ÐIỂM BÁO
ngày thứ Hai 25/01/99
về chuyến thăm Mexico của ÐTC

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐIỂM BÁO ngày thứ Hai 25/01/99 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Mexico.

Các báo chí xuất bản tại Ý sáng thứ Hai 25.01.99 vẫn còn dành nhiều bài về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Mexico.

Nhật báo "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma) dành ba bài nơi trang 3: Bài nhất với tít lớn cả trang: "ÐTC yêu cầu phẩm giá bình đẳng cho người dân thổ cư ". Bài báo nhắc đến sự việc hai triệu người tại sân đua xe hơi của Thành Phố Mexico để tham dự thánh lễ bế mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ, và nhận định rằng: "Trong mọi lãnh vực, thách đố của tình liên đới Kitô: thách đố trước thần tài và trước thuyết hoàn cầu kinh tế tập trung trong tay một số người".

Bài báo thứ nhất nầy còn viết thêm như sau: Chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ bốn tại Mexico của Ðức Gioan Phaolô II để chỉ đường cho mọi người trước thềm của Ngàn Năm Thứ ba. Ðây là những con đường chắc chắn của tình huynh đệ và của hòa bình. Tại Thành Phố Mexico, sau khi đã lên án hai cám dỗ lớn của Châu Mỹ: tức là nền văn hóa của sự chết và thần tài, thì vào thứ Ba tới đây 26/01/99, tại Saint-Louis, ÐTC sẽ trở lại hai vấn đề này trong buổi gặp gỡ Tổng Thống Clinton. ÐTC đã chọn Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 24/01/99, để đề cập đến vấn đề của các người thổ cư tại Chiapas. Theo ÐTC, cuộc nổi loạn này không phát xuất bởi điều gì khác, hơn là bởi việc khước từ các quyền của họ. Ðây cũng là vấn đề đã được ÐTC nêu lên với Tổng Thống Zedillo trong buổi gặp gỡ riêng tại dinh Tổng Thống hôm chiều thứ Bảy 23/01/99. ÐTC đã nói đến sự cần thiết phải đối thoại với những anh chị em thổ cư nầy. Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 24/01/99, ÐTC đã công khai yêu cầu Nhà Cầm quyền Mexico hãy hoạt động cho công ích của mọi người dân với ý thức sâu xa về công bình, hãy xây dựng một xã hội công bình hơn, huynh đệ hơn, một xã hội liên đới với tất cả những ai không có tài sản gì cả và đang chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn".

Trong phần kết thúc bài giảng , nghĩ đến 60 triệu dân Mexico (trong số 90 triệu) sống trong cảnh túng thiếu, hướng về Ðức Mẹ Guadalupe, Ðức Gioan Phaolô II nói lên những lời tha thiết sau đây: "Tôi nài xin tất cả các tín hữu của Quốc Gia này hãy dấn thân giúp đỡ anh chị em túng thiếu hiện sống giữa anh chị em. Ðiều cần thiết là tất cả và mỗi một người, con cái của quê hương này, được hưởng những điều cần thiết để sống xứng đáng, bởi vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa.

Tờ "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma) cũng đăng bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Rivera, Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành phố Mexico. Ðức Hồng Y nói: "Xứ sở này bị chế độ lường gạt. Nước chúng tôi đãõ tiến được những bước dài trong lãnh vực dân chủ, y tế, giáo dục, kinh tế, giao thông và trong nhiều lãnh vực khác nữa; nhưng tiếc thay, Mexico đang tham dự vào một tiến trình mà người ta gọi là "hoàn cầu hóa" và trở nên "người tù" của tư lợi của những nhóm kinh tế vô nhân đạo". Ðức Tổng Giám Mục nói tiếp: Mexico bị đe dọa bởi những kiểu mẫu sống ngoại lai, không phù hợp với nền văn hóa, lịch sử của mình. Chuyến viếng thăm của ÐTC đánh dấu một bước quặt cho đời sống xứng đáng hơn của con người".

Bài nhận định thứ ba có tựa đề lớn như sau: "Như một ông Colombo mới, Ðức Wojtyla làm cho chúng ta khám phá một Mỹ Châu mới". Ông Christophe Colombo khám phá tân thế giới năm 1492. Bài nhận định lưu ý rằng: Thứ Ba 26 tháng Giêng 1999, trong buổi gặp gỡ với TT Clinton, ÐTC sẽ nói: "Không chấp nhận "việc hoàn cầu hóa kinh tế ", nhưng chấp nhận "việc hoàn cầu hóa" tình liên đới". Cũng như tại Cuba, ÐTC yêu cầu chặn đứng việc sản xuất và buôn bán vũ khí, hủy bỏ các món nợ ngoại quốc cho những nước nghèo khổ: những món nợ này là giây thắt cổ đưa đến cái chết. ÐTC gặp Tổng Thống Clinton tại Saint Louis chính là để nói với ông về những tội của xã hội, những tội đang kêu thấu trời. Ðồng thời, với sức mạnh và sự khôn ngoan, ÐTC sẽ làm cho ông hiểu rằng: Châu Mỹ là một, từ Alaska đến miền Ðất Lửa, miền cuối cùng của Chili và Argentina; Châu Mỹ không tự cứu mình được, nếu đóng kín cửa đối với người khác. Hiện nay Hoa Kỳ ở trong tình thế mỗi ngày mỗi cô lập thêm. Tác giả bài báo đăït câu hỏi: Liệu Ðức Gioan Phaolô II thành công không? và trả lời: Có thể ÐTC sẽ thành công, bởi vì Vị Giáo Hoàng tuổi tác này có một đức tin sắt đá và Vị Tổng Thống trẻ kia bị "yếu thế" vì vụ tai tiếng và đang bị Quốc Hội xử.

