THỜI SỰ: Phỏng vấn Ðức Hồng Y Francis Ainze về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nigeria.
Ðức Hồng Y Francis Arinze, người Nigeria, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, tháp tùng ÐTC trong chuyến viếng thăm Nigeria, từ thứ Bảy 21/03/98 đến thứ Hai 23 tháng 3 năm 1998.
Trước khi được gọi về Roma, Ðức Hồng Y Arinze đã là Tổng Giám Mục giáo phận Onitsha, nơi ÐTC sẽ tới và cử hành thánh lễ phong Chân Phước cho cha TANSI, vào Chúa Nhật 22/0398.
Hôm ngày 17.03.98 vừa qua, Ðức Hồng Y đã dành cho Ðài Vatican một cuộc phỏng vấn về chuyến viếng thăm lần thứ hai của ÐTC tại Nigeria và về lễ nghi phong chân phước cho Ðầy Tớ Chúa, cha Cyprian Michael Iwene Tansi, linh mục triều nhưng sau đó đi tu dòng Trappist. Ðức Hồng Y biết vị Chân Phước mới nầy, vì chính Chân phước đã Rửa Tội cho Ðức Hồng Y và là vị linh hướng cho Ngài hồi còn nhỏ.
Trước hết, Ðức Hồng Y Arinze đã nói về hiện trạng giáo hội Công Giáo tại Nigeria như sau:
ÐTC sẽ gặp một Giáo Hội sống động, hăng say, một Giáo Hội gồm từ 15 đến 20 triệu người Công Giáo trong số hơn 100 triệu dân toàn quốc. ÐTC sẽ gặp một Hàng Giáo Dân thực hoạt động trong gia đình cũng như trong đời sống chính trị, trong lãnh vực xã hội cũng như trong lãnh vực giáo dục. ÐTC sẽ gặp thấy rất đông linh mục; hiện nay tại Nigeria có sự gia tăng ơn kêu gọi linh mục cũng như tu dòng.
ÐTC cũng gặp thấy một nước Nigeria hiện đang phát triển, và đang đi tìm một hình thức mới về sinh hoạt dân chủ cho một cộng đồng gồm tới 240 sắc tộc khác nhau.
Trả lời cho câu hỏi về Tân Chân Phước Linh Mục TANSI, người đã là cha linh hướng cho Ðức Hồng Y lúc ngài còn trẻ, Ðức Hồng Y Arinze đã cho biết như sau:
Linh mục Cyprian được Rửa Tội với tên thánh là Michael; khi trở thành Ðan Sĩ Trappiste, ngài nhận tên Dòng là Cyprian. Chân Phước sinh năm 1903, được thụ phong linh mục giáo phận năm 1937. Và Cha đã thi hành mục vụ tại các giáo xứ trong vòng 13 năm. Ngài đã có công thành lập hai giáo xứ mới, một vào năm 1939 và một vào năm 1945. Cha là một linh mục rất nhiệt thành, các bài giảng của cha còn được người dân nhớ cả sau 50 năm. Cha cũng lưu ý cổ võ ơn kêu gọi linh mục và tu dòng, vừa đồng thời chăm sóc cho các gia đình Công Giáo. Ngài còn là một nhà giáo dục lỗi lạc của tuổi trẻ. Ở nhà trường, cha đọc chuyện Thánh Domencio Savio (Vị Thánh trẻ của Dòng Don Bosco) cho chúng tôi. Năm 1944, năm sau cùng của tôi tại trường tiều học, tất cả lớp đã chọn vào Tiểu chủng viện , đến nỗi cha giám dốc không tin được. Cha Tansi thực là một linh mục đặc biệt; thấy ngài cử hành thánh lễ, xem ra như ngài đi vào một thế giới khác. Ngài yêu mến Giáo Hội. Ngài là một hình ảnh khắc khổ; người làm bếp cho ngài không phải vất vả gì, vì ngài ăn rất ít. Khi ngài vào nhà dòng, chúng tôi nói với nhau rằng: "Chúng ta biết trước thế nào ngài cũng đi tu dòng, vì ngài là một người khắc khổ. Ngài cầu nguyện nhiều, ngủ nghỉ rất ít, ăn ít. Ngài tu dòng được 14 năm và qua đời bên Anh Quốc năm 1964, tại nhà dòng của ngài.
Tôi có đến dự lễ an táng Ngài, vì lúc đó tôi đang học tại London. Tôi đã có dịp tới thăm ngài trước đó một tháng. Trong nhà dòng, các đan sĩ biết rõ ngài là vị linh hướng của tôi và như vậy, khi ngài qua đời, các đan sĩ gửi điện tín báo tin và sau 6 tiếng đồng hồ tôi đã có mặt tại nhà dòng, và được dự lễ an táng ngài.
Cuối cùng, trả lời cho câu hỏi về sứ điệp nào Cha Tansi để lại cho người dân Nigeria, thì Ðức Hồng Y Arinze đã cho biết như sau:
Cha TANSI đã để lại một sứ điệp rõ ràng cho người dân Nigeria, cho người Châu Phi. Và sứ điệp của ngài là: "Anh chị em tất cả đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện, không cần phải sinh ở Roma mới làm thánh được. Ðối với các Tu Sĩ Nam, Nữ, sứ điệp của ngài để lại là sứ điệp về lòng quảng đại: "tất cả cho Thiên Chúa, đừng bao giờ nhìn lại đàng sau". Với người dân Nigeria và Châu Phi, ngài nói: "Hãy thành lập một xã hội không biên giới, không phân biệt sắc tộc", bởi vì chính ngài đã biết sống chung với người Châu Âu, tại Anh Quốc, lúc đó người Châu Phi tại Châu Âu còn rất ít. Cha Tansi nói với chúng ta rằng: Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa, Cha chúng ta, nơi đây có chỗ cho chúng ta hết thảy, không phân biệt ai cả".