Bài Tường thuật II về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria: Biến cố cao điểm của chuyến viếng thăm, sáng Chúa Nhật 22/03/98: Lễ phong chân phước cho cha Cyprian Michael Iwene TANSI, tại thành phố ONITSHA.
Thứ Hai 23/03/98, là ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria. Theo chương trình được dự trù cho ngày nầy, thì ÐTC dâng thánh lễ cho dân chúng tại quảng trường KUBWA nằm ở ngoại ô thủ đô ABUJA, rồi gặp Hội Ðồng Giám Mục Nigeria, và cuối cùng là nghi thức chào từ biệt tại Phi Trường Thủ Ðô, để về lại Roma. Chúng tôi sẽ tường thuật trong bài tới. Trong bài nầy, chúng tôi muốn kể lại biến cố của ngày hôm qua Chúa Nhật 22/03/98; đó là thánh lễ phong chân phước cho nguời bản xứ đầu tiên của Nigeria, cha Cyprian Michael TANSI, tại thành phố ONITSHA, với gần 2 triệu người tham dự.
Như chúng ta đã nhắn tin, chuyến viếng thăm ngắn trong ba ngày chỉ diễn ra tại hai địa điểm chính: thủ đô mới Abuja và thành phố ONITSHA. Hai địa điểm nầy được xem như là tượng trưng cho hai thực tại khá phức tạp của Cộng Hòa Liên Bang Nigeria ngày nay. Thành phố ABUJA là tân thủ đô, trung tâm của sinh hoạt chính trị, trong khi đó thành phố ONITSHA là trung tâm của đạo Công Giáo.
Trước khi tiếp tục nói về biến cố phong chân phước sáng Chúa Nhật 22/03/98, chúng tôi kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên của Tòa Thánh:
Trả lời câu hỏi thứ nhất, liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Tướng Sani Abacha, tại thủ đô Abuja, vào chiều thứ Bảy 21/03/98, Tiến sĩ Navarro Valls đã trả lời như sau:
Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Tướng Sani Abacha, người Cầm quyền hiện nay tại Nigeria, là một cuộc gặp gỡ đầy thân tình, rõ ràng, kéo dài trong vòng nửa tiếng đồng hồ, và đã bàn đến nhiều điều, mà tôi không có bổn phận phải nói ra công khai cho mọi người biết. Ngược lại, tôi xin nói về cuộc gặp gỡ mà Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Angelo Sodano, đã có với Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao của Nigeria. Trong cuộc gặp gỡ nầy, Ðức Hồng Y Sodano, nhân danh ÐTC, đã trao một danh sách gồm có 60 người đang bị cầm tù tại Nigeria. Ðây là những người mà dư luận quốc tế đã biết đến, và trong số nầy chắc chắn có những nhà báo đã bị cầm tù. Tòa Thánh đã lập danh sách 60 người nầy, dựa trên những tiếng nói đến từ nhiều phía. Vài người trong danh sách là do gia đình thân nhân của họ cung cấp, một số khác thì do các tổ chức quốc tế, và vài trường hợp thì do chính phủ Âu Châu. Như thường lệ, Tòa Thánh không muốn đi vào lãnh vực luật pháp, những nguyên do đã đưa những người nầy vào tù. Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh nhân danh Ðức Thánh Cha, đã muốn xin khoan hồng cho những người nầy, chỉ dựa trên lý do nhân đạo mà thôi. Thẩm quyền Nhà Nước Nigeria đã chấp nhận lời yêu cầu nầy của Tòa Thánh, và đã hứa là sẽ nghiên cứu vấn đề, sẽ đưa lên cho Tướng Abacha và sẽ trả lời một cách thuận lợi nhất có thể.