Tường thuật về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Mêhicô. Biến cố quan trọng Sáng Thứ Bảy 23/01/99: Thánh Lễ tại Ðền Ðức Mẹ Guadalupe, để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu.
Chúng ta đã bắt đầu ngày Chúa Nhật 24/01/99, nhưng tại Mêhicô, ÐTC vừa mới kết thúc những biến cố của ngày viếng thăm thứ hai, tức thứ Bảy 23/01/99. Ðây là ngày cao điểm của chuyến viếng thăm Mêhicô lần nầy, với biến cố quan trọng nhất là Thánh Lễ tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupê, vào lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương Mêhicô, để kết thúc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu vừa đồng thời công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, có tựa đề là "Ecclesia in America", Giáo Hội tại Mỹ Châu. Biến cố thứ hai của ngày viếng thăm Thứ Bảy 23/01/99, là vào lúc 6 giờ chiều, ÐTC đến viếng thăm xã giao Tổng Thống Mêhicô, tại dinh Tổng Thống và gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Mêhicô. Trước khi tường thưật những chi tiết của biến cố sáng thừ Bảy 23/01/99, tức Thánh Lễ tại Ðền Thánh Ðức Bà Guadalupê, để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu.
Sáng Ngày thứ Bảy 23/01/99, ngày thứ hai trong số bốn ngày viếng thăm Mêhicô, biến cố cao điểm, không những của ngày viếng thăm mà còn của toàn bộ cuộc viếng thăm, là Thánh Lễ trọng thể tại Ðền Thánh Ðức Bà Guadalupê, vào lúc 10 giờ sáng, để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu đã được cử hành tại Vatican từ ngày 12 tháng 11 cho đến 16 tháng 12 năm 1997. Tông Huấn đề ra những đường hướng mục vụ cho Giáo Hội Công Giáo tại toàn thể Châu Mỹ, chớ không phải chỉ cho Giáo Hội Mêhicô không mà thôi. Vì thế biến cố nầy có tầm quan trọng cho toàn đại lục Mỹ Châu. Người ta có thể ghi nhận con số thật đông các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Linh Mục từ khắp các nước Châu Mỹ đến đồng tế thánh lễ với ÐTC. Ðó là không kể hằng trăm ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, mà nhiều người đã đến địa điểm từ chiều hôm trước.
Trong bài giảng thánh lễ, ÐTC đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi toàn thể Giáo Hội tại Mỹ Châu hãy tìm giải pháp cho những vấn đề trầm trọng đang tác hại Châu Mỹ, như vấn đề thuốc phiện, sự nghèo cùng, sự kỳ thị chống lại những người dân bản xứ và những người gốc từ Phi Châu đến, nạn nợ nần nước ngoài, nạn ô nhiễm môi sinh, nạn tham nhũng trên mọi cấp bực, nạn khủng bố và bạo lực, nạn buôn bán vũ khí.
ÐTC đã nói như sau:
"Ngày hôm nay, tại Vương Cung Thánh Ðường Guadalupe, trung tâm Thánh Mẫu của Mỹ Châu, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Khóa Họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, một Phòng Tiệc đích thực của sự hiệp thông Giáo Hội và của tình thân hiệp đoàn giữa các vị Chủ Chăn của ba miền Bắc, Trung và Nam của đại lục. Khóa Họp đã trải qua cùng với Giám Mục Roma như là kinh nghiệm gặp gỡ huynh đệ với Chúa Phục Sinh, con đường của việc trở lại, hiệp thông và liên đới tại Mỹ Châu."
"Hỏi Giáo Hội tại Mỹ Châu, ngươi thật có phúc, vì đã sinh ra nhiều dân tộc cho đức tin vừa đồng thời đón nhận Tin Vui Mừng của Phúc Âm. Ngươi thật có phúc, vì đã tin, đã hy vọng, đã yêu thương, bởi vì lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện. Những cố gắng anh hùng của các nhà truyền giáo và công cuộc rao giảng Phúc Âm đáng khâm phục của năm thế kỷ qua, đã không trở nên vô ích. Ngày hôm nay, chúng ta có thể nói rằng, nhờ những cố gắng đó mà Giáo Hội tại Châu Mỹ là Giáo Hội của niềm hy vọng. Chỉ cần nhìn thấy sức hăng say của biết bao người trẻ, giá trị đặc biệt mà người ta dành cho gia đình, việc trổ sinh nhiều ơn kêu gọi linh mục và tu dòng, và nhất là lòng đạo đức sâu xa của các dân tộc tại Ðại Lục Châu Mỹ nầy. Chúng ta đừng quên rằng trong ngàn năm mới gần kề. Châu Mỹ sẽ là đại lục với số người Công Giáo đông nhất."
"Thử hỏi có phải là việc táo bạo khi hy vọng rằng, sau Khóa Họp Thượng Hội Ðồng GiámMục Mỹ Châu, khóa họp cho đại lục Mỹ Châu đầu tiên trong lịch sử giáo hội-- thì được phát triển trong đại lục có đa số Công Giáo nầy, một cách thức đầy tinh thần Phúc Âm hơn để sống và chia sẻ. Nghĩ như vậy có là việc táo bạo hay không? Có nhiều lãnh vực trong đó các cộng đoàn Kitô tại Bắc, Trung và Nam Mỹ, có thể biểu lộ những liên lạc huynh đệ, thực thi tình liên đới thật sự và cộng tác vào những dự án mục vụ chung, mỗi người góp vào những sự phong phú thiêng liêng và vật chất mà mình có."
"Giáo Hội phải công bố Tin Mừng sự sống và tố cáo với sức mạnh của người tiên tri, tố cáo nền văn hóa của sự chết. Ước chi Ðại Lục của Hy Vọng cũng là đại lục của sự sống. Ðây là tiếng kêu lớn của chúng ta: hãy kiến tạo một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người. Cho những thai nhi đã được cưu mang trong lòng mẹ, cho những trẻ em bụi đời sống ngoài đường phố, cho những người dân bản xứ, cho những người gốc Phi Châu, cho những người di dân và tị nạn, cho những người trẻ thiếu mọi cơ hội để thăng tiến đời mình, cho những người già cả, cho tất cả những ai cảm nghiệm bất cứ sự nghèo khổ hay sự bị loại ra bên lề xã hội.
Anh chị em rất thân mến, đã đến lúc chúng ta phải nhất quyết loại ra khỏi đại lục Mỹ Châu nầy bất cứ sự tấn công nào chống lại sự sống. Xin đừng bao giờ có bạo lực, đừng bao giờ có nạn khủng bố và buôn bán thuốc phiện. Ðừng bao giờ có nạn tra tấn hay những hình thức lạm dụng khác. Cần phải chấm dứt việc xử dụng vô ích án tử hình. Ðừng bao giờ có nạn khai thác bóc lột những kẻ yếu thế, đừng bao giờ có nạn kỳ thị chủng tộc, đừng bao giờ có những khu ổ chuột cùng khổ. Ðừng bao giờ có những tệ nạn như vậy nữa. Ðó là những điều xấu không thể dung dưởng được nữa; những điều xấu nầy kêu thấu đến trời cao và mời gọi những người Kitô hãy có một nếp sống khác, hãy dấn thân vào trong xã hội một cách phù hợp hơn với đức tin của họ. Chúng ta cần phải thức tỉnh lương tâm của những con người nam nữ bằng Phúc Âm, để làm nổi bật lên ơn gọi cao cả của họ là những con cái của Thiên Chúa. Ðiều nầy sẽ soi sáng để họ xây dựng một Mỹ Châu tốt đẹp hơn. Cần phải khẩn thiết khơi dậy một mùa xuân mới của sự thánh thiện trong đại lục nầy, sao cho hành động và chiêm niệm cầu nguyện cùng đồng hành chung với nhau."
Ðó là những lời quan trọng của ÐTC vạch ra một chương trình sống cho mọi thành phần Giáo Hội Chúa tại Châu Mỹ. Hẹn gặp lại quý vị trong bài tường thuật sau.