Nhật báo Người Ðưa Tin (Il Messaggero), một trong các tờ báo được đọc nhiều hơn cả trong nước Ý, viết về chuyến viếng thăm nơi trang dành cho các biến cố ngoại quốc. Với tít lớn chiếm cả trang 16, báo này viết: "ÐTC đòi phẩm giá bình đẳng cho người dân thổ cư ". Bên cạnh tít lớn này, có đăng hai hình: một về thánh lễ tại sân đua xe hơi - một về Ðức Gioan Phaolô II cầu nguyện sốt sắng trên lễ đài. Báo này dành hai bài: một bài nói về thánh lễ và bài giảng bênh vực người dân thổ cư tại sân đua xe hơi của Thành Phố Mexico - Bài thứ hai với tít đề: "Châu Âu, thiên thần hộ thủ của nền kinh tế dựa trên luân lý". Bài báo nhắc đến "Thuyết chống đế quốc của Vatican". Nhắc lại lập luận của nhật báo Người Quan Sát Roma, (L’Osservatore Romano) cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, Báo Nguời Ðưa Tin đã viết: Trong một loạt bài diễn văn được coi như có tính cách "Tổng Hợp" của Triều Giáo Hoàng của Ðức Karol Wojtyla, tiếng nói của Ðức Gioan Phaolô II đã vang lên nhiều lần chống lại những người chủ trương có thể phác họa tương lai lục địa Châu Âu, bằng việc tách lìa kinh tế khỏi nền luân lý. Báo này nhận định rằng: "Trong lúc Ðức Gioan Phaolô II giảng tại Guadalupe, thì Vatican cho công bố tên của vị Sứ Thần đầu tiên cạnh Liên Hiệp Châu Âu. Ðây là một dấu hiệu tốt. Và có lẽ cũng không phải là ngẫu nhiên. Ðiều này có nghĩa là đối với Giáo Hội, chính Châu Âu sẽ đứng ra lãnh nhận vai trò của một siêu cường, bắt buộc đối thoại với một đế quốc duy nhất còn lại của thế kỷ này. Ngoài ra, Châu Âu của các quốc gia đang được hưởng một mức sống ngang hàng với 50 bang Hoa Kỳ, một mức sống vật chất mà cựu Liên Xô và Khối Ðông Âu do Liên Xô lãnh đạo không bao giờ đạt tới. Với Châu Âu, Cựu Lục Ðịa có thể loại trừ một cách hiệu nghiệm các tội lỗi của những nền kinh tế tự do, phát sinh bởi cuộc cách mạng kỹ nghệ: chỉ chú trọng đến việc thỏa mãn những nhu cầu của người giầu, mà không quan tâm đối phó với các vấn đề của người nghèo. Báo này kết luận: Thế giới nghe hay không, các vị Giáo Hoàng Roma có nghĩa vụ phải lên tiếng, vì đây là sứ mệnh của Giáo Hội.

Nhật báo La Stampa (Ấn Bản) phát hành tại Torino (Thành phố xe hơi ) đã đề tựa lớn nơi trang dành cho các biến cố ngoại quốc rằng: Mexico nghiêng mình trước ÐTC. Bóng của Chiapas trong lời của Ðức Karol Wojtyla nói lên với người dân thổ cư rằng: Mọi người đều có phẩm giá bằng nhau. Báo này thuật lại lời tuyên bố của một nhân viên chính phủ Mexico rằng: ÐTC đến thăm để bật lên ánh sáng cho việc giải quyết vấn đề Chiapas, qua đường lối đối thoại với người dân Zapatas. Viên chức này quả quyết như sau: "Ðường lối này chính là đường lối của chính phủ".

Nhật báo La Stampa cũng nói đến một số vị Hồng Y có thể là Giáo Hoàng tương lai, trong một bài xã luận có tựa đề là: "Một vị Giáo Hoàng Châu Mỹ Latinh".

Lý do mạnh mẽ là vì Châu Mỹ chiếm tới gần nửa số người Công Giáo thế giới. Các vị có thể là Giáo Hoàng tương lai, được nhật báo nhắc đến là: Ðức Hồng Y Noberto Rivera, Tổng Giám Mục giáo phận Thành phố Mexico. Nhưng Ðức Hồng Y đã trả lời một cách khôi hài như sau: "Như vậy tôi có may mắn hơn chị tôi, một nữ tu. Nhưng tôi thấy trong viện Hồng Y còn biết bao vị khác xứng đáng hơn tôi".

Vị khác là ÐHY Neves Lucas Moreira, người Brazil, hiện là Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, rất nhân đức và thông thái, quen biết rõ ràng Giáo Triều Roma, có kinh nghiệm mục vụ; nhưng năm nay ngài 74 tuổi rồi.

Một vị khác cũng của Châu Mỹ Latinh, là Ðức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, người Colombia, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ, một trong ba vị chủ tịch đặc ủy của ÐTC trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ, năm nay 69 tuổi, đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ và rất được biết đến, do các chức vụ ngài đảm nhận trước khi được gọi về Roma.

Vị sau cùng cũng được nhắc đến : là Ðức Hồng Y Jaime Ortega , Tổng Giám Mục Giáo Phận La Havana, thủ đô Cuba. Báo này kết thúc như sau: Ðây chỉ là những giả thuyết. Bởi vì dù mệt nhọc, cao niên và bị đau khổ nhiều, Ðức Gioan Phaolô II xem ra còn nhiều nghị lực và sáng suốt thi hành bổn phận trong thời gian lâu dài nữa. Ai cũng thấy rõ trong những ngày này sức chịu đựng và sự hăng hái của ngài như thế nào, mặc dù đã 79 tuổi rồi.


Back to Radio Veritas Asia Home Page