THỜI SỰ: Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Mexico (Tháng Giêng 1999).
Tháng 10 năm 1992, nhân dịp bế mạc lễ mừng kỷ niệm 500 năm khám phá và rao giảng Tin Mừng tại Châu Mỹ, ÐTC đã đọc một diễn văn rất quan trọng trước Khóa Họp khoáng đại của các Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, tại Santo Domingo, thủ đô Cộng Hòa Dominicana, về tương lai của Giáo Hội tại phần đất này. Nơi số 17 của bài diễn văn, ÐTC nói đại ý như sau: Khóa Họp khoáng đại này nên cứu xét việc có thể trong tương lai gần đây tổ chức một cuộc gặp gỡ tất cả các Hội Ðồng Giám Mục của Lục Ðịa: cuộc gặp gỡ có thể diễn ra dưới hình thức Thượng Hội Ðồng Giám Mục - để cổ võ sự cộng tác giữa các giáo hội địa phương trong các lãnh vực của hoạt động mục vụ; trong lãnh vực mục vụ này, việc tái rao giảng Tin Mừng phải được đặt lên hàng đầu trong số các ưu tiên; hơn nữa trong việc biểu lộ sự hiệp thông này, còn có các vấn đề liên hệ đến công bình và tình liên đới giữa các quốc gia của Châu Mỹ. Giờ đây, Giáo Hội, trong lúc bước vào Ngàn Năm thứ ba của Kỷ Nguyên Kitô và tiến đến một thời kỳ, trong đó nhiều bức tường và biên giới phân chia, do các ý thức hệ tạo nên, nay đã sụp đổ, (Giáo Hội) cảm thấy có một bổn phận không thể nào bỏ qua được: đó là liên kết trên bình diện thiêng liêng giữa các dân tộc kết thành Lục Ðịa Châu Mỹ mênh mông này. Việc đoàn kết trước hết được khởi sự từ sứ mệnh tôn giáo, sứ mệnh cố hữu của Giáo Hội, và đồng thời bằng việc cổ võ một tinh thần liên đới giữa các dân tộc Châu Mỹ: tinh thần liên đới này sẽ giúp tìm ra giải pháp tương xứng cho những tình hình bi thảm của nhiều môi trường đang gây nên những đau khổ cho các dân tộc. Các dân tộc này ước mong một cách chính đáng, được tiến đến một sự phát triển toàn diện, tiến đến một đời sống công bình và xứng đáng hơn.
Ước mong của ÐTC từ năm 1992, nay được thực hiện một cách cụ thể bằng việc triệu tập Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Mỹ, không phân biệt Bắc, Trung, và Nam Mỹ, mà chỉ có một Châu Mỹ mà thôi. Việc đoàn kết giữa Lục Ðịa này đã đánh tan những thành kiến phân chia từ nhiều thế kỷ: một Lục Ðịa chia thành hai miền: Miền Mỹ bắc, thuộc nền văn hóa Pháp-Anh và Châu Mỹ Latinh, thuộc nền văn hóa Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha.
Trong Khóa Họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ được triệu tập cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 1997 tại Vatican, các giám mục toàn Lục Ðịa Châu Mỹ, một khi đã cảm thấy sự hiệp nhất và hiệp thông trong đức tin nơi Chúa Kitô, trong Giáo Hội duy nhất, trong bác ái huynh đệ ... chưa bao giờ có, và do đó các ngài quyết định trao dổi và cộng tác chặt chẽ trong công việc tái rao giảng Tin Mừng và thăng tiến xã hội.
Các Giáo Hội miền Bắc Bán Cầu phong phú về vật chất, sẵn sàng giúp đỡ phương tiện và nhất là vận động để chính phủ của các quốc gia giầu có tha hẳn hay ít ra một phần các món nợ của các nước nghèo. Các Giáo Hội miền Nam Bán Cầu, nghèo nàn về về vật chất, phong phú về nhân sự, sẵn sàng cung cấp nhân viên mục vụ và truyền giáo cho miền bắc hiện đang khan hiếm các ơn kêu gọi. Trong tinh thần hiệp nhất và hiệp thông, các nghị phụ của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ đã đi đến việc đề nghị này là: chuyến viếng thăm của ÐTC, để kết thúc Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ và công bố văn kiện Hậu-Thượng Hội Ðồng Giám Mục, sẽ diễn ra tại Mexico, ở Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe, Quan Thầy của cả Châu Mỹ. Một đề nghị mang ý nghĩa rất sâu xa, vì nói lên ý chí về cộng tác, hiệp nhất và hiệp thông của các vị chủ chăn toàn Châu Mỹ. Trong ba tuần làm việc chung, các vị chủ chăn của Châu Mỹ đã duyệt lại tình hình của Lục Ðịa. Ngoài việc cùng nhau vận động hủy bỏ các món nợ ngoại quốc, như chúng tôi nhắc trên đây, các vị chủ chăn Châu Mỹ chủ trương huy động toàn lực để chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000, để canh tân đời sống - Các ngài nhắc đến hố sâu quá lớn giữa người giầu và người nghèo: quá nửa dân số Châu Mỹ sống cảnh cùng cực. Trước thảm cảnh này, các nghị phụ nghĩ đến "việc toàn cầu hóa tình liên đới", đồng thời xin ÐTC cho công bố một "Thông Ðiệp về Ðức Ái". Các vị chủ chăn lưu ý cách riêng đến "tính cách toàn cầu hóa việc rao giảng Tin Mừng" - việc tôn trọng các nền văn hóa địa phương - các thách đố mới về mục vụ - việc phổ biến các giáo phái... Chắc chắn các đề tài này sẽ được nhắc đến trong Văn Kiện Hậu-Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Các vấn đề xã hội cũng được các Giám Mục Châu Mỹ quan tâm cách riêng, như: dấn thân phân phát thực phẩm cho 750 ngàn gia đình thổ cư; thiết lập quĩ cho vay với lời tối thiểu để giúp đỡ 200 ngàn gia đình; giúp đỡ tài chánh cho các xí nghiệp nhỏ và các tiểu công nghệ.
Riêng tại Mexico, trong lãnh vực rao giảng Tin Mừng, hiện có chương trình huấn luyện 2,200 nhà truyền giáo thường xuyên (full time) và 22 ngàn làm việc bán phần (part time). Chương trình viếng thăm 650 ngàn gia đình tại các miền nông thôn. Ngoài con số trên đây, cần phải thêm 22,400 nhà truyền giáo và giáo lý viên của Phong Trào "Thanh niên và gia đình truyền giáo" (Juventud y Famiglia Misionera); việc xuất bản tuần báo khoảng 750 ngàn số; chiến dịch phản tuyên truyền chống lại việc chiêu mộ tín hữu Công Giáo do các giáo phái tung tiền của mua chuộc; các lớp giảng dạy giáo lý trong các trường học. Tất cả các chương trình này sẽ lãnh nhận được một thúc đẩy mới do Tông Huấn sắp được ÐTC công bố trong chuyến viếng thăm Mexico vào ngày 22 tháng Giêng 1999 tới đây. ÐTC đã nói lên nhiều lần: Châu Mỹ là tương lai của Giáo Hội. Thực sự như vậy, vì Châu Mỹ có con số Công Giáo đông hơn các Lục Ðịa khác, khoảng 68% và chiếm gần một nửa dân số Công Giáo toàn thế giới.