Tường thuật
chuyến viếng thăm mục vụ
của ÐTC tại Torino
(Chúa Nhật 24.05.98)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tuờng thuật chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Torino.

ÐTC đã rời Vatican đi thăm VERCELLI, từ sáng thứ Bẩy 23.05.98. Tại Vercelli ÐTC đã cử hành thánh lễ kỷ niệm 1650 năm lễ tấn phong Giám Mục của Thánh Eusebio, giám mục tiên khởi Giáo Phận này; trong thánh lễ ngài đã tôn phong lên bậc Chân Phước Cha Secondo Pollo, người con của Giáo Phận, tuyên úy quân đội, bị sát hại thời đệ nhị thế chiến (1939-1945) trong khi chạy đến ban các bí tích sau cùng cho binh sĩ hấp hối. Ngoài chức vụ tuyên úy quân đội, Cha Pollo còn là nhà giáo dục giới trẻ và là gương mẫu sáng chói cho việc chu toàn "cách khác thường những việc tầm thường nhất" trong đời sống hằng ngày của một tín hữu, của một linh mục.

Sau một đêm nghỉ tại Tòa Tổng Giám Mục Vercelli, trong căn phòng mà trước đây Hoàng Ðế Napoléon đệ tam, Vua Carlo Alberto và Thánh Carlo Borromeo, Tổng Giám Mục giáo phận Milano, đã nghỉ qua xưa kia, sáng sớm Chúa Nhật 24/05/98 ÐTC đến kính viếng Nhà Thờ Chính Tòa Vercelli. Ngài quì cầu nguyện trước Thánh Thể, rồi bên mộ Thánh Eusebio, và bên mộ tân Chân Phước Secondo Pollo. Sau đó ÐTC lên trực thăng đi Torino. May bay đáp xuống trên công viên thời danh Valentino của Thành phố Torino: tại đây có Ðức Hồng Y Sodano, Quốc Vụ Khanh; Ðức Hồng Y Saldarini, Tổng Giám Mục Torino, Ông Thị Trưởng và Ủy Ban Hành Chính đón tiếp.

Từ công viên Valentino, ÐTC dùng xe bọc kính đi thẳng đến Quảng Trường Vittorio Veneto, trước nhà thờ chính tòa Torino, để sửa soạn cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, ÐTC tôn phong ba Vị Ðầy Tớ Chúa lên Bậc Chân Phước: Têrêsa Bracco, thiếu nữ 20 tuổi, thuộc giáo phận Acqui, Vị tử đạo của Ðức Trinh Khiết, năm 1944, (như Thánh Maria Goretti truớc đây). Têrêsa Grillo, thuộc gia đình quí phái ở Alessandria, sáng lập Dòng Các Nữ Tu bé nhỏ của Chúa Quan Phòng. Linh Mục Kinh Sĩ Giovanni Maria Boccardo, người Torino, đã sống trong an vui và cách anh hùng con đuờng nên thánh trong đời sống hằng ngày, làm cho giáo xứ trở thành địa diểm truyền giáo của ngài, với lòng nhiệt thành không biết mỏi mệt, cách riêng đối với các người nghèo khổ. Cùng đống tế với ÐTC có 5 vị Hồng Y: Ðức Hồng Y Saldarini, Tổng Giám Mục Torino; Ðức Hồng Y Sodano, Quốc Vụ Khanh, thuộc đoàn tùy tùng ÐTC; Ðức Hồng Y Ruini, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ý; Ðức Hồng Y Canestri, cựu Tổng Giám Mục Giáo phận Geneova; và Ðức Hồng Y Noe, Tổng Ðại Diện Quốc Gia Thành Phố Vatican. 40 giám mục miền Piemonte và hơn 1000 linh mục thuộc giáo phận Torino và miền Piemonte, mang giây stola có cùng mầu của Khăn Liệm Thánh.

Tham dự thánh lễ, ngoài chính quyền dân sự, quân sự miền Piemonte và Thành Phố Torino, còn có sự hiện diện của nhiều thành viên của hoàng tộc Savoia, là Hoàng Tộc có liên hệ mật thiết với lịch sử Torino (cách đây 100 năm, Piemonte còn là một nước riêng). Thực sự Khăn Liệm Thánh này là của Nhà Vua, sau này được dâng tặng ÐTC; rồi có sự hiện diện của bà Rigoberta Mencìu, người Guatemala, giải thưởng Nobel về Hòa Bình, vì đã có công tranh đấu cho công bình và cho việc giải phóng các người bị đàn áp tại Guatemala và trên cả thế giới. Thánh lễ được cử hành trên một lễ đài dài 60 thước, cao 12 thước và được phủ bằng vải tím, với ý tưởng hướng về Khăn Liệm Thánh.