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc tiếp đón ÐTC. ÐTC đã được tiếp đón hết sức nồng nhiệt tại thành phố ONITSHA, trung tâm của đạo Công Giáo tại Nigeria. Ðiều nầy cũng dễ hiểu. Nhưng ÐTC cũng đã được đón tiếp một cách thật nồng nhiệt khi vừa mới đặt chân đến thủ đô ABUJA, hôm chiều thứ Bảy 21/03/98. Và ABUJA là nơi có đa số dân chúng theo Hồi Giáo. Câu hỏi được đặt ra là: ÐTC có chờ đợi được đón tiếp như vậy tại thủ đô ABUJA hay không? Và Tiến Sĩ Navarro Valls đã trả lời như sau:
Tôi không biết. Có thể là những nhà báo tháp tùng theo ÐTC, đã không ngờ trước về một cuộc đón tiếp nồng hậu như vậy. Ðã có thật đông dân chúng mừng đón ÐTC, và dĩ nhiên, như quý vị vừa nói, tại một thành phố có đa số dân theo Hồi Giáo, thì trong số những người đón tiếp ÐTC một cách nồng nhiệt như vậy, tại phi trường, cũng như dọc theo quảng đường 40 cây số từ phi trường về thành phố, dĩ nhiên cũng có những anh chị em Hồi Giáo. Tôi đã đọc những tựa đề của một nhật báo xuất bản tại Nigeria; và một trong các tựa đề là: "Chúc mừng ÐTC. Ngài là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi." Tôi không biết, tôi không rõ lập trường ý thức hệ của nhật báo nầy; nhưng điều thật hiển nhiên đối với tôi là tất cả những người dân Nigeria đã đón tiếp ÐTC như nhân vật số một, trên bình diện tinh thần, nhân vật số một của thế giới; và nếu xử dụng một ngôn ngữ khác, như một Vị Quốc Trưởng đầu tiên đến Nigeria, sau thời gian lâu không có ai đến thăm. Ðất nước Nigeria có rất nhiều vấn đề to lớn, nhưng đồng thời cũng rất phong phú trên bình diện nhân bản; như thế, những người dân Nigeria đã đón tiếp ÐTC như niềm hy vọng thật của tất cả mọi người: người Hồi Giáo, người Kitô, người theo đạo cổ truyền Phi Châu, người chủ trương vô tri trên bình diện tôn giáo, nghĩa là đủ mọi hạng người.
Câu hỏi thứ ba liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và những vị lãnh đạo cộng đoàn Hồi Giáo, tại thủ đô Abuja vào chiều Chúa Nhật 22/03/98. Trong lần viếng thăm thứ nhất tại Nigeria vào năm 1982, những vị lãnh đạo Hồi Giáo đã không đến gặp ÐTC, như đã được dự trù trước, tại địa điểm KADUNA. Giờ đây, 16 năm sau, đã có sự thay đổi thái độ. Tại sao vậy?
Tiến sĩ Navarro đã trả lời như sau:
Chính những vị lãnh đạo cộng đoàn Hồi Giáo đã xin có cuộc gặp gỡ nầy. Ðàng khác, đã trải qua nhiều năm Ðức Gioan Phaolô II làm Giáo Hoàng và Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ rất nhiều vị lãnh đạo Hồi Giáo, tại nhiều nơi khác trên thế giới, vì thế không còn bất cứ thái dộ e dè nào đối với ÐTC nữa. Ðàng khác, tôi xin trở lại điều vừa nói trên đây, mọi người đều nhìn thấy ÐTC Gioan Phaolô II như là một nhân vật mang đến cho đất nước Nigeria những giá trị luân lý có sức phục vụ cho tất cả, và đất nước Nigeria đang cần đến những giá trị nầy, và do đó, cả những anh chị em Hồi Giáo cũng cần đến điều nầy.
