Ðức Hồng Y Stepinac
Chân Phước Tử Ðạo
còn sống động
trong tâm hồn tín hữu Croat

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Hồng Y Stepinac, Chân Phước Tử Ðạo, còn sống động trong tâm hồn tín hữu Croat.

Nhật báo Người Quan Sát Roma (L’Osservatore Romano), cơ quan ngôn luận bán chính thức Tòa Thánh, số ra ngày thứ Bảy 17.04.99, đã đăng một bài với tựa đề: "Những cuộc hành hương liên tiếp tại Krasic, nơi Ðức Hồng Y Stepinac đã sống lưu đầy ở miền biên giới: Ðây là một trả lời cho các người muốn xóa bỏ việc kính nhớ Vị Tử Ðạo này".

Ðức Hồng Y Alojzije Stepinac, Tổng Giám Mục Zagreb, Tử Ðạo dưới chế độ cộng sản Tito tại Yougoslavie, đã được Ðức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân Phước ngày 3 tháng 10 năm 1998 tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Marija Bistrica, cách thủ đô Zagreb khoảng 50 cây số. Từ đó tới nay, xã Krasic, sinh quán của tân Chân Phước, trở nên điểm hành hương liên tiếp của người dân Croat. Krasic một xã lớn gồm khoảng 5 ngàn người, nơi đây Ðức Hồng Y Stepinac bị quản thúc, sau khi được ra khỏi tù, từ ngày 5 tháng 2 năm 1951 đến ngày 10 tháng 2 năm 1960, lúc ngài qua đời. Vì trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, Vị chủ chăn can đảm này cương quyết không thành lập Giáo Hội quốc gia tách khỏi hiệp thông với Roma, như chế độ Titô muốn. Vì lòng trung thành này, việc bách hại Giáo Hội và các vị chủ chăn tại Liên Bang Yougoslavie thời Thống Chế Tito trở nên rất dữ dội.

Trong những năm bị giam tại Krasic, Ðức Hồng Y Stepinac tuyệt đối không được ra khỏi xã. Công an canh phòng rất cẩn mật và dò xét mọi hành động. Mỗi khi ngài ra khỏi nhà đi dạo chung quanh nhà xứ, đều bị công an theo dõi từng bước. Sau cùng, rất đau buồn và bị xúc phạm bởi thái độ vô nhân đạo của công an, Ðức Hồng Y đã từ chối hẳn việc ra khỏi hai phòng nhỏ của nhà xứ, nơi ngài bị quản thúc.

Xã Krasic trở nên như một nhà giam lớn lao, trong đó không một nguời nào được hoàn toàn tự do đi lại, đến độ người dân thường khôi hài với nhau và gọi xã của họ là "Một Vatican nhỏ bé" và khi nhắc đến Tòa Tổng Giám Mục Zagreb (Tòa Giám Mục của Ðức Hồng Y Stepinac), họ gọi là "Kaptol nhỏ" (đồi có nhà thờ Chính Tòa và Tòa Tổng Giám Mục Zagreb).

Về điều kiện sinh sống hằng ngày của Ðức Hồng Y, cha sở Josip Vranekovic ghi lại từng chi tiết trong cuốn nhật ký. Sống bên cạnh Ðức Hồng Y, ngoài cha sở, còn có 5 Nữ tu thuộc Dòng Nữ Tì Chúa Giêsu Hài Ðồng. Ngày 11.10.1946, Ðức Hồng Y bị án tù 16 năm và bị giam tại Lepoglava; sau đó bị quản thúc tại Krasic. Khác hẳn lúc bị giam tại Lepoglava, tại Krasic Ðức Hồng Y được cử hành thánh lễ trong nhà thờ xứ, giảng và giải tội, nhưng cho các người Công Giáo trong xã mà thôi. Các người xa lạ khác tuyệt đối không được đến gần Ðức Hồng Y. Bất cứ một tiếp xúc nào với bên ngoài, đều bị cấm và kiểm soát nghiêm nhặt. Dầu vậy, vẫn có những viếng thăm "lén lút". Cha Franjo Kuharic, sau này làm Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb, lúc đó là một Linh Mục trẻ trung và cũng là học trò của Ðức Hồng Y tại Chủng Viện, đã viếng thăm Chủ Chăn và Thầy của mình nhiều lần. Ngoài ra, tại nơi quản thúc này Ðức Hồng Y còn viết và trả lời từng ngàn lá thư cho mọi hạng người: đây là một việc tông đồ đã giúp đỡ rất nhiều nguời Công Giáo Croat trong thời kỳ khó khăn, khuyến khích họ can đảm đối phó với cuộc bách hại của chế độ.