Trong bài giảng, ÐTC nhắc đến đề tài Khăm Liệm Thánh và Ba tân Chân Phước: hai đề tài liên kết mật thiết với nhau, bởi vì chính sứ điệp về sự chết cứu chuộc của Chúa Kitô đã khơi động đức tin và đức ái Kitô, đến mức độ hiến bản thân cho anh chị em mình. Chân Phước Giovanni Maria Boccardo, cha sở không biết mỏi mệt, dấn thân phục vụ người nghèo nàn và người đau khổ. Chân Phước Têrêsa Grillo Michel (Michel tên người chồng), trước hết là người vợ, rồi quả phụ, đã hiến toàn thân để phục vụ các người hèn kém nhất trong xã hội. Ðây là hai hình ảnh về thánh thiện, đã đặc tính hóa Giáo Hội miền Piemonte trong năm 1800, theo gương Thánh Don Bosco, Cottolengo và Cafasso. Sự thánh thiện được cụ thể hóa trong đức ái, bằng việc đáp lại những nhu cầu của con người và xã hội của thời đại, qua những hoạt động thầm kín và cụ thể hằng ngày; hoạt động này đang đem lại những thành quả bền bỉ: bằng chứng tá cụ thể của hai Tu Hội do hai Chân Phước sáng lập. Chân Phước thứ ba Têrêsa Bracco: chứng tá của ngài khác hai chứng tá trên đây, nhưng không kém huy hoàng, chiếu sáng. Têresa Bracco một thiếu nữ 20 tuổi, thuộc giáo phận Acqui, Vị Tử đạo của Ðức Trinh Khiết trong thời bi thảm của chiến tranh. Bị sát hại và tử đạo vì đã chống cự hết sức mình với hành động xấu xa của một người lính Ðức, muốn xâm phạm tiết hạnh của Têrêsa. Việc chịu chết để làm chứng tá cho một giá trị cao quí ngày nay thường bị quên lãng, nếu không bị nhạo cười". ÐTC nhắc lại giá trị này cho mọi người, cách riêng cho giới trẻ. Ngài nói: "Cha giới thiệu với giới trẻ thiếu nữ này hôm nay được Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân Phước, để giới trẻ học nơi thiếu nữ đức tin trong sáng, được minh chứng trong dấn thân hằng ngày, với lòng trung thành với nền luân lý, sự can đảm hiến chính sự sống, nếu cần, để không phản bội các giá trị cao quí: chính các giá trị này đem lại ý nghĩa cao cả cho đời sống".

Sau khi nhắc lại hình ảnh của Ba Chân Phước, ÐTC nói đến Khăn Liệm Thánh: Ðây là một chứng tá lạ lùng về các đau khổ của Chúa Kitô. ÐTC cảm tạ Chúa vì ban chiều ngài còn được kính viếng một lần nữa di tích thánh này trong nhà thờ chính tòa. ÐTC Gioan Phaolô II nói: "Khăn Liệm Thánh, tấm vải quí báu này, đem đến cho chúng ta sứ điệp ý nghĩa hơn cả cho đời sống chúng ta; nguồn mạch của mọi cuộc sống Kitô là công việc cứu chuộc do Chúa Cứu Thế đã đem lại cho chúng ta: Người đã lãnh nhận địa vị con người của chúng ta, đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại cho chúng ta. Khăn Liệm này nói với chúng ta tất cả các sự thật trên, là một chứng nhân - testimone - duy nhất".

Trước khi kết thúc Thánh Lễ với Phép Lành, ÐTC đã nói vài lời huấn đức rồi hát kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng. ÐTC nói: "Ảnh thánh về cuộc tử nạn của Người bị đóng đanh đưa chúng ta đến giờ phút trong đó Ðức Maria, trước sự đau đớn của Người Con bị đóng đanh, đã sống giờ thử thách dữ dội hơn cả của cuộc đời Mẹ và Mẹ đã vượt qua được trong đức tin. Chính trong giờ phút này Chúa Giêsu đã phú thác Mẹ Người cho chúng ta như những người con".

Những lời của ÐTC được gửi đên cách riêng giới trẻ rất đông đảo trong thánh lễ, đến các bệnh nhân, luôn luôn là những người tham dự ưu tiên chiếm hàng đầu gần bàn thờ. ÐTC cũng đã không quên trưng cầu dân ý về hòa bình tại Bắc Ái Liên. ÐTC nói: "Sau cùng tôi muốn bày tỏ niềm vui của tôi về ý chí hòa bình và hòa giải được biểu lộ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Bẩy 23/05/98, tại Ái Liên. Tôi tận tình cầu chúc cho các dân tộc yêu quí này tiếp tục theo đuổi với nhiều can đảm con đường đã khởi sự".