Bài phỏng vấn tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên của Tòa Thánh, đưa chúng ta đến với biến cố cao điểm của chuyến viếng thăm, là thánh lễ phong chân phước cho cha Cyprian Michael Iwene TANSI, sáng Chúa Nhật 22/03/98, tại thành phố ONITSHA. Thánh lễ đã bị trễ gần 3 tiếng đồng hồ. Gần hai triệu người đã tỏ ra nôn nóng chờ đợi, không biết điều gì đã xảy ra, tại sao ÐTC đến trễ. Tuy nhiên, họ vẫn nồng nhiệt, hăng say hát các bài ca dân tộc và chờ cho đến khi ÐTC xuất hiện. Ba ngôn ngữ được xử dụng trong biến cố, tiếng địa phương của dân chúng, tiếng Anh, và tiếng Latinh. Như đã nói, quốc gia Nigeria gồm có 240 chủng tộc. Tân chân phước Tansi thuộc chủng tộc IBO. Nhưng trong Giáo Hội Chúa, sự thánh thiện không có chủng tộc. Mọi người dân, nhất là anh chị em Công Giáo Nigeria vui mừng đón nhận Tân Chân Phước, không phải như là người con của một chủng tộc IBO mà thôi, nhưng như là người con chung của toàn thể đất nước Nigeria. Và không phải chỉ của Nigeria mà thôi, mà của toàn thể Phi Châu, của Giáo Hội Phổ Quát toàn cầu. Tân Chân Phước là con người thánh thiện nêu gương cho toàn thể giáo hội. Trong bài giảng bằng tiếng Anh, ÐTC đã nhấn mạnh đến khía cạnh nầy của mẫu gương thánh thiện của Chân Phước TANSI, khía cạnh hiệp nhất, hòa giải, giữa tất cả mọi người, mọi chủng tộc. ÐTC đã nói như sau:
Khi các giám mục từ khắp nơi Phi Châu họp nhau trong khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, để thảo luận về những vấn đề của đại lục nầy, các ngài đã nói rằng Giáo Hội Tại Phi Châu, qua chứng tá của những con cái nam nữ của mình, giáo hội tại Phi Châu cần phải trở thành nơi Hòa Giải đích thực. Trước hết là những thành phần của Giáo Hội hòa giải với nhau; sau đó các thành phần của Giáo Hội mới mang đến cho xã hội sự tha thứ và sự hòa giải của Chúa Kitô, Hòa Bình của CHÚNG TA. Nếu không được như vậy, thì thế giới nầy sẽ giống như bải chiến trường, trong đó chỉ những lợi lộc ích kỹ mới đáng kể, và định luật của sức mạnh, ai mạnh nguời ấy được, được áp dụng. Ngày hôm nay, tôi muốn cao rao tầm quan trọng của Hòa Giải: hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải giữa mọi người với nhau. Ðây là trách vụ đang chờ đón giáo hội tại đất nước Nigeria nầy, tại đại lục Phi Châu nầy, và tại mỗi dân tộc mỗi quốc gia trên thế giới. Chúng ta là những sứ giả của Chúa Kitô. Và lời kêu gọi chúng ta nói lên nhân danh Chúa Kitô là: hãy để cho mình được hòa giải trong Chúa Kitô (2 Co 5,20). Vì lý do nầy, những người Công Giáo tại Nigeria phải là những chứng nhân đích thực và hữu hiệu cho đức tin, trong mọi khía cạnh của đời sống, trong những việc công cộng cũng như trong những vấn đề riêng rẽ cá nhân. Ngày hôm nay, một trong số những nguời con của đất nước Nigeria, Cha Cyprian Michael Iwena TANSI được tuyên bố là Chân Phước, tại chính nơi mà ngài đã rao giảng Tin Mừng Cứu Rỗi và đã cố gắng để hòa giải những anh chị em đồng hương với Thiên Chúa và với nhau. Thật vậy, Nhà Thờ Chính Tòa nơi cha Tansi được thụ phong linh mục, và những giáo xứ nơi cha Tansi thi hành tác vụ linh mục, không nằm xa nơi chúng ta đang hiện diện hôm nay đây. Vài người trong số những kẻ đã nghe Cha rao giảng Phúc Âm, và đã lãnh nhận bí tích nơi Cha, có hiện diện nơi đây, trong thánh lễ nầy, kể cả Ðức Hồng Y Francis Arinze, đã được cha Tansi rửa tội, và đã đi học lần đầu tiên nơi trường do cha Tansi mở ra.