Các đoàn hành hương ngày nay đến Krasic không thấy gì đặc biệt. Nhà thờ rất đơn sơ. Bên ngoài có đài kỷ niệm và tượng Ðức Hồng Y Stepinac; bên trong có giếng Rửa Tội, nơi đây Stepinac đã lãnh bí tích đầu tiên, để trở nên con cái Chúa. Bên phải bàn thờ một mộ được chuẩn bị sẵn để an táng Ðức Hồng Y sau khi qua đời. Nhưng ngay sau lúc ngài qua đời, Nhà Nước cho phép an táng trong Nhà Thờ Chính Tòa. Ðức Hồng Y Kuharic, kế vị Ðức Hồng Y Stepinac và Seper, tại Tòa Zagreb, tuyên bố: "Việc Nhà Nước cho phép an táng Ðức cố Hồng Y trong Nhà Thờ Chính Tòa được coi như là một phép lạ. Thực ra, theo luật của chế độ, một tù nhân phải an táng tại nơi chết. Trước ngày an táng, một đại diện chính phủ đến nói với Ðức Hồng Y Seper, (lúc đó là Tổng Giám Mục Zagreb và sau này được Ðức Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin), có thể an táng Ðức Stepinac trong Nhà Thờ Chính Tòa. Nhưng vị đại diện Nhà Nước không giải thích lý do tại sao. Sau ít năm, ông Krajacic, Bộ Trưởng Nội Vụ Chính Phủ Liên Bang Yougoslavie, tiết lộ là chính ông đã cho lệnh an táng Ðức Hồng Y Stepinac tại Zagreb trong Nhà Thờ Chính Tòa. Nhưng thực ra đây là lệnh của chính Thống Chế Tito. Ông Krajavic cho biết là Nhà Cầm Quyền không muốn Krasic trở nên nơi hành hương "Marija Bistrica" thứ hai tại Yougoslavie. Marija Bistrica là Ðền Thánh Kính Ðức Mẹ được người dân Công Giáo Croat đến hành hương đông đảo và ở chính nơi này, Ðức Hồng Y Stepinac đã được tôn phong lên bậc Chân Phước Tử Ðạo ngày mồng 3 tháng 10 năm 1998. Ai Ai cũng thấy rằng việc tôn phong Ðức Hồng Y Stepinac, Tử Ðạo dưới chế độ cộng sản Tito, lên bậc Chân Phước ngày mồng 3 tháng 10 năm 1998, là một việc phục hồi lịch sử, được xác nhận chính thức bởi sự hiện diện của Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô tại Ðền Thánh Marija Bistrica. Nhà Cầm Quyền không muốn một xã nhỏ như Krasic trở thành một Marija Bistrica thứ hai, thì nay không những xã Krasic mà còn cả Nhà Thờ Chính Tòa Zagreb đang trở thành những địa điểm hành hương của các người Công Giáo Croat và của các người Công Giáo thế giới, đến kính viếng Ðức Hồng Y Stepinac, Chân Phước Tử Ðạo. Người ta nhớ lại lời Ðức Hồng Y Stepinac đã nói trong lúc bị cầm tù, rằng: "Cơn giông tố sẽ qua đi, nhưng Thiên Chúa đời đời tồn tại". Những người bách hại Giáo Hội đã chết, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại.


Back to Radio Veritas Asia Home Page