu, trái tim của Lục Ðịa, một lục địa phải xây dựng tương lai mình trên nền tảng của nguồn gốc Kitô, của các giá trị luân lý không thể khước từ được: trong ba sứ điệp này có thể lược tóm tất cả phục vụ mà ÐTC Gioan Phaolô II đã đem đến cho Giáo Hội và cho dân tộc Áo Quốc trong ba ngày vừa qua".
Cha viết tiếp: "Chúng ta biết rằng có những căng thẳng giữa các người Công Giáo và cả giữa các giám mục nữa. ÐTC đã nói rõ ràng rằng tính cách đáng tin của Giáo Hội đòi sự hiệp nhất của các vị chủ chăn. Ngài đã khuyến khích sáng kiến của "đối thoại tại Áo Quốc". Mùa Thu tới đây sẽ có một cuộc họp khoáng đại của Giáo Hội tại Salzburg. ÐTC cũng nhắc đến những nguyên tắc nền tảng của đối thoại: cần có sự hiệp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những gì hồ nghi và bác ái trong mọi sự. Chúng ta biết rằng, tại Áo Quốc, Giáo Hội Công Giáo đang sống với nhiều lo lắng nỗi khổ tâm của việc trở thành thiểu số trong một xã hội tiến nhanh chóng đến việc tục hóa. ÐTC đã đề nghị những kiểu mẫu có sức thuyết phục và hợp thời của đời sống Kitô trong hình ảnh của Ba Vị Chân Phước, những vị anh hùng của đức ái của thời đại ta, có khả năng nói với chúng ta bằng việc làm hơn là bằng lời nói: chúng ta phải đáp lại như thế nào các vấn đề xã hội hoặc các đau khổ của đời sống và đáp lại như thế nào các sự chia rẽ của Giáo Hội; hoặc đáp lại cả những tàn bạo chính trị đán áp nhất, như Nữ Tu Restituta, đến việc tử đạo. Sự thánh thiện Kitô vì thếâ được đặt ra không một sợ hãi trước mắt thế gian ngày nay như sự sung mãn của con người. Sau cùng, chúng ta biết rằng Áo Quốc cần đến việc tìm lại vai trò của mình tại Châu Âu. ÐTC đề nghị với Áo Quốc tái khám phá ơn gọi của mình, làm chiếc cầu giữa Tây và Ðông của Lục Ðịa, làm người cổ võ việc Âu Châu hóa Châu Âu, bằng việc mở rộng Châu Âu cho các dân tộc gần gũi, mới thoát khỏi kinh nghiệm cộng sản và bảo tồn gia tài các giá trị nhân bản và Kitô. Chỉ trên các gia trị này mà người ta có thể xây dụng một cộng đồng các dân tộc".
Cha kết luận: "Chỉ trong ba ngày hành hương này tại Áo Quốc, tất cả những sự này là nhiều rồi. Chúng ta hy vọng hạt giống gieo xuống sẽ mọc lên và sinh nhiều hoa trái".