Thánh lễ kết thúc vào lúc 12:30, sau hai tiếng rưỡi. ÐTC trở về Tòa Tổng Giám Mục dùng cơm trưa với các giám mục miền Piemonte. Ban chiều, trước khi kính viếng Khăn Liệm Thánh, tại tòa Giám Mục, ÐTC tiếp các phái đoàn hành hương của ba tân Chân Phước. Ðây là lần thứ năm ÐTC đến Torino. Lần thứ nhất, khi còn làm Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia. Lúc đó, ÐTC xếp hàng như mọi nguời khác chờ đợi vào nhà thờ kinh viếng Khăn Liệm Thánh. Các lần khác năm 1980, 1988, 1989 và lần này 1998. Linh mục Tổng Ðại Diện giáo phận Torino thuật lại các lần ÐTC đến Torino như sau: Năm 1980, chính Ðức Hồng Y Ballestrero, Tổng Giám Mục, đã đích thân xin ÐTC đến như người đem lại hòa bình cho Torino lúc đó bị điên đầu vì nạn khủng bố của Hồng Quân. Chuyến viếng thăm 1988 liên kết với lễ kỷ niệm 100 năm qua đời của Thánh Don Bosco và các di tích của Thánh Nhân. Năm 1989 là chuyến viếng thăm Giáo Phận: nổi bật hơn cả là cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa ÐTC và giới trẻ Torino tại sân vận động. Lần này, 1998, ÐTC đẫ đến để kính viếng Khăn Liệm Thánh và tôn phong các vị tân chân phước. Chính trong thời gian này, Giáo Phận cần sống Hội Nghị Giáo Phận và áp dụng những quyết định của Hội Nghị, tức dấn thân rao giảng Tin Mừng. "Tin Mừng như là truyền thông" là đề tài của Hội Nghị Giáo Phận. Khăn Liệm là một hình ảnh trong thời đại của các hình ảnh. Hình ảnh của Khăn Liệm liên kết chặt chẽ với Phúc Âm Nhất Lãm. Các nhóm đến kính viếng Khăn Liệm, rồi sau đó họ đọc Phúc Âm để hiểu biết những trùng hợp với nhau.

Ban chiều lúc 5 giờ, ÐTC đếùn kính viếng Khăm Liệm thánh. Lễ nghi được diễn ra theo hình thức cử hành Lời Chúa. Sau bài Phúc Âm, ÐTC giảng khuyên. Ðây là một bài giảng quan trọng. Trước hết ÐTC nói lên lập trường của Giáo Hội: khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu để có thể đáp lại tất cả những vấn nạn (thực sự sau nhiều thí nghiệm, nghiên cứu, Khăn Liệm Thánh vẫn là một Mầu Nhiệm chưa thể khám phá hết mọi khía cạnh được). Cần khám phá, nhưng cũng cần phải tránh mọi thành kiến và phải tôn trọng tính cách nhậy cảm và lòng tin của các tín hữu. Khăn Liệm Thánh là lời mời gọi suy tư về Chúa Kitô, về các đau khổ của Người và về các đau khổ của nhân loại: nơi các bệnh nhân, nơi các nguời đói khát, nơi các nạn nhân chiến tranh, nơi các người phụ nữ và trẻ em bị khai thác, nơi các người không được hưởng quyền con người, bị đấu tố, tù đầy, những nạn nhân của khủng bố, của tội ác... Khăn Liệm là lời mời gọi tránh xa tính ích kỷ, nghĩ đến việc cứu rỗi tha nhân, nghĩ đền tình yêu vô cùng của Thiên Chúa và khám phá ra căn cớ gây nên cái chết của Chúa trên thánh giá..." ÐTC kết thúc bài suy ngắm bằng kinh: "Anima Christi sancifica me - Corpus Christi, salva me. Sanguis Christi, lava me... Xin Linh Hồn Chúa Kitô thánh hoá con - Xin Thể Xác Chúa cứu con - Xin Máu Thánh Chúa rửa sạch con... Amen."

Sau lễ nghi kính viếng Khăn Liệm Thánh, ÐTC ra quảng trường trước nhà thờ chính tòa chào biệt dân chúng, rồi lên xe đi thẳng đến sân bay Torino, để trở về Roma.


Back to Radio Veritas Asia Home Page