Rồi sau khi nhắc lại mẫu gương sống thánh thiện của Tân Chân Phước Tansi, ÐTC rút ra bài học cho sinh hoạt chính rị xã hội tại Nigeria như sau:
Thiên Chúa đã chúc lành cho đất nước Nigeria nầy được phong phú tài nguyên thiên nhiên và phong phú nhân tài. Và mỗi nguời đều có bổn phận phải làm sao để những nguồn phong phú đó được xử dụng phục vụ lợi ích cho toàn thể đất nước. Tất cả mọi con dân Nigeria phải làm sao, để tẩy sạch xã hội khỏi tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người hay xúc phạm đến nhân quyền. Ðiều nầy có nghĩa là hòa hợp lại những khác biệt, vượt qua được những tranh chấp chủng tộc và đưa nhân đức chính trực, sự hữu hiệu và khả năng chuyên môn vào trong nghệ thuật trị nước. Trong khi đất nước của anh chị em đang trải qua thời quá độ bước qua chính quyền dân sự dân chủ, thì mọi người đang cần đến những nhà chính trị nam nữ biết yêu mến sâu xa dân tộc và muốn xã thân phục vụ hơn là được phục vụ. Không còn có chổ cho việc hăm dọa và đàn áp người nghèo người cô thế nữa, không còn có chổ cho việc cố ý loại bỏ những cá nhân, hay những nhóm người, ra ngoài lề sinh hoạt chính trị nữa, không còn có chổ cho việc lạm dụng quyền bính hay xử dụng sai lầm quyền bính. Thật vậy, chìa khóa để giải quyết những xung đột kinh tế, chính trị, văn hóa, ý thức hệ, là sự công bằng; và sự công bằng không thể nào đầy đủ, nếu không có tình yêu thương anh chị em lân cận, không có thái độ phục vụ khiêm tốn và quảng đại. Khi chúng ta nhìn thấy kẻ khác như là những anh chị em, thì lúc đó mới có thể bắt đầu tiến trình chữa lành những chia rẽ bên trong nội bộ xã hội và giữa các nhóm chủng tộc. Ðây là sự hòa giải, trở thành con đường dẫn đến hòa bình chân thật và tiến bộ đích thực cho Nigeria và cho Phi Châu. Sự hòa giải nầy không phải là sự yếu đuối hay hèn nhát. Ngược lại, nó đòi buộc phải có can đảm, và đôi khi cả sự anh hùng nữa. Ðây là chiến thắng trên chính cái tôi, hơn là thắng đẹp kẻ khác. Nó không bao giờ được xem như là một việc làm mất danh dự. Thật sự, hòa giải là nghệ thuật kiên trì và khôn ngoan để xây dựng Hòa Bình.
Ðó là đoạn hay nhất, ý nghĩa nhất trong bài giảng của ÐTC trong thánh lễ phong chân phước cho Cha Tansi, nguời bản xứ đầu tiên của Nigeria được nâng lên danh dự á thánh. Cùng đồng tế thánh lễ với ÐTC, có khoảng 50 giám mục Nigeria và từ các quốc gia khác đến. Ðặc biệt, người ta lưu ý đến sự hiện diện của người anh của tân chân phước Tansi, hiện đã 89 tuổi, của người phụ nữ đã được phép lạ của Chân Phước Tansi chữa lành bệnh nan y, khi bà sờ vào quan tài của Cha Tansi, và của 10 ngàn thành viên của phong trào canh tân gia đình và làm việc từ thiện, phát sinh từ hoạt động mục vụ trước đây của Tân Chân Phước TANSI.
Sau khi đã đọc lời tôn phong Cha Tansi lên bậc chân phước, ÐTC đã quyết định ngày lễ kính Tân Chân Phước vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm.
Chiều Chúa Nhật 22/03/98, ÐTC từ ONITSHA trở về lại thủ đô ABUJA, và có cuộc gặp gỡ quan trọng với các thủ lãnh của cộng đoàn Hồi Giáo. Chúng tôi sẽ kể tiếp trong bài tường thuật tiếp